Mặc dù kinh phí làm phim lên tới 200 triệu đô cùng toàn dàn sao đình đám Châu Á như Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Củng Lợi… Bộ phim Mulan vẫn chỉ là những góc nhìn mơ hồ của những nhà làm phim phương Tây về châu Á.
Theo lịch sử, Hoa Mộc Lan xuất hiện lần đầu trong một tập thơ từ thời Bắc Nguỵ (Khoảng thế kỷ thứ III- IV). Nàng có một người cha tên là Hoa Hồ, vốn là một người lính vô cùng anh dũng. Sở dĩ tên là Mộc Lan vì sau một lần cha mẹ đi cầu tự trên núi Mộc Lan, về nhà đã hoài thai nàng. Tương truyền từ khi còn bé, nàng đã được nhà sư chùa Đại Ngô truyền dạy võ thuật, binh khí (Nhà sư này chính là Ngũ Vân Thiệu, một võ tướng thất thủ của thành Nam Xương khi xưa). Năm 18 tuổi, dân du mục Nhu Nhiên xâm phạm biên cảnh, quân tình cấp bách, toàn quân Bắc Nguỵ triệu hồi nam nhân khắp nước lên đường ra trận. Thương cha già, Mộc Lan bèn thay cha ra trận, sống ẩn mình trong quân đội để chờ thời cơ giết giặc.
Giữa thời phong kiến trọng nam khinh nữ… khi phụ nữ được coi là bất tài mới có phúc, câu chuyện vinh danh một người con gái là một điều gì đó vô cùng xa lạ, vốn không thường thấy ở lịch sử. Bài thơ cũng đồng thời nêu cao nét đẹp về chữ “hiếu”, sự can trường, mạnh mẽ của nữ giới. Đây được coi là một điểm nhấn về nữ quyền hiếm hoi trong quá khứ.
Theo phim ảnh, sách truyện, hầu hết các tác phẩm đều thể hiện rằng Mộc Lan đã lén lút giấu gia đình để đi tòng quân, tuy nhiên với bài thơ cổ, tác giả đã miêu tả rằng Mộc Lan đã ra chợ sắm đồ đi lính và cha mẹ nàng đều biết điều đó.
Ở chợ Đông, nàng mua một con chiến mã
Ở chợ Tây, nàng mua một cái yên ngựa
Ở chợ Nam, nàng mua dây cương
Ở chợ Bắc nàng mua một cây roi da.
Nguồn: Lost Bird
Nhưng dù dưới phiên bản nào, những đức tính và ý nghĩa của câu chuyện vẫn luôn được giữ nguyên.
Quay lại với bộ phim năm 2020, đối với Disney, đây có thể coi là một bộ phim chuyển thể thành công về mặt hình ảnh, với các màn võ thuật mãn nhãn và kỹ xảo đẹp mắt tương xứng với số tiền 200 triệu USD mà nhà sản xuất đã bỏ ra. Ekip đã đưa người xem qua nhiều bối cảnh bề thế như sa mạc, núi tuyết, những thung lũng ảo diệu cùng một kinh đô được xây dựng hoành tráng, gấm vóc lụa là rực rỡ.
Bộ phim cũng mang lại nhiều điểm mới so với bản hoạt hình năm 1998, thay đổi hình tượng chú rồng Mushu, tách nhân vật nam chính ra làm 2 người khác nhau, thêm một kẻ phản diện mang tên Tiên Lang là trợ thủ đắc lực cho vua Hung Nô. Để phù hợp hơn với văn hoá Á Đông, Mulan cũng đã hoàn toàn bỏ qua các yếu tố nhạc kịch, vốn là một phần không thể thiếu của Disney trong các phim chuyển thể như Beaty and the Beast, Aladdin v.v…
Kết quả, Mulan đạt được một thành tích khá ấn tượng trong mắt người hâm mộ phương Tây, với 74% Google users yêu thích, 79% lượt bình chọn trên Rotten Tomatoes. Tuy nhiên là tại quê nhà, nơi được kỳ vọng nhiều nhất thì điểm Douban của bộ phim chỉ vỏn vẹn ở mức 4.8 (với gần 40% người hâm mộ chấm 2-3 sao). Trong khi những người tiền nhiệm khác đều đạt thành tích đáng chú ý như: “Aladdin và cây đèn thần” với điểm số là 7.5; “Maleficent” là: 7.2, “Cinderella” là 6.9…
Như đã nói ở đầu, Disney đã xây dựng nên những khung hình vô cùng hoành tráng, bắt mắt về một kinh thành giàu có và làng quê trù phú. Phục trang và trang điểm của nhân vật cũng vô cùng tươi tắn, nhiều màu sắc. Thế nhưng chính những điều đó đã làm mất đi tính chất huyền bí của Á Đông. Bắt đầu từ những chi tiết nhỏ như bộ quần áo sau khi đánh trận của Mulan cũng những bộ áo giáp sắt của từng nhân vật khác vẫn sạch bong, không chút bụi bẩn. Từng cánh cổng thành đỏ tươi như hỷ phục chẳng có đến một vết xước, và rồi đến một hoàng cung bóng bẩy được chiếu đèn vàng chói mắt. Mọi đồ vật đều sáng loáng và tinh tươm khiến cho phần nhìn của bộ phim đôi lúc bị loè loẹt, phô trương quá đà mà mất đi nét cổ kính, trầm mặc của một phương Đông với vẻ thăng trầm, bí ẩn đã được che giấu bởi thời gian.
Nếu lỗi thiết kế là điều có thể bỏ qua thì những nét văn hoá, truyền thống của Á Đông lại được phác hoạ sơ sài và mơ hồ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tác phẩm. Một bộ phim về một cô gái Trung Hoa cổ đại nhưng lại không thể nêu bật được cái hồn, nét đẹp nội tâm của nàng. Thay vì phải tìm cách thoát khỏi những định kiến, có những sự dằn vặt trong suy của một người đã đi ngược lại quan điểm của cả một thời đại, Mulan dường như đã có năng lực hơn người từ trước, nàng biết điều đó nên nửa đầu của bộ phim, nàng tìm cách che giấu khả năng đặc biệt của mình, nửa phần sau là cơ hội để nàng phô diễn tất cả các kỹ năng đã được cất giấu đó.
Câu chuyện của Mulan trong doanh trại vốn dĩ có thể khai thác một cách có chiều sâu, và duyên dáng hơn nay lại được triển khai rất hời hợt, mờ nhạt. Sự khó khăn của một cô gái truyền thống vốn từ bé được dạy dỗ đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh nay phải sinh hoạt, thay đồ, giữ mình trong một môi trường toàn nam giới hầu như chỉ được phác qua bằng vài ba chi tiết bề mặt.
Theo một vài nghiên cứu, phong tục bó chân của phụ nữ vốn đã xuất hiện trong thời Nam – Bắc triều cũng không hề được đề cập. Bỏ qua những hạn chế khi di chuyển do hủ tục này gây nên, việc tháo lớp vải bó chân cũng được coi là điều cấm kị với nữ giới. Mộc Lan đã liên tục phá vỡ rất nhiều quy tắc phong kiến – thứ mà sẽ khiến nàng và cả gia đình bị xử tội chết. Thế nhưng cả bộ phim đã đơn giản hoá tất cả những day dứt đấy bằng cách tường thuật câu chuyện đơn thuần về một cô gái đi tìm sự công nhận cho bản thân mình. Nhiều khán giả đã bình luận rằng họ cảm giác như mình đang được xem một phiên bản “siêu anh hùng” khác của Marvel được đặt quay ở Châu Á dành cho trẻ em 13 tuổi.
Ba từ trung – dũng – chân cùng hình ảnh con phượng hoàng được nhắc đi nhắc lại trong phim như một cách nhồi nhét các chi tiết Á Đông đầy máy móc. Trong khi chữ “trung” của bộ phim khiến người xem thắc mắc liệu nàng muốn trung thành với đất nước hay với chính bản thân mình, thì chữ ”dũng,” phần đáng lẽ ra nên được tập trung vào nhất khi muốn nêu bật thông điệp về một cô gái dũng cảm, độc lập lại được phác hoạ lờ mờ thông qua việc sử dụng tài năng thiên bẩm của mình. Tuy nhiên khả năng về “khí” có nghĩa là gì? Có sứ mạng ra sao? Sức mạnh là gì cũng không hề được làm rõ. Có chăng là thể hiện qua cách xử lý nhanh nhạy của Mulan trong một trận đánh mà cả quân địch lẫn quân mình đều triển khai cách bày binh bố trận vô cùng ngây ngô và dễ đoán. Còn lại là chữ “chân” và “hiếu” xuất hiện cuối cùng cũng chỉ được nhắc đến trong vài ba câu thoại mang tính ước lệ.
Nét đẹp của Mulan không phải ở những lần đánh nhau tay đôi áp đảo nam giới hay ở những pha hành động gay cấn. Phần ý nghĩa nhất trong câu chuyện về nàng chính là hình ảnh một cô gái day dứt với lựa chọn của mình, dằn vặt với quyết định bỏ lại cha già và quê nhà ở sau lưng. Là một Mộc Lan ngồi bên khung cửa, tiếng thoi đưa không át được tiếng thở dài của nàng. Là hình ảnh thiếu nữ ra đi lúc bình minh ló dạng khi thấy bóng dáng gày gò của phụ thân tuổi xế chiều. Là câu chuyện về một cô gái thay người thân đi lính, nàng không trăn trở về ngày mai sẽ chết trên chiến trường mà chỉ nuối tiếng giọng nói của cha. Sự ồn ã của sa trường không làm nàng chú ý mà bên tai chỉ nghe thấy nước chảy của sông Hoàng Giang như đang khóc. Tất cả những chi tiết nội tâm tinh tế, giàu màu sắc và trầm lắng nhất của một cô gái Á Đông đều đã bị sự ồn ào và hào nhoáng của Hollywood bỏ qua. Khiến cho Mộc Lan trở thành một nhân vật không có phát triển tâm lý, không có khó khăn nào không thể vượt qua mà cũng chẳng có điều gì lắng lại sau khi đã kết thúc hành trình.
Điều này một phần cũng đến từ diễn xuất có phần hạn chế của Lưu Diệc Phi, Mulan là một vai diễn đòi hỏi diễn viên phải thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ sự dằn vặt vì tình thương với phụ thân, cảm giác bối rối, lạc lõng trong doanh trại cho đến khí chất anh dũng trong những lần chiến đấu. Đáng tiếc Lưu Diệc Phi chỉ làm tốt vai trò của mình ở những phân đoạn thể hiện sự tập trung, ánh mắt quyết tâm. Còn lại, đa phần, nữ diễn viên đều chỉ trình diễn bằng một khuôn mặt đơ cứng, không cảm xúc.
Ngoài sự khác biệt về tuyến nhân vật, nội dung tổng thể của Mulan gần như vẫn giữ nguyên câu chuyện trong bản hoạt hình 1998. Sự tôn trọng nguyên tác vốn là điểm cộng nay khiến cho phiên bản người đóng trở nên ngờ nghệch thiếu thực tế. Từ việc quân địch đột nhập vào hoàng cung mà không gặp bất kỳ trở ngại nào cho đến cách Hoàng Đế sập bẫy của Hung Nô quá dễ dàng. Hay để phản diện lặp lại một lỗi cơ bản rằng thay vì tập trung xử lý kẻ thù thì lại đứng giảng giải quá nhiều triết lý đạo đức và thất bại một cách lãng nhách.
Bên cạnh đó phim cũng đã mang đến nhiều điểm nhấn nhưng không tới. Không còn xây dựng một hoàng đế thụ động ngồi trên ngai vàng, Mulan – 2020 đã tạo nên hình ảnh của vị vua tự chủ, anh dũng, có khả năng chiến đấu hơn người. Được thể hiện bởi siêu sao Lý Liên Kiệt, do đó những pha hành động của nhà vua khá đẹp mắt và dứt khoát. Tuy nhiên những bài thuyết giáo dài lê thê cùng tình tiết để sa bẫy kẻ thù dễ dàng đã phá hỏng gần hết hình ảnh anh dũng vốn có của một vị hoàng đế uy nghiêm.
Trong một phiên bản cổ khác về Hoa Mộc Lan thì nàng không phải là chiến binh nữ duy nhất trong câu chuyện. Bên cạnh Mulan còn có sự xuất hiện của một công chúa chiến binh tên là Xian Niang. Công chúa được miêu tả là một nữ tướng dũng mãnh, người đã bắt sống Mộc Lan và đối xử với nàng như nô lệ. Ban đầu Xian Niang tìm mọi cách để sỉ nhục và hành hạ nàng, nhưng sau đó sự dũng cảm, chân thành của Mulan đã khiến cho Xian Niang cảm động và cả hai trở thành bạn. Đây có lẽ là nguyên mẫu của nhân vật phản diện mà Củng Lợi thủ vai.
Diễn xuất của Củng Lợi gây được ấn tượng mạnh với khán giả bởi khả năng nắm bắt nhân vật tốt, biểu cảm tinh tế. Trong những khung cảnh đóng chung, Lưu Diệc Phi hoàn toàn bị đàn chị lấn át. Xuất hiện như một tấm gương phản chiếu để nêu bật lên sự chung thành, chính trực của Mulan, vai nữ phù thuỷ được khắc hoạ như một phụ nữ độc ác và sẵn sàng làm tay sai cho kẻ khác để đạt được nguyện vọng của mình. Bằng diễn xuất của mình, Củng Lợi lợi đã khiến cho khán giả thấu cảm và thương tiếc cho nhân vật để rồi đây trở thành vai diễn điểm nhấn của cả bộ phim. Tuy nhiên, lại một lần nữa sự sơ sài của kịch bản đã khiến nhân vật này trở nên thừa thãi và không cần thiết. Xuất hiện với sức mạnh được miêu tả vô cùng ghê gớm nhưng cái chết của Tiên Lang lại cực kì nhạt nhẽo và gượng ép. Tại sao nàng nguyện tự sát? Câu chuyện và lý do vì sao nàng chọn đi theo cái ác cũng không được kể đến. Phải chăng vai diễn này được thêm vào chỉ vì trong quan điểm của Disney, nơi nào có một nàng công chúa nơi đó nhất định phải có một mụ phù thuỷ?
Không phải bức tranh sâu sắc của phương Tây về phương Đông, Mulan chỉ đơn giản là một cái nhìn thoáng qua của những nhà làm phim của Hollywood về một nhân vật của châu Á. Trong văn hoá Á Đông, hình ảnh phượng hoàng không được gắn với ý nghĩa của việc tái sinh, thay vào đó nó là biểu tượng của Hoàng Hậu với mong muốn mang tới điềm lành và hạnh phúc. Việc một người dân đặt một loài vật cao quý như vậy làm tượng trước cổng nhà có thể khiến họ mang tội vì dám xúc phạm hoàng gia. Giá mà các nhà làm phim phương Tây tìm hiểu kỹ hơn về văn hoá phương Đông thì có lẽ họ đã làm hồi sinh một tác phẩm Mulan tuyệt vời, đúng như ý nghĩa về loài chim mà họ đã cố gán vào bộ phim.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…