Nhân loại đang sống trong một xã hội mà thông tin được chia sẻ một cách công khai nhanh chóng. Việc giữ kín một vấn đề trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, thay vì cảm thấy an toàn, con người lại trở nên bất an và hoài nghi về mọi thứ. Đồng thời, chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận những thông tin chưa được kiểm định, đi ngược lại sự giải thích của khoa học, trong đó có các thuyết âm mưu.
Những niềm tin mơ hồ, vô căn cứ đó bao gồm các khẳng định trái đất thực tế là hình phẳng; con người thực tế chưa bao giờ ra khỏi trái đất, các hình ảnh mà ta nhìn thấy chỉ là sản phẩm của photoshop. Thậm chí, các thuyết âm mưu còn cho rằng sự nóng lên toàn cầu là một trò lừa bịp nhằm làm giảm năng lực sản xuất của Mỹ, Coronavirus thực ra chỉ là chiêu bài chính trị để các nước kiềm hãm nhau. Những niềm tin như vậy có thể đe doạ đến cộng đồng, chẳng hạn như khiến nhiều người từ chối nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hoặc biểu tình, phản đối các chính sách cách ly, tiêm phòng dịch.
Hậu quả là con người có khả năng bị “xói mòn” niềm tin vào khoa học. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia môi trường, chuyên gia y tế bị tấn công trên diện rộng thông qua các phương tiện truyền thông. “Phong trào phản khoa học” cũng nhờ đó mà lan rộng chỉ thông qua những cái nhấp chuột. Kết quả là chúng ta có một thế hệ dễ vừa dễ dàng tin tưởng vào mọi thứ, vừa sẵn sàng hoài nghi mọi sự thật.
Joseph Uscinski, Tiến sĩ, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami cho biết: “Ở bất kì trường hợp nào, con người cũng có quyền hoài nghi và xem xét yếu tố ‘thông đồng về mặt thông tin’ trong các sự kiện. Khi những lời giải thích không làm ta thoả mãn, một vài người sẽ vin vào các thuyết âm mưu như một cách xác định thực tế. Tuy nhiên, thay vì tìm ra cách thức giải quyết cho những rắc rối và xử lý tận gốc vấn đề, thuyết âm mưu lại được dùng như một phương pháp buộc tội hoặc đổ lỗi cho những đối tượng mà ta không thích.“
“Âm mưu” thường được dùng để miêu tả sự sắp xếp giữa hai hoặc nhiều người nhằm đạt được một mục đích nào đó. Đấy có thể là quyền lực chính trị, kinh tế hoặc các hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân. Âm mưu không phải là một lý thuyết, nó là một chuỗi các hành động.
Từ đó, cụm từ “Thuyết âm mưu” được sử dụng như một dạng tin tức nhằm buộc tội những người có quyền lực, đang hoạt động một cách bí mật. Nhóm người này sẵn sàng chống lại các lợi ích chung bằng cách đánh lạc hướng sự thật và phá hoại các quy tắc cơ bản của cuộc sống để thu về quyền lợi cá nhân. Dẫu vậy, những giả định phản lại khoa học này vẫn chưa hề được xác minh thông qua ý kiến của các chuyên gia có thẩm quyền, những phương pháp khoa học hay nguồn dữ liệu thực tế. Đó đơn giản là những giả thuyết mơ hồ được hỗ trợ bởi những lập luận mù mờ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc phân tích tâm lý học của những người tin vào thuyết âm mưu là khá phức tạp. Nó đi kèm theo nhiều yếu tố liên quan đến đức tin, giáo dục và xã hội học. Tuy nhiên để kết luận cơ bản, con người có thể bị hấp dẫn bởi các thuyết âm mưu từ những lý do sau:
– Chúng ta muốn tìm một ai đó để đổ lỗi: Các thuyết âm mưu luôn thành công trong việc tìm một cá nhân hoặc nhóm người đóng vai kẻ ác. Nó giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu khi bản thân đứng ngoài vòng trách nhiệm và có thể phần nào giải toả sự tức tối trong mình.
-Nhầm lẫn giữa thông tin sai lệch và sự thật: Dù chưa được kiểm chứng và đi kèm với rất nhiều hoài nghi, nhưng khi tin tức về việc Coronavirus thực chất xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán được lặp đi lặp lại, người ta đã bắt đầu tin vào nó. Bộ não của con người đôi khi không phân biệt được những thông tin quen thuộc và sự thật.
– Khẳng định giá trị cá nhân: Việc sở hữu nguồn tin và kiến thức ít ai biết khiến chúng ta có cảm giác “mình là duy nhất.” Một nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng những người tin vào thuyết âm mưu thường cảm thấy bản thân đặc biệt khi nắm được nhiều “thông tin khan hiếm”. Trình độ học vấn của một người cũng có thể đóng một vai trò trong việc liệu họ có nhiều khả năng tin vào thuyết âm mưu hay không. Một nghiên cứu năm 2016 đã kết luận rằng những người có trình độ học vấn thấp sẽ có xu hướng tin vào các thuyết âm mưu nhiều hơn.
– Bị ảnh hưởng của môi trường và mong muốn được công nhận: Nhiều bài phân tích đã chỉ ra rằng, đa số chúng ta đều có xu hướng tiếp nhận những dữ liệu phán ánh niềm tin cá nhân và từ chối những tin tức đi ngược lại quan điểm của mình. Rob Brotherton, Tiến sĩ, một nhà tâm lý học tại Đại học Barnard, đã chia sẻ trong cuốn sách “Những suy nghĩ đáng ngờ” rằng: “Con người không thể hoàn toàn kiểm soát bộ não trong việc có nên tiếp nhận những thông tin mới này hay không. Điều này dẫn đến sự loay hoay trong việc xử lý các dữ liệu.”
Chính những hạn chế đó cộng với thành kiến, nỗi sợ và mong muốn sâu xa bên trong chúng ta đã giúp cho thuyết âm mưu có một chỗ đứng nhất định. Brotherton viết. “Tất cả chúng ta đều là những nhà lý thuyết âm mưu bẩm sinh.”
Theo Uscinski and Parent, sự lo lắng, hoang tưởng hoặc mất kiểm soát là tất cả những cảm giác có thể dẫn đến sự phát triển cũng như niềm tin về Thuyết âm mưu. Nhưng còn một thứ có khả năng tác động mạnh mẽ hơn nữa vào hiện tượng này, đó chính là hệ tư tưởng.
“Nếu một người theo đạo thiên chúa và mang trong mình sự hoài nghi với nhiều thứ, họ sẽ tin vào những thuyết âm mưu ủng hộ cộng đồng của mình. Người đó có thể nghĩ rằng thuyết tiến hoá thực chất chỉ là sự lừa dối của các nhà khoa học, nhằm che đậy sự thật về quyền năng của chúa. Hoặc giả định khi bạn là người vô thần với tính nghi ngờ cao. Bạn có thể tin rằng nhiều tập đoàn đang tìm cách khống chế cuộc sống của nhân loại và nhóm 1% dân số thế giới nào đó đang nắm trong tay quyền năng vô hạn để kiểm soát mọi thứ.
Uscinski và Parent tin rằng rằng xã hội hóa và bản sắc nhóm là nguyên nhân đứng đằng sau sự phát triển của các thuyết âm mưu. Con người chịu ảnh hưởng về niềm tin, suy nghĩ, quan điểm sống từ cha mẹ, giáo viên, bạn bè và các phương tiện truyền thông. Thế giới quan của mỗi người đều bị tác động mạnh mẽ bởi bản sắc nhóm và mong muốn hoà hợp với xã hội xung quanh. Nếu có một suy nghĩ khác biệt, ta có thể bị phân biệt đối xử.
Hiện nay, không thiếu những bài báo nói về chủ nghĩa âm mưu và tầm phổ phiến của nó. Tuy nhiên, theo như Uscinski chia sẻ, chưa có một số liệu hay thống kê nào cho thấy số lượng các thuyết âm mưu cũng như nhóm người ủng hộ hiện tượng này đang ngày một gia tăng. Ở đây, chúng ta đang không nói về sự tràn lan của những tin tức giả hay những thông tin chưa được kiểm định mà chỉ đi sâu vào sự lan toả cũng như sự cực đoan của những người tin vào thuyết âm mưu.
Uscinski nói: “Các nhà báo hàng năm đều nói rằng đây là thời kỳ hoàng kim của thuyết âm mưu, một năm trỗi dậy của những điều hoang đường. Tuy nhiên, nhận định này không phải lúc nào cũng đúng.”
Uscinski và Parent đã xem xét hàng nghìn lá thư được gửi cho các biên tập viên của New York Times với các chủ đề liên quan đến thuyết âm mưu. Tuy nhiên, những đề cập này đã giảm dần từ năm 1890. Có hai lý do chính để các thuyết âm mưu trở nên thịnh hành trong thời gian trước, một là sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hai là nỗi sợ về chủ nghĩa cộng sản (sự kiện Red Scare những năm 1950), sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Ta có thể hiểu tại sao ngày nay nhiều người cảm thấy đe doạ và hoang mang trước sự xuất hiện của các thuyết âm mưu. Internet, đặc biệt là mạng xã hội thường bị xem là nguyên nhân chính cho sự gia tăng của vấn đề này. Cụ thể năm ngoái, một tin đồn rằng công nghệ 5G mới thật sự là lý do gây ra sự truyền nhiễm của virus Covid-19 đã được chia sẻ trên khắp Facebook. Thế nhưng, việc chúng ta nhìn thấy những lời bàn tán đó trên mạng không có nghĩa là công nghệ phải chịu trách nhiệm cho sự ra đời của thuyết âm mưu. Nhiều người đang cố gắng tìm ra lý do và sẵn sàng đổ lỗi cho xã hội hiện đại, truyền thông về một vấn đề vốn đã tồn tại từ rất lâu.
Giao tiếp là một trong những đặc tính lâu đời của con người. Các chủ đề liên quan đến thuyết âm mưu đã xuất hiện trong những cuộc trò chuyện từ trước khi chúng ta có điện, hay internet. Các nữ phù thuỷ bị thiêu sống vì được cho là hiện thân của ma quỷ, Nữ hoàng Elizabeth I, người trị vì từ năm 1558 đến năm 1603, từng bị đồn rằng bà thực chất là một người đàn ông, tổ chức Illuminati luôn bị gắn liền với những âm mưu thống trị thế giới. Những giả định đó đã xuất hiện từ trước khi khoa học kỹ thuật trở nên phổ biến như hiện nay. Tuy nhiên, dù không đóng vai trò trực tiếp trong sự ra đời của các thuyết âm mưu, ta cũng không thể phủ nhận Internet đã góp một phần không nhỏ đưa các thông tin không chính xác đến gần hơn với người đọc và gây ra những ảnh hưởng nhất định trong đời sống con người.
Rất khó để phản bác lại những người ủng hộ thuyết âm mưu vì những tin tức mơ hồ này thường được thiết kế bằng nhiều lời giải thích lòng vòng cùng các lập luận mang tính nguỵ biện. Thông tin trong thuyết âm mưu có thể rắc rối một cách đáng kinh ngạc bởi các câu chuyện luôn được thêu dệt từ những sự kiện tưởng như không liên quan đến nhau. Điều đáng nói là các dữ liệu trong thuyết âm mưu không hoàn toàn giả dối. Mỗi thông tin đều được trộn lẫn giữa những điều có thật và các câu chuyện hư cấu để tạo thành bức tranh đồng nhất. Nếu muốn làm sáng tỏ một thuyết âm mưu, ta phải tách bạch được những sợi len thật và giả trong một tấm thảm đồng màu vô cùng phức tạp.
Ma trận của thuyết âm mưu được cấu thành từ câu thần chú “nghiên cứu cá nhân.” Khi lần theo các nguồn tin, ta có thể tìm đến những trang web nghiệp dư được trình bày khá chuyên nghiệp. Những liên kết, dẫn chứng trong bài viết sẽ tiếp tục đưa người đọc tới các trang nghiên cứu chưa được kiểm duyệt cũng như chưa được xuất bản chính thức trên bất kì kênh truyền thông đáng tin nào. Chính những “nguyên liệu” được tạo dựng kì công đó đã khiến cho các thông tin trong thuyết âm mưu càng trở nên khó phân biệt hơn.
Nhìn chung, theo như nhận định của Brotherton, Thuyết âm mưu của một người là sự thật về âm mưu của người khác. “Bất kỳ nỗ lực nào để vạch ra ranh giới rõ ràng giữa âm mưu đúng và sai đều dẫn đến cuộc tranh luận bất tận về bằng chứng nào là thuyết phục, chuyên gia thực sự là ai và liệu họ có thể tin cậy được hay không”.
Cách tốt nhất để không bị hoang mang bởi các thuyết âm mưu chính là tìm đọc tin tức ở những trang web uy tín. Không một hãng tin nào có thể khách quan tuyệt đối, nhưng nếu buộc phải lưạ chọn, ta nên dành thời gian cho các kênh truyền thông lớn, có sự tin tưởng của cộng đồng.
Chúng ta cũng có thể học cách kiểm chứng các nguồn tin, nếu đó là một nghiên cứu cá nhân hoặc một bài viết được chia sẻ từ các trang web không chính thống, khiến bạn thấy nghi ngờ, hãy gõ thông tin đó đi kèm các từ khoá: “fact check” hoặc các trang web như “Allsides.com”,”TruthorFiction.com”, “Politiefact.com”, “Snopes.com” , “Factcheck.org.”
Điều quan trọng nhất chính là mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm khi chia sẻ bất cứ thông tin nào. Thông tin không kiểm chứng giống một món ăn có thể gây ngộ độc. Và rõ ràng không ai trong chúng ta muốn những người xung quanh mình bị đầu độc tâm trí bằng những điều giả dối.
Bài viết được tham khảo từ: Medium, nationalgeographic, businessinsider và bbc
Nguồn ảnh: Medium
Xem thêm:
Nhân loại sẽ làm gì với những giấc mơ của người khác
9 loại cảm xúc có thể bạn đã gặp năm nay nhưng chưa biết gọi tên là gì
Âm nhạc có thể gây tổn hại cho con người không?
Đàn ông thích tình dục, phụ nữ cần tình yêu… phải không?
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…