“Bây giờ thì tôi đã biết/Thời gian lăn bánh mất rồi/Chim bay về phía xa xôi/Trang sách níu ngày thơ dại”.
Ký ức và hoài niệm – hai nguồn mạch cảm xúc trong những truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa lại được nâng niu như một báu vật trong sách mới ra mắt – Mùa hè không tên. “Mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận của tôi những dấu vết không thể phai mờ – như vết chàm mà con người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời” (trích sách).
Tác phẩm mở ra với mảng ký ức tươi nguyên như vừa mới hôm qua của Khang, nhân vật chính xưng “tôi”, đưa độc giả trở về quá khứ để được nhìn cậu bé của tuổi niên thiếu ấy được “tắm” lại một lần nữa trong một dòng suối tuổi thơ của cậu.
“Đó là mùa hè thật đặc biệt với tôi. Sau mùa hè đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi”.
Ở đó có những địa danh quen thuộc đã không biết bao lần xuất hiện trong trang sách của Nguyễn Nhật Ánh như làng Đo Đo, làng Cẩm Lũ, Quán Gò hay Hàng phượng đỏ chói chang trước sân chùa Tịnh Độ, trường tiểu học mùa hè buồn hiu vì vắng bọn học trò nô đùa chạy nhảy và la hét trong sân.
Đó cũng là nơi là thằng Khang băn khoăn với thứ cảm xúc “lưỡng nan” đầu đời không biết trả lời nên đành hỏi con Nhàn, cô bạn hàng xóm thời niên thiếu: “Sao đi học thì tao thích chóng đến nghỉ hè mà khi nghỉ hè thì tao lại mong được đi học lại hở mày?”
Chỉ cần vài câu văn ngắn, nhà văn của tuổi thơ đã mời gọi độc giả quay trở về với một khí quyển văn chương quen thuộc của riêng tác giả. Thứ khí quyển văn chương ấy, hay cái làng quê đơn sơ mà giàu tình nghĩa ấy đã được nhà văn tạo dựng trong suốt hơn 30 năm qua mà vẫn chinh phục được độc giả qua vài thế hệ.
Độc giả có thể bắt gặp trong Mùa hè không tên vô số chất liệu quen thuộc đã xuất hiện trong các truyện dài trước của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng tác giả cũng luôn biết cách để “làm mới” qua những chi tiết đắt giá, thậm chí là trở thành nguyên bản bằng thứ cảm xúc thuần khiết ở những đứa trẻ con, bằng cách khơi gợi lòng tốt và sự vị tha ở nhân vật người lớn. Bằng sự cộng hưởng của hai mạch cảm xúc đẹp đẽ đó dành cho nhân vật, Nguyễn Nhật Ánh lan tỏa sự tử tế và cảm xúc hướng thượng, hướng đến những điều đẹp đẽ qua những trang sách bền bỉ suốt hơn 30 năm.
Nếu thế giới của những đứa trẻ con như thằng Khang, con Nhàn, thằng Túc, con Hội, thằng Đính, thẳng Chỉnh đầy ắp những cảm xúc trong trẻo, vô tư lự thì thế giới của người lớn mang nhiều nỗi muộn phiền, ưu tư thậm chí là mắc sai lầm gây tổn thương đến những đứa con của họ. Hai thế giới diễn ra song song, nhưng thi thoảng cũng chạm vào nhau, đủ để trái tim non nớt của thằng Khang nhận ra và đập những nhịp khác thường, dù không nó không biết phải gọi tên cảm xúc ấy như thế nào.
Nó thương con Nhàn phải sống với bà ngoại khi ba mẹ nó lần lượt bỏ làng ra đi. Nó vừa giận vừa thương thằng Túc nhà nghèo phải bắt trộm gà của nó để nấu cháo cho ba nó ăn lúc bạo bệnh. Nó rủ cả đám bạn sang nhà an ủi thằng Chỉnh, khi bố của thằng bạn con nhà giàu này đi tù. Nó cũng đã biết đặt ra những câu hỏi ưu tư trước tuổi: “Sao người lớn làm điều gì cũng không nghĩ đến trẻ con hả cậu? Nếu nghĩ đến, có lẽ họ sẽ không làm những chuyện sai trái”. Hay nó cũng đã kịp nhận ra, “thương một ai đó có lẽ dễ hơn ghét một ai đó”, khi được cô giáo ra đề bài tập làm văn.
Và có lẽ sau một mùa hè đầy ắp những niềm vui, nỗi buồn đầu đời mà nó kịp trải nghiệm để lưu lại trong một ngăn kéo của ký ức, nó chỉ khao khát “không muốn bụi bặm cuộc đời làm cay mắt tôi”.
Đọc Mùa hè không tên của Nguyễn Nhật Ánh tôi chỉ biết ngưỡng mộ anh. Cái làng quê Đo Đo bé tẹo của tuổi thơ, anh viết cả 30 năm nay rồi vẫn chưa hết chuyện. Tôi đồ rằng tất cả nhân khẩu của cái làng ấy hẳn phải lên truyện của anh hết rồi. Có lẽ cái mảnh hồn làng ấy nó “thấm” anh quá sâu rồi, nên anh vẫn hoài tha thiết với nó. Một đôi Mắt biếc, một Cô gái đến từ hôm qua, một Trại hoa vàng, một Mùa hè không tên và biết bao nhiêu cuốn truyện dài best-seller in cả trăm ngàn bản khác nữa cũng đều từ cái làng nhỏ ấy mà ra. Vẫn cứ dung dị mà tha thiết, vẫn cứ nhỏ nhẹ mà bồi hồi, những cảm xúc thơ dại, những chuyện tình thơ ngây, những tình người, tình làng nghĩa xóm cứ thế được nhen lên, như thắp một ngọn lửa nhỏ mà cháy hoài cháy mãi trong tâm khảm.
Phần phụ lục của sách có trích lại một đoạn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết trong lá thư gửi bạn đọc Nhật Bản khi truyện dài Cho tôi một vé đi tuổi thơ của anh được dịch ra tiếng Nhật:
“Tôi hy vọng những trang viết của tôi sẽ giúp bật cái công tắc trong ký ức của bạn, giúp tuổi thơ của bạn một lần nữa tỏa sáng lung linh như những ngọn nến hồng. Nói cách khác, tôi mong cuốn sách này đối với bạn có ý nghĩa như một tấm bản đồ. Nó sẽ dẫn bạn đến kho báu quý giá mà bạn tưởng đã vĩnh viễn mất đi: đó là Tuổi Thơ kỳ diệu của mỗi người!”.
Hay nói ngắn gọn, đó là những “trang sách níu ngày thơ dại” – một thứ “bí kíp” luôn giữ cho tâm hồn Nguyễn Nhật Ánh kết nối với độc giả lâu dài và bền bỉ đến vậy.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…