Lifestyle

#Nghĩ: Emoji – Sự tiến bộ hay bước lùi của ngôn ngữ?

Emoticon – Những kí tự cảm xúc đầu tiên 🙂

Emoticon là kí tự cảm xúc được tạo thành từ sự kết hợp các dấu ngoặc đơn, ngoặc kép, chấm câu, các con số và ký tự khác.

Emoticon lần đầu được sử dụng trong thế giới số bởi Scott Fahlman tại Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh vào năm 1982. Ông đã gõ 🙂🙁 để phân biệt các bài viết khôi hài và nghiêm túc trên bảng thông tin điện tử của trường đại học.

Scott Fahlman dùng kí hiệu 🙂 và 🙁 để phân biệt các bài viết trên bảng thông tin điện tử của trường đại học – Một sự khởi đầu cho ngôn ngữ kí hiệu sau này.

Trong vài năm tiếp theo đó, các biến thể của emoticon bắt đầu phổ biến. Kaomoji – một loại emoticon có cấu trúc phức tạp hơn, sử dụng các dấu hoa thị, dấu gạch dưới và dấu ngoặc đơn, như (*_*) – xuất hiện tại Nhật vào khoảng năm 1986.

Kaomoji

Khi SMS và mạng internet trở nên phổ biến vào cuối những năm 1990, emoticon đã trở nên thịnh hành và được dùng thường xuyên trong những tin nhắn văn bản, diễn đàn internet và email. Emoticon đã đóng vai quan trọng trong việc giao tiếp qua công nghệ, giúp con người có thể khắc họa rõ nét những cảm xúc cụ thể thông qua các cử chỉ “gương mặt” khi đang trò chuyện trực tuyến bằng văn bản.

Emoji là “hậu duệ” của emoticon

Không thể phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng emoticon để biểu lộ cảm xúc, nhưng chính các emoticon này lại khiến nội dung cuộc hội thoại đôi lúc trở nên hạn chế.

Trước đây, các văn bản số luôn bị giới hạn số lượng kí tự – chẳng hạn như một tin nhắn SMS chỉ có thể nhập tối đa 160 kí tự, hay số lượng kí tự trong một chiếc email không thể vượt quá 250. Trong khi đó, các emoticon lại được tạo nên từ hai hay nhiều kí tự văn bản. Một văn bản vừa chứa nhiều nội dung, vừa chèn thêm các emoticon thì việc vượt quá số kí tự giới hạn là điều khó tránh khỏi.

Các kí tự rườm rà của emticon đã được tinh giản thành các biểu tượng hình ảnh bắt mắt hơn hẳn

Nhận ra được những bất cập này, Shigetaka Kurita đã sáng tạo ra những emoji đầu tiên vào năm 1999. Lúc này, anh đang là một nhân viên của i-mode – một nền tảng Internet di động thời kỳ đầu của DOCOMO, hãng di động chính tại Nhật Bản.

Với mong muốn tạo nên một giao diện hấp dẫn để truyền tải thông tin đơn giản và gọn gàng – bằng cách sử dụng biểu tượng thay vì các ký tự văn bản, Kurita đã phác thảo một tập hợp các hình ảnh 12 x 12 pixel ngay trong bàn phím giao diện i-mode. Sau khi được gửi đi, chúng sẽ xuất hiện trên điện thoại di động và các trang web dưới dạng các ký tự hình ảnh.

Shigetaka Kurita – “cha đẻ” của emoji

176 emoji ban đầu do Kurita tạo ra – nay là một phần của khu trưng bày cố định tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, dùng biểu tượng thay cho các kí tự emoticon rườm rà, vì mục tiêu của DOCOMO là tìm ra những cách mới để thể hiện thông tin và cảm xúc của con người.

Không chỉ mang thông tin thuần túy, emoji còn cho phép người dùng biểu đạt cảm xúc vào tin nhắn chân thật hơn bao giờ hết. Một câu “Tôi hiểu” đơn giản có vẻ lạnh lùng hoặc thụ động, nhưng thêm “❤” vào sẽ tạo cảm giác cảm thông và khiến thông điệp trở nên ấm áp. Đây chính là sự khởi đầu của một ngôn ngữ trực quan mới.

Bên cạnh những biểu tượng cảm xúc còn có những emoji dùng để thể hiện thời tiết (mặt trời, mây, ô, tuyết), giao thông (xe hơi, xe điện, máy bay, tàu), công nghệ (điện thoại cố định, điện thoại di động, TV, GameBoy), và cả các pha của mặt trăng.

176 emoji đầu tiên được Shigetaka Kurita tạo nên

Emoji đã có mặt bên ngoài Nhật Bản kể từ những năm 2000 thông qua các ứng dụng cho phép người dùng copy-paste emoji vào tin nhắn và email. Vào năm 2011, Apple đưa thêm một bàn phím emoji chính thức vào hệ điều iOS; 2 năm sau Android cũng được trang bị tương tự.

Điều này cho phép mọi người gõ emoji trực tiếp bằng bàn phím trên điện thoại một cách dễ dàng hơn. Nhờ đó, emoji ngày càng trở nên phổ biến với mọi đối tượng. Tờ New York Times cho rằng, động thái này sẽ cho emoji cơ hội trở thành “trào lưu chính thống.” Giới trẻ đã điều chỉnh thói quen nhắn tin của mình để thêm vào các biểu tượng nhỏ, chẳng hạn như “Anh yêu em” đã trở thành ❤; “LOL” trở thành ?.

Emoji: Tiến bộ hay bước lùi của ngôn ngữ?

Trong thời đại công nghệ số, con người giao tiếp với nhau qua văn bản nhiều hơn những cuộc hội thoại trực tiếp. 58% đối tượng khảo sát lựa chọn tin nhắn văn bản là phương tiện giao tiếp hằng ngày (theo Telegraph UK). Bên cạnh đó, 6 trên 10 ứng dụng phổ biến nhất được sử dụng hiện nay đều là các ứng dụng nhắn tin. Trên phạm vi toàn cầu, người ta có thể thấy biểu tượng cảm xúc là chìa khóa cho những cuộc hội thoại gián tiếp này – bởi nó không giới hạn đối tượng người dùng. Dù bạn già hay trẻ, đến từ bất kì đâu trên thế giới, ai cũng có thể hiểu được thứ ngôn ngữ kì diệu này.

Năm 2014, từ phổ biến nhất năm là biểu tượng cảm xúc trái tim, ❤️, theo Global Language Monitor. Năm 2015, từ điển Oxford bình chọn ? là “Từ ngữ của năm.” Theo đó, năm 2015 là năm bùng nổ của từ “emoji”: dù xuất hiện trong tiếng Anh từ năm 1997, tần suất sử dụng từ “emoji” năm 2015 đã tăng gấp 3 lần một năm trước đó.

Emoji đã phản ánh cách chúng ta tương tác với nhau trong nền văn hóa đương đại. Chúng xuất hiện khắp mọi nơi – từ những nền tảng truyền thông giải trí phổ thông như các trang mạng xã hội, cho đến những thông cáo báo chí chính thống: Nhà Trắng đã từng công bố một báo cáo kinh tế minh họa bằng emoji.

Nhà Trắng đã sử dụng emoji trong một báo cáo về tình trạng của dân số thế hệ millennial của Mỹ

Chính sự thông dụng và phổ biến của emoji đã phần nào khẳng định “vị thế” của nó trên bản đồ ngôn ngữ thế giới. Trong tương lai, khi thế giới ngày càng được số hóa và toàn cầu hóa, emoji sẽ trở thành công cụ quan trọng để phiên dịch và giao tiếp – một ngôn ngữ cầu nối (lingua franca) của thời đại kỹ thuật số.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ngợi ca những biểu tượng cảm xúc thần kì này, vẫn có nhiều chuyên gia cho rằng, emoji chính là bước lùi của ngôn ngữ con người.

Loài người từ xa xưa đã dùng các dấu hiệu và biểu tượng như một phương tiện giao tiếp trong nhiều thiên niên kỷ. Họ giao tiếp với nhau gián tiếp bằng những hình vẽ khắc trong hang, và dần phát triển thành một hệ thống chữ viết tượng hình. Theo thời gian, con người ngày một thông minh hơn, ngôn ngữ giao tiếp cũng được hoàn thiện hóa. Bảng chữ cái ra đời và trở thành công cụ viết chính thống. Song, với sự gia tăng của emoji, con người dường như đang quay trở lại với ý tưởng văn bản dưới dạng hình ảnh này.

Theo The Guardian, emoji là một bước lùi vì “chữ tượng hình không thể là một lựa chọn giao tiếp tốt”. Người Ai Cập tạo ra chữ tượng hình đầy tính nghệ thuật và những huyền thoại kỳ bí và rồi mắc kẹt ở đó trong tiến trình văn minh: “Chữ tượng hình cho phép họ viết các câu bùa chú nhưng không thể biểu đạt tư duy cao hơn. [Trong khi] người Hi Lạp – với chữ viết của họ, đã làm được điều đó,” tờ báo nói thêm.

Nói cách khác, việc biểu đạt ý nghĩ bằng hình ảnh luôn có những hạn chế nhất định, hơn nữa kỹ năng ngôn ngữ, diễn đạt ý tưởng bằng lời nói về lâu dài cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu các câu thoại của ta chỉ toàn emoji.

Những vấn đề xã hội của việc sử dụng emoji

Ngôn ngữ vốn là đại diện cho một nền văn hóa. Bởi thế, khi emoji được sử dụng rộng rãi hơn cũng là lúc văn hóa “người dùng emoji” có cơ hội phát triển phong phú và đa dạng. Kéo theo đó là những tranh cãi về việc sử dụng ngôn ngữ này một cách thiếu văn minh và chuẩn xác.

1. Kiểm duyệt luôn là một rào cản trong ngôn ngữ, emoji cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Năm 2015, Instagram từng cho phép người dùng tìm kiếm bài đăng dựa trên hashtag bằng emoji. Nhưng sau đó phải gỡ bỏ công cụ này vì emoji quả cà tím, ?, – được ẩn dụ như bộ phận sinh dục nam, khiến người dùng thiếu ý thức đã tạo nên những tình huống “ngoài mong đợi.” Hay những biểu tượng súng, dao, đầu lâu, bom và điếu thuốc ?????? cho ra những kết quả không phù hợp, tạo ra những lời trường hợp có ý đe dọa và bắt nạt nhau.

2. Những hiểu lầm trong giao tiếp biểu tượng:

Đối với biểu tượng hai tay chạm vào nhau, ??, liệu đây là hình ảnh high-five hay biểu tượng cầu nguyện? Nhiều tranh cãi nổ ra khi việc hiểu lầm thông điệp giữa người gửi và người nhận emoji. Cũng giống như ngôn ngữ truyền thống, từ đồng âm cũng sẽ gây nên sự “chệch pha” khi giao tiếp.

Một ví dụ điển hình nhất chính là bản “dịch” Thông điệp Liên bang của tổng thống Barack Obama năm 2015 bằng ngôn ngữ emoji. Bài đăng đã tạo nên nhiều hoang mang trong dư luận bởi sự hạn chế trong “từ vựng” cũng như các biểu tượng riêng lẻ được hiểu theo nhiều tầng nghĩa khác nhau.

3. Khi emoji trở nên phổ biến hơn và vốn từ vựng emoji phát triển, người ta bắt đầu thắc mắc tại sao một số hình ảnh lại được ưu tiên hơn.

Năm 2014, công cuộc Đại Chính trị hóa Emoji bắt đầu. Nó diễn ra trên emoji món ăn (không có biểu tượng nào miêu tả món ăn truyền thống châu Phi, như injera hay fufu), cờ quốc gia (có cờ Israel nhưng không có cờ Palestine), gia đình (có nhiều tranh luận về biểu tượng gia đình với cha mẹ đồng tính hoặc cha mẹ đơn thân), ngành nghề (có biểu tượng bác sĩ, đầu bếp, cảnh sát — nhưng tại sao tất cả họ đều là đàn ông?), màu da (trong số rất nhiều emoji đại diện cho con người, tất cả đều là người da trắng?)…

Những tranh cãi xoay quanh phân biệt chủng tộc, vùng miền, giới tính không chỉ đơn thuần để giải quyết những nhu cầu cá nhân – như thêm emoji để mô tả bữa trưa của bạn, việc này là sự công nhận các nền văn hóa và con người khác nhau dưới dạng kỹ thuật số. Emoji đã trở thành một ngôn ngữ quan trọng của thời đại 4.0, vậy mà ngôn ngữ này lại không có khả năng diễn tả “người da màu” hay “phụ nữ đi làm”.

Emoji và những ngày tháng xa xôi phía trước

Mỗi năm, Unicode xem xét rất nhiều các emoji mới, điều đó thể hiện rất rõ qua các bản cập nhật iOS và Android – các emoji ngày càng nhiều lên, đa dạng và thiết thực hơn.

Bản update năm 2017 đã có emoji các sinh vật huyền bí (người cá, thần đèn, tiên tộc và ma cà rồng); emoji các món ăn như bánh táo, sandwich, bông cải xanh và đồ ăn mang đi của người Trung Quốc. Các biểu cảm khuôn mặt được chi tiết hóa nhằm biểu lộ nhiều trạng thái cảm xúc hơn – như mắt long lanh, xoắn cả não, thở dài, giận bốc khói.

Bản emoji năm 2017

Có lẽ quan trọng hơn là bản cập nhật đã bổ sung cả đống cách biểu thị con người: một phụ nữ bồng con, một phụ nữ mang khăn choàng đầu, ba biểu tượng trung lập về giới tính đại diện cho con người ở mọi lứa tuổi. Bản cập nhật Emoji năm 2018 bổ sung tóc xám, tóc đỏ cho emoji cũng như các biểu tượng văn hóa khác như bánh trung thu, bùa hộ mệnh. 2019 với những biểu tượng chỉ người điếc, người đi xe lăn, các cặp đôi yêu nhau với giới tính và màu da đa dạng như nam đen yêu nam trắng, nữ vàng yêu nữ đen..

Mới đây thôi là bản update trên hệ điều hành nhà Táo với 117 emoji mới – bao gồm các biểu tượng như ly trà sữa, bánh tamales, ninja, ông già Noel đủ màu da, hay cờ của cộng đồng người chuyển giới…

Đây chính là một dấu hiệu tốt chứng tỏ emoji ngày càng đa dạng và rõ ràng hơn. Chừng nào cộng đồng thiết kế emoji vẫn còn sống, chừng đấy chúng ta vẫn còn có thể hiểu được những văn hóa khác nhau, những loại người khác nhau thông qua ngôn ngữ chung của thời đại này.

Thế hệ tiếp theo của Emoji sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta thiết kế và Unicode phê duyệt ra sao. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể gửi một bản đề xuất cho một Emoji mới: yêu cầu của Unicode là một bản mẫu của Emoji đó, giải thích rằng vì sao người ta lại sử dụng nó, sử dụng ra sao, như thế nào và sự có mặt của Emoji mới này có nghĩa gì cho sự phát triển của ngôn ngữ Emoji.

Tham khảo: bài viết của Marcus Swan; Wired.com

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

20 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago