Với người Việt Nam, Tết đồng nghĩa với những “nghi thức” như: quét dọn nhà cửa trước Giao Thừa, làm lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, đêm 30 cả nhà quây quần xem Táo Quân, đi chùa hái lộc đầu năm mới,…
Người Việt Nam thì vậy, thế còn các anh chị em quốc tế thì làm gì vào dịp đầu năm mới?
Tại nhiều nước châu Mỹ Latin, những người có “đôi chân hay đi” sẽ đặt một chiếc vali rỗng trước cửa nhà, hoặc xách nó đi quanh nhà và khu phố để cầu mong một năm mới sẽ đi nhiều nơi thăm nhiều chỗ.
Khi đồng hồ bắt đầu đổ 12 tiếng, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Tây Ban Nha (và nhiều nước ở châu Mỹ Latin) sẽ ăn liên 12 quả nho, mỗi quả sẽ phải được ăn xong trong một tiếng chuông, với hi vọng rằng 12 tháng sắp tới của năm mới sẽ tràn đầy may mắn.
Không chỉ là một món ăn bổ dưỡng và giàu chất xơ, đậu còn được người Argentina xem là một món ăn đem lại may mắn trong bữa ăn đêm Giao thừa. Người dân nơi đây tin rằng nếu ăn đậu trước nửa đêm, công việc của họ sẽ ổn định trong suốt năm tới.
Ở Belarus, vào dịp năm mới, những phụ nữ độc thân đang tìm kiếm tấm chồng sẽ ngồi lại thành vòng tròn, mỗi người đặt một giỏ hạt ngô trước mặt. Một chú gà trống sẽ được đặt vào giữa vòng tròn. Chú gà này mổ hạt ngô trong giỏ người nào thì cô gái đó sẽ là người đầu tiên kết hôn.
Ở Trung Quốc, khi dọn dẹp nhà cửa dịp năm mới, mọi người sẽ quét nhà từ ngoài vào trong và đổ rác từ cửa sau của ngôi nhà. Bằng cách này, những điều tốt lành sẽ không biến mất. Trong 2 ngày đầu tiên của năm mới, người Trung Quốc cũng tránh quét nhà để không vô tình “dọn” mất những điềm lành năm mới.
Bát đĩa vỡ thường được cho vào thùng rác, nhưng với người Đan Mạch và một bộ phận người Đức sống gần biên giới hai nước thì không. Họ giữ lại những mảnh vỡ. Đến đêm Giao thừa, bát đĩa vỡ này sẽ được… ném sang nhà của bạn bè hoặc gia đình để đem lại may mắn. Ai không ném thì sẽ xếp những mảnh bát đĩa vỡ vào một chiếc hộp và đem đặt trước cửa nhà mọi người.
Ở Moldova – nằm ở phía đông của Romania, người dân sẽ mặc những bộ trang phục may bằng da gấu thật và cùng nhảy múa trên đường phố để xua đuổi vận rủi. Nghi lễ này bắt nguồn từ truyền thống của người Romania cổ đại, diễn ra hàng năm và kéo dài từ Giáng sinh cho đến đêm Giao thừa.
Trong bữa ăn đêm Giao thừa, những gia đình ở khu vực miền nam của Mỹ thường ăn rau cải xanh, thịt lợn, và đậu trắng. Đậu trắng được xem là món ăn mang lại may mắn. Đặc biệt, thành viên nào tìm thấy đồng xu giấu kín trong đĩa đậu sẽ là người nhận nhiều may mắn nhất.
Không rõ truyền thống này bắt nguồn từ đâu. Nhiều người tin rằng nó xuất phát từ sau Cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, khi quân của Liên bang miền Bắc cướp hết lương thực thực phẩm từ Liên minh miền Nam trừ đậu trắng. Một giả thuyết khác cho rằng khi những người Do Thái gốc Tây Ban Nha đến định cư tại Georgie vào thế kỷ 18, họ đồng thời đem theo truyền thống ăn đậu đũa trắng mừng năm mới đến Mỹ.
Tại Johannesburg, Nam Phi, những người dân sống ở thành phố Hillbrow sẽ ném những đồ nội thất cũ ra ngoài cửa sổ hoặc từ ban công nhà. Họ tin rằng tục lệ này là biểu tượng cho việc loại bỏ cái cũ, đón nhận những hứa hẹn và tốt đẹp của năm mới.
Ở Estonia, mọi người sẽ ăn từ 7 đến 12 bữa trong ngày đầu tiên của năm mới, với niềm tin rằng điều này sẽ giúp họ có sức mạnh tương đương 7 – 12 người đàn ông lực lưỡng.
Ở một số nước Bắc Âu như Phần Lan, người ta sẽ nấu chảy thiếc – thường là từ móng ngựa – rồi đổ chúng vào nước lạnh. Hình thù mới của khối thiếc sẽ là “lời tiên đoán” cho năm mới của họ.
Nhiều người Brazil tin rằng vào đêm Giao thừa, nếu tặng quà cho Yemanja – một vị thần biển trong tín ngưỡng của người Yeruba – sẽ mang lại cho họ sức khỏe cho năm mới. Bãi biển Copacabana (Rio de Janeiro) là nơi mọi người thường đến để “dâng” hoa trắng cùng những đồ cúng khác cho thần biển.
Với nhiều người Ecuador, hình nộm rơm là biểu tượng của những năng lượng xấu trong năm cũ. Họ đốt hình nộm rơm để đón chào một năm mới với khởi đầu tích cực và hạnh phúc hơn.
Ở Scotland, vị khách đầu tiên đến thăm nhà trong năm mới sẽ tặng gia chủ những món quà mang tính biểu tượng: một đồng xu, muối, bánh mì, than và rượu whiskey.
Đêm Giao thừa thì luôn nhộn nhịp và vui vẻ, điều này còn đặc biệt đúng với những người dân Philippines. Họ tạo ra thật nhiều tiếng ồn bằng cách đập chảo và nồi với nhau, bắn pháo hoa và thậm chí bắn súng lên trời để dọa đuổi tà ma.
Theo Mental Floss
Triển lãm của Nguyễn Hoài Hương là lời khẳng định cho sự nỗ lực trong…
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…