#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, khắp các phương tiện truyền thông đại chúng là những tin tức về các sự kiện chính trị từ phạm vi địa phương cho đến quốc tế, song số người trẻ Việt Nam thực sự quan tâm đến chủ đề này dường như vẫn còn ít ỏi.
Ngô Di Lân – cái tên nổi tiếng trong giới du học sinh Việt Nam khi trở thành một trong năm ứng viên xuất sắc nhất được Đại học Brandeis (Mỹ) cấp học bổng tiến sĩ toàn phần ở tuổi 21, đã chia sẻ: “Si vis pacem, para bellum – tạm dịch: Nếu muốn hoà bình, chuẩn bị cho chiến tranh. Mình không bao giờ bước vào bất kỳ cuộc chơi nào mà không lên kế hoạch trước.” Một ít hiểu biết về thời cuộc, về những gì đang diễn ra xung quanh là điều chúng ta nên bắt đầu ngay từ hôm nay. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có một bộ phận thanh niên chưa thực sự coi trọng vấn đề chính trị và xem nhẹ lịch sử.
Mức độ thờ ơ của người trẻ Việt Nam trước chủ đề chính trị trong và ngoài nước hiện nay ra sao? Vì đâu mà họ luôn trầm lặng và tỏ ra thiếu hứng thú khi bàn luận về câu chuyện liên quan tới thời cuộc ? Những băn khoăn này sẽ được The Millennials Life lựa chọn làm chủ đề cho buổi nói chuyện cùng Ngô Di Lân.
Cái hay của ngoại giao là nó thiên biến vạn hoá và có mặt ở khắp mọi nơi. Trong trí tưởng tượng của đại chúng thì ngoại giao gắn liền với hình ảnh những chính khách mặc vest đàm phán các vấn đề chính trị hệ trọng đằng sau cánh cửa đóng kín. Nhưng đấy là ngoại giao chính trị ở cấp cao nhất và chỉ xảy ra ở tần suất thấp.
Bản chất của ngoại giao là quản trị các mối quan hệ: tìm điểm chung để thúc đẩy hợp tác, đồng thời dàn xếp ổn thoả các mâu thuẫn dù về lợi ích hay tư tưởng. Từ góc nhìn này, ngoại giao cần thiết ở mọi lúc mọi nơi. Ở đâu có con người, ở đó có quan hệ. Ở đâu có quan hệ, ở đó có mâu thuẫn. Ở đâu có mâu thuẫn, ở đấy cần ngoại giao. Thế nên kể cả sau này mình không trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp mà đi kinh doanh hay dạy học thì vẫn có thể sử dụng các kiến thức và kĩ năng ngoại giao mình đã học được.
Mình không còn xanh nhưng cũng chưa chín. Tại thời điểm này, mình tự tin đã học, đọc và trải nghiệm đủ nhiều để hiểu được những cuộc tranh luận lớn trong ngành học nhưng không bị cuốn quá theo một luồng suy nghĩ nào. Cách đây chừng chục năm thì mình cũng như đa số các sinh viên non trẻ khác, học được cái gì mới là say mê vầ tin đó là chân lý.
Càng nghiên cứu sâu, mình càng nhận thức được rõ hơn “điểm mù” của mỗi trường phái và hệ tư tưởng nên đã bắt đầu thận trọng hơn. Không có lý thuyết nào là hoàn hảo ở mọi lúc, mọi nơi, cho tất cả mọi người cả. Nhưng chính điều đó lại là thứ khiến mình thấy bộ môn này hấp dẫn. Nó không đứng yên mà liên tục thay đổi theo thời cuộc nên bản thân mình cũng phải cập nhật liên tục.
Mọi người hay coi chính trị là một cuộc tranh đấu quyền lực, một kiểu “trò chơi vương quyền”. Nói vậy không sai nhưng chắc chắn chưa đủ vì giành quyền lực thì còn phải sử dụng nó nữa.
Cá nhân mình sẽ định nghĩa chính trị là quá trình giành đoạt và sử dụng quyền lực để phân bổ tài nguyên, điều hành một tập thể (mà ở cấp độ cao nhất là một quốc gia). Vậy nên rõ ràng chính trị có khả năng chi phối mọi thứ, từ kinh tế, văn hoá cho tới điện ảnh, thể thao, v.v…
Nếu người trẻ thật sự quan tâm tới tự do và việc làm chủ cuộc sống của mình, thì sự quan tâm tới chính trị là việc làm logic nhất. Bởi điều đó có thể chi phối đời sống sinh hoạt và xã hội tới từng ngóc ngách một. Không hiểu biết về chính trị là một lựa chọn nhưng bạn sẽ mất đi quyền lợi của mình.
Càng đi xa, càng gặp nhiều người, mình càng nhận thấy rằng thế giới này thật muôn màu muôn vẻ, thật đa dạng biết bao. Khuynh hướng chính trị của một người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi lịch sử và văn hoá nơi họ lớn lên. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều khi rất khó để mọi người thông cảm với nhau và tôn trọng sự khác biệt này.Nếu ta cảm thấy mình “thượng đẳng” hơn người khác và muốn ép họ phải có tư duy và cách hành xử giống mình thì rất dễ đổ máu. Cái này cứ hỏi người Do Thái là rõ.
Kết quả khảo sát trong báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020 của British Council cho thấy gần 80% các bạn trẻ trong độ tuổi 16-30 không tham gia vào các vấn đề chính trị. Liệu đây có phải là một chỉ số cho thấy giới trẻ Việt Nam thờ ơ với chính trị? Cũng có thể nhưng vẫn cần cảnh giác một chút bởi không tham gia không nhất thiết có nghĩa là không quan tâm. Và hơn nữa nó cũng chỉ là một cuộc khảo sát chưa rõ có tính đại diện cao tới mức nào.
Tuy nhiên, có hai điều mình tự tin khẳng định. Thứ nhất, nhiều bạn trẻ Việt Nam không nắm vững lịch sử nước mình, cái này vô số phóng sự đã ghi nhận. Thứ hai, trong các cuộc tán gẫu của mình với bạn bè thì chủ đề thời sự – chính trị ít khi được nhắc đến. Có lẽ Covid-19 là trường hợp ngoại lệ duy nhất nhưng cũng chỉ được nhắc tới rất thoáng qua chứ không được đào sâu, phân tích mổ xẻ.
Tại sao nhắc tới lịch sử? Vì để hiểu hiện tại bạn phải biết được những gì đã xảy ra trong quá khứ. Mình chưa biết một ai tự cho là quan tâm tới chính trị mà không phải là “tín đồ” của môn Sử. Thế nên ngay từ khi còn đi học, nếu ta cảm thấy môn Sử khô khan thì sau này dễ cảm thấy không mấy hứng thú với chính trị. Bên cạnh đó, không ít bạn có định nghĩa quá hẹp về chính trị. Cụ thể, họ cho rằng chính trị là cái gì đấy rất mơ hồ, rất vĩ mô, chỉ dành cho những nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Đương nhiên theo logic đấy thì một người trẻ quan tâm tới chính trị làm gì khi mà kiếm công ăn việc làm còn chưa xong?
Bạn thờ ơ không có nghĩa là tất cả những người khác cũng thờ ơ. Và như thế là ta vô tình nhắm mắt phó thác hết quyền hành cho những người hiểu biết về chính trị hơn. Thế nhưng tài và đức của họ đến đâu thì ai mà biết được? Hơn nữa, một khi đã thờ ơ rồi thì làm sao chúng ta giám sát được những người đang dẫn dắt mình và đảm bảo họ đang dồn toàn tâm toàn ý để thúc đẩy lợi ích của tập thể chứ không phải để vụ lợi cá nhân?
Theo mình biết thì đa số các nước không đưa môn Chính trị (Politics) vào hệ thống giáo dục phổ thông, ít nhất là không phải môn bắt buộc. Có những nước thì có môn Civics Education, tạm dịch là Giáo dục công dân – môn đó chúng ta cũng có. Vậy nên mình nghĩ không cần phải tạo ra một bộ môn mới, chỉ cần thay đổi nội dung và cách thức dạy môn Giáo dục công dân là được.
Là người dạy thì mình sẽ muốn các em học sinh nắm vững được những vấn đề cốt yếu như: hệ thống chính trị Việt Nam có cấu trúc như nào, tại sao phải đóng thuế, nền kinh tế vận hành dựa trên những nguyên tắc cơ bản gì, vì sao bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng lại rất khó thực hiện, v.v…
Mình nghĩ có hai thói quen ai cũng có thể thực hiện luôn và ngay lúc này.
Thứ nhất, đọc báo mỗi ngày. Chỉ lướt qua tiêu đề và một vài bài có vẻ hay thôi cũng được. Chắc sẽ không tốn quá 15 phút đâu. Quan trọng là nguồn tin phải đa dạng một chút. Lân thì luôn có 4-5 tờ báo tủ và ngày nào mình cũng “đi dạo” một vòng để xem có chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam và quanh thế giới.
Thứ hai là đừng chế giễu bạn bè của mình khi họ nêu lên những vấn đề chính trị – thời sự nghiêm túc khi gặp nhau, dù là đi ăn uống hay họp lớp. Chúng ta có quyền không hứng thú với những chủ đề như quan hệ Mỹ – Nga, bảo hiểm xã hội, nhưng đừng làm những người xung quanh cảm thấy họ đang làm gì đấy sai trái khi bàn luận về chuyện đó. Nghe nhiều rồi chúng ta sẽ cảm thấy nó cũng bình thường như tán dóc về bóng đá hay showbiz thôi.
Không ai đủ thời gian để trở thành chuyên gia trong tất cả mọi thứ và để làm một công dân tốt không yêu cầu mình phải theo dõi sát sao mọi diễn biến chính trị trong nước và quốc tế. Tuy nhiên so chính trị với điện ảnh hay thể thao thì e là khập khiễng. Việc một đội bóng thắng hay thua, một minh tinh màn bạc diện kiểu váy mới không ảnh hưởng tới đời sống của đa số, nhưng chính sách tiêm vắc-xin hay tốc độ lạm phát thì có.
Bạn có thể không quan tâm tới những vấn đề đó nhưng bạn không thể chạy trốn khỏi chúng được. Nói cách khác, bạn có thể không quan tâm tới chính trị nhưng chính trị lại … quan tâm tới bạn!
Lý do đó đúng một phần. Nhìn chung, chưa có nỗ lực đáng kể từ phía nhà trường hay xã hội để người trẻ dễ tiếp cận với chính trị hơn. Mặt khác, tại sao phải bắt đầu tìm hiểu chính trị bằng cách học về cấu trúc của bộ máy chính quyền hay phân bổ chức năng của các phòng ban?
Hiểu được thì tốt nhưng nó không phải là vấn đề sống chết. Khi học một cái gì đấy mới thì luôn nên chọn khía cạnh gây hứng thú với mình nhất và dễ hiểu nhất. Như các nhà kinh tế học sẽ nói ta nên bắt đầu với “low-hanging fruit” tức “quả mọc ở tầm thấp dễ hái nhất”. Bao giờ quen với những cái dễ rồi mình nâng cao sau, chứ bắt đầu với cái khó và “khô” thì ắt sẽ cảm thấy ngợp và chán rồi.
Khô cứng hay mềm ngọt nó tuỳ vào góc nhìn của mỗi người thôi. Có những người cả ngày chỉ bàn về triết lý Khắc kỷ hay vật lý hạt nhân cũng được, đa số nghe thấy mấy từ đó thì đã chạy mất rồi. Thế nên một khi đã có định kiến là chủ đề này hay chủ đề kia là khô cứng thì khó mà biết nó trở nên hấp dẫn được.
Với những người vốn có tư duy cởi mở, chịu khó tiếp thu thì phương pháp giảng dạy có thể tạo nên sự khác biệt đáng kể. Như ngày xưa làm trợ giảng ở Mỹ, mình cũng từng phải giảng những khái niệm như “răn đe hạt nhân” hay “trật tự thế giới” cho các bạn sinh viên năm nhất, năm hai. Giáo sư ở trên giảng đường thường giải thích khái niệm sử dụng từ ngữ hàn lâm khiến nhiều bạn ngán ngẩm. Nhưng khi vào thảo luận nhóm nhỏ thì mình sẽ tìm các ví dụ đời thường và sử dụng ngôn ngữ dân dã nhất có thể để mô tả bản chất của các khái niệm “cao siêu” đó. Cho đến nay thì cách đó khá hiệu quả.
Còn với tài liệu đọc thì việc có hình minh hoạ đôi khi cũng rất có tác dụng. Với những khái niệm khó như “chánh niệm” (mindfulness) hay “chạy đua vũ trang” mà tác giả tìm được phép ẩn dụ phù hợp xong minh hoạ nó bằng một hình vẽ đơn giản thì mình tin chắc người đọc sẽ dễ nắm bắt thông tin hơn nhiều.
Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng cứ tham gia chính trị là phải làm thế nào để ý kiến của mình được lãnh đạo lắng nghe. Thay đổi trong xã hội không nhất thiết phải đi từ trên xuống, nó có thể đi từ dưới lên. Triển khai một dự án liên quan đến phổ cập kiến thức bình đẳng giới là hoạt động chính trị. Viết bài đăng báo quốc tế để đấu tranh với những quan điểm bất lợi cho nước mình là hoạt động chính trị.
Một khi ta nhìn nhận vấn đề nó rộng ra, tự khắc sẽ nhìn thấy con đường rộng thênh thang ở trước mắt. Không thiếu gì cách để lên tiếng và chia sẻ quan điểm của mình, và nếu quan điểm đấy đủ xác đáng, đủ hấp dẫn, nó sẽ được mọi người bàn tán, chia sẻ và đến được tai người cần nghe thôi, mình phải có niềm tin vào điều đó.
Phim về đề tài chính trị thì nhiều vô số nhưng nói về truyền cảm hứng thì mình nghĩ ngay tới Darkest Hour (2017) vì mình là fan của Thủ tướng Churchill.
Bộ phim chỉ dài hơn hai tiếng và kể khá chi tiết một trong những thời khắc khó khăn nhất mà nước Anh phải trải qua trong Thế Chiến II. Xem phim này mình sẽ hiểu là chính trị khó thế nào và người đứng ở trên đỉnh cao của quyền lực sẽ cảm thấy cô đơn ra sao khi phải đối mặt với những sự đánh đổi vô cùng nghiệt ngã.
Mình tin Darkest Hour sẽ truyền cảm hứng tốt cho những bạn thật lòng muốn cống hiến cho Tổ quốc của mình.
Xem thêm:
#HọNóiLà: Hwajang – Một vài người thấy lạ lẫm và tò mò vì body painting thay vì thật sự hiểu về chúng
#HọNóiLà: KTS Lê Hưng Trọng: “Từ chối đúng lúc cũng là một trách nhiệm của người làm kiến trúc”
#HọNóiLà: Hanniefu – Giới tính và ngoại hình không “chụp ra” những bức ảnh đẹp
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…