Cine

Nạn nhân của cưỡng hiếp trên màn ảnh đều phải chết?

Ngày 6/2/2020, bộ phim thể loại kinh dị mang tên Mya Mya (Myanmar) của đạo diễn Nyo Min Lwin được phát hành. Phim khiến không ít người đặt câu hỏi, sẽ ra sao nếu nhân vật chính Mya Mya trả thù những kẻ đã cưỡng hiếp mình khi cô vẫn đang hiện diện trên dương thế với tư cách một người sống sót ngoan cường chứ không phải khi đã trở thành một hồn ma vất vưởng?

Ở thời điểm hiện tại, một câu chuyện với tình tiết như thế dường như nằm ngoài tưởng tượng với các nhà làm phim Myanmar. Đa số họ là nam, và đa số những “nạn nhân của cưỡng hiếp” họ đưa lên màn ảnh chỉ có hai kết cục: hoặc thiệt mạng khi sự việc xảy ra, hoặc tự sát sau đó vì nỗi nhục nhã. Cái chết của những người phụ nữ này là động cơ đủ chính đáng cho hành động trả thù của nhân vật nam chính trong hồi sau của câu chuyện.

Điều duy nhất đã cứu Mya Mya, không để nỗi nhục nhã của cô kéo dài thêm, chính là cô không bán khỏa thân để đi ám những tên đã cưỡng hiếp và giết hại mình (theo cách poster quảng bá phim đã “gợi ý”). Tuy nhiên, niềm an ủi này vẫn vô cùng nhỏ nếu so với quá trình thực hiện bộ phim – một bữa tiệc đầy dục tính.

Khi “cưỡng hiếp” trở thành trò tiêu khiển

Tháng 7/2019, casting call cho 3 vai “kẻ hiếp dâm” được thông báo trên Facebook. Rất nhiều tài khoản là nam giới đã hào hứng tag bạn bè mình vào, khuyến khích họ nộp đơn dự tuyển, không quên đùa cợt rằng họ sẽ là “những tên cưỡng hiếp chuyên nghiệp”.

Buổi thử vai cho phim diễn ra vào 8/9/2020 tại công viên Kandawgyi (Yangon) trước sự chứng kiến của công chúng và truyền thông. Đoạn video ghi lại sự kiện trên được Myanmar Online News đăng tải lên Facebook. Trong đó, những ứng viên thi nhau “diễn” những động tác cưỡng hiếp trên sân khấu. Người mẫu kiêm diễn viên Thinzar Wint Kyaw – thủ vai Mya Mya – ngồi giữa hàng ghế khán giả. Cô bật cười.

Vài tuần trước khi phim chính thức phát hành, nhà sản xuất đã cho đăng tải một bức ảnh mờ nhòe chụp vùng bụng để trống của một người phụ nữ (có vẻ như là của nữ chính). Caption ảnh yêu cầu người dùng phỏng đoán kích thước cơ thể của “chủ nhân” chiếc bụng. Phần thưởng cho mini-game này là các vouchers xem phim.

Mặc dù được thực hiện để “nâng cao nhận thức về vấn nạn cưỡng hiếp” nhưng những bộ phim này lại thành công trong việc bôi nhọ hình ảnh nạn nhân, đồng thời đem trải nghiệm bị lạm dụng ra thành thứ để tiêu khiển.

Đằng sau tất cả những trò thô tục trên là “câu chuyện thật” với nguồn gốc đáng ngờ. Mya Mya được quảng bá là lấy cảm hứng từ một đoạn video lan truyền trên Facebook vào tháng 4/2019. Nội dung video là một người phụ nữ trẻ ra sức cầu xin mọi người hãy thay cô tìm lại công lý. Cô gái này được cho là đang bị ám bởi linh hồn của Mya Mya – một công nhân nhà máy đã bị cưỡng hiếp và giết hại. 

Cảnh sát đã mở cuộc điều tra . Tuy nhiên, không có bất cứ điều gì chứng minh được rằng từng có một người là Mya Mya tồn tại. Sau đó, “truyền thuyết” về hồn ma báo oán này được công ty sản xuất Night School đem lên màn ảnh rộng, với nội dung chính là màn trả thù của Mya Mya khi cô đã trở thành người cõi âm.

Nạn nhân “cần phải” chết

Cách sự việc cưỡng hiếp được tái hiện trong Mya Mya cũng là hình mẫu chung cho các phim cùng đề tài của điện ảnh Myanmar. Trong số 96 bộ phim phát hành năm 2019, có 6 phim chọn “cưỡng hiếp” làm câu chuyện chính. Mặc dù được thực hiện để “nâng cao nhận thức về vấn nạn cưỡng hiếp” nhưng những bộ phim này lại thành công trong việc bôi nhọ hình ảnh nạn nhân, đồng thời đem trải nghiệm bị lạm dụng ra thành thứ để tiêu khiển. Các nạn nhân trên phim nếu không mất mạng do bị cưỡng hiếp thì cũng vì việc này mà tự tử hoặc chọn sống ẩn dật. 

Daw Swe Zin Nay Min – giáo viên kiêm nhà phê bình phim – cho biết, “Thiếu sót rõ ràng của những phim đề tài này là giải pháp. Một số bộ phim nước ngoài tôi từng xem thường tìm cách để [các nhân vật] vượt qua trải nghiệm đó. Ở Myanmar, nạn nhân thường sẽ không bao giờ thoát khỏi ám ảnh hoặc vượt qua được tổn thương. Một số còn trở thành gái mại dâm [sau khi bị cưỡng hiếp]. Điều này khiến tim tôi như bị bóp nghẹt.”

Daw Swe Zin Nay Min không hề cho rằng cưỡng hiếp là một “chủ đề cấm kỵ”. Thay vào đó, nó nên được tiếp cận một cách đúng đắn hơn. Nạn nhân nên là người làm chủ phần số của cô ấy (hoặc anh ấy), chứ không phải trở thành “vật tế thần” khi trải nghiệm bị cưỡng hiếp và số phận bi đát của họ đóng vai trò động lực cho nhân vật khác – thường là nam giới – trở thành “người hùng” với những màn trả thù đẫm máu.

Trong Responsible Citizen (2019), sau khi phát hiện xác chết bị cắt xẻo của một siêu mẫu – nạn nhân của hiếp dâm – những viên cảnh sát “có trách nhiệm” đã vào cuộc để thực hiện chiến công anh hùng.

Trong A Little Daughter’s Village (2019), nhân vật người cha đã lên kế hoạch báo thù khi biết cô con gái nuôi của ông bị cưỡng hiếp.

Cốt truyện tương tự được tìm thấy trong các bộ phim khác. Đơn cử làHit Tine – người báo thù thay vì là cha thì sẽ là mẹ – hoặc The Elite and the Fish Paste – người báo thù là chị em với nạn nhân. A Flower Above the Clouds thể hiện tốt hơn trong việc khắc họa hình tượng “người sống sót”. Tuy nhiên, thành công của nạn nhân – người bị cưỡng hiếp khi còn trẻ và dành nhiều năm sống ẩn dật trong một tu viện – đã không xảy ra nếu cô không có được sự ủng hộ của nam chính. 

Tôi nghĩ rằng đây là một bộ phim tích cực. Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại những bộ phim thế này sẽ gây hiểu lầm cho khán giả. Họ có thể nghĩ rằng bất kể bị tổn thương nghiêm trọng đến đâu đi nữa, chỉ cần nhân vật gặp được một người đàn ông thì mọi nỗi đau của cô ấy sẽ tan biến.

Ko Sein Lyan – nhà làm phim kiêm giám đốc nghệ thuật trên phim trường, tốt nghiệp tâm lý học tư vấn tại College of Allied Educators ở Singapore
Ko Sein Lyan

Sein Lyan cũng cho biết, xã hội cần nhiều hơn nữa những vai diễn mạnh mẽ về những phụ nữ có trải nghiệm bị tấn công tình dục. “Điều tôi nhận thấy trong các bộ phim này là hầu hết những người đóng vai trò giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân đều là đàn ông. Chúng ta cần nhiều phụ nữ hơn xung quanh nạn nhân. Cho dù điều này không tồn tại trong đời thực đi nữa, chúng ta vẫn cần phải tạo ra nó trên màn ảnh.”

Thế nhưng, với Nyo Min Lwin – đạo diễn của Mya Mya – thì những điều trên “không cần thiết” với phim của anh. Vào 7/2/2020, trong chương trình Let’s Talk (MRTV-4), Nyo Min Lwin đã khẳng định rằng Mya Mya là phim ma, chứ không phải phim về cưỡng hiếp.

Nhưng cho dù thế thì bộ phim ma này cũng đã sa đà vào chuyện tình dục hóa chủ đề chính. Rời bỏ trần gian vì nhát dao vào ngực sau khi bị cưỡng hiếp bởi 3 gã đàn ông có khiến một hồn ma trở nên đáng sợ hơn không?

Đạo diễn Nyo Min Lwin

“Cô ấy [Thinzar Wint Kyaw] đã thể hiện rất tốt trong quá trình quay phim. Ví dụ như lần kia, tôi đã cố gắng để cô ấy la hét khi bị cưỡng hiếp bởi người đàn ông thứ hai, khác với người ban đầu. Cô ấy truyền tải nỗi đau khi bị xâm hại [bởi ba người đàn ông khác nhau] một cách hoàn hảo.”

Đạo diễn Nyo Min Lwin nói về diễn xuất của Thinzar Wint Kyaw trong một phỏng vấn thực hiện ngày 10/12/2019 với tạp chí trực tuyến Myanmar Celebrity

Hãy để nạn nhân tiếp tục sống

Trên thực tế, Mya Mya có thể trở thành một bộ phim về đề tài cưỡng hiếp, thậm chí có thể được xem là thành công trong đề tài này nếu khai thác quá trình nạn nhân vượt qua trải nghiệm bị xâm hại bằng chính sự mạnh mẽ của mình. Đáng tiếc, nhân vật chính của phim lại bị chôn vùi – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – như phần lớn những bộ phim khác.

Mya Mya là một cô gái thông minh, nhạy bén, không dễ khuất phục. Khi còn sống, cô dẫn đầu cuộc đình công rầm rộ nhằm đòi lại quyền lợi cho công nhân nhà máy. Điều này đã làm tên chủ nhà máy tức giận và lên kế hoạch hại cô. Một dấu hiệu khác về tính cách quyết liệt của Mya Mya là việc cô giấu dao dưới gối khi ngủ để đề phòng người cha dượng lúc nào cũng rình mò mình.

Một nhân vật thế này sống sót sau cuộc tấn công và tự tay tìm lại công lý cho mình còn đáng sợ bội phần một con ma xanh xao đi ám người khác.

Điện ảnh Myanmar đương đại không xa lạ với việc phụ nữ thực hiện những trò bạo lực. Daung Ni – người mẹ mang đầy thù hận trong Hit Tine – đã dùng kiếm chém kẻ hiếp dâm con gái mình nhiều nhát, sau đó lôi thi thể đẫm máu đó ra một con đường đông đúc giữa ban ngày.

Joe Joe – chị gái của nạn nhân trong The Elite and the Fish Paste – đã treo ngược kẻ cưỡng hiếp em gái mình với một bao tải đầy chuột buộc quanh cổ, để chúng gặm phần đầu gã ta. Sau đó cô đánh chết hắn.

Mya Mya, với tư cách một người sống sót, sẽ không cần đi đến thái cực này. Với tính cách của mình, nhân vật này sẽ không tự tử vì nhục nhã và xấu hổ, cũng không cần trả thù đẫm máu những kẻ đã hại cô. Thay vào đó, cô có thể tìm kiếm công lý bằng pháp luật. Mya Mya cũng sở hữu một “vũ khí bí mật” khác mà những nhân vật trước đây không có được, đó là tình chị em bền chặt mà cô có với các đồng nghiệp nữ tại nhà máy.

Tuy nhiên, khung cảnh phiên tòa với một nạn nhân cưỡng hiếp lại là một khó khăn khác. Steel – đạo diễn của Responsible Citizen, The Elite and the Fish Paste, và The Little Daughter’s Village – cho biết chế độ kiểm duyệt tệ hại ở Myanmar khiến việc để cho “pháp luật” xuất hiện trong phim trở thành một thử thách. Tất cả những chi tiết và những cảnh phim khiến tòa án có khả năng bị xuyên tạc hoặc bị bôi nhọ trên màn ảnh đều bị yêu cầu cắt bỏ.

“Chúng tôi chỉ còn một lựa chọn duy nhất cho các bộ phim về hiếp dâm, đó là [để các nhân vật] tìm cách trả thù. Các nhân vật trong phim của tôi cũng không tin tưởng vào khả năng công lý được thực thi thông qua luật pháp.”

đạo diễn Steel

U Nyan Wint – nhà sản xuất của Hit Tine – cũng cho biết động thái không tìm đến nhà chức trách của các nạn nhân cưỡng hiếp được mô tả trên phim phần nào phản ánh thực tế. “Theo những gì tôi biết, nguyên đơn [là phụ nữ] thường bị xử thua trong hầu hết các vụ hiếp dâm ở Myanmar. Theo quy định, họ cần mô tả rõ ràng câu chuyện của mình trước tòa. Với một người phụ nữ Myanmar thì việc sử dụng những ngôn ngữ tục tĩu [về tình dục] có thể còn nhục nhã hơn nhiều [so với việc bị cưỡng hiếp].”

Thế nhưng, đây ít nhiều được xem là một cái cớ yếu ớt được các nhà làm phim đưa ra để bao biện cho sự thất bại trong việc tạo ra các nhân vật nữ, cũng như nhìn thấy cảm hứng từ những “nữ anh hùng” đời thực.

Năm 2015, đạo diễn Sein Lyan Tun đã thực hiện bộ phim tài liệu Unsilent Potato – một tác phẩm phi hư cấu – về tương lai của các cô gái là nạn nhân của vấn nạn hiếp dâm. Nhân vật trung tâm là Alu Ma (Potato) có những điểm tương đồng nhất định với Poe Poe – nạn nhân bị cưỡng hiếp trong The Elite and the Fish Paste. Cả hai đều bị câm điếc bẩm sinh và đều sinh trưởng trong gia cảnh nghèo khó.

Thế nhưng, không như Poe Poe, Potato không tự tử sau khi bị xâm hại. Cô mang thai ngoài ý muốn, nhưng quyết định giữ lại và nuôi nấng đứa trẻ. Sau nhiều năm kiên trì, cô cũng thành công đưa kẻ hãm hại mình vào tù. Bố của Potato đã nói rằng, chiến thắng này đã khiến cô trở thành nguồn sáng hy vọng trong cộng đồng của mình. 

Câu chuyện của Potato ít giật gân và ma quái hơn câu chuyện của Mya Mya, nhưng ám ảnh hơn rất nhiều.

Nguồn: Frontier Myanmar

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago