Triển lãm Miss Dior: Stories of a Miss đã mở cửa tại Bảo tàng Roppongi ở Tokyo vào ngày 16.06 vừa qua. Đây là sự kiện trưng bày mới nhất dành riêng cho dòng nước hoa ra mắt bởi Christian Dior vào năm 1947.
Theo dữ liệu tổng hợp từ NPD (tiền thân của công ty cung cấp dữ liệu Circana), bao gồm bảng điều tra châu Âu gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Đức. Ngoài ra, Circana còn tổng hợp cùng với bảng điều tra của Mỹ, Canada và Mexico; cộng với bảng điều tra của Beauty Research tại châu Á. Kết quả cuối cùng cho thấy, Miss Dior được xếp hạng nhất trong số các dòng nước hoa cao cấp dành cho phụ nữ trên toàn thế giới.
Bạn có thể đã quen thuộc với nước hoa Miss Dior, được cho là sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu này. Ra mắt vào năm 1947, sau khi Christian Dior công bố dòng thời trang New Look của mình, loại nước hoa này được miêu tả có hương chính đến từ họ chypre (một khái niệm của nhóm hương đặc trưng bởi sự hòa quyện giữa hương đầu của cam quýt, hương giữa là của labdanum, và hương cuối từ rêu sồi), với nốt hương da và galbanum. Miss Dior được tinh chế bởi Paul Vacher và Jean Carles.
Nhưng liệu bạn đã từng nghĩ rằng, ai là người đã thổi hồn vào chai nước hoa cũng như là một trong những ‘bộ cánh’ cùng tên của ông ấy chưa?
Dior (hay còn được gọi là Christian Dior SE), là một thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp được thành lập vào năm 1946 bởi nhà thiết kế Christian Dior. Thương hiệu này nổi tiếng với những dòng thời trang cao cấp, trang phục may sẵn, đồ da, phụ kiện, giày dép, trang sức, đồng hồ, nước hoa, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da khác.
Từ những năm 1950 đến 1960, hãng Dior mở rộng nhanh chóng, khai trương các cửa hàng trên toàn thế giới và đa dạng hóa sang phụ kiện và nước hoa. Thương hiệu đã ra mắt các loại nước hoa biểu tượng như Miss Dior, Diorissimo và Dior Eau Sauvage. Nhưng trong khoảng thời gian đó, vào năm 1957, Christian Dior qua đời đột ngột. Yves Saint Laurent, người học trò trẻ của ông đã kế nhiệm vị trí nhà thiết kế chính, và tiếp tục đổi mới cũng như nâng tầm thương hiệu.
Ngày nay, Dior hoạt động như một phần của tập đoàn xa xỉ LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton SE) và tiếp tục là thương hiệu tiên phong trong ngành thời trang. Dior đã liên kết với nhiều người nổi tiếng và biểu tượng thời trang, củng cố vị thế như một biểu tượng của sự xa xỉ và phong cách. Ngoài ra, lịch sử và tầm ảnh hưởng của Dior đã được tôn vinh trong nhiều triển lãm trên toàn thế giới, cho thấy tác động lâu dài của thương hiệu đối với thời trang và văn hóa.
Trong cuốn sách Miss Dior: A Story of Courage and Couture của tác giả Justine Picardie, cô đã ‘rọi đèn’ vào chủ thể cũng như nguồn cảm hứng của nhà thiết kế lừng danh; không ai khác đó chính là Catherine Dior, người em gái út của ông. Được miêu tả là một người phụ nữ kiên cường và là thành viên chủ lực trong cuộc Kháng chiến Pháp thời đó, nhưng Catherine Dior vẫn không hề mất đi sự nữ tính của mình.
Với sở thích về hoa lá, nhà thiết kế đã đặt biệt danh cho bà là ‘Miss Dior’, một cái tên mà sau này cũng trở thành dòng nước hoa mang tính hình tượng, cũng như là bộ cánh với ngàn lớp hoa nổi tiếng, và là ‘chất xúc tác’ định hình cho Christian Dior SE sau này.
Trong cuốn sách, Catherine Dior đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông, bao gồm nước hoa Miss Dior và có thể là cả chiếc váy biểu tượng cùng tên. Mặc dù vậy, tác giả phỏng đoán rằng Catherine Dior có lẽ chưa bao giờ mặc chiếc váy cầu kỳ Miss Dior nổi tiếng đó.
Đến năm 1949, bà và bạn đời của mình (ông Hervé des Charbonneries) đã chuyển đến sống gần doanh nghiệp hoa của họ, trong khi vẫn tiếp tục giành nhiều mùa hè ở Les Naÿssès, nơi bà chăm sóc vườn và các cánh đồng hoa được sử dụng trong nước hoa Dior.
Những bức ảnh của Catherine Dior sau chiến tranh cho thấy bà mặc trang phục đơn giản, thực dụng, trái ngược hoàn toàn với thời trang xa hoa của Dior. Sự đối lập này được làm nổi bật trong một bức ảnh năm 1987, khi Catherine Dior mặc một chiếc áo khoác khiêm tốn, đứng cạnh một ma-nơ-canh trong bộ trang phục Dior lộng lẫy. Tác giả Justine Picardie thuật lại những minh chứng mình đã tìm được như sau:
“Những bức ảnh về Catherine sau khi chiến tranh kết thúc, thường được chụp lại khi bà mặc quần vải lanh và áo sơ mi ở Provence, hoặc ăn mặc kín đáo để làm việc ở Paris. Đôi khi, có những sự bất ngờ trong những bức ảnh này: bà một chiếc áo khoác kẻ sọc táo bạo khi dạo bước trên đường phố, khi Catherine đi cùng Hervé; hoặc khi đi dự đám cưới của 2 người bạn thân thiết (chú rể là một cựu đồng đội trong mạng lưới Kháng chiến của họ; cô dâu là người thân của Hervé), thì bà mặc một chiếc áo khoác Dior in họa tiết da báo ấn tượng.”
Cô nói thêm: “Catherine trông rất đẹp. Nhưng ít có bằng chứng nào về việc bà mặc những chiếc áo lót cầu kỳ và áo ngực truyền thống, những yếu tố mà đã trở thành hình tượng trong thời trang của Dior (điều mà ông gọi là “những cấu trúc nhất thời, dành cho vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ.” Thay vào đó, bà dường như mặc quần áo chỉ để sống qua ngày, thay vì để nó là một phương tiện để trưng bày tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo của anh trai bà.”
Có thể thấy, người phụ nữ với biệt danh ‘Miss Dior’ chắc chắn với gu ăn mặc như vậy có thể sẽ bị ngó lơ trong thế giới thời trang, dù bà có người anh trai hoàn toàn đắm chìm vào nó. Nhưng đối với Justine Picardie, bà đã điều hướng chính nền công nghiệp thời trang đó với sự duyên dáng và sức mạnh nội tại.
Bà đánh giá cao thành công của anh trai mình, nhưng điều đó không có nghĩa là Catherine Dior cần những bộ cánh của ông để khẳng định danh tính của mình. Mặc dù thỉnh thoảng xuất hiện trong trang phục Dior, bà vẫn luôn trung thành với bản thân.
“Tôi tin rằng Catherine sở hữu một sự duyên dáng và sức mạnh nội tại hiếm có, giúp bà tránh khỏi sự xô bồ của đám đông thời trang với những cái khuỷu tay sắc nhọn, ánh mắt hẹp hòi và đôi giày cao gót châm chọc. Bởi Catherine biết mình là ai. Bà đã trải qua những thử thách cực kỳ khắc nghiệt. Bà yêu anh trai mình và vui mừng với thành công của ông, nhưng bà không cần sự bảo vệ hay ngụy trang từ những bộ quần áo của ông.
Lấy ví dụ như những lần Catherine mặc trang phục của Dior, chẳng hạn như trong vườn ở Les Naÿssès, với một ly rượu trong tay; hoặc tại lễ rửa tội của con trai đỡ đầu Nicolas, bà vẫn hoàn toàn là chính mình.”, cô viết.
Còn đối với bản thân bộ cánh đó, là một phần của BST Trompe-l’œil, chiếc váy Miss Dior có thể tượng trưng cho các ảo ảnh khác nhau. Theo cô Justine Picardie, điều đó bao hàm ý tưởng rằng những bông hoa trên bộ váy là thật, hoặc rằng ‘Miss Dior’ ta đang đề cập tới không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh tàn phá.
Sự ám ảnh của Dior với các sáng tạo của mình, được coi như hiện thân sống của nữ tính lý tưởng, được thể hiện rõ trong cách tiếp cận đam mê của ông đối với thời trang. Miss Dior, cả nước hoa và chiếc váy, đã ra đời từ giấc mơ tạo ra sự hoàn hảo. Đến thời điểm hiện tại, cái tên đó vẫn là một lý tưởng quý giá trong tầm nhìn nghệ thuật của Dior.
Bắt đầu mở cửa tham quan từ giữa tháng 06, triển lãm mang tên Miss Dior: Stories of a Miss là một dự án do OMA / Shohei Shigematsu thiết kế. Nằm tại Bảo tàng Roppongi ở Tokyo, sự kiện trưng bày này sẽ đi qua 78 năm lịch sử hình thành và sáng tạo đằng sau nước hoa biểu tượng Miss Dior, và vai trò của nó trong sự thúc đẩy cũng như phát triển của Nhà Dior kể từ năm 1946.
Sự kiện trưng bày Miss Dior lần này là một hành trình đưa người xem qua 7 căn phòng, tiết lộ các khía cạnh khác nhau của ‘lý tưởng’ Miss Dior. Không chỉ trưng bày nước hoa, triển lãm này còn giới thiệu các nguồn cảm hứng và các lần hợp tác khác nhau, đã góp phần tạo nên tác động văn hóa của nó.
Người xem có thể thấy Miss Dior thông qua các hiện vật lưu trữ, sản phẩm đương đại, haute couture và thời trang may sẵn. Từ các bản gốc lịch sử đến những bản tái hiện vui nhộn; từ các tác phẩm nghệ thuật được công nhận đến các tác phẩm từ các nghệ sĩ đã biến tấu lại; từ các chiến dịch Marketing từ xưa đến nay. Tất cả, chỉ để không kể một câu chuyện, mà là nhiều lớp lịch sử đan xen nhau.
Miss Dior: Stories of a Miss là triển lãm thứ 2 được thiết kế và trưng bày bởi kiến trúc sư Shohei Shigematsu dành cho Dior, sau triển lãm hoành tráng Christian Dior: Designer of Dreams cách đây hơn 1 năm. Anh Shohei Shigematsu có những chia sẻ sau: “Việc tạo ra một không gian để trải nghiệm một thứ vô hình như mùi hương là một thách thức khá thú vị.”
“Nhưng Miss Dior đại diện cho bản sắc cốt lõi của nhà Dior, đó là nó được hình thành từ nhiều câu chuyện đằng sau hương thơm đó. Để phản ánh nội dung, sự hào quang và các câu chuyện đa dạng, chúng tôi đã thiết kế triển lãm để tiết lộ những góc nhìn mới về các biểu tượng vượt thời gian và mở ra những sợi dây liên kết mới trên các chủ đề khác nhau. Các mô típ và nguồn cảm hứng quan trọng được chuyển hóa thành những môi trường siêu thực, đưa người xem vào thế giới của Miss Dior.”
Mỗi phần của triển lãm được thiết kế để phản ánh sự đa dạng tính hào quang của Miss Dior. Lịch sử tôn kính và sự tươi trẻ được truyền tải qua các tỷ lệ phóng đại và màu sắc sống động. Các yếu tố thanh lịch và hình dáng mạnh mẽ được thể hiện qua sự đa dạng của vật liệu và hình học.
Căn phòng ‘Miss Dior: Stories of a Miss’ giống như một trải nghiệm thử ban đầu cho những thứ sẽ xuất hiện tiếp theo, hay còn gọi là ‘Avant Goût’. Các hiện vật về Miss Dior, như các bản sao được gắn trong các hộp đựng có cái gài, và trưng bày trên tường của phòng trưng bày.
Mỗi hộp luôn tuân theo hình dạng chính xác của chủ thể chứa bên trong, để tôn lên các hình dạng độc đáo, làm nổi bật quy mô nhỏ của các hiện vật cụ thể và chiếu hình dạng đặc trưng của chúng ra ngoài kích thước vật lý. Đối diện với bức tường là một bản sao lớn của chai nước hoa Miss Dior mới nhất, được quay 360 độ và có thể nhìn thấy từ bên ngoài bảo tàng.
Căn phòng tiếp theo có tên ‘Miss Dior by Eva Jospin’. Đây là một căn phòng mái vòm cổ điển, lấy cảm hứng từ các kiến trúc như Villa Giulia ở Rome, được xây dựng từ những tấm thảm thêu tinh xảo bởi Jospin, một nghệ sĩ người Pháp và là bạn lâu năm của Nhà Dior.
Trái ngược với chai nước hoa lớn trong phòng trước, thì tại đây, chỉ có một phiên bản đặc biệt tinh xảo của nước hoa do Jospin thiết kế, được trưng bày ở trung tâm phòng ‘Fields of Flowers’ sẽ giới thiệu cho người xem về 5 mùi hương hoa của Miss Dior Parfum mới nhất. Trong căn phòng này, một bông hoa duy nhất được trừu tượng hóa và phóng to, với các dải vải uốn lượn xếp thành một hình dáng cong gợi nhớ đến cánh hoa; hoặc cấu trúc tỉ mỉ của một chiếc váy couture.
Ngoài ra, 5 hốc riêng lẻ được khoét ra khỏi căn phòng. Trong mỗi hốc, một bộ phun sương hình nụ hoa cho phép khách tham quan ngửi một nốt hương hoa độc đáo của nước hoa này.
Ở phòng ‘Stories of a Miss’, Shohei Shigematsu lấy biểu tượng nơ của Miss Dior (vật trang trí cổ chai nước hoa), và trải dài khắp căn phòng. Chiếc ruy băng tạo thành một hình dáng gợi nhớ đến hình dạng amphora (bình chứa có 2 quai) của chai Miss Dior nguyên bản, trải dài và dẫn đến qua các tủ trưng bày liên quan đến lịch sử của Miss Dior. Các tủ trưng bày 2 mặt này cho phép người xem nhìn thấy các chủ thể từ cả mặt trước và sau, khiến họ có thể liên kết và xâu thắt câu chuyện qua nhiều chủ đề khác nhau.
Trong ‘Miss Dior: The Birth of Ready-to-Wear’, Shohei Shigematsu giới thiệu bộ sưu tập cùng tên ra mắt năm 1967, dòng sản phẩm may sẵn đầu tiên của Nhà Dior. Logo đồ họa nguyên bản của dòng sản phẩm được tái hiện ở nhiều quy mô khác nhau trên một hình dạng hình học pixel hóa với màu sắc bão hòa.
Để bổ sung cho các hình dạng cong của các phòng trước đó, căn phòng này có dạng hình tròn và vòm để tạo ra một hình dạng trực giao, với các khối chữ nhật được thiết kế quanh các góc phòng. ‘Dior Illustrated’ là một màn trưng bày các tác phẩm của René Gruau và Mats Gustafson, được cho là các họa sĩ minh họa đầu tiên và hiện tại của Nhà Dior. Các tác phẩm tinh tế được tái hiện ở kích thước thật, nhiều tác phẩm cung cấp cái nhìn cận cảnh về tay nghề và chi tiết của họ.
Các bản in của mỗi nghệ sĩ được gắn trên các bức tường đối diện dọc theo một con đường uốn lượn. Lấy cảm hứng từ sự mềm mại và trọng lượng của các rèm cửa từ trần đến sàn và rèm cửa của cả các studio của Gruau và Christian Dior, các bức tường được biến hoá lại như những chiếc rèm tuy làm bằng sợi thủy tinh, nhưng vẫn mềm mại uốn lượn.
Căn phòng cuối cùng, ‘The Miss Dior Dream’ là một chuyến du ngoạn qua một cảnh quan uốn lượn của các trang phục couture chính của Miss Dior, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật và chai nước hoa được thiết kế đặc biệt.
Mỗi trang phục được trưng bày trên một gò giấy washi, cho phép cái nhìn ngang tầm mắt của các bộ cánh độc đáo. Các bức tường và sàn nhà bằng kim cũng tạo ra sự phản chiếu tinh tế của các màn trưng bày. Cùng với trần nhà được cheo các ‘đám mây’ làm bằng giấy washi, cảnh quan nơi đây trở thành một thế giới mơ màng của sự lãng mạn, nghệ thuật và thiên nhiên.
Triển lãm Miss Dior: Stories of a Miss sẽ kéo dài đến 15.07.2024.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…