Lifestyle

#Nghĩ: Khi đại gia thời gian trở thành kẻ “cháy túi”?

Một tiếng tại buổi nhạc hội dường như trôi nhanh hơn nhiều so với 1 tiếng ngồi trong lớp học nhàm chán. Đặc biệt, khi cứ ít phút bạn lại xem đồng hồ một làn thì thời gian càng chậm như đang “trêu ngươi” người chờ.

Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm Nhận thức và Sinh học thần kinh Pháp cho biết, họ đang tiến gần đến giả thuyết lý giải tại sao thời gian trôi vùn vụt hơn khi chúng ta cảm thấy vui vẻ, và lại lề mề trôi khi bạn cảm thấy chán nản, buồn bã. Lẽ dĩ nhiên thời gian không co giãn được. Vậy, điều gì làm sai lệch nhận thức của chúng ta về thời gian?

Khi nào chúng ta là những “đại gia” thời gian?

Trên những chuyến tàu lượn siêu tốc

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác “thót tim” trên những chuyến tàu siêu tốc, chỉ mong tàu mau mau dừng lại. Cảm giác 1 phút trên tàu dài như cả thế kỷ?

Khi sợ hãi, hoặc lúc phải gặp nguy hiểm, não bộ ngay lập tức sẽ tiếp nhận một khối lượng thông tin cực lớn. Nó sẽ sàng lọc mọi thứ có thể dùng để giúp ta sống sót, và những thông tin này cũng không hề biến mất ngay cả khi bạn đã bình tĩnh lại. Nó sẽ ở lại đó, và khiến não bộ tin rằng quãng thời gian ấy dài tựa thế kỷ.

Nhìn vào đồng hồ

“5 phút nữa thôi” có lẽ là câu nói quen thuộc với nhiều người trong chúng ta vào mỗi buổi sáng. Khoảng thời gian 5 phút ấy thật quý báu biết bao, nhưng cũng “bốc hơi” trong tích tắc. Có điều, đó cũng là 5 phút cực hình đối với học sinh trước giờ ra về. Cứ phải ngồi ngóng lên cái đồng hồ, ngóng từng giây trôi qua, cho đến khi trống đánh, chuông reo.

Chờ đợi điều thiếu chắc chắn – như việc nhìn đăm đăm vào chiếc kim chỉ giờ và mong nó “nhích” nhanh hơn, khiến thời gian trôi chậm hơn bao giờ hết.

Hiện tượng ảo giác mang tên “đồng hồ ngưng lại” xảy ra khi chúng ta liên tục ngắm nhìn đồng hồ đếm giây. Dù trong thời gian ấy chẳng có điều gì xảy ra, nhưng ý thức của chúng ta bị gián đoạn. Kết quả, lắm lúc bạn sẽ thấy đồng hồ như không chạy nữa, vì não bộ “bảo” bạn như vậy.

Hay những lúc làm bài kiểm tra, khi được thông báo “chỉ còn 10 phút nữa hết giờ”, bạn sẽ thấy 10 phút trôi nhanh thế nào. Đó có lẽ là 10 phút “chớp nhoáng” nhất cuộc đời bạn chứ không đơn giản. Nhưng giả sử 10 phút ấy là để chờ đợi kết quả bài thi, thì đó cũng là quãng thời gian “đau khổ” nhất trên đời, bất kể kết quả bạn mong đợi là gì.

Sở dĩ có chuyện này là vì khi không rõ điều gì sẽ xảy ra, bạn cũng nghĩ quá nhiều. Não bộ khi ấy sẽ chú ý đến từng chi tiết nhỏ, và thời gian cũng vì thế mà cho cảm giác dài hơn. Bên cạnh đó, cảm giác chờ đợi đơn thuần cũng khiến thời gian trở nên dài lê thê, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy bức bối, khó chịu.

Buồn chán

Cùng một khoảng thời gian có thể trôi rất nhanh khi bạn xem một bộ phim thú vị, hoặc trở nên vô vọng, dài lê thê nếu không may rơi vào tâm trạng buồn chán.

Lý do là vì khi chán nản, chúng ta thường chỉ tập trung vào bản thân, và quan trọng nhất là suy nghĩ quá nhiều. Điều này vô tình khiến não bộ phải tiếp nhận và xử lý rất nhiều thông tin, qua đó làm chậm lại nhận thức về thời gian.

Các nhà nghiên cứu, dẫn dắt bởi nhà khoa học tâm lý John Eastwood thuộc Đại học York tại Ontario, Canada, định nghĩa “buồn chán” là “trạng thái ác cảm xảy ra khi bạn không thể tham gia vào hoạt động nào đó mình mong muốn.”

Một tiếng tại buổi nhạc hội dường như trôi nhanh hơn nhiều so với 1 tiếng ngồi trong lớp học nhàm chán. Đặc biệt, khi cứ ít phút bạn lại xem đồng hồ một làn thì thời gian càng chậm như “trêu ngươi.”

Trạng thái “chán” diễn ra khi sự tập trung không được phân bổ cho một nhiệm vụ cụ thể. Môi trường đơn điệu, thiếu tính kích thích như công việc trùng lặp, nhiệm vụ thiếu tính thử thách, bài giảng không có thông tin nào mới, giọng đọc đều đều,… là những tác nhân thường thấy của tình trạng này.

Những ngày đầu tuần

Thời gian từ thứ Hai bước qua thứ Tư luôn dài đằng đẵng, nhưng từ thứ Tư sang thứ Sáu chỉ như một cái chớp mắt. Càng không cần nói đến tốc độ thời gian vào cuối tuần.

Lí do là vì não bộ chúng ta sử dụng những manh mối về bối cảnh để phân nhóm các sự kiện: những sự kiện có bối cảnh tương tự sẽ được gộp vào cùng một khoảng thời gian.

Bước vào văn phòng vào sáng Thứ Hai, chúng ta đang thay đổi cả về địa điểm và thời gian biểu so với cuối tuần. Do đó, Thứ Hai cũng đánh dấu một giai đoạn “chuyển giao” trong não chúng ta – chuyển đổi từ “chế độ cuối tuần” sang “chế độ đầu tuần”. Não bộ tự động tách riêng hai giai đoạn này, đồng thời cũng làm sai lệch cảm nhận về thời gian.

Những trải nghiệm mới mẻ

Quãng đường đến một địa điểm mới sẽ cho cảm giác dài hơn hẳn so với khi trở về nhà.

Lý do cũng là vì não bộ được tiếp nhận nhiều thông tin quá thôi. Não bộ lúc này cần thời gian để sắp xếp và truyền đạt cho chúng ta một cách dễ hiểu hơn. Càng nhiều thông tin, cảm giác thời gian càng kéo dài hơn. Cuối cùng, khi các thông tin trở nên quen thuộc hơn, mọi thứ cũng trở nên nhanh chóng hơn.

Khi nào chúng ta “cháy túi” thời gian?

Làm những việc giống nhau hằng ngày

Trái ngược với những trải nghiệm mới mẻ, một to-do list lặp lại hằng ngày sẽ khiến thời gian trôi qua trong tích tắc.

Thử nhìn vào một tuần làm việc của bạn là hiểu. Chớp mắt là đến thứ hai, chớp mắt cái nữa đã thấy thứ 6 kề bên rồi? Cách chúng ta làm những việc giống nhau và gặp những người giống nhau mỗi ngày sẽ khiến thời gian trở nên ngắn lại.

Khi đã quá quen thuộc với điều gì đó, não bộ sẽ chẳng mất quá nhiều thời gian để xử lý thông tin nữa, và bạn cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn.

Trải nghiệm mới ngày càng ít đi

Bạn tích lũy dần những trải nghiệm trong cuộc sống theo mỗi ngày. Thế giới trong mắt bạn cũng dần mở ra nhiều màu sắc hơn. Nhưng đến một lúc nào đó, khi những điều mình làm đã thành một thói quen lặp đi lặp lại, bạn sẽ thấy thời gian như cũng trôi qua nhanh hơn.

Chúng ta thường đánh giá thời gian dựa trên những cột mốc “đầu tiên” như ngày đầu tiên đến trường, nụ hôn đầu tiên, ngôi nhà đầu tiên, đứa con đầu tiên… Khi những cái đầu tiên dần trôi đi, bạn sẽ thấy những ngày tháng bắt đầu như đang lặp lại và chẳng có gì đáng ghi nhớ cả.

Những ký ức trở nên đậm nét, khoảnh khắc bạn trải qua dường như cũng kéo dài ra hơn. Bạn càng quen thuộc với nhiều trải nghiệm, thế giới dường như sẽ càng trở nên quen thuộc hơn. Não bộ sẽ giải phóng ra loại “hormone hạnh phúc” có tên gọi dopamine để cảm nhận về những điều mới mẻ. Khi bước qua tuổi 20, lượng dopamine bắt đầu giảm đi, bạn sẽ thấy thời gian trôi nhanh hơn và luôn thấy không đủ thời gian để tận hưởng mọi thứ.

Khi chúng ta “già”

Nếu gắn ký ức với những sự kiện hay con người nào đó, bạn sẽ chợt thốt ra rằng: “Đứa bạn ngồi cùng bàn với mình ngày nào giờ đã hai con rồi sao” hay “Bộ phim ấy mình đã xem cách đây 15 năm rồi à”. Những ký ức như vậy thường khiến bạn hốt hoảng vì nhận ra thời gian trôi nhanh hơn so với những gì mình tưởng.

Thật ra thì những ký ức này không quá rõ nét trong tâm trí bạn nên khi có ai đó gợi nhớ đến, bạn sẽ thấy nó đã xảy ra rất lâu. Còn những ký ức rõ ràng sẽ khiến bạn cảm thấy sự kiện đó diễn ra gần hơn với thực tại. Bạn đang dùng sự rõ ràng của một sự kiện để gắn nó với nhịp độ thời gian trôi. Thế nên, khi ký ức ấy nhạt nhòa, bạn cũng cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn.

Multitask – Ngày đa nhiệm bận rộn

Một khi đã quen với nhịp độ công việc, một tuần sẽ trôi “vèo” trong chớp mắt. Mỗi một ngày vẫn có 24 tiếng, nhưng chớp mắt một cái đã thấy tối muộn và mình vẫn còn một loạt các tab màn hình đang mở dở.

Những lúc có quá nhiều công việc phải làm, bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi nhanh vì mình chẳng thể giải quyết công việc theo như kế hoạch đã vạch ra. Càng gặp nhiều áp lực thì sẽ càng bị phân tâm và khó tập trung vào công việc hiện tại. Những công việc cứ đến dồn dập và nếu không có một kế hoạch ổn thỏa, bạn sẽ thấy mình chẳng có đủ thời gian để hoàn thành bất cứ việc gì.

Thời gian lúc này không trôi nữa, mà bạn sẽ có cảm giác là nó đang “bay.” Bạn có thể dùng cả thời gian nghỉ ngơi để làm việc với mong muốn hoàn thành việc nhanh chóng. Nhưng quỹ thời gian một ngày của bạn cũng chỉ có 24 giờ thôi. Khi cơ thể quá tải, bạn chẳng thể giải quyết được việc gì. Đến cuối ngày, bạn sẽ hốt hoảng vì thời gian trôi nhanh quá, còn mình thì mãi giậm chân tại chỗ với vô số công việc chất chồng.

Kết: Làm thế nào để làm “đại gia” thời gian?

Cuộc sống của bạn có ý nghĩa, có thú vị hay không đều tùy thuộc vào cách bạn sử dụng thời gian như thế nào. Hãy quản lí công việc vào thời gian của mình bằng cách tạo ra một to-do list hằng ngày theo nguyên tắc 1-3-5; cũng đừng trốn tránh những thách thức trong cuộc sống mà ưu tiên những việc khó – những “con ếch sống” vào đầu ngày.

Người thành công không tìm kiếm thời gian, họ tạo ra thời gian.

Thời gian cũng giống như một nguồn lực, nhưng không như những nguồn lực khác, chúng ta không thể lấy lại thời gian đã mất, cũng không thể thêm bớt, lưu trữ, hoặc tắt mở, thay thế nó. Vì thế, hãy làm chủ “nguồn lực” này của mình, để thời gian trôi đi dù nhanh hay chậm cũng thật ý nghĩa.

Bạn có thể quan tâm:
Tik tok đã ngốn 2,8 tỷ giờ của trái đất như thế nào?
Một năm tới bạn sẽ như thế nào?
Bữa trưa ở công ty nói gì về bạn
Bênh trời, bênh đất, bênh mây như thi thoảng bạn chả muốn bênh đứa bạn?

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

22 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago