Culture

#Localzine: Ngắm xứ Nam kỳ đầu thế kỷ 20 qua nét vẽ người xưa

#Localzine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt

Đời sống mọi mặt của cư dân Nam kỳ vào đầu thế kỷ 20 được tái hiện lại chi tiết và sống động không phải qua lời văn từ những nghiên cứu, bài viết, tiểu luận,… mà qua nét vẽ chuyên nghiệp của hàng trăm bức họa trong Bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương.

Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương

Bộ Chuyên khảo (The Monograph of  Fine Drawings of Indochina / Monographie Dessinée de L’Indochine) được thực hiện bởi các học sinh của Trường Mỹ nghệ Gia Định (l’École d’Art de Giadinh, tiền thân của Đại học Mỹ thuật TP.HCM) theo sự chỉ đạo của ông J.G. Besson (Thanh tra các trường Mỹ thuật Nam kỳ kiêm Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Gia Định). Đây là một tuyển tập những bức ký họa miêu tả phong cảnh, công trình, đời sống sinh hoạt của người Việt thời kỳ đầu thập niên 1930.

Theo lời nhiếp ảnh gia Pháp gốc Việt, Quang Lâm, có tổng cộng 8 bộ gồm 40 bức vẽ/bộ và đề tài riêng. Những ai am hiểu tranh ảnh Đông Dương sẽ nhận ra một số bức vẽ lấy đề tài từ các tấm bưu thiếp hoặc ảnh chụp khá nổi tiếng được công bố vào khoảng năm 1900-1910 (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 38, 6/10/2013).

Bìa Vựng tập về Thương mại, Văn hóa, Lãnh thổ, và Con người đất Gia Định – tập 2

Các bức vẽ trong Chuyên khảo được thực hiện theo dạng vẽ tả chân xã hội – kỹ thuật vẽ phổ biến mà học viên tại các trường mỹ nghệ thực hành ở Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trước năm 1975 đều được dạy. Đối với dạng vẽ này, đầu tiên người vẽ sẽ thực hiện ký họa bằng bút sắt, sau đó tô màu nước. Hiệp hội họa sĩ, thợ chạm khắc và in litô Gia Định (Association Corporative des Décorateurs, Graveurs et Lithographes) – đã cho in các tác phẩm trên bằng kỹ thuật in litô (in thạch bản) và tổng hợp thành Vựng tập về Thương mại, Văn hóa, Lãnh thổ, và Con người đất Gia Định. NXB Paul Geuthner (Éditions Geuthner – Pháp) sau cho in thành Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương.

Bìa Bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương – Nam kỳ

Những nét chấm phá sống động rất riêng của đời sống cư dân Nam kỳ đầu thế kỷ 20 dẫu chưa hoàn toàn được gọi là đầy đủ, nhưng ở góc độ sinh hoạt kinh tế, văn hóa, tâm linh… đã phác họa khá tinh tế làm nổi bật những đặc trưng của cư dân Nam kỳ đầu thế kỷ 20.

Ký họa về Đông Dương – Nam kỳ

Năm 2015, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM chọn lọc và xuất bản ấn phẩm Ký họa về Đông Dương – Nam kỳ.

Sau khi ra mắt, ấn phẩm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trong và ngoài nước, bởi bên cạnh giá trị nghệ thuật đặc sắc, ấn phẩm còn giúp hiểu thêm về nếp sinh hoạt, lao động của các thế hệ đi trước, qua đó càng thêm trân trọng nét văn hóa truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người dân Nam kỳ xưa, trong đó có Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Ký họa về Đông Dương – Nam kỳ tái bản lần 2 năm 2019.

Ấn phẩm gồm nhiều hình ảnh minh họa đen-trắng và màu, được chú thích bằng ba ngôn ngữ Anh – Pháp – Việt, với những chủ đề như:

Phong cảnh Sài Gòn xưa

Tòa nhà trụ sở Công ty Vận tải biển Messageries Maritimes (nay thuộc cụm di tích kiến trúc-bảo tàng Bến Nhà Rồng) với hình ảnh “lưỡng long chầu nguyệt” trên đỉnh nóc. Tương truyền, đây là lý do vì sao Bến Nhà Rồng có tên gọi như thế. Từ sau 1955, hai con rồng trên mái ngói được tu sửa lại với tư thế quay đầu ra, và hiện vẫn còn đến ngày nay.
Thương cảng Sài Gòn với cột cờ Thủ Ngữ
Bờ sông Sài Gòn
Rạch Cát (gần Chợ Lớn)
Một góc con kênh gần cầu Băng Ky (Bình Lợi, Gia Định)
Cầu bắc ngang rạch Băng Ky (Bình Lợi, Gia Định)
Vườn dừa Thạnh Lộc Thôn (Gò Vấp, Gia Định)
Một khu nhà vùng Phú Nhuận (Gia Định)
Ghe chở nước mắm trên rạch Bến Nghé

Cảnh sinh hoạt của người dân

Chợ cá ở xã Bình Hòa
Quà vặt: gỏi, bì cuốn bán rong là đặc trưng văn hóa của nếp sống Gia Định xưa
Lò cất rượu thủ công. Ngày xưa, chính quyền Thuộc địa độc quyền kinh doanh rượu và á phiện. Người dân ai nhúng tay vào hoạt động mua bán / chế biến hai loại hàng này đều bị trừng phạt nghiêm khắc. Những hoạt động cất rượu tại gia như trong tranh này đều chỉ có số lượng cực ít, muốn có rượu số lượng nhiều thì ra tiệm của Nhà nước mua. Tự chưng cất nhiều thì chỉ có nước làm lậu. Từ chỗ này mà ngôn ngữ Việt Nam thời kỳ thuộc Pháp xuất hiện danh từ rượu lậu.
Xe hủ tiếu của người Tàu
Tiệm bán đèn dầu cũng những người thợ làm đèn
Tiệm bán đồ sành ở Chợ Lớn
Tiệm bán đồ mây tre đan
Một nông dân đang ăn cơm
Tắm cho em bé
Thả trâu ăn cỏ trên một nghĩa địa gần Chợ Lớn

Phong tục, tập quán

Lễ gia tiên
Tảo mộ nhân tiết Thanh Minh
Đám cưới điển hình ngày xưa: cô dâu đội nón quai thao, chú rể bưng quả đựng lễ vật, rể phụ bưng khay phủ nhiễu điều.
Ông lão bên cơi trầu, phía sau là bàn thờ gia tiên. Với người Nam kỳ xưa, phần trang trí bàn thờ luôn có tranh (hình ảnh cây cổ thụ, mai / đào, nhà cửa, sông biển, núi non,…) đi kèm hai tấm liễn câu đối treo dọc hai bên tranh. Ngoài ra, trên cột cái còn treo thêm cặp liễn đại tự.
Cách phục sức của người Nam kỳ xưa: phụ nữ mặc áo dài choàng khăn, mang guốc hoặc dép, tay luôn có một vật để cầm như khăn tay, rổ rá, dù… Nam giới bận áo dài bằng lãnh, lụa tơ tằm hoặc gấm, chân đi giày Gia Định, đầu đội / vấn khăn với nếp vấn tạo thành hình chữ Nhân trước trán
Nam nhân bới tóc, chít khăn điều
Những cách đội khăn của phụ nữ Nam kỳ xưa: đội khăn với nón lá (trên), quấn khăn rằn (trái), cột khăn bông (phải)
Tóc sau khi búi có thể bọc thêm túi lưới tròn, giắt thêm khúc lược để giữ cho tóc không bị sút đồng thời tiện để lấy ra chải búi lại khi cần.

Những tác phẩm trên từ những tác giả đa phần “vô danh”, chỉ được biết đến qua tập thể đại diện của họ là Trường Mỹ thuật Gia Định. Họ không lưu lại tên tuổi hoặc chỉ lưu trên tranh thông qua chữ ký, nhưng họ đã góp công sức không nhỏ trong việc lưu giữ lại những ký ức xa xưa sống động và trực quan về đất Nam kỳ đầu thế kỷ 20.

Mi Nguyen

Recent Posts

“Mèo thông thái” Cheshire và 6 sự thật sâu sắc trong cuộc sống

Những câu nói của chú mèo Cheshire tinh ranh với nụ cười thần bí trên…

17 giờ ago

#Nghĩ: Cố gắng quá sức để thành công vượt mức – Lợi ở đâu, hại chỗ nào?

Không phủ nhận việc nỗ lực đạt mục tiêu đề ra là điều tốt. Thế…

18 giờ ago

Nếu có một ngày tồi tệ ở chỗ làm, ta nên làm gì?

Ai mà chả có lúc muốn gục đầu xuống bàn làm việc sau một ngày…

2 ngày ago

Nguồn gốc của 5 món đồ thường thấy trong lễ Giáng Sinh (Phần 1)

Từ khi nào mà những món đồ này có sự liên kết với ngày lễ…

3 ngày ago

Triển lãm “Once Upon a Time in Indochine”: Sự tái hiện tỉ mỉ của Nam Kỳ Lục tỉnh xưa

Xưởng Phim Màu Hồng đã tái hiện lại xã hội Nam Kỳ nhộn nhịp, xa…

3 ngày ago

#Thoáng: Những cuộc đình công tình dục nổi tiếng nhất thế giới

Trong lịch sử, các cuộc “đình công tình dục” đôi lúc lại trở thành công…

5 ngày ago