Lifestyle

Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn gây ấn tượng tránh vài điều sau

Tạo một ấn tượng tốt là điều vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Trong những cuộc phỏng vấn xin việc hoặc trong một buổi hẹn hò, cách người khác đánh giá bạn có thể dẫn tới thành công hay thất bại. Để được đón nhận, một người phải thể hiện được năng lực của bản thân, sự thân thiện, cũng như mức độ đáng tin cậy. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm đúng được mọi thứ. Ngày nay, trên mạng internet đã có vô số bài viết, các dự án nghiên cứu về cách gây ấn tượng ngay lần gặp đầu tiên. Điều này khiến mọi người tin rằng họ có đủ kỹ năng trong việc thể hiện bản thân theo cách tích cực nhất. Ngược lại, khi việc khiến người khác có thiện cảm với mình không như ý, ta sẽ tin rằng đấy là bởi chúng ta đang thiếu các kỹ năng cần thiết. Về cơ bản, ta tự cho là mình không có đủ sự tinh nhạy để xác định đúng các tình huống xã hội.

Vậy có những cách nào để thể hiện chính mình?

Để thể hiện bản thân, mỗi chúng ta đều phải đi qua hai bước.

Đầu tiên, ta phải chọn hình ảnh mà bản thân muốn người khác thấy.
– Thứ hai, ta phải thể hiện hình ảnh đã chọn đó một cách bài bản và có chiến lược.

Theo các nhà nghiên cứu, bước thứ hai là nước đi quan trọng nhất để định hình mọi nguồn lực tinh thần. Khi muốn tạo ấn tượng tốt, một người cần có sự tự điều chỉnh và tự chủ. Hai kỹ năng này đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung cao độ. Ví dụ, khi nhận thức của một người bị quá tải hoặc mất tập trung, họ có thể bắt đầu nói quá nhiều về bản thân hoặc khoe khoang một cách thái quá. Và với nhiều người, khoe khoang không phải là một hành vi được đánh giá cao. 

Yếu tố nào ảnh hưởng xấu đến ấn tượng đầu tiên?

Câu hỏi liên quan đến cách chúng ta nghĩ về ấn tượng đầu tiên là trọng tâm nghiên cứu của nhà tâm lý học Janina Steinmetz thuộc Đại học Utrecht. Bà và đồng nghiệp của mình nhấn mạnh rằng, khi người khác tạo ra một ấn tượng xấu không đồng nghĩa với việc họ không biết cách để thể hiện bản thân hay thiếu kỹ năng giao tiếp. Rất có thể, nguyên do đến từ 2 yếu tố sau đây:

Yếu tố đầu tiên: Thất bại trong việc nhìn từ quan điểm của người đối diện.

Yếu tố này đòi hỏi ta phải biết được thang đánh giá của người đối diện khi đứng trước một vấn đề, sự kiện hoặc một người. Tuy nhiên, chúng ta không có khả năng để đọc suy nghĩ của người khác. Vậy nên việc phán đoán sai phản ứng, suy nghĩ của người đối diện rất có thể là nguyên nhân gây ra ấn tượng xấu về một người. 

Yếu tố thứ hai: Tính tự luyến

Khi mới tiếp xúc, lối thể hiện hài hước, năng động và thú vị của một người tự luyến có thể làm những người xung quanh bị thu hút. Tuy nhiên theo thời gian, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, sự kiêu ngạo và cách hành xử có phần ngang ngược của họ sẽ dần bị phát hiện, khiến các mối quan hệ sẽ có xu hướng xấu đi. Lý do là bởi những người tự luyến tin rằng họ là một cá thể vượt trội, tài năng và thú vị hơn những người xung quanh. Từ đấy, họ sẽ vô tình đưa ra những so sánh, chê bai đối phương. Ngoài ra, họ ít có lòng đồng cảm và thường tránh nhìn nhận sự việc theo góc nhìn của người khác.

Theo Janina, hai yếu tố trên và 4 cách hành xử sau đây sẽ làm cho ấn tượng đầu tiên về một người xấu đi.

1. Tính ngạo mạn

Một nghiên cứu đã mời 2 diễn viên thử hai cách giới thiệu khác nhau: 1 người sẽ tâng bốc bản thân, người còn lại sẽ giới thiệu về mình theo cách thông thường. Trong trường hợp tự tâng bốc, diễn viên thứ nhất đã đưa ra lời giới thiệu mang tính so sánh hạ thấp xã hội (khiến mình trông tốt đẹp hơn người khác) bằng câu nói “Tôi là người đáng để kết bạn hơn người còn lại.” Người còn lại đưa ra lời giới thiệu không mang tính so sánh mà mang tính ngang bằng, “Tôi là một người tốt, nên hãy kết bạn với tôi nhé.” 

Sau đấy, những khán giả xem hai màn giới thiệu đều cho rằng người đầu tiên có phần đáng ghét hơn, bất kể thành tích học tập hay các mối quan hệ của người đấy có tốt ra sao. Họ cho rằng vấn đề không nằm ở việc diễn viên thứ nhất có cái nhìn tiêu cực về người xung quanh, mà bởi cách anh ta có cái nhìn tiêu cực về khán giả. Do đó khán giả đã nâng cao cảm giác tự bảo vệ, đồng thời dấy lên cảm giác thù địch và chống đối trong lòng. 

Minh họa: Manjit Thapp

2. Humble-bragging (Khoe khiêm tốn)

Hình thức khoe khoang bản thân này lại được ngụy trang bằng những lời phàn nàn hoặc tự hạ thấp chính mình. Một ví dụ là những người hay đăng ảnh “Tôi ngủ dậy trông như thế này (I woke up like this)”, nhưng trông như họ đã dành cả một tiếng để trang điểm và chỉnh trang ngoại hình cho thật “long lanh” rồi mới đăng lên mạng. Bằng việc tỏ ra khiêm tốn, một người có thể khiến người khác chú ý vào những điểm tích cực của họ mà không gây khó chịu. Trong khi đó, người giả vờ khiêm tốn dường như đã phớt lờ tầm quan trọng của sự chân thật. Họ cho rằng bản thân có thể khoe một cách âm thầm nhằm nhận lại những lời khen và xác nhận của những người xung quanh, nhưng lại không biết rằng, người khác đã nhận ra mục đích của họ.

3. Đạo đức giả

Những người mang tính cách này thường tự nhận một hình ảnh về bản thân, nhưng lại không đáp ứng được đúng tiêu chuẩn của hình ảnh đó. Hiểu theo một cách khác, họ nói nhưng không làm, đặc biệt là khi liên quan đến những vấn đề đạo đức. Đó là những người chỉ có thể xây dựng một hình ảnh tích cực khi những hành động, suy nghĩ thực tế của họ chưa được bộc lộ ra hoàn toàn. Thế nhưng, khi bản chất của họ được mọi người nhận biết, ấn tượng của họ sẽ trở nên cực kì xấu trong mắt những người xung quanh. Những người đạo đức giả có thể dễ dàng kết bạn với những người bạn mới, song sẽ khiến những người quen cũ cảm thấy dè chừng và muốn giữ khoảng cách. Tệ hơn, những người quen cũ có thể “rủ rỉ” với những người khác, khiến ấn tượng đầu tiên về bạn càng xấu đi.

Minh họa: Tinkering Thinker

4. Khen như không khen

Việc khen như một hình thức, khen cho có sẽ khiến nhiều người cảm thấy thiếu thiện cảm với bạn. Ai cũng thích được khen, nhưng không phải những lời có cánh kiểu “Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ đạt điểm cao đến vậy. Thật tuyệt vời đấy.” Những lời khen thiếu tinh tế như vậy thường đến từ những người vừa mong được yêu quý, vừa mong thể hiện bản thân ở một vị trí cao hơn. Chúng cho thấy đối phương không thật sự quan tâm đến người nghe, mà chỉ muốn thông qua đó bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình.

Kết

Không phải khi gặp ai, chúng ta cũng sẽ lập tức có ấn tượng tốt về họ và ngược lại. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những ấn tượng đầu luôn có “hạn sử dụng rất ngắn” và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vậy nên nếu một người vô cớ có cái nhìn không tốt về bạn, hãy cư xử bình thường và cố gắng giữ sự chân thành. Những thứ đẹp đẽ thường mất một chút thời gian để đi tới trái tim, nhưng một khi đã chạm đến tâm hồn, nó sẽ ở lại rất lâu.

Tham khảo Psychology Today

Có thể bạn quan tâm:
7 lý do người khác ‘seen’ tin nhắn của bạn
Humble-bragging: “Khiêm tốn” nhưng vẫn phải khoe
Hiệu ứng Benjamin Franklin – Tranh thủ cảm tình của người khác bằng cách nhờ họ giúp đỡ
Những người tự luyến thao túng người khác như thế nào?

Van Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

19 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago