Lifestyle

#Nghĩ: Kỷ nguyên livestream – khát khao nhìn cuộc sống thật phía sau màn hình

Nếu live video cho chúng ta thấy điều gì thì đó chính là việc con người luôn có ham muốn được tìm hiểu tất cả mọi thứ. Từ những câu chuyện bên lề, góc khuất hậu trường và những điều đang thực sự diễn ra trong cuộc sống. Kỷ nguyên livestream biết rõ điều đấy để tạo nên một thế giới pha trộn giữa thực tế và sắp đặt nhằm thoả mãn trí tò mò bất tận của nhân loại.

Nguồn: Gareso

Với video được phát trực tiếp, người ta không thể tua nhanh phân cảnh, hay đoán trước điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta chỉ biết một sự thật rằng: Nếu không tiếp tục theo dõi, có thể ta sẽ bỏ qua rất nhiều thứ.

Sự hồi hộp, nỗi ám ảnh sẽ bỏ lỡ điều gì đó (FOMO) và tính tức thời là những yếu tố giữ chân khán giả lại màn hình. Cùng với sự kết hợp của công nghệ, các thiết bị di động, truyền thông xã hội… chúng ta đã được chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong cách loài người kết nối với nhau.

Một minh chứng rõ ràng nhất là cách mà Facebook – mạng xã hội toàn cầu đang tập trung phát triển định dạng này. Cộng đồng “sống ảo” lớn nhất hành tinh tiết lộ rằng họ sẽ có những dự án đặc biệt dành riêng cho livestream, đẩy mạnh sự xuất hiện của video trực tuyến lên News Feed của người dùng. Trên giao diện điện thoại, nút phát trực tiếp cũng được ưu ái đặt ở vị trí dễ quan sát nhất, khiến người ta không thể bỏ qua. Điều này đã mở ra con đường mới để người dùng xem được nội dung livestream từ bạn bè và những người sáng tạo nội dung khắp thế giới. 

Minh hoạ: Davide Bonazzi

Nhưng tại sao Facebook lại chú tâm vào video trực tuyến đến vậy? Đầu tiên, công ty này phải theo kịp các đối thủ như Snapchat, Youtube và Periscope (thuộc Twitter). Tuy nhiên việc chạy đua theo định dạng này còn có ý nghĩa sâu xa hơn thế? Một báo cáo của Facebook cho hay mỗi người dành thời gian gấp 3 lần chỉ để xem một video livestream thay vì những video được quay sẵn. Họ tương tác nhiều hơn trên các video trực tuyến, và bình luận nhiều hơn gấp 10 lần so với những clip thông thường. 

Hiện nay, các thương hiệu cũng đang kết hợp nội dung trực tuyến vào chiến lược marketing video của mình. Như cách tranh ảnh kích thích bộ não của chúng ta tốt hơn các đoạn văn, nội dung trực tuyến cũng đánh vào khía cạnh tâm lý của người dùng một cách mạnh mẽ. 

I. Thu nhập khủng từ nghề streamer và những con số ấn tượng

Minh hoạ: Yukai Du

Livestream đang là một trào lưu phát triển cực kỳ mạnh mẽ tại Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Đầu tháng 10 vừa qua, Tân Hoa Xã đưa tin, livestream bán hàng đã trở thành lĩnh vực phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020.Theo báo cáo thống kê đến tháng 6/2020, số lượng người dùng livestream ở Trung Quốc đã đạt con số 309 triệu người, tăng 16,7% so với tháng 3.

Với hơn 400.000 người livestream, tại Trung Quốc có hơn 10 triệu hoạt động livestream trong nửa đầu năm nay, thu hút hơn 50 tỷ lượt xem. Chính những hoạt động này đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến trong nước trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19. Các cửa hàng đóng cửa vì lệnh cấm buộc người dân phải buôn bán qua các kênh livestream. (Theo Genk)

Chuyện kiếm được hàng chục triệu đô nhờ livestream không còn xa lạ với người hâm mộ và những người hoạt động trong lĩnh vực này. Trong năm 2019, streamer dẫn đầu về kiếm tiền theo Forbes là Tyler “Ninja” Blevins với hơn 17 triệu đô. Dù đã bỏ nền tảng có hơn 13 triệu người theo dõi là Twitch để tới với một nền tảng khác là Mixer, nhưng danh tiếng của cái tên Ninja không vì thế mà suy giảm. Theo sau cô là PewDiePie. Năm 2019, anh chàng này vẫn dẫn đầu về độ hot của Youtube với tổng lượng xem lên tới con số 4 tỷ. Nhờ hơn 100 triệu lượt theo dõi, kênh Youtube của PewDiePie hiện đang giữ vững vị trí top 2. Thu nhập của PewDiePie trong năm 2019 vào khoảng 15 triệu đô la (theo Forbes).

II. Sự thoả mãn

Minh hoạ: Yukai Du

Trên thực tế, thị trường video trực tiếp đang có giá trị hơn 30 tỷ đô la. Livestream dự kiến ​​sẽ có giá trị hơn 70 tỷ đô la vào năm 2021. Quan trọng hơn, video phát trực tiếp đang phát triển nhanh hơn video theo yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng của livestream hàng năm là 113%, trong khi video dài theo yêu cầu tăng 30% và định dạng ngắn chỉ tăng 9%. (Theo prnewswire.c)

Không giống như chương trình tivi đã được cắt gọt hoặc các chương trình truyền hình thực tế nơi nội dung đã qua chỉnh sửa, livestream cho phép người xem tiếp cận với những nội dung chân thực, không ràng buộc bởi quá nhiều yếu tố kiểm duyệt. Thông qua đó, người xem có thể tiếp cận với những nội dung tự nhiên hơn, giống như quan sát một màn kịch “sống” ngẫu hứng. Phát trực tiếp thể hiện rằng những thứ chúng ta theo dõi đang thật sự diễn ra trong một môi trường thực tế.

Cho dù đó là một chương trình đào tạo, một cuộc thảo luận nhóm, một cuộc phỏng vấn hay buổi ra mắt sản phẩm, người xem đều sẽ được biến đổi để trở thành người tham gia chương trình. Khán giả có thể theo dõi video phát trực tiếp ở mọi nơi, mọi vị trí và trên mọi thiết bị. Không mất chi phí mua vé, phí đi lại nhưng vẫn có thể tham dự chương trình trực tiếp. Ca sĩ yêu thích có thể cho chúng ta thấy hình ảnh hậu trường chân thật nhất trong một concert. Người ta cũng có thể quan sát những buổi tập luyên thể thao của The Rock và trực tiếp gửi câu hỏi, trò chuyện với anh. Chính sự tò mò của con người về cách thế giới hoạt động và cách con người làm việc trong những tình huống khác nhau đã thúc đẩy sự quan tâm của các trang xã hội đến nội dung này. 


III.Cảm giác hồi hộp và những trải nghiệm đặc biệt

Minh hoạ: Yukai Du

Lý do mà các sự kiện thể thao (như bóng đá) luôn thu là bởi chúng chỉ diễn ra trong thực tế một lần. Nếu chương trình đó không trình chiếu trực tiếp, chúng ta sẽ phải chờ đợi một thời gian kha khá để được mở TV lên xem.

Sự hài lòng tức thì là động lực tâm lý giúp kỷ nguyên livestream bùng nổ mạnh mẽ. Nhà tâm lý học Susan Weinschenk cho rằng con người luôn cố gắng tìm kiếm thông tin để giúp định hướng thế giới này – dù là cho nhu cầu cá nhân (ăn uống, nghỉ ngơi…) hay để tìm hiểu một thứ phức tạp hơn, như thời điểm iPhone 12 ra mắt. Và nhờ smartphone, sự thôi thúc này ngày càng lớn mạnh. 

Các video livestream tạo ra sự hài lòng thông qua việc chia sẻ, tiêu thụ và tương tác tức thì. Trên Facebook Live, các “reaction” cho phép mọi người bày tỏ cảm xúc, giúp người phát nhận được feedback của những người xem ngay tại thời điểm phát nhằm điều chỉnh nội dung. Khán giả qua đó cũng có thể sở hữu những “quyền năng” không giới hạn và đạt được hiệu ứng tức thì. 
 
Suy nghĩ “mọi thứ có thể xảy ra bất cứ lúc nào” là điều giúp livestream thu hút người xem. Ngay cả những hoạt động đời thường nhất cũng có thể trở nên hấp dẫn và tạo sự hồi hộp khi được phát trực tiếp. Ví dụ, hơn 31 triệu người đã theo dõi một clip quay trực tiếp về một vũng nước giữa đường ở Anh Quốc mà không rõ tại sao mình lại háo hức đến vậy. Tương tự như cách story trên Snapchat, Instagam biến mất sau 24 giờ, nội dung trực tuyến luôn xen lẫn sự tò mò và đó là điều đó khiến nó trở nên độc đáo. 


IV.Hiệu ứng FOMO

Minh hoạ: Yukai Du

Mọi người trở nên lo lắng khi nghĩ rằng họ đang bỏ lỡ điều gì đấy thú vị. Những video phát trực tuyến có thể giúp mọi người giải tỏa cảm giác này. Vì lẽ đó mà Google đã chọn đăng tải một số màn biểu diễn Coachella lên Youtube. Các chương trình truyền hình như ABC đang dùng chức năng livestream của Facebook để kéo người xem cho họ.  

Hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu việc phát sóng trực tiếp liệu có dễ dàng và bùng nổ như cách đăng một bức ảnh lên Instagram hay tweet. Tuy nhiên nếu Facebook tiếp tục đi theo hướng này, video trực tuyến có thể sẽ trở thành cách chúng ta và các thương hiệu toàn cầu tương tác với nhau. 


V. Những góc tối.

Minh hoạ: Yukai Du

Không may, giống như hầu hết các phương tiện truyền thông xã hội đang tồn tại, livestream cũng có những nhược điểm riêng. Chính yếu tố bất ngờ đã trở thành điểm yếu nghiêm trọng của định dạng này, khiến chúng ta không thể dự đoán được những khoảnh khắc đen tối sẽ đột ngột diễn ra. Rất nhiều người đã lợi dụng phương tiện này nhằm phát đi những thông điệp tiêu cực về hành hung, cưỡng hiếp, giết người và tự tử…

Khi livestream đang ngày càng phát triển và thu hút một lượng lớn người dùng, nhiều công ty truyền thông đã bị chỉ trích bởi các quy định kiểm duyệt lỏng lẻo và thời gian phản ứng chậm khi đối mặt với nội dung không phù hợp.

Vào năm 2017, một tên tội phạm tên là Cleveland Steve Stephens đã quay cảnh giết người và phát sóng trực tiếp trên trang cá nhân của mình. Facebook đã mất hơn hai giờ để xóa video và huỷ tài khoản của Stephens. Tuy nhiên, vào thời điểm video được gỡ xuống, tội ác của Stephens đã có hơn 150.000 lượt xem và được chia sẻ qua các phương tiện truyền thông xã hội khác. Nhiều người chỉ trích Facebook , đồng thời yêu cầu công bố biết lý do tại sao công ty đã mất nhiều thời gian để xử lý đến vậy?

Chưa kể đến những streamer làm trong lĩnh vực này cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực, trầm cảm và stress. “Mỗi ngày, tôi ngủ dậy, làm việc, ăn, rồi lại làm việc và ngủ. Nó thật khó khăn.” Đó là lời chia sẻ chung của rất nhiều người hoạt động trong ngành công nghiệp livestream.Để thu hút người xem, streamer phải liên tục học hỏi, vận động chất xám, cố gắng khuấy động không khí, tỏ ra đáng yêu và làm việc chăm chỉ từ 8-12 tiếng/ ngày nhằm thu hút người xem. Nếu một buổi livestream không có khán giả, có nghĩ là ngày làm việc hôm đó của họ có thể sẽ không mang đến bất kỳ thu nhập nào.


“Mình khuyên bạn nào tính bỏ học để làm streamer thì đừng. Chạy KPI stream còn cực hơn cả thi học kì. Ngồi 1 game đấu vừa mệt vừa lo kết quả vừa còn phải làm khán giả thích cực hơn thi 45p, 1 tiết. Trong khi thi,chỉ có lo làm bài của mình. Mỗi ngày stream 10 – 12 tiếng, tới lúc ngủ chỉ sợ đột tử. Đây là những ngày tháng cuối cùng mình làm việc như thế này. Và chính xác là hôm nay là 8 tiếng cuối cùng của giai đoạn tuổi trẻ làm việc cháy máy hơn 13 năm qua. Người ta thường khuyên ‘do what you love’, mình khuyên học ‘love what you do,’ rồi hãy ‘do what you love.’ Tháng sau việc đầu tiên mình làm là đi khám sức khỏe. Nhức từ cơ bắp cho tới toàn thân. Mình sắp già”.

Pew Pew

Có những streamer chia sẻ rằng, việc suốt ngày quanh quẩn trong studio khiến họ cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt và khó nghĩ ra ý tưởng mới.  Điều này dẫn tới cảm giác mất niềm tin và nghi ngờ về cuộc sống ảo nhiều hơn thật của mình.


Kết:

Minh hoạ: Valentin Tkach

Từ xa xưa, khát khao thu thập thông tin và muốn biết về mọi thứ xung quanh đã là bản năng của con người. Khi có mạng xã hội, điện thoại di động mọi người thông báo cho nhau về mọi thứ mà họ làm. Với livestream, người ta có thể trực tiếp hiện thực hoá những thông báo đó bằng hình ảnh và kết nối với cuộc sống ngay lập tức. Bên cạnh đó, livestream cũng là phương thức marketing hiệu quả, đưa sản phẩm đến với người dùng một cách rộng rãi và gần gũi hơn rất nhiều so với quảng cáo chính thống. Với đà tăng trưởng của công nghệ cũng như nhu cầu từ xã hội, video trực tiếp sẽ dần trở thành một trong những mảng giải trí, kinh doanh chủ lực trên toàn cầu.


Ảnh đại diện: Yukai Du

Có thể bạn quan tâm:
#Nghĩ: Làm thế nào để ngừng ghen tuông vô lý?
#Nghĩ: Catcalling – “Gọi con mèo” và nguồn gốc của việc trêu hoa ghẹo nguyệt trên đường phố
#Nghĩ: “Chán đời muốn chết” là có thật, nhưng người chết có thể không phải bạn
#Nghĩ: Đam mê, tưởng là dễ kiếm nhưng đôi khi lại “hiếm” đến khó tìm

Linh Nguyen

Viết những điều mình muốn đọc.

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

22 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago