Explore

TìmNguồnLẫnGốc: Vì sao muối lại quan trọng đến vậy?

Ngày nay, muối đã trở thành một loại hàng hóa sẵn có và rẻ tiền mà hầu hết chúng ta đều có thể mua được. Tuy nhiên trong lịch sử văn minh nhân loại, muối từng được coi là trung tâm cho sự phát triển kinh tế, tôn giáo, chính trị. Bất kể người giàu hay người nghèo đều cần muối. Vậy nên những người cai trị ở các quốc gia cổ đại đã nắm quyền kiểm soát muối và đánh thuế mặt hàng này. Thuế muối đã hỗ trợ ngân sách cho các đế chế ở châu Âu và châu Á, nhưng cũng đồng thời tạo cơ hội cho chợ đen phát triển để buôn lậu, gây ra các cuộc bạo loạn và thậm chí là các cuộc cách mạng về muối.

Chính khách La Mã Cassiodorus từng nhận định rằng, “Nhiều người có thể không cần tìm tới vàng, nhưng không ai là không cần muối cả.” Hai lạng muối đã từng được bán với giá tương đương với một lạng vàng, tức là từ 300-400 đô la Mỹ. 

Vậy con người phát hiện ra muối từ bao giờ?

Ảnh: Salt

Thời xa xưa, trong giai đoạn săn bắn, con người chưa cần dùng đến muối do hoạt chất này đã có sẵn trong thịt động vât. Các nhóm người du mục cũng không có thói quen ăn muối, tuy nhiên, những người làm nông nghiệp lại cần phải bổ sung thứ gia vị này vào các món ngũ cốc và rau củ – những thực phẩm chứa ít muối hơn – vốn là các món chính trong bữa ăn của họ. Loài người phải tìm cách lấy muối từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể là mua đi bán lại hoặc đi cào từ lòng các con sông cạn. 

Trong thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên, cộng đồng người Celtic làm giàu từ việc giao thương muối và thịt ướp muối cho người Hy Lạp; La Mã cổ đại, đổi lại họ sẽ nhận được rượu nho và những món hàng quý giá.

Với sự phát triển đồng loạt của nhiều nền văn minh, muối đã trở thành một trong những hàng hóa được giao thương chủ yếu trên toàn thế giới. Món gia vị này có giá trị lớn với người Do Thái, Hy Lạp, La Mã, Đông La Mã, Hittite và các dân tộc cổ đại khác. Ở Trung Đông, muối được dùng để đóng dấu cho một thỏa thuận. Ví dụ người Do Thái cổ đại rắc muối lên con cháu của mình, đây là một cách đóng dấu “giao ước” nhằm thể hiện niềm tin của họ với Chúa. Trong thời chiến, các quốc gia còn rắc muối quanh những thành phố đã bị họ đánh bại để ngăn không cho thực vật phát triển. Điều này được minh chứng trong nhiều văn bản khác với lời kể vào những năm 146 trước Công nguyên, vị tướng La Mã Scipio Aemilianus Africanus đã cày xới và gieo rắc muối tại Carthage sau khi thành phố này bị đánh bại trong trận chiến Punic lần thứ 3. 

Hình ảnh người xưa đào muối. Ảnh: Ancient History

Muối còn được coi là một trong những đồ lễ tang cùng với cá và chim ướp muối, được tìm thấy ở những ngôi mộ Ai Cập cổ đại đã tồn tại từ thiên niên kỷ thứ ba TCN. Từ khoảng năm 2800 TCN, người Ai Cập xuất khẩu cá ướp muối tới vùng Phoenicia để đổi lấy hạt cây hương bách, kính và thuốc nhuộm màu tím của xứ Tyre; người Phoenician sau đó lại trao đổi muối và cá ướp muối của Ai Cập tới Bắc Phi qua đế chế giao thương Địa Trung Hải. Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus mô tả rằng con đường muối đi qua Libya đã tồn tại từ thế kỷ V TCN. Trong những năm đầu của đế chế La Mã, các tuyến đường được xây dựng nhằm vận chuyển muối từ vùng Ostia cận biển tới thủ đô.

Ở châu Phi, muối được dùng làm đơn vị tiền tệ ở vùng phía nam sa mạc Sahara, và các tảng đá muối được dùng làm tiền xu ở Abyssinia. Các thương gia người Moorish ở thế kỷ 6 đã dùng từng cân muối để đối lấy từng ấy cân vàng. Người Tuareg đã duy trì các tuyến đường băng qua sa mạc Sahara để vận chuyển muối bằng lạc đà. Ngày nay, lạc đà vẫn băng qua sa mạc này từ bắc Nigeria tới Bilma, nhưng hình thức vận chuyển hàng hóa đã thay đổi thành xe tải.

Salzburg, Hallstatt và Hallein đều cách nhau khoảng 17 km, cạnh sông Salzach ở trung Áo với trữ lượng muối dồi dào. Salzach và Salzburg mang nghĩa “sông muối” và “lâu đài muối” đều lấy từ từ “Salz” trong tiếng Đức – mang nghĩa là muối. Hallstatt là mỏ muối đầu tiên trên thế giới. Thị trấn này đã mang lại văn hoá Hallstatt, văn hoá thu hoạch muối từ khoảng năm 800 TCN. Tới năm 400 TCN người dân trong thị trấn đổi các dụng cụ thu hoạch muối từ cuốc và rìu sang các chảo mở, không đậy nắp.

Các hầm đào muối của người châu Âu xưa. Ảnh: Tucson

Từ ‘salary’ (lương) trong tiếng Anh ngày nay bắt nguồn từ tiếng Latin cho từ “muối”. Lý do cho cách sử dụng này tới nay chưa có đáp án; tuy nhiên có nhiều lý giải cho rằng binh đoàn La Mã được trả lương bằng muối là thiếu cơ sở. Bên cạnh đó, món ‘salad’ còn được mang nghĩa từ “ướp muối”- đến từ thực tế rằng người La Mã cổ đại từng ướp muối cho lá rau.

Đã từng có cuộc chiến tranh nổ ra nhằm tranh giành thứ nguyên liệu gia vị này. Cộng hòa Venice đã giành chiến thắng trước cộng hoà Genoa để giành lấy quyền sở hữu muối. Gia vị này cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Mỹ. Các thành phố trên các tuyến đường thương mại làm giàu từ việc áp thuế, và các thị trấn như Liverpool đã nhanh chóng phát triển nhờ việc xuất khẩu muối được khai thác từ các mỏ muối ở Cheshire. Các chính phủ khác nhau đã từng áp đặt thuế muối đối với người dân của mình. Con tàu của Christopher Columbus cũng được cho là nhận trợ cấp từ việc sản xuất muối ở miền nam Tay Ban Nha. Trong quá khứ, Thuế muối được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc cách mạng Pháp. Sau này, hoàng đế Napoleon tái áp đặt thuế muối nhằm lấy tiền chi trả cho các cuộc chiến ở các quốc gia khác. Phải tới năm 1946, khoảng thuế dành cho gia vị này mới chính thức được bãi bỏ.

Hình ảnh Mahatma Gandhi trong cuộc Diễu hành Muối. Ảnh: Thought Co

Năm 1930, Mahatma Gandhi và hơn 100.000 người dân Ấn Độ đã bắt đầu cuộc biểu tình kéo dài 24 ngày với tên gọi “Dandi March” (cuộc diễu hành Dandi) hay “Salt Satyagraha”, nhằm phản đối thuế muối của thực dân Anh đô hộ. Cuộc biểu tình ôn hoà này đã truyền cảm hứng cho người dân trong cả nước và giúp họ biến phong trào độc lập Ấn Độ. Từ một phong trào tinh hoa nhận được ít sự ủng hộ quần chúng, Dandi March trở thành một cuộc đấu tranh trên toàn quốc.

Con người sử dụng muối để làm gì?

Muối cũng quan trọng như nước và không khí. Thực tế, trong cơ thể mỗi chúng ta luồn cần có ít nhất 200g muối nhằm duy trì lượng máu, giữ cân bằng nước cho các mô và tế bào. Muối cũng là chất cần thiết cho sự hình thành, hoạt động của các sợi thần kinh, mang các xung động đến và đi từ não. Ngoài ra, gia vị này còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn cũng như xác định nhịp tim đập chính xác. 

Natri có trong muối cũng là một chất dinh dưỡng thiết yếu. Natri, cùng với canxi, magiê và kali, giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Kết hợp với kali, nó điều chỉnh sự cân bằng axit-kiềm trong máu của chúng ta và cũng cần thiết cho cơ bắp hoạt động bình thường. Khi không được cung cấp đủ natri clorua, chúng ta sẽ bị chuột rút cơ, chóng mặt, kiệt sức và trong trường hợp nghiêm trọng là co giật và tử vong.

Tuy quan trọng, chúng ta cũng cần lưu ý về lượng muối nạp vào cơ thể hàng ngày. Theo khuyến cáo, đa phần người trưởng thành chỉ nên nạp vào cơ thể khoảng 150 gram muối, và ta có thể đo được hàm lượng muối mình nạp vào thông qua bảng thành phần, hoặc chú ý hơn mỗi khi nêm gia vị cho món ăn.

Tham khảo Lịch sử muốiReal Salt

Có thể bạn quan tâm:
TìmNguồnLẫnGốc: Lịch sử bàn chải đánh răng và kem đánh răng
TìmNguồnLẫnGốc: ASMR thị giác là gì mà sao não bộ lại bị mê hoặc và thoả mãn đến thế?
TìmNguồnLẫnGốc: “Ngơ ngác” trước lịch sử giấy ăn và những điều đơn giản quanh ta

Van Nguyen

Recent Posts

Ryuichi Sakamoto: Opus- Cái kết cảm xúc của bậc thầy âm nhạc

Ryuichi Sakamoto: Opus tác phẩm đầy cảm xúc về người nghệ sĩ cống hiến tất…

2 ngày ago

Lana Del Rey & Quavo: Sự hợp tác đáng mong đợi từ 2 ngôi sao

Sự hợp tác bất ngờ giữa Lana Del Rey & Quavo.

3 ngày ago

Triển lãm thủ công về Pokémon tại Nhật Bản

Đồ thủ công mỹ nghệ về Pokémon tại Sagawa.

3 ngày ago

Trà Sữa Âm 18 Độ gắn liền với 8x 9x thông báo đóng cửa sau 19 năm hoạt động

Trà Sữa Âm 18 Độ là một trong những thương hiệu trà sữa đầu tiên…

4 ngày ago