Lifestyle

#Nghĩ: Cam kết năm mới hay lời hứa cho vui?

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Ngoài bánh chưng bánh tét, thịt mỡ dưa hành, bầu cua xì dách,… thì Tết còn có một “truyền thống” khác nữa, đó là đưa ra những cam kết, hứa hẹn cho năm mới. Đây là quãng thời gian thích hợp để thể hiện quyết tâm cải thiện cuộc sống theo-một-cách-nào-đó. Tiết xuân phơi phới, tâm lý thảnh thơi, không lấy gì làm lạ khi chúng ta dễ dàng “nhìn thấy” vô tận những khả năng, những tương lai tốt đẹp, những hình ảnh khác biệt của bản thân so với hiện tại.

Tuy nhiên, với nhiều người, cuốn phim mơ mộng đó chỉ chiếu đến chừng 2 tháng sau Tết là ngừng. Thực tế, theo một nghiên cứu khoa học thì 8/10 người sẽ chia tay với hình ảnh tôi-tốt-đẹp mình vẽ ra hồi đầu năm chỉ 6 tuần sau khi năm mới bắt đầu. Chúng ta chỉ mới làm tốt bước “tưởng tượng”, chứ chưa thật sự có bất kỳ giải pháp triệt để cũng như động lực nào đủ lớn để có thể thành công duy trì những hứa hẹn và cam kết này suốt 365 ngày sắp tới.

Cam kết năm mới hay hứa suông “vui mồm”?

Việc thất bại trong chuyện thực hiện lời hứa năm mới của chính mình không phải hiếm, thế nhưng nguyên do là vì đâu?Theo nghiên cứu trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin do Kaitlin Woolley (Đại học Cornell) và Ayelet Fishbach (Đại học Chicago) thực hiện, 55.2% các lời cam kết có liên quan đến sức khỏe, cụ thể 31,3% hứa sẽ tập thể dục, 10,4% sẽ ăn uống “heo thì”, và 13,5% sẽ cố gắng tập tành những thói quen lành mạnh hơn.

Tiếp đó là những cam kết liên quan đến vấn đề tài chính, như sẽ để dành một khoản tiết kiệm (20,8%), hay sẽ trả hết những khoản nợ nần (12,5%),… Sức khỏe và tài chính đều là những chuyện khó thực hiện và khó cam kết ở bất cứ thời điểm nào trong năm, chứ đừng nói đến quãng thời gian ngay sau kỳ nghỉ.

Những đối tượng thí nghiệm tham gia nghiên cứu cho biết, sự thích thú / hưởng thụ (enjoyment) và tầm quan trọng (importance) là 2 yếu tố mà họ tin rằng sẽ giúp họ kiên trì với những cam kết của mình. Thực tế thì sao? Kết quả nghiên cứu cho biết, chỉ có sự thích thú mới là thứ quan trọng nhất.

Nói cách khác, chúng ta thường lầm tưởng rằng việc ta thực hiện một hành động hay duy trì một thói quen nào đó là do ta tin tưởng vào tầm quan trọng của nó, ví dụ như ăn uống lành mạnh hoặc tập thể dục thường xuyên là việc quan trọng, vì nó có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều thực sự tác động đến việc ta có duy trì thói quen nào đó hay không lại là kết quả mà việc đó mang lại. Kết quả càng xảy ra nhanh chóng thì khả năng tiếp tục hành động càng cao hơn.

Photo: NYT

Vì sao chúng ta khó thực hiện cam kết đến thế…

… đặc biệt là những lời hứa về sức khỏe?

Trong nghiên cứu của mình (đã công bố trên tờ Journal of Nature and Science), tác giả Seppo Iso-Aloha (Đại học Maryland) cho biết trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc một người có sống thọ hơn 65 tuổi hay không, thì lối sống chiếm 53%. Và mặc dù biết rõ rằng một đời sống lành mạnh sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, nhưng chỉ có 1/5 dân số chịu vận động ở mức độ được khuyến nghị.

Nguyên nhân nằm ở những “đấu tranh” vô thức khi chúng ta phải lựa chọn giữa những gì ta nên làm và những gì ta muốn làm.

Hầu hết mọi người tập thể dục (hay làm bất cứ hoạt động nào khác) khi họ rảnh rỗi và đã giải quyết xong công việc. Thời gian nhàn rỗi cho chúng ta cảm giác tự chủ, rằng “đây là lúc tôi làm những gì tôi muốn”. Bất cứ điều gì đe dọa cảm giác này đều dẫn đến phản kháng tâm lý mạnh mẽ. Con người không thích phải đưa ra những quyết định “tốn não” khi đang nghỉ ngơi. Và đáng buồn thay, tập thể dục lại là một quyết định vô cùng khó khăn.

Với những người tập thể dục không thường xuyên và những người không tập thể dục, việc phải đưa ra quyết định vận động trong thời gian nhàn rỗi sẽ khiến tinh thần căng thẳng và làm suy yếu cảm giác tự chủ của họ, trong khi những hoạt động giải trí thông thường khác thì không. Kết quả, hầu hết sẽ chọn việc nằm dài xem Netflix, vì nó không yêu cầu nhiều nỗ lực như mấy vòng chạy bộ hay vài chục cái chống đẩy.

Tương tự, chúng ta gặp khó khăn với việc duy trì, hay thậm chí là bắt đầu, những thay đổi cho năm mới vì chúng gây ra những trận chiến nội tâm, buộc chúng ta phải lựa chọn giữa dễ-khó, quen-lạ, khỏe-mệt. Tự đi chợ nấu ăn tốn thời gian hơn nhiều với việc gọi delivery, đi ngủ trước 11h mỗi đêm vô cùng khó khăn khi còn bận lướt điện thoại hoặc xem phim, mỗi ngày đọc sách 1 tiếng làm sao sung sướng bằng được ngủ thêm 60 phút?

Để những cam kết năm mới thôi là lời hứa suông…

… thì còn cách nào khác đâu ngoài thực hiện những gì mình đã hứa? Tuy nhiên, để giảm bớt những “giằng xé” nội tâm, The Millennials mách bạn:

Đừng vội vàng hứa

Trước khi viết ra danh sách những cam kết, hãy tự hỏi bản thân một số câu hỏi. Giả dụ, một trong những mục tiêu năm mới của bạn là “chuyển việc”, thì liệu đây có thật sự là ý muốn của bạn không? Nếu phải, thì vì sao bạn lại muốn thế? Còn nếu không, thì đây là ý của ai và động lực của họ khi muốn bạn thay đổi là gì?

Ba mẹ muốn bạn chuyển việc vì công việc hiện tại không có nhiều tiền chẳng hạn?

Sau khi phân loại và cân nhắc, bạn toàn quyền giữ lại hoặc loại bỏ một số gạch đầu dòng trong danh sách của mình. Biết được lý do phía sau và tầm quan trọng của nó là điều cần thiết trước khi đặt mục tiêu hoặc xác định một trạng thái trong tương lai.

Hình dung cụ thể về mục tiêu

Mình sẽ tập thể dục nhiều hơn trong 2021.
Năm nay, mình sẽ ăn uống lành mạnh hơn.
Đã đến lúc tôi trở thành một con người mới!

Bạn sẽ tập thể dục từ tháng mấy, đến phòng gym hay tập tại nhà? Bạn sẽ ăn gì, theo thực đơn nào, bao nhiêu lần một tuần? Và bạn sẽ “mới hơn” so với năm trước như thế nào? Thay vì những mục tiêu chung chung, hãy cụ thể hóa chúng ra.

Liệt kê những trở ngại

Tiếp theo, nếu đây là những thứ bạn thực sự mong muốn, thì tại sao chúng vẫn chưa xảy ra ở hiện tại? (Bạn đang đặt chúng làm mục tiêu đấy thôi). Nếu có ai đó hỏi bạn như thế thì câu trả lời bạn đưa ra sẽ là gì?

Có vô số lý do khiến một người chưa thực hiện được những gì họ muốn: sức khỏe kém, không có thời gian, thiếu tiền, không biết phải làm như thế nào… Thay vì giả vờ rằng chúng không tồn tại hoặc lạc quan tin tưởng “năm nay mình sẽ thành công dù có gian khổ thế nào”, hãy thành thật. Liệt kê những khó khăn / trở ngại và phân tích chúng. Điều gì nằm trong tầm kiểm soát của bạn? Điều gì bạn không thể thay đổi? Đâu là lúc bạn cần nỗ lực nhiều hơn?

Nhìn lại bản thân

Vì mỗi chúng ta vừa có thể là đồng minh vừa có thể là kẻ thù lớn nhất của chính mình. Thay vì dằn vặt hoặc… chịu thua hoàn toàn, hãy xác định xem đâu là thế mạnh của bạn để tận dụng chúng thật tốt, và đâu là những điểm cần cải thiện để đưa chúng vào danh sách trở ngại phải vượt qua.

Có phương án thay thế

All roads lead to Rome. Có nhiều cách để thực hiện mục tiêu của mình. Đừng cứng nhắc, hãy cân nhắc các phương án thay thế.

Để giảm cân trong năm mới, bạn cần đến phòng gym 3 lần 1 tuần, đồng thời cắt giảm lượng đường và chất béo trong thức ăn. Tuy nhiên, sau khi tính đến những khó khăn (phòng tập xa nhà, không có thời gian tự nấu ăn,…) và hiểu rõ bản thân hơn, bạn sẽ thấy còn nhiều cách khác để thực hiện mục tiêu này. Nếu không thể đến phòng gym, bạn có thể tranh thủ đi bộ trong ngày. Nếu không thể tự nấu, bạn có thể đặt bữa ăn ở những tiệm chuyên đồ healthy.

Ngoài ra, do hiệu ứng tâm lý thỏa mãn lập tức, hãy cân nhắc những phương pháp mang đến cho bạn nhiều sự hưởng thụ / phần thưởng hơn. Ví dụ, tham gia các lớp tập nhảy sẽ vui hơn là đến phòng gym.

Bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất

Thay vì đặt mục tiêu đi bộ 1 tiếng mỗi ngày và rồi cứ lần lữa “để mai hẵng làm”, hãy chia nhỏ chúng ra thành 3 lần, mỗi lần 20 phút.

Và đừng làm thế ngay lập tức. Ngày đầu tiên, cứ dành ra khoảng 10 phút và duy trì như thế trong 1 tuần. Sang tuần tiếp theo thì tăng lên thành 15 phút,… cứ thế, đến khi nào bạn lặp đi lặp lại hành động đó đủ nhiều để nó trở thành một thói quen.

Nhưng tốt hơn hết, là đừng chờ đến năm mới để đặt ra một danh sách những điều cần làm. Nếu bạn muốn thay đổi, hãy cứ làm ngay hôm nay.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

19 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago