Nổi bật

#HọNóiLà: Phản ứng của thợ xăm với câu nói: Họ là những người bôi bẩn lên người khác?

Dù không phải một loại hình nghệ thuật mới mẻ, nhưng những hình xăm đã xuất hiện lâu hơn những gì chúng ta nghĩ. Vào năm 1991 tại Châu Âu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xác một người đàn ông hơn 5000 năm tuổi. Sự kiện này gây chấn động bởi đây được coi là xác ướp có tuổi thọ lâu đời và nguyên vẹn nhất mà nhân loại từng tìm thấy. Bất ngờ nhất là lớp da hầu như còn nguyên vẹn (do khí hậu lạnh giá và núi đá bao phủ,) xuất hiện 57 hình xăm. Hiện rõ ở trong đầu gối trái, phía trên thận và mắt cá chân… Để giải thích, nhiều nhà khoa học cho rằng cách đây 5 thiên nhiên kỷ, con người đã biết đánh dấu những phần cơ thể tổn thương để chữa bệnh. (Các xét nghiệm cho thấy cái xác khi còn sống đã mắc chứng viêm khớp gối).

Tại Ai Cập, vào năm 1891, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một xác ướp của Amunet, một tu sĩ nữ thờ thần Hathor tại một đền thờ ở Thebes trong khoảng năm 2160 TCN và 1994 TCN. Xác ướp này có những hình xăm kí tự hình học trừu tượng, những dấu chấm, gạch thường chỉ dành cho phụ nữ, nhất là những người đã trải qua nghi lễ tế thần.

Tục xăm mình cũng xuất hiện trong đời sống văn hoá của người Việt Cổ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, người dân sống trên rừng núi khi tới khe suối bắt cá thường bị thuồng luồng làm hại. Từ đó người dân tin rằng xăm hình Thuỷ quái lên mình sẽ khiến thuồng luồng sợ hãi.

Tục xăm mình của dân Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đây. Bên cạnh đó, có nhiều câu chuyện kể rằng đội quân Thánh Dực thời Trần (những đôi cánh bảo vệ đất nước và triều đình) sẽ được xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân. Hay một điển tích quen thuộc hơn chính là dưới thời đại này, các binh sĩ cũng thường xăm hai chữ Sát Thát (Giết giặc Tarta), chống quân Nguyên Mông nhằm thể hiện sự quyết tâm đồng lòng chiến đấu, bảo vệ giang sơn của cha ông ta. Thường những người xăm trổ thời ấy đều là những chiến binh dũng cảm và can trường, họ xăm trổ để thể hiện sức chịu đựng và chí hướng của mình. Trong một xã hội mà công nghệ, y học chưa tiến bộ, việc xăm hình là một quá trình đau đớn, đòi hỏi sức chịu đựng về cả tâm lý lẫn thể chất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào hình xăm cũng mang những ý nghĩa tích cực. Đằng sau những vết mực cũng ẩn chứa rất nhiều góc tối. Tại Trung Quốc việc thích chữ vào mặt hoặc trán được coi là một hình thức trừng phạt với những người phạm tội. Tại Nhật Bản, những hình xăm thường khiến người ta e dè khi liên tưởng tưới những băng nhóm xã hội đen Yakuza xăm trổ kín người. Những mâu thuẫn về mặt tư tưởng đã khiến việc xăm mình, trong một khoảng thời gian dài, đã nhận được những cái nhìn tiêu cực. Những người có hình xăm thường bị coi là hư hỏng, một dấu hiệu nhận biết tội phạm.

Ngày nay, những ác cảm về việc xăm mình đã giảm, nhưng những định kiến thì vẫn luôn tồn tại. Một vài người khó tính vẫn cho rằng loại hình này không khác gì việc vẽ bậy lên cơ thể. Thế nhưng, vẫn rất nhiều người trẻ mang trong mình những bức hình không thể xoá, vẫn rất nhiều thợ xăm cần mẫn, yêu nghề dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều của những người xung quanh.

Bài phỏng vấn này được The Millennials Life thực hiện cùng hai cô gái – một người mới vào nghề và một người có nhiều kinh nghiệm hơn với nghề xăm. Cả hai đều chưa quá nổi tiếng, chưa có một lượng khách hàng dồi dào sẵn sàng xếp lịch, chờ từ ngày này qua ngày khác. Mỗi người đều đến với The Millennials Life bằng những suy nghĩ chân thành và bình dị nhất về nghệ thuật xăm mình, cũng như việc họ theo đuổi nghề thợ xăm tại Việt Nam. Những câu chuyện, chia sẻ chỉ như một cốc cà phê, uống để cảm nhận cuộc sống sau một tuần dài bận rộn.

Xin chào, hai bạn có thể giới thiệu đôi nét về mình?

Hương: Mình là Hương. Gia đình và bạn bè thân thiết thì sẽ gọi với cái tên yêu hơn là Tít. Hiện tại mình là một stylist part-time, và song song với đó mình cũng là một thợ xăm hình tại Hà Nội.

Điệp: Chào mọi người, mình tên là Điệp. Mình 25 tuổi và đang là một thợ xăm đến từ Hà Nội.

Tại sao bạn lại chọn nghề xăm? Đó có phải là đam mê từ bé hay vốn đã là một cái duyên trời định?

Hương: Mình xuất thân là một người đi học thiết kế nên thực ra việc mình theo đuổi nghề xăm không hẳn là một sự lựa chọn đường đột gì, mà nó giống như người ta thường nói “nghề chọn mình, chứ mình không chọn nghề.” Mình chỉ cứ đi theo hướng con tim mách bảo thôi.

Khi mới bắt đầu, vì mình thấy công việc này khá vui, lại còn cho mình nhiều cơ hội được thỏa sức sáng tạo và có được nhiều cảm hứng trong cuộc sống nữa. Và hơn hết là mình thấy công việc này rất phù hợp với lối sống cũng như sở thích của mình. Mình vốn là một người rất thích những hình xăm nên đã quyết định theo đuổi và gắn bó lâu dài với nó.

Điệp: Từ bé mình đã yêu thích vẽ vời và làm đồ thủ công. Cho tới lên đại học mình đã lựa chọn học đại học Mỹ thuật Công nghiệp để trau dồi thêm khả năng vẽ cũng như thiết kế của mình. Đối với mình thì mọi thứ về hình ảnh và màu sắc đều mang lại một vẽ đẹp rất riêng và khiến mình vô cùng thích thú.

Tình cờ có một lần tìm hiểu về đất nước Nhật Bản, mình có đọc được bài về truyền thống xăm hình tại đất nước này. Những hình xăm mang tính truyền thống cổ xưa và nét đẹp của nó trên da thịt làm mình mê mẩn mãi. Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu sâu hơn nữa về nghề xăm và thực sự phát hiện ra đây chính là niềm yêu thích và đam mê của mình. Mình đã từ bỏ công việc designer hiện tại để đi học và nghiên cứu sâu hơn về xăm hình.

Có thể lúc bắt đầu, việc xăm hình không đem đến cho mình thu nhập ổn định nhưng khi được xăm là khi mình cảm thấy thoải mái nhất và hứng thú nhất. Điều đó khiến mình không ngừng trau dồi và theo đuổi xăm hình cho tới giờ.

Ở Việt Nam, những định kiến về nghề thợ xăm và những người xăm mình vẫn còn tồn tại từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Bạn có bao giờ bị ảnh hưởng vì những định kiến như thế chưa?

Hương: Thời gian đầu mình chỉ đơn giản là một người thích những hình xăm thôi, nên mình đã quyết định đi xăm. Sau bức hình đầu tiên thì mình nhận ra là bản thân mình thích tattoo nhiều hơn mình tưởng, nên mình lại có hình thứ hai, hình thứ ba… và giờ mình cũng có kha khá hình xăm trên người rồi.

Gia đình mình thì mới đầu cũng có những phản ứng trái chiều khá gay gắt. Nhưng dần rồi thì họ thấy được ngoài việc mình có nhiều hình xăm – làm mình có dáng vẻ nghịch ngợm và trông “dân chơi” ra, thì mình vẫn vẫn là Hương Tít ngày nào. Mình vẫn sống và làm việc bình thường, không có gì thay đổi cả. Những hình xăm cũng không làm mình bị biến chất gì. Mọi người trong gia đình dần rồi họ cũng thấy quen với những điều ấy.

Đến khi mình quyết định làm thợ xăm chuyên nghiệp, và nói với ông bà, bố mẹ thì mọi người dường như cũng khá ủng hộ. Thậm chí họ còn rất quan tâm xem công việc của mình có thuận lợi và ổn định hay không mà thôi.

Còn đương nhiên là ngoài xã hội có nhiều kiểu người và mỗi người có một giá trị quan khác nhau. Cá nhân mình thì không thể nào xóa bỏ những định kiến “cổ thụ” lâu đời ấy một sớm một chiều được, nên mình chỉ biết cố gắng vì chính bản thân và gia đình mình mà thôi. Người thân của mình và những người ở xung quanh mình ghi nhận mình là một người tốt, với mình như vậy là quá đủ rồi. Mình không thể nào để ý và chiều lòng hết tất cả mọi người mình gặp ở ngoài được, cơ bản là họ cũng không biết mình là ai và mình đã làm được những điều tốt đẹp gì cho xã hội cả.

Điệp: Mình có chứ. Mình là một cô gái làm thiết kế, một công việc văn phòng như bao người “bình thường” khác. Khi mình từ bỏ vì cảm thấy không phù hợp, và đánh liều theo đuổi bộ môn này thì gia đình mình không mấy ủng hộ cho lắm. Bố mẹ mình tuy không phải người cổ hủ nhưng họ cũng không ủng hộ việc con gái theo con đường “xăm trổ.” Có lẽ vì sợ con sẽ tiếp xúc với nhiều người, nhiều “giang hồ,” hay có lẽ đơn thuần là họ sợ mọi người xung quanh đánh giá.

Nhưng mình vẫn lẳng lặng quyết tâm theo đuổi cho đến cùng. Khi có được những tác phẩm ưng ý nhất, mình đã cho bố mẹ xem và họ hoàn toàn bị thuyết phục. Khi thấy được thành quả bằng sự nỗ lực thì gia đình mình cũng đã mở lòng hơn. Giờ thì ba mẹ mình rất ủng hộ con gái theo đuổi con đường này.

Bên ngoài xã hội, có rất nhiều người không đánh giá cao thợ xăm, với những người cổ hủ hơn thì họ không thích và thậm chí là có ánh nhìn không mấy thiện cảm. Khi bạn có nhiều hình xăm trên cơ thể, theo lẽ thường tình thì sẽ có rất nhiều ánh mắt soi mói bạn, trực tiếp và cả gián tiếp luôn. Thậm chí có cả ánh mắt mang đầy sự “đánh giá” về bạn.

Nhưng mình thì mình kệ thôi, bởi vì đây là cơ thể của mình, mình muốn đeo “trang sức” gì miễn là mình thấy thích là được. Xã hội ngày phát triển thì cũng ngày càng có nhiều người với tư duy mới và chịu mở lòng hơn, hiểu và dần đồng tình hơn. Thậm chí nếu bạn có hình xăm đẹp thì chắc chắn sẽ có người thích ngắm nhìn hình xăm của bạn, thích hỏi chuyện bạn về những ý nghĩa của những hình xăm ấy.

Từ lúc bắt đầu với nghề, ắt hẳn bạn đã gặp không ít khó khăn? Đó là những cản trở như thế nào và bạn làm gì để vượt qua nó?

Hương: Mình cũng chưa có thời gian làm nghề lâu dài như nhiều người thợ xăm khác, cũng không gặp phải quá nhiều rào cản lớn từ phía gia đình. Nhưng bất kì công việc nào cũng đều có khó khăn riêng. Chỉ cần nghĩ mọi khó khăn đều là nhỏ bé và cố gắng theo đuổi thứ mình yêu thích, thì mình nghĩ là con đường sẽ trở nên rất dễ dàng dù cho mình làm bất cứ ngành nghề gì chứ không chỉ riêng nghề thợ xăm.

Điệp: Khó khăn ban đầu thì chắc là những lúc chưa có khách. Vì hồi đó mới bắt đầu vào nghề và chưa có được nhiều sự tin tưởng của mọi người để dám “trao thân” cho mình. Sau đó là tích từng đồng để sắm sửa đồ đạc, nâng cao chất lượng đồ nghề để xăm cho bạn bè, xăm cho mẫu lấy hình ảnh, và tiếng tăm. Chỉ có cách là chăm chỉ, làm cẩn thận cùng với luyện tập nhiều để có được sự tin tưởng hơn từ mọi người.

Trong suốt thời gian làm nghề, bạn có học được điều gì hoặc có kỉ niệm nào khiến bạn nhớ mãi không?

Hương: Mình thật sự đã học được rất nhiều. Xăm mình cũng được tính là một bộ môn nghệ thuật và là ngành thẩm mĩ. Bởi thế, mình đã học được thêm nhiều kiến thức về các vùng da trên cơ thể, cách chăm sóc da đúng cách để không gặp những biến chứng xấu, gây mất thẩm mỹ cho da. Từ đó mình có thêm được nhiều kiến thức và khả năng sáng tạo cũng được nâng cao nhiều hơn.

Cho đến giờ, chắc kỉ niệm mình nhớ nhất vẫn là với hình xăm đầu tiên mình làm. Đó là hình xăm mình xăm cho người yêu mình. Làm đau mình thì dễ lắm, nhưng làm đau người khác thì lại sợ. Lần đầu cầm máy xăm lên da, mình đã phải chuẩn bị tinh thần trước tận mấy ngày, rồi người được xăm cũng phải ủng hộ và củng cố tinh thần cho mình. Cảm giác sau khi hoàn thành là hồi hộp xen lẫn sự hào hứng làm mình muốn được xăm thêm nhiều hình nữa. Và mình nhận ra là những người tìm đến mình, họ thực sự muốn có hình xăm. Việc của mình là giúp họ giữ lại những “ý nghĩa” đó một cách trọn vẹn và hoàn hảo nhất.

Mọi người hay nói hãy tìm một công việc mà mình yêu thích để có thể vui vẻ từ 6h sáng tới 8h tối và mình nghĩ mình đã tìm được nó rồi.

Điệp: Mình học được rất nhiều từ những vị khách của mình. Từ khách quen cho đến những vị khách lạ vô tình biết đến mình. Mỗi người đều chia sẻ những câu chuyện, những buồn vui hay những điều hay ho chỉ cho mình biết. Từ khi làm nghề mình đã có thêm khá nhiều bạn mới, chơi với thêm nhiều người mặc dù trước đó mình không phải người giỏi kết bạn.

Kỉ niệm với mình hôm xăm cho một bạn khách nọ. Bạn khách đó đi cùng hai người bạn nữa. Cả ba bạn ngồi đợi mình xăm suốt cả chiều đến tận 1-2h đêm. Khi xăm xong bọn mình đi Circle K ngồi với nhau nói chuyện như những người bạn thân lâu năm. Những câu chuyện nhỏ xíu như vậy thôi cũng làm mình thấy yêu công việc cực kì và thấy đỡ mệt hẳn.

Bạn có tự đặt ra tiêu chuẩn nào khi làm nghề không? Điều gì làm nên sự khác biệt của bạn và những hình vẽ bạn đã làm nên?

Hương: Tiêu chuẩn mình đặt ra cho bản thân là luôn cẩn thận và làm hết sức mình đối với mỗi hình xăm. Đặt an toàn của khách hàng lên đầu và tôn trọng cái tôi của họ. Mình muốn làm việc với 100% trách nhiệm, vì hơn hết mình làm công việc này vì sở thích và đam mê cá nhân, vì mình yêu thích công việc này, chứ không nghiêng về giá trị kinh tế mà nó mang lại.

Cái duyên với nghề đến của mình là khi mình đang mải mê tìm niềm vui trong mùa nghỉ dịch. Vì thế cho nên tuổi nghề của mình còn khá ít. Mình vẫn đang trên con đường tìm ra nét xăm riêng cho bản thân. Tại thời điểm hiện tại, mình nghĩ sự khác biệt của mình nằm ở cách hoạt động cũng như thái độ làm việc của mình.

Biết đâu sau này, chúng mình sẽ gặp nhau trong tương lai khi bạn muốn sở hữu những hình xăm mang đậm dấu ấn cá nhân xen lẫn cùng với những cảm hứng bất tận và niềm đam mê chân thành của Hương Tít thì sao..

Điệp: Mỗi một thợ xăm đều sẽ có cho mình những style riêng biệt của bản thân. Mỗi tác phẩm là một tiếng nói riêng, mang những màu sắc cá tính đặc trưng. Và với mình cũng như thế. Khi có ai cảm được hình xăm của bạn, thì người đó và bạn sẽ có cùng tiếng nói với nhau, và thế là ông trời sẽ đưa đẩy cho họ gặp nhau. Khách của mình đến với mình cũng vì điều đó.

Nếu có một người nói với bạn họ hối hận về hình xăm của mình, bạn sẽ nói gì?

Hương: “Hình xăm không xấu, chỉ có hình xăm xấu mới xấu.” Nếu lý họ thấy hối hận vì hình xăm này không vừa ý do tính thẩm mỹ, thì việc “sửa hình xăm” là một kỹ thuật không quá khó. Ở Việt Nam hiện tại đã có rất nhiều người làm trong nghề xăm có kĩ thuật rất tốt để có thể khắc phục được những điều không vừa ý về hình xăm của bạn.

Còn nếu họ là một người hối hận vì đã có hình xăm – điều làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp của họ và họ ước rằng hình xăm này có thể biến mất. Dù rất tiếc nhưng mình chỉ có thể nói là bạn có thể cân nhắc đến việc đi xóa hình xăm. Hiện tại cũng có nhiều trung tâm thẩm mĩ với kĩ thuật xóa xăm chất lượng rất tốt. Nhưng hãy suy nghĩ thật kĩ về quyết định của mình. Quá trình xóa đi một hình xăm sẽ đau hơn rất nhiều lần so với cảm giác xăm hình xăm đó, cũng như chi phí tốn kém hơn hẳn.

Điệp: Đơn giản thôi, mình sẽ hỏi: Tại sao lại hối hận?

Thường sự hối hận này gặp ở những người trước đó khi xăm đã chưa suy nghĩ kĩ, xăm những hình vì ý thích nhất thời. Vậy nên trước khi đặt kim xăm mình đều hỏi họ đã thực sự thích hay đã suy nghĩ kĩ chưa.

Nếu có một người bảo thợ xăm là những kẻ bôi bẩn lên người khác, bạn sẽ nói gì?

Hương: Thợ xăm không bao giờ là những kẻ bôi bẩn lên người khác, chỉ có thợ xăm xấu làm việc không có trách nghiệm với sản phẩm của mình và tạo ra những hình xăm xấu, thiếu tính thẩm mĩ và nghệ thuật thì mới là kẻ bôi bẩn lên người khác. Và mình cũng không thể bôi bẩn lên người khác nếu không được họ cho phép. Công việc dịch vụ nào cũng vậy, khách hàng tìm đến mình và mong muốn có những dấu ấn lên cơ thể. Việc của mình là giúp họ có những hình xăm đó một cách an toàn và thẩm mỹ nhất.

Tư tưởng “thợ xăm là bôi bẩn lên người khác” mình thấy mang ý nghĩa rất hạn hẹp, đánh đồng mọi thợ xăm với nhau và mình không ủng hộ việc các bạn đánh đồng mọi thứ như thế dù là trong hoàn cảnh hay lĩnh vực nào đó. Mỗi người có một thế giới quan, giá trị quan khác nhau nên việc nói thợ xăm là những kẻ bôi bẩn lên người khác là hoàn toàn không đúng.

Điệp: Còn mình thì chắc mình sẽ chẳng nói gì đâu mà chỉ cười trừ thôi. Bởi vì khi ai đó giao một phần da thịt của họ cho mình là khi họ đã có sự tin tưởng với mình, có niềm yêu thích với công việc và các tác phẩm của mình. Và họ muốn mình giúp họ khắc ghi những câu chuyện hay về những người thân yêu của họ. Điều này còn ý nghĩa hơn cả những câu nói vô nghĩa.

Mỗi người sẽ có cái nhìn khác về hình xăm. Cả như những người cùng thích hình xăm thì cũng sẽ có người này thích hình này, người kia thích hình kia. Mỗi người đều có những quan niệm và gu thẩm mỹ khác nhau. Vì vậy việc đánh giá người khác sẽ trở nên rất thừa thãi. Chính mình khi tư vấn với khách cũng thường nói rằng đừng hỏi ý kiến quá nhiều người khi lựa chọn hình xăm. Quan trọng nhất vẫn là bản thân bạn thích là được.

Bạn có nghĩ mỗi hình xăm là một vệt tối trong chúng ta được đưa ra ánh sáng không?

Hương: Nếu nói mỗi hình xăm là một vệt tối trong bản thân được đưa ra ánh sáng thì theo một khía cạnh nào đó nó có thể đúng, hoặc không.

Không phải ý nghĩa hình xăm nào cũng được lấy từ góc tối của bản thân. Ngay từ những ngày đầu khi nghệ thuật xăm mới xuất hiện, nó đã mang một ý nghĩa “tập thể” hơn – như đại diện về một nền văn hoá hay một tôn giáo bất kì. Hình xăm được xem là một nền văn hoá truyền thống của Nhật Bản cũng như thổ dân các bộ lạc. Về sau khi hình xăm được phổ biến và được biết đến nhiều hơn, thì nó lại mang nhiều tầng ý nghĩa khác – những ý nghĩa có phần “tươi sáng” hơn.

Có những hình xăm mang ý nghĩa về tình yêu thương gia đình, sự gắn kết của tình yêu đôi lứa hay tình bạn vĩnh cửu. Đơn giản như những hình xăm thú cưng để thể hiện tình yêu với người bạn nhỏ của mình. Nên mình nghĩ hình xăm không hẳn là một vệt tối được đưa ra ánh sáng. Hình xăm có thể là những thứ mang ý nghĩa tươi đẹp và rất to lớn với “chủ nhân” của nó.

Điệp: Đúng như chưa đủ. Mình nghĩ không phải lúc nào những hình xăm cũng là “vệt tối.” Có thể nói mỗi hình xăm là một sự kiện, một cột mốc, hay giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời một ai đó. Hay có những hình xăm mang ý nghĩa về gia đình, bạn bè, người thân, và thậm chí là cả những nỗi niềm cảm xúc cần được khắc ghi lên cơ thể mãi mãi. Nhiều người khi đã trải qua một chuyện gì đó vui buồn trong cuộc sống, hay khi họ nhận ra một điều gì đó trở nên vô cùng quan trọng đối với họ, thì họ có thể chọn hình xăm là nơi “trút bầu tâm sự.”

Một yếu tố khác gây ra tiếng xấu cho việc xăm mình, là quan niệm cho rằng việc xăm mình là không tôn trọng cơ thể bố mẹ ban cho, đồng thời là một hình thức tự làm tổn thương mình. Hai bạn nghĩ sao về điều này?

Hương: Việc làm tổn thương mình và đi xăm mình điểm khác nhau hoàn toàn. Làm tổn thương mình là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân hoặc cũng có thể là cho cả những người xung quanh. Đồng nghĩa với việc gây nguy hiểm cho xã hội và tất cả chỉ vì nỗi buồn của bản thân, với mình thì đó là hành động rất ích kỉ, được coi là suy nghĩ không thấu đáo.

Còn việc xăm mình thì cá nhân hơn, vì xăm lên cơ thể bạn do bạn quản lí và kiểm soát nên không ảnh hưởng đến bất kì ai ngoài bạn và cuộc sống của bạn. Bạn là người duy nhất phải chịu trách nghiệm cho hành động này vì chính những cảm xúc của bạn đã dẫn dắt đến những hình xăm ấy. Hơn thế nữa, những hình xăm còn mang tới giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ, thì làm sao có thể nói đó là việc làm gây tổn thương cho cơ thể được.

Điệp: Khác biệt là ở hành động. Khi bạn tiêu cực mà xâm phạm tới cơ thể là một điều cực kì có lỗi với cả bản thân và gia đình. Gây tổn thương tới thân xác là điều sai trái nhưng không thể đánh đồng cùng việc xăm hình được. Hình xăm có thể coi là một món trang sức trên cơ thể mà bạn tự tay lựa chọn và “đeo” nó lên người. Hình xăm đó có thể làm cơ thể bạn đẹp hơn, làm bạn giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, hay chính là lưu giữ hình ảnh những người thân yêu trên cơ thể. Điều đó chính là sự khác biệt.

Hương và Điệp nghĩ khi nào thì một người sẵn sàng cho hình xăm đầu tiên của họ?

Hương: Mình nghĩ một người sẵn sàng cho hình xăm của mình là khi họ hiểu được hình xăm là một thứ sẽ ghi dấu ở trên cơ thể mãi mãi, là một thứ “trang sức” mang lên người ở khắp mọi nơi. Mình hay gọi đùa là “thứ trang sức đắt tiền” vì hiện tại ở Việt Nam việc xăm hình còn nhiều hạn chế (về ngành nghề, định kiến). Có tiền cũng chưa chắc dám xăm.

Nên trước khi xăm cũng nên đặt câu hỏi tự chất vấn bản thân mình. Mình có thật sự muốn có hình xăm đó chưa? Hình xăm này còn điều gì chưa hoàn chỉnh không? Liệu hình xăm này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hay công việc của mình không?

Và nếu đã tự có câu trả lời cho bản thân rồi thì hãy sẵn sàng cho mọi thứ và.. làm thôi!

Điệp: Đó là khi họ thực sự yêu thích và tâm đắc với hình đó và cả khi thời điểm họ thực sự hứng thú quyết định đi xăm và hình xăm đó có ý nghĩa với họ về dù ở là ở bất kì khía cạnh gì.

Có vẻ bài phỏng vấn cũng khá dài, giờ chút ta sẽ đến câu kết nhé. Nhiều người xăm mình như một cách thể hiện bản sắc cá nhân. Nhưng có người cho rằng nếu bạn thật sự cá tính, nổi bật thì sẽ không cần đến một hình xăm để có thể trưng bày cho cả thế giới thấy. Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Hương: Đúng là hình xăm thể hiện bản sắc cá nhân nhưng không phải ai có bản sắc, cá tính nổi bật đều phải có hình xăm. Vì đã gọi là “chất riêng” thì mình tin là mỗi người ai cũng đều sẽ chọn cho mình một cách thể hiện ra bên ngoài cả.

Có người thì chọn nhảy, có người lại chọn hát hay rap. Hoặc thậm chí là chọn cách im lặng và thể hiện qua từng hành động thường nhật hàng ngày – như vẽ, nghe nhạc, chụp ảnh, quay phim post lên trang cá nhân hoặc các mạng xã hội. Đó cũng luôn là một cách hay để con người ta có thể thể hiện được cá tính và chất riêng của mình.

Nếu thực sự là một người có bản sắc, có cá tính riêng nổi bật thì chắc chắn sẽ có rất nhiều cách để thể hiện và bộc lộ nó. Và kiểu gì thế giới cũng sẽ “thấy” được những bản sắc riêng biệt ấy. Ở mỗi cá nhân chúng ta, chắc chắn ở sâu bên trong, ai cũng có một khát khao được chứng tỏ bản thân với người khác cả.

Với cá nhân mình thì mình lựa chọn cách gửi gắm những giá trị quan vào những hình xăm, và đương nhiên là mình cũng có những khía cạnh khác trong cuộc sống, chứ không phải chỉ có mỗi hình xăm để có thể “phô bày” con người của mình.

Điệp: Mỗi người có một quan điểm riêng, không ai giống ai hết. Có người không thích hình xăm nhưng có người lại “chết mê chết mệt” vì nó. Việc xăm hình của họ là do họ thích, và mỗi hình xăm là mỗi ý nghĩa riêng của họ. Theo mình nghĩ thì họ muốn khắc ghi hình vẽ lên da thịt vì những câu chuyện đẹp đẽ đó, chứ không phải lúc nào xăm hình là để thể hiện, để trưng bày cho người khác xem. Chắc có lẽ đã có không ít người xăm vì theo phong trào, để phô trương và thể hiện bản thân, nên đã vô tình làm nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của những hình xăm.

Cám ơn hai bạn đã hỗ trợ The Millennials Life cho bài phỏng vấn lần này. Chúc cả hai sẽ luôn yêu đời và yêu nghề như bây giờ nhé.

Nghi To

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

17 phút ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

24 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago