Sau hơn một thập kỷ say mê tìm tòi và khám phá thế giới hội họa, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn đã chính thức ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên 1 x 2. Vào ngày 13.10, anh đã chia sẻ về hành trình hình thành nên chủ đề của triển lãm, cũng như ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong mỗi tác phẩm được trưng bày.
Triển lãm tranh 1 x 2 của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn lấy cảm hứng từ triết lý nhị nguyên và sự tương đối của vạn vật – một tư tưởng thấm đẫm trong văn hóa Á Đông.
Với những tác phẩm chủ yếu được thể hiện qua các chất liệu như gouache (bột màu), mực tàu và đa chất liệu trên giấy truyền thống và toan, 1 x 2 mang đến những góc nhìn đầy mới lạ. Nghệ sĩ cũng tinh tế sử dụng các loại giấy truyền thống như giấy gió, giấy cậy, giấy dó và giấy phôi sắc, tạo ra những hiệu ứng thị giác độc đáo.
Các yếu tố đối lập như thủy và hoa, âm và dương xuất hiện xuyên suốt các bộ tác phẩm, từ chủ thể cho đến màu sắc và hình thức thể hiện. Những chủ đề như SEN, BÓNG, HÌNH, NỞ RỘ, VÀNG hay RƠM không chỉ đơn thuần là hình ảnh mà còn ẩn chứa những suy tư sâu sắc về vòng tuần hoàn sinh-diệt, sống-chết, và sự chuyển hóa vô tận của mọi sự vật. Từng tác phẩm mở ra những tầng nghĩa khác nhau, khơi dậy sự chiêm nghiệm và khám phá riêng biệt trong tâm trí người xem.
Theo như chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Tuấn, mặc dù sự hình thành của triển lãm 1 x 2 chỉ mới diễn ra trong vòng khoảng 1 năm trước; thế nhưng, nếu để nói về việc anh bén duyên với thú vui hội hoạ này, thì bây giờ cũng đã hơn được 10 năm rồi. Tự nhận mình là một “người tập tành vẽ“, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn đã nảy ra ý tưởng trưng bày những tác phẩm của mình từ một lần nói chuyện với người em – cũng là một hoạ sĩ:
“Mới đầu anh cũng chỉ dự định là tổng hợp lại một số tác phẩm để giới thiệu tại một không gian chỉ có gia đình mà thôi. Nhưng vào đầu năm khi mà đi dự một triển lãm của người em cũng ở Gallery 22, mọi người mới khuyến khích là mình cũng làm điều tương tự. Vì thế, anh mới bỏ ra 2 tháng nghỉ làm để tập chung làm dự án này“, anh nói.
Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn cũng chia sẻ thêm về việc hình thành những ý tưởng chủ đề của từng bộ sưu tập: “Mình đã tích luỹ những ý tưởng này được nhiều năm rồi, chứ không phải là đột nhiên là có. Anh cũng từng đọc một câu rằng là: ‘Khi mình không vẽ, thì cũng là đang vẽ’. Về cơ bản, khi mà mình không cầm cọ, nhưng mà nếu đã có ý tưởng/dự định trong đầu, thì nó đã là bước chuẩn bị cần thiết để làm rồi. Trước khi cầm bút lên, nó đã phải dựa trên nền tảng/tư tưởng và suy nghĩ nhất định.“
Và cái nền tảng và tư tưởng đấy mà được anh Nguyễn Ngọc Tuấn thể hiện xuyên suốt 1 x 2, đó là thuyết nhị nguyên của vạn vật.
Ở đây, thuyết nhị nguyên có liên quan mật thiết đến triết lý phương Đông, đặc biệt là tư tưởng âm dương. Thuyết nhị nguyên cho rằng mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều tồn tại dưới dạng cặp đối lập nhưng không tách rời nhau, ví dụ như âm và dương, sáng và tối, sinh và diệt, tốt và xấu. Những yếu tố này không chỉ đối lập mà còn tác động lẫn nhau, tạo nên sự vận động và cân bằng của vạn vật.
Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn cũng bổ sung thêm cho ý nghĩa chung này của thuyết nhị nguyên, gọi nó là “tương đối“. Anh nói: “Trong những tác phẩm ở đây, mình có “chơi” với những cái đối lập: sáng-tối, đen-trắng, màu-không màu. Ví dụ như thuỷ (ý chỉ BST BÓNG và HÌNH), thì phần lớn những nét vẽ vẫn là màu trắng-đen, còn đến hoả (ý chỉ BST NỞ RỘ) thì nó bắt đầu có chút màu. Tuy không có nhiều nhưng bắt đầu cũng có những sắc thái hơn.“
Như vậy ta có thể thấy, ngoài việc tôn vinh thuyết nhị nguyên qua những tác phẩm, người nghệ sĩ vẫn tạo được dấu ấn riêng của mình bằng các thêm thắt vào yếu tố luân chuyển. Như lời mở đầu mà người xem có thể thấy khi bước vào triển lãm 1 x 2: “Có 1 thì sẽ có 2. Có 2 thì sẽ có tất cả vạn vật. Và vạn vật thì luôn luân chuyển, chẳng có gì là tuyệt đối”, dòng giới thiệu này nhấn mạnh triết lý rằng từ một điểm khởi đầu (một) sẽ nảy sinh các yếu tố đối lập (hai), và từ đó hình thành vạn vật.
Đồng thời, sự chuyển hóa không ngừng của mọi thứ trong tự nhiên, không có gì tuyệt đối, phản ánh quan điểm của nhị nguyên: Không có sự tồn tại cố định, mọi thứ đều thay đổi theo một chu kỳ tự nhiên của sinh diệt, tương tự như tư tưởng âm dương luân chuyển trong triết học phương Đông.
“Hơn nữa nếu đọc Kinh Dịch, ta có thể thấy nguyên tắc gọi là ‘biến dịch’ – chuyển dịch từ cái này sang cái khác. Ví dụ trong bức hoạ VÀNG 1, nếu nhìn gần hơn, ta có thể thấy những vết tro của vàng. Chính anh đã rải lên bức hoạ cùng với việc sử dụng màu nước. Ý định ở đây là mình muốn tạo nên một vòng đời: Nó không mất đi mà tiếp tục chuyển hoá“, anh Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Bắt đầu không gian triển lãm 1 x 2, người xem sẽ được chiêm ngưỡng BST SEN xuất hiện trên góc tường bên phải và tổ hợp ở bên trái. Nếu đi theo tiến trình đã được sắp đặt, đây có thể được cho là “khởi đầu” của vạn vật.
Được biết, BST SEN được lấy ý tưởng từ những nét vẽ uyển chuyển của thư pháp chữ Hán. Nhìn những bức hoạ này, ta có thể thấy cách thể hiện rất riêng của tác giả trong hành trình tìm về nghệ thuật Á Đông. Vũ khúc sen tàn nhảy nhót và ngẫu hứng, hệt như những nét chữ mà thiên nhiên viết trên mặt hồ; có lúc rõ ràng yên tĩnh, có lúc hỗn loạn và không theo trật tự nào cả.
“Chữ Hán ngày xưa có những nguyên tắc nhất định, và nhiều cách viết. Thông thường sẽ có 3 loại, khả thư (là viết ‘đâu vào đấy’), hành thư (nó sẽ hơi “ngoáy” tí), và khả thư (nghĩa là nét vẽ đã loạn xạ). Thì ở đây, có những bức ta thấy những nét vẽ sẽ tương đối nắn nót, những bức kia sẽ bắt đầu hơi “nghiên ngả”, và những tác phẩm còn lại sẽ có nét trông giống cách viết khả thư rồi“, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn mô tả BST SEN.
Tiếp theo, một bộ tác phẩm cũng không kém phần thú vị, đó chính là những bức hoạ tên là HÌNH được treo lơ lửng ở không gian bên cạnh. Ở đây, người xem có thể thấy sự sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn khi tái hiện lại những tư thế đa dạng của con người; từ rơi, nhảy, đứng ngồi – được thể hiện giản lược qua những nét vẽ trắng-đen.
Anh nói về BST HÌNH như sau: “Mình treo những tác phẩm bằng dây như thế này để áp dụng yếu tố bóng trong nghệ thuật Á Đông. Khi một tác phẩm cố định trên tường, ta sẽ chỉ nhìn thấy một chiều; nhưng nếu để như đây, thì nó sẽ trở nên đa chiều và chuyển động khác nhau. Ánh đèn chiếu vào thì nó sẽ phát trên tường theo nhiều chiều hướng. Mình muốn diễn tả là một tác phẩm như thế này, nhưng cách trình bày khác thì nó sẽ có hình thái khác nhau.”
Và cuối cùng, BST gây chú ý (và cũng được thể hiện một cách đặc biệt nhất), đó chính là BST VÀNG. Trong không gian tối, người xem được chứng kiến một đoạn video lặp lại của đống lửa đang cháy, được phản chiếu trên bức hoạ cấu thành từ nhiều miếng vàng mã được xếp thẳng hàng và ngay ngắn trên tấm toan. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, video với tiêu đề Tưởng là một sự cộng tác với người bạn đạo diễn là anh Tùng Phan – người đã có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo và truyền thông.
Người hoạ sĩ quan niệm rằng vàng chỉ đẹp khi ở trong bóng tối. Vận dụng yếu tố Á Đông, đặc biệt là khi liên tưởng đến quan cảnh đền chùa ở miền Bắc thường có trần thấp và bên trong luôn có cảm giác tối, BST VÀNG đã tái hiện lại cái đẹp óng ánh nhưng cũng đầy huyền ảo của vàng khi đang cháy âm ỉ.
Ngoài ra, cộng thêm với tiếng piano chậm rãi những cũng đầy lôi cuốn do Helly Tống – một người mẫu những cũng là một nhà soạn nhạc đa tài, người xem như được đắm chìm vào những suy tư của sự sống và cái chết, về ta của hôm nay và của ngày mai. Tờ vàng mã như một thứ gương soi vào tâm tư và sự sợ hãi sâu thẳm của từng con người, khơi gợi suy niệm về sự biến hóa vô cùng của vạn vật.
Những năm học về văn học và biên-phiên dịch tại Pháp cũng như nhiều năm làm việc trong lĩnh vực hợp tác trao đổi văn hóa Pháp-Việt đã mang đến cho nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn niềm đam mê nghệ thuật, và đặc biệt là hội họa mà anh đã theo đuổi suốt hơn 10 năm qua. Trên con đường tìm tòi sáng tác, anh Nguyễn Ngọc Tuấn không ngần ngại thử nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau và giao thoa các phong cách hội họa tùy theo cảm hứng và ý tưởng của mình.
Với triển lăm tranh 1 x 2, anh thể hiện sự hứng thú với nghệ thuật thủy mặc và thư pháp Á Đông, qua cách biểu đạt trừu tượng và bán trừu tượng bằng gouache và mực trên các loại giấy khác nhau. Đối với một số tác phẩm, anh cũng lần đầu tiên thử nghiệm với đa chất liệu để diễn tả ý đồ nghệ thuật của mình.
Một số thông tin về triển lãm tranh 1 x 2:
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…