Khi vừa gặp gỡ ai đó, mọi chuyện dường như vẫn khá tốt đẹp. Nhưng sau một thời gian quen biết nhau, bạn chợt nhận ra có một vài khía cạnh ở người kia mà mình rất không… ưng bụng. Vì sao lại thế?
Lý thuyết gương soi (mirror theory) của nhà phân tâm học Jacques Lacan có thể sẽ giúp giải thích điều này.
Theo Lacan, bản sắc cá nhân của chúng ta được ‘xây dựng’ bằng cách phóng chiếu chính mình lên người khác. Do đó, mối quan hệ mà ta có với người khác là sự phản chiếu những khía cạnh tính cách mà chúng ta thích hoặc không thích ở chính mình.
Theo nhà phân tâm học Jacques Lacan, khi một đứa trẻ bước vào giai đoạn từ 6 đến 18 tháng tuổi, nó sẽ trải qua một giai đoạn gọi là kỳ gương soi (the mirror stage). Hầu hết chúng ta có lẽ sẽ không còn ký ức về lần đầu tiên soi gương, nhưng khi ta còn nhỏ, ở giai đoạn ý thức đang bắt đầu hình thành, thì lần đầu nhìn thấy mình trong gương là một khoảnh khắc trọng đại.
Trẻ sơ sinh không ý thức được sự tách biệt của mình và mẹ (hoặc người bên cạnh chăm sóc nó nhiều nhất), nhưng khi nhìn thấy chính mình trong gương, nó sẽ hiểu rằng mình là một cá thể độc lập, tách biệt với mẹ. Tuy nhiên, khi đứa trẻ nhận diện chính mình cũng là lúc nó có nhận diện sai lệch về chính mình.
Nguyên nhân vì đứa trẻ tin rằng hình ảnh trong gương cũng là chính mình, mà không hiểu rằng đó chỉ là hình ảnh phản chiếu trong khoảnh khắc ấy mà thôi. Con người luôn thay đổi, do đó hình ảnh này chỉ củng cố một ảo tưởng của đứa trẻ về chính mình.
Trong ngôn ngữ của Lacan, ‘tấm gương’ ở đây không nhất thiết phải là một tấm gương theo nghĩa đen. Đó có thể là một đứa trẻ cùng độ tuổi, một tấm ảnh của chính nó, hoặc hình ảnh phản chiếu của nó ở bất kỳ đâu.
Khi lớn lên, có nhiều người vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi hình ảnh của mình trong tấm gương soi, vì trong họ luôn tồn tại một khát khao đạt tới sự toàn vẹn, thống nhất của bản thể. Khi họ cảm nhận được những khác biệt đang tồn tại trong chính bản thân, họ thường sẽ có cảm giác khó chịu, vì điều này mâu thuẫn với những ảo tưởng của họ về chính mình.
Những khác biệt này không dừng lại ở vẻ ngoài, mà nó còn liên quan đến phần tính cách bên trong. Nói cách khác, điều khiến ta khó chịu về ‘hình ảnh phản chiếu’ của mình, cũng rất có thể là điều chúng ta không thích ở chính mình.
Những tấm gương soi có thể phản ánh một cách trực tiếp hoặc đối lập. Hãy thử ví dụ sau. Bạn không thích một người bạn A, vì bạn đánh giá A là người quá ích kỷ. Một cách trực tiếp, thì điều đó có thể do chính bạn cũng có tính cách ấy nhưng từ chối thừa nhận. Mặt khác, theo cách đối lập, việc không thích A vì tính ích kỷ có thể phản chiếu phần vị tha trong bạn.
Thử lấy một ví dụ khác nhé. Bạn ghét sếp mình vì cho rằng sếp là người đòi hỏi, khắt khe. Điều đó có nghĩa là bản thân bạn cũng là một người khắt khe, khó khăn với bản thân (nhưng bạn chưa nhận ra hoặc từ chối nhìn nhận sự thật đó), hoặc bạn là một người theo style hời hợt, dễ dãi, và đang cần một chút điều chỉnh trong lối sống của mình.
Việc bạn trở nên không thích ai đó sau thời gian quen biết, hoặc cảm nhận được mối liên kết tức thì với họ chỉ sau lần đầu gặp gỡ còn có thể là hệ quả của những tổn thương tinh thần. Chúng là những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, hành vi,… bắt nguồn từ những tình huống, những ký ức tổn thương, gây đau đớn nặng nề mà có thể đến tận bây giờ bạn vẫn chưa vượt qua được.
Khi bị thương, phản ứng đầu tiên của chúng ta sẽ là tìm cách băng bó, nhưng bông băng thuốc đỏ chỉ là giải pháp tạm thời. Vết thương cần phải được chăm sóc để có thể lành lại. Khác với những vết thương ngoài da, chúng ta khó có thể ‘nhìn thấy’ được vết thương tinh thần. Do đó, khi đã đỡ đau, chúng ta dễ dàng bỏ qua vết thương này, quên mất nó cũng cần được chữa trị tận gốc.
Bị lãng quên, chúng trở thành một phần của vô thức, ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng, và cách hành xử của chính chúng ta. Khi gặp ai đó có những tổn thương và khiếm khuyết về tinh thần tương tự, chúng ta dễ dàng cảm nhận sự gắn kết mạnh mẽ.
Tổn thương sẽ phản chiếu, và đôi khi nó mang đến kết quả tốt đẹp. Nhưng nó cũng có thể là tác nhân gây sụp đổ các mối quan hệ. Nếu chưa được chữa lành, bạn sẽ mang theo vào mối quan hệ sợ hãi, bất an, ghen tỵ, tính chiếm hữu,… Không sớm thì muộn, sự gắn kết lúc đầu sẽ nhanh chóng mất đi, để lại bạn loay hoay vì ‘khó chịu’ với những thứ mình không ưa ở người kia, nhưng thực chất đó cũng chỉ là chính mình.
(Tham khảo: ExploringYourMind)
Xem thêm:
6 đặc điểm nhận dạng của những con ma cà rồng hút năng lượng
10 biện pháp ‘kỳ quặc’ để thấy đời hạnh phúc hơn
Những hành vi có hại được bình thường hóa trong xã hội ngày nay
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…