#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Hiếm có màu sắc nào có lịch sử đầy phong phú cũng như cả tranh cãi như màu hồng.
Từ rất sớm, con người đã chuyển từ việc ngưỡng mộ màu sắc này sang việc cố gắng mặc nó. Trước đấy ai cũng biết đến màu đỏ đậm và màu tím như những sắc màu hoàng gia, bởi các sắc tố tạo ra chúng rất khó tìm thấy trong tự nhiên và do đó có giá thành cao. Suốt nhiều thế kỷ, chỉ giới quý tộc mới đủ khả năng chi trả để mặc những trang phục có màu sắc này.
Nhưng vào khoảng thế kỷ 18, những màu pastel trở nên rất thịnh hành tại các triều đình châu Âu. Có lẽ người góp phần lớn nhất vào sức ảnh hưởng của màu hồng là Madame de Pompadour — người tình của Vua Louis XV. Bà thường được họa sĩ François Boucher khắc họa trong những chiếc váy và đôi giày màu hồng đặc trưng của mình, nổi bật nhất là trong tác phẩm Madame de Pompadour năm 1759.
Trong giai đoạn này, màu hồng gắn liền với sự phù phiếm của thời trang cao cấp Pháp cũng như trở thành biểu tượng của sự duyên dáng, hấp dẫn và gợi cảm.
Kể từ đó, màu hồng đã được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau trong lịch sử và ý nghĩa của nó cũng thay đổi theo thời gian. Câu hỏi đặt ra là: Hiện tại màu hồng đang ở đâu, và nó sẽ tiến tới đâu trong tương lai?
Trong văn học và ngôn ngữ, màu hồng thường hay thể hiện sự nữ tính. Lấy ví dụ như cụm từ tiếng Ý letteratura rosa (dịch xác nghĩa là “văn học màu hồng”, tức chỉ tiểu thuyết lãng mạn) chẳng hạn. Hay, trong tiểu thuyết Lolita của nhà văn Vladimir Nabokov, màu hồng không chỉ là yếu tố miêu tả thị giác mà còn mang tính biểu tượng, phản ánh những chủ đề cốt lõi của tác phẩm như sự ngây thơ bị bóp méo, dục vọng, và quyền lực.
Chúng ta thường thấy sắc hồng “chói lóa” được coi là tích cực, sôi động, và mang cảm giác phiêu lưu; nhưng nó cũng có thể bị đánh giá là thô tục và lòe loẹt, trái ngược với hiệu ứng tinh tế, nhẹ nhàng của sắc hồng pastel. Trong khi đó, sắc magenta (hay màu hồng cánh sen) không có trong tự nhiên thường bị xem là nhân tạo, lòe loẹt, hung hăng và “gây chú ý” cho người diện nó.
Những tính từ trên càng được nhấn mạnh hơn bởi việc sử dụng màu hồng trong nhiều đồ vật, khiến nó càng có cảm giác thiếu tự nhiên trong mắt người nhìn. Có lẽ chính sắc hồng đậm, bão hòa, phẳng lì, tông màu cường điệu với mục đích phô trương rõ rệt đã khiến nó gắn liền với sự nhục dục, đặc biệt là hình ảnh tính dục nữ bị cường điệu hóa.
Trong các nền văn hóa phụ hệ, tính dục phần lớn được định nghĩa từ góc nhìn của nam giới. Điều này dẫn đến nữ giới bị gợi dục hóa trong ngôn ngữ và văn hóa đại chúng, đến mức họ gần như chỉ được coi là đối tượng của ham muốn tình dục.
Điều này đặc biệt rõ nét trong văn hóa Nhật Bản, nơi màu hồng không chỉ biểu thị sự dễ thương (hay kawaii) trong văn hóa manga lãng mạn và các sản phẩm như Hello Kitty, mà còn ám chỉ ngành công nghiệp mại dâm. Cũng có các bộ phim “Hồng” (ピンク映画: Pinku eiga), một thể loại phim khiêu dâm nhẹ của Nhật Bản chiếu rạp.
Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi các đồ vật và hình ảnh thường sử dụng màu hồng để kết hợp giữa nữ tính và tính dục. Điều này thể hiện rõ nhất trong các chiến dịch truyền thông thị giác hướng đến phụ nữ. Ví dụ nổi bật nhất có lẽ là thương hiệu đồ lót Victoria’s Secret hoặc tựa đề màu hồng của loạt phim nổi tiếng Sex and the City trên HBO.
Có thể nói, màu hồng không hẳn là màu sắc được mọi người yêu thích cho lắm. Trong một nghiên cứu khoa học, chỉ có 7,7% người tham gia, bất kể đến từ nền văn hóa nào, chọn màu hồng là màu yêu thích nhất của họ; trong khi đó có đến 10,1% cho rằng đây là màu họ ghét nhất. Đặc biệt, không có người đàn ông nào chọn màu hồng là màu yêu thích của họ cả, nhưng cứ 5 người đàn ông thì có 1 người xếp nó vào danh sách ít được ưa chuộng nhất.
Dù kết quả trên không mấy tích cực cho “hội yêu” màu hồng, các sắc thái của màu này lại xuất hiện khá phổ biến trong vai trò marketing bằng thị giác, đặc biệt gắn liền và lôi kéo khách hàng là nữ.
Khi ta “phân loại đồ tiêu dùng” bằng màu sắc, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng nữ sẽ mua sản phẩm cho chính mình, con gái hoặc các bé gái khác. Từ búp bê Barbie, quần áo trẻ em gái, đến cả bó hoa hồng nhạt trong các dịp Valentine và Ngày của Mẹ, hay thiệp sinh nhật dành riêng cho phụ nữ và bé gái; các sản phẩm hướng đến thị trường nữ giới đều tràn ngập sắc hồng.
Ngược lại, sản phẩm dành cho nam giới thường sử dụng gam màu đen hoặc xanh dương với các đường xiên góc cạnh; được thể hiện rõ trên nhiều bao bì mỹ phẩm, đồ chơi, và bìa tạp chí hướng tới đối tượng này.
Tính chất phân biệt giới tính của màu hồng rõ rệt nhất trong lĩnh vực thời trang. Màu sắc trên quần áo giống như một ngôn ngữ “mã hóa bí mật” trong xã hội, giúp con người dễ dàng phân loại các món đồ hơn. Nó đặc biệt thể hiện nhiều nhất ở mảng đồ cho trẻ em, khi các lựa chọn thời trang như quần áo màu hồng cho bé gái vẫn tiếp tục là một khuôn mẫu phổ biến.
Điều này khá là kỳ lạ, bởi vì nếu ta quay ngược thời gian về trước năm 1920, màu hồng từng là màu phổ biến dành cho bé trai. Khi đó, màu hồng và xanh nhạt được coi là phiên bản nhẹ nhàng hơn của đỏ (màu “nam tính” biểu tượng cho máu và chiến đấu) và xanh dương (màu biểu trưng của Đức Mẹ Đồng Trinh trong biểu tượng tôn giáo). Về sau, màu xanh dương dần được gắn liền với các ngành nghề nam giới, đặc biệt là hải quân, thay vì mang ý nghĩa tôn giáo ban đầu.
Một khía cạnh khác đáng chú ý trong lịch sử thiệt thòi của màu hồng “thuế hồng” (tiếng Anh là pink tax). Đây không phải là một loại thuế chính thức do chính phủ áp đặt, mà là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng chênh lệch giá giữa các sản phẩm dành cho phụ nữ và nam giới, trong đó sản phẩm dành cho phụ nữ thường đắt hơn, dù chức năng hoặc chất lượng tương tự.
Hiện tượng này xuất phát từ cách các nhà sản xuất và nhà bán lẻ định giá sản phẩm dựa trên sự phân biệt giới tính và hành vi tiêu dùng, thường nhắm vào phái nữ như một đối tượng “tiêu dùng tiềm năng cao”.
“Thuế hồng” có thể ảnh hưởng tài chính, khi người phụ nữ phải chi trả nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm hàng ngày, ảnh hưởng đến ngân sách cá nhân, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp. Nhưng để nói rộng ra, nó cũng phản ánh sự bất bình đẳng kinh tế giữa nam và nữ, đặc biệt khi xét đến thực tế rằng phụ nữ vẫn phải đối mặt với khoảng cách thu nhập giới.
Cũng cần phải lưu ý rằng, nhà sản xuất thường áp dụng các tiêu chuẩn bao bì và chất lượng khác nhau, khiến người tiêu dùng khó xác định liệu sản phẩm họ mua có bị áp dụng “thuế hồng” hay không. Điều này đòi hỏi người tiêu dùng phải có nhận thức cao và cảnh giác để có thể nhận diện và phản đối sự phân biệt giá dựa trên giới tính.
Chính vì lịch sử “tai tiếng” của màu hồng gắn liền với sự nữ tính và tình dục cường điệu hoá trong văn hoá đại chúng, thành ra, bất cứ đồ vật hay phương tiện truyền thông nào gắn liền quá mật thiết với mảng màu này đều bị chỉ trích nặng nề, vì duy trì các chuẩn mực giới tính và cũng như giới hạn sự thể hiện cá tính của cá nhân. Tuy nhiên, một số người cũng cho rằng màu hồng có thể được tái định nghĩa lại và sử dụng như một cách để trao quyền lợi cho phụ nữ.
Năm ngoái, màu hồng đóng một vai trò đặc biệt trong văn hóa đại chúng nhờ bộ phim hài Barbie của hãng phim Warner Bros. – cũng là tác phẩm đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại của hãng.
Công chiếu vào tháng 7 năm 2023, với tông hồng phủ khắp mọi nơi, Barbie khắc họa một thế giới mộng mơ nhân tạo, gợi lên sự hoài niệm và niềm vui, thỏa mãn nhu cầu thoát ly thực tại (escapism) của khán giả. Đã thế, ta còn không thể không kể đến chiến dịch Marketing tài tình đã “nhuốm” màu hồng ở khắp nơi: Từ biển quảng cáo, xe buýt, các nền tảng mạng xã hội, đến thảm đỏ lộng lẫy của dàn diễn viên vào ngày công chiếu.
Đạo diễn Greta Gerwig chia sẻ: “Tôi muốn sắc hồng thật rực rỡ, và mọi thứ phải thật choáng ngợp. Tôi muốn tạo ra một điều gì đó hỗn loạn, hoang dại và hoàn toàn điên rồ.”
Tuy nhiên, sự nổi lên của màu hồng cùng với bộ phim không chỉ là sự trùng hợp. Với hơn 100 thương hiệu hợp tác (đến cả thanh công cụ tìm kiếm Google cũng “tô điểm” trang web của mình với những ánh hồng), sắc màu này dường như đã vượt ra khỏi quan niệm rằng nó chỉ dành cho những người có tính cách nữ tính hay thiếu nghiêm túc. Thay vào đó, nó đã trở thành biểu tượng của cộng đồng.
Nhưng, việc Gerwig sử dụng màu hồng không phải là một hành động phản kháng đơn thuần. Bởi, nếu là phản kháng, điều đó sẽ khó bán được về mặt thương mại.
Thay vào đó, màu hồng trong phim lan tỏa sự vui nhộn, mang đến cho khán giả một lối thoát đầy thú vị vào một thế giới nơi việc yêu thích màu hồng không nhất thiết phải gắn liền với tuyên ngôn về sự nữ tính. Mà đơn giản, đây là sự tôn vinh niềm vui thuần túy trong một bộ phim không ngần ngại thể hiện sự nữ tính.
Trong thời trang, màu hồng đang được tái định nghĩa thành màu sắc trung tính về giới. Các nhà thiết kế đã và đang dần đưa nó nhiều hơn vào các bộ sưu tập thời trang nam, phá vỡ những định kiến giới truyền thống. Những lựa chọn này thường tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đặc biệt ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.
Ví dụ, ca sĩ Harry Styles từng làm rộ công chúng vì không chỉ diện màu hồng mà còn chọn những trang phục thách thức các chuẩn mực giới tính truyền thống; hay Daniel Craig, tại buổi ra mắt bộ phim James Bond cuối cùng của mình, đã mặc một chiếc áo khoác hồng, như một tuyên bố phản đối chủ nghĩa nam quyền độc đoán của nhân vật Bond.
Nhìn sang bên ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, các nhóm nhạc/nam ca sĩ K-pop cũng từ lâu đã không ngần ngại thử nghiệm với việc trang điểm hay mặc trang phục không thuần nam tính. Còn trên TikTok, những người trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới, đang dần yêu thích các biểu tượng truyền thống của sự nữ tính như màu hồng, vòng cổ ngọc trai hay sơn móng tay đầy màu sắc.
Có thể thấy, sự linh hoạt giới đang thách thức những quan niệm truyền thống thông thường về giới tính, và không có yếu tố nào đưa giới tính vào cuộc đối thoại nhanh hơn màu hồng cả.
Bằng việc định nghĩa lại sắc hồng trong văn hoá đại chúng, nó sẽ không còn chỉ đơn thuần là mang nhãn mác của sự dịu dàng, đáng yêu; mà trở thành phương tiện để phá vỡ các định kiến về nữ tính và mở rộng cách nhìn nhận về màu sắc trong việc biểu hiện cá nhân.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
Không ai trên đời hoàn hảo đến mức không có lấy 1 "anti-fan" cả. Thế…
Nếu đã từng hoặc đang ở trong tình huống cấp bách mà cần phải ra…
Hãy để The Millennials Life làm người chỉ đường trong cuộc đời của bạn với…
Triển lãm tranh "The Story Teller" là “cuốn nhật ký” nghệ thuật ghi lại những…
Chẳng biết từ bao giờ, cốc rượu trắng tinh khiết đã trở thành một phần…
Có nên khôn ngoan khi 2 người làm bạn với nhau trước khi bắt đầu…