Lifestyle

#Nghĩ: Hẹn hò với đứa trẻ trong mình

Có thể mọi người không để ý, nhưng hoá ra chuyện đi tắm và tuổi thơ của mỗi người có khá nhiều điểm chung. Thi thoảng chúng ta sẽ thấy thật lười nếu phải tắm rửa, nhưng khi ngâm mình trong làn nước nóng, chúng ta lại muốn đắm chìm trong đó thật lâu. Tương tự như hồi bé, chúng ta chẳng bao giờ muốn mình bị coi là một đứa trẻ, nhưng khi trưởng thành rồi ta lại mong mình có thể quay về phiên bản nhí ngày xưa, sống lại những năm tháng tuổi thơ thật lâu.

Nguồn: Giphy

Thế rồi thật tình cờ làm sao, trong một vài phút quay đi quay lại ở phòng tắm, những cậu nhóc, cô nhóc hồi xưa bỗng nhiên thức dậy chơi đùa với mỗi người. Chúng ta hát nghêu ngao với cái mic là vòi hoa sen hoặc một chai dầu gội, chúng ta nghịch với đống bọt xà phòng và tạo đủ hình thù đặc biệt với mái tóc, chúng ta ngâm mình thật lâu trong nước nóng, thả cho tâm trí bay bổng tự do và nghĩ ra vô vàn ý tưởng kì lạ. Trong trường hợp da nhăn lại như một trái táo tàu mà vẫn chả tưởng tượng ra điều gì mới, ít nhất người ta cũng hài lòng vì cơ thể mình đã sạch sẽ. Dù chẳng mấy ai phát hiện ra, nhưng thật sự mỗi người đều sẽ có một quãng thời gian vui vẻ trong phòng tắm. Điều này có thể đến từ làn nước, từ mùi thơm xà phòng, từ sự tăng cường tuần hoàn máu hoặc cũng có thể là nhờ cuộc hẹn hò siêu ngắn với mỗi đứa bé đang ngủ quên trong mình.

Khi trưởng thành, mỗi cá nhân đều trở nên giỏi giang, hiểu biết hơn. Thế nhưng dù ngày càng tìm được nhiều mảnh ghép để hoàn thiện bản thân, ta vẫn thấy mình đang thiếu đi một điều gì đó. Nếu con người không trở nên nghi kị với mọi thứ xung quanh thì sẽ bắt đầu dè chừng với bệnh thoát vị đĩa đệm hoặc đau da dạy… Người lớn cũng khó kết bạn với nhau và chả bao giờ đặc biệt hứng thú với bất cứ điều gì mới mẻ. Họ cố vẽ cuộc sống của mình thành một vòng tròn hoàn hảo, nhưng càng tròn trịa bao nhiêu, bán kính của nó càng nhỏ lại bấy nhiêu.

Trong sự gò bó đó, tâm trí chúng ta bắt đầu nhớ về những hình ảnh xa xưa. Đó là các cô nhóc, cậu nhóc luôn vui tươi, tràn đầy sự lạc quan. Thế giới trong mắt chúng lấp lánh phép màu và những điều kỳ thú, dù có là chuyến phiêu lưu trong con ngõ hay hành trình đào đất ở góc vườn. Những cảm xúc ngây thơ và tích cực đó, đôi khi có thể gợi lại bằng những cuộc hẹn thật ngắn với phiên bản nhí đang ngủ quên trong mỗi người.

Nguồn: Omario Brunelleschi

Hãy chơi hết mình như thể ta không biết nghĩa của từ “thua cuộc”

Ngày bé hẳn ai cũng đã từng chơi trốn tìm, cá sấu lên bờ, hoặc 1,2,3. Chuyện bị bắt, bị phát hiện là thường xuyên nhưng khi đó, không ai trong chúng ta xem nặng chuyện mình đã thua. Với một đứa trẻ, điều đó chỉ đơn giản là lượt chơi kết thúc và chúng ta sẵn sàng cho một trận đấu mới. Tan học bốn rưỡi chiều, bọn trẻ ùa về ngõ ,chơi liền một mạch ồn ào cả khu nhà nhỏ gần hai, ba giờ. Đến khi tiếng mẹ ở trong nhà gọi vọng ra bắt về ăn cơm, ta mới chịu ngừng cuộc chơi. Trong suốt thời gian đó, chả đứa trẻ nào nhớ mình bị bắt bao nhiêu lần, chiến thắng bao nhiêu trận. Chúng chỉ thấy háo hức và cố chạy nhanh hơn, tìm được chỗ trốn kỹ hơn chứ không bị nhấn chìm trong cảm giác tiêu cực hay thất vọng nào về bản thân. Đến cuối ngày về nhà, thứ duy nhất ta kể cho bố mẹ là mình đã chơi vui thế nào, những lần bị bắt hồi hộp ra sao và cười thật tươi bằng đôi mắt háo hức.

Chúng ta khi đó cũng không sợ bị ngã hay tổn thương. Những cô nhóc, cậu nhóc bé xíu hẳn sẽ không bao giờ đếm được hết những vệt xước, những vết thương đóng vảy trên tay, chân mình. Chúng ta cứ thoải mái chạy thật nhanh, nếu có bị thương thì sẽ mặc kệ và đứng lên chơi tiếp mà không mảy may sợ hãi. Những vết máu khi đó chả là gì ngoại trừ sự háo hức chờ nó khô lại để tự tay mình bóc vảy mang đi trêu bạn bè là: “này, mày có ăn thịt bò khô không?”

Nguồn: Batrice Blue

Thật đáng tiếc là khi lớn lên, chúng ta lại sợ hãi và đề phòng mọi thứ. Thành tích trở thành tấm biển quảng cáo mà ta buộc phải ôm đi khắp mọi nơi, đong đếm xem công việc nào an toàn, phù hợp với năng lực, tính toán xem bao giờ thì được thăng chức. Khi nói chuyện với người thân, thay vì háo hức kể lại niềm vui hay những trải nghiệm thú vị, ta lại sợ bị coi thường nếu hành trình đó chưa đạt được kết quả lý tưởng. Và để an toàn hơn, chúng ta sẽ chỉ loanh quanh với những thử thách êm ái, nơi dù không thể thành công rực rỡ, ta cũng không phải đối mắt với nỗi sợ.

“Safe zone” dù là một vùng đất yên lành, nhưng sẽ không có trải nghiệm đáng nhớ nào có thể nảy mầm ở đó. Đến Hoàng Tử Bé còn rời khỏi tinh cầu nhỏ xinh của mình để sẵn sàng khám phá những vùng đất khác vậy hà cớ gì chúng ta cứ mải miết sợ hãi và tính toán. Khi thấy loay hoay hoặc lo lắng, ta hãy thử gặp gỡ nhanh với đứa bé trong mình và hỏi:

“Này, tớ nghĩ mình sẽ làm hỏng mọi thứ mất.”

Và đứa bé đó sẽ cười thật tươi, đáp lại là:

“Thế nhỡ chúng ta đang làm đúng thì sao?”

Nói ra những suy nghĩ của mình

Nguồn: Batrice Blue

Hồi nhỏ, ai cũng cũng thích ăn vặt. Mỗi cô nhóc, cậu nhóc trong cặp sẽ có vô số mì tôm trẻ em, ô mai giun hoặc chocolate đồng tiền. Ở lớp, cứ bóc ra một gói bim bim là sẽ có vô số cánh tay chìa ra xin ăn cùng. Ta mỉm cười cho bạn bè một vài miếng, rồi lại bị xin tiếp. Khi đó, nếu cảm thấy miễn cưỡng, đứa bé ấy sẽ sẵn sàng nói: “không” và cất gói bim bim đi hoặc ăn một mình. Lớn lên, những suy nghĩ và cảm xúc thật của con người không được bộc lộ ra thoải mái như vậy nữa. Ví dụ như có cô gái chơi với một nhóm bạn, vì tôn trọng những mối quan hệ đó nên khi mọi người trêu đùa hoặc cáu gắt, cô đều bỏ qua. Sau cùng sự nhẫn nhịn của cô gái đó trở thành lẽ đương nhiên. Thế nhưng, đến một ngày cô gái đó không nhịn được nữa mà phản ứng lại, một vài người trong nhóm bắt đầu giận dỗi và trách móc rằng cô đang phản ứng thái quá. Trong khi cô gái kia chọn dằn lòng mình xuống thì có những người lại chọn mặc kệ. Hoặc đến khi đi làm, vì thuận đường nên cô đồng nghiệp ngày nào cũng nhờ một anh chàng qua đón. Ban đầu anh đồng ý nhưng sau dần, mỗi lần đi làm cùng đều phải vòng vèo đèo cô ý đi mua đồ ăn sáng rất lâu. Chàng trai ấy vẫn im lặng không phàn nàn gì. Đến khi đi làm muộn, cô ấy lại nói bóng nói gió, hỏi sao anh không bao giờ chịu qua đón sớm hơn.

Bạn vốn không phải kẻ hai mặt – bên ngoài cười tươi bên trong bất mãn. Bạn không nói ra suy nghĩ của mình vì đôi khi tình bạn, mối quan hệ , lòng tốt giữa người với người quan trọng hơn những khó chịu thoáng qua. Nhưng bọn trẻ con thì sẽ không nghĩ nhiều như thế. Mỗi đứa trẻ đều giống như một tấm gương phản chiếu cách mà thế giới đối xử với chúng. Nếu thấy một người cười với mình, những đứa nhóc đó sẽ cười lại. Nếu thấy một người cho kẹo, cô nhóc, cậu nhóc đó sẽ quý người đó. Nhưng nếu thấy không hài lòng, những đứa nhóc sẵn sàng nói: “tớ không thích, cậu đừng làm thế nữa.”

Trên mạng gần đây có một mẩu chuyên ngắn thôi nhưng đọc qua mọi người đều sẽ mỉm cười. Chuyện là có một cô gái mua cho mẹ hộp sữa bột chống loãng xương. Trong một lần nếm thử, cô lập tức trở thành fan cuồng của loại đồ uống giàu canxi này. Thế là mỗi đêm nàng đều lén lút mò xuống bếp uống trộm. Dù sao mỗi ngày pha vụng một ít chắc cũng không ai phát hiện ra. Bỗng một hôm, trong đêm tối người mẹ khát nước cũng đi xuống bếp uống nước. Hai mẹ con va vào nhau khiến cốc sữa đổ ụp xuống đất, cả hai người đều bị sữa bắn lên bẩn hết quần áo. Bà mẹ vừa lau người vừa làu bàu: “đồ giời đánh, muốn uống thì cứ bảo một câu, lén lén lút lút uống làm gì không biết được. ” Cô gái cũng bất chợt băn khoăn rằng tại sao có chuyện nhỏ đó cũng phải giấu kín, muốn uống không phải cứ bảo mẹ một câu là xong sao? Dù đó có là đồ mua tặng mẹ thì rõ ràng bản thân cũng đâu cần câu nệ hình thức như vậy. Từ đó mỗi tối căn nhà nhỏ đều thơm mùi của ba cốc sữa được pha sẵn. Bố, mẹ và con gái ấm áp ngồi uống cùng nhau.

Xét cho cùng ai chả từng là trẻ con, ai chả thích uống sữa chứ.

Ngập tràn năng lượng tích cực, bớt tính toán

Nguồn: Batrice Blue

Bắt đầu từ những năm tháng ngoài hai mươi, ngày tháng bỗng trôi nhanh như một mũi tên bay. Ta không thể nhớ rõ thời gian qua mình đã làm gì khi cứ lặp lại những chu kỳ quen thuộc như đi làm, về nhà nghỉ ngơi, chơi trong vòng tròn quan hệ nhỏ… Những điều quen thuộc đó khiến ta cảm thấy mình ngày càng cũ kỹ. Cảm giác già nua đang chiếm lấy tâm trí là thứ mà dù có bao nhiêu tin tức mới trên Facebook, bao nhiêu chầu cà phê lê la với bạn bè cũng không thể xoá đi được.

Thế nhưng hình ảnh nắng vàng chiếu từng vệt xuống con đường nhỏ mỗi ngày hè xưa cũ lại vẫn đang in hằn trong tâm trí chúng ta. Ta nhớ rõ tiếng cười vang dưới trời xanh, từng nụ cười sáng lên cùng những giọt mồ hôi khi lêu hêu khắp khu ngõ nhỏ không mục đích cùng đám bạn. Chút sắt vụn nhặt đồng nát để mua quà vặt là đã đủ khiến buổi chiều của chúng ta trọn vẹn, một cuốn truyện tranh túm tụm đọc ké với nhau cũng khiến tâm trí ta khi đó cảm thấy thoả mãn. Trái ngược với lúc trưởng thành, mặc dù những con số trong tài khoản đang không ngừng tăng lên, đủ để chúng ta ăn ở những nhà hàng đắt tiền, mua được những chiếc điện thoại, xe hơi khiến người khác ngưỡng mộ… ta vẫn cảm thấy trong mình có vô vàn lỗ hổng không thể lấp đầy.

Nguồn: Omario Brunelleschi

Đứa trẻ đang ngủ quên bên trong chúng ta không có những mâu thuẫn nội tâm như thế. Trong khi người lớn chơi với ai đều bị những giáo điều “Self help” định hướng như: “chơi với người giàu bạn sẽ được dạy cách kiếm tiền, chơi với người nghèo bạn sẽ chỉ biết cách tiêu tiền” hoặc “đến 30 tuổi tôi mới hiểu bạn bè có ích là phải giúp đỡ lẫn nhau còn không chỉ là quan hệ vô bổ”thì lũ trẻ con lại ngược lại. Khi một đứa nhóc chơi với ai, lý do đơn giản là bởi người đó làm nó thấy vui. Tình bạn được hình thành dựa trên sự đồng điệu về tâm hồn, vì những điều nhỏ xíu khi chia sẻ ra đều có thể trở thành những niềm vui ngọt ngào.

Còn đối với người lớn, những quan điểm xã hội đã buộc chúng ta phải định hình các mối quan hệ có ích với mình để quỹ đạo cuộc sống, công việc, gia đình …có thể vận hành trơn tru.Nhưng chấp nhận không đồng nghĩa với việc ta phải chấp hành quy tắc đó mọi lúc mọi nơi. Dù thế nào, con người vẫn có thể tìm được cách để cân bằng mọi thứ. Hãy dành thời gian ở cạnh những người làm bạn thấy dễ chịu mà không cần tính toán lợi ích hay nề hà thiệt hơn, giống như những gì đứa trẻ ngày xưa đã làm. Hoặc bạn cũng có thể hẹn hò với chính mình để tự tìm thấy bình yên. Nếu ngày bé ta có thể dành cả chiều để nằm nghe chuông gió kêu cùng con mèo nhỏ đang gật gù ngủ bên cạnh mà vẫn thấy vui vẻ thì bây giờ cũng thế. Niềm vui đơn như như một cây kem, ngay cả khi nó tan chảy thì vị ngọt vẫn còn đấy.

Giữ sự tò mò, háo hức và trí tưởng tượng với mọi thứ

Nguồn: Batrice Blue

Một đôi cao gót của mẹ có thể khiến các bé gái nhìn ngắm và đi lại cả ngày, một vòng tay bế lên cao của bố đã có thể khiến các bé trai tưởng tượng mình là cánh chim tung bay khắp thế giới. Sự tò mò, trí tưởng tượng và niềm hân hoan trước mọi thứ chính là yếu tố tạo nên phép màu trong cuộc sống của trẻ thơ.

Trong mỗi người luôn có một đứa nhóc hiếu kì, nhưng phiên bản trưởng thành lại khiến ta sợ làm phiền người khác, sợ đặt ra những thắc mắc ngớ ngẩn khiến mọi người chê cười và từ đó tự hài lòng với những gì mình biết. Chính điều đó đã khiến trí tò mò, ham muốn khám phá mọi điều trở thành một mảnh ghép bị phủ bụi.

Thế nhưng những người lớn ơi, sẽ chả có vấn đề gì nếu bạn hèn hò một chút với phiên bản nhí của mình, để những thắc mắc dù cho có ngớ ngẩn thế nào cũng được lên tiếng. Đặt câu hỏi chính là cách kết nối hiệu quả nhất với cuộc sống và chính mình. Khi nuôi dưỡng được lòng tò mà và sự quyết tâm đi tìm câu trả lời, cuộc đời ta sẽ trở nên thú vị và đa sắc hơn rất nhiều. Nếu thế giới không có Google thì phải làm sao? tại sao có ít các quảng cáo hoặc phim truyện do người già đóng chính thế? Vì sao người ta lại làm tay nắm tròn, như vậy người khuyết tật sẽ mở cửa thế nào? Những câu hỏi ngẫu nhiên đó khi được chia sẻ và bàn luận sẽ mở ra rất nhiều giải pháp và câu chuyện thú vị cho mỗi người. Neil Tyson cũng đã từng nói:


Xét cho cùng thì, thế giới này được thay đổi và hoàn thiện không ngừng chính là nhờ những người luôn chất đầy sự hiếu kỳ trong tâm hồn đấy thôi.

Neil Degrasse Tyson

Có thể bạn quan tâm:
Hồi hộp với 10 series trinh thám, điều tra trên Netflix
Trợ lý ảo Alexa và những tính năng “bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa”
7 podcast để những bài thể dục bớt nhàm chán hơn

Linh Nguyen

Viết những điều mình muốn đọc.

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago