Đại dịch COVID-19 đã trở thành “cái cớ hợp lý” cho điều khá ít người nghĩ đến trước đây: làm việc tại nhà. Trong một quá khứ… cách đây chưa xa, nhắc đến work from home, chúng ta dễ liên tưởng đến:
– Những ngành nghề liên quan nhiều đến nghệ thuật, sáng tác,
– Freelancers – những người làm việc tự do, linh động giữa việc làm ở văn phòng và tại nhà tùy lĩnh vực và dự án,
– Remote workers – nhân viên làm việc từ xa, hầu như không phải đến văn phòng chính do tính chất công việc hoặc do những lý do khác.
Trước COVID-19, nhiều doanh nghiệp còn khá ngại ngần trong việc cho phép nhân viên không cần đến văn phòng để làm việc. Nhưng trong vòng 2 năm trở lại đây, làm việc từ xa và làm việc tại nhà đã trở nên một trong những thay đổi tất yếu của xã hội trước khủng hoảng toàn cầu. Xu hướng này đem đến những lợi ích nhất định, ví dụ như giúp doanh nghiệp giảm chi phí thuê mặt bằng, còn người lao động cũng không còn bị trói buộc quá nhiều vào việc phải sống gần nơi làm việc.
Về lâu dài, điều này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi văn hóa đánh giá hiệu suất lao động bằng việc đo lường tần suất nhân viên xuất hiện ở văn phòng. Nhiều người bày tỏ sự tin tưởng vào “kỷ nguyên hybrid” giữa làm việc tại nhà và làm việc ở văn phòng.
Tuy nhiên, như bất cứ những thay đổi nào từng xảy ra, xu hướng work from home vẫn phải đối mặt với cái nhìn e dè từ nhiều nhà sử dụng lao động vì lo ngại về việc hiệu suất sụt giảm khi cho nhân viên làm việc ngoài văn phòng. Sự thật thế nào?
Trong thông báo thường niên gửi Hội đồng cổ đông vào tháng 4, CEO của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, đã viết: “Làm việc từ xa đã loại bỏ những cơ hội học hỏi ngẫu nhiên cũng như tính sáng tạo. Chúng ta mất đi những cuộc trò chuyện ngẫu hứng cùng đồng nghiệp bên máy pha cà phê, những lúc giao tiếp với khách hàng trong tình huống không được dự báo, và những chuyến đi gặp gỡ mọi người để nhận phản hồi về sản phẩm của mình.”
Trên thực tế, tình trạng “thiếu hơi người” là một trong những chuyện phải chấp nhận khi làm việc tại nhà. Giao tiếp công việc là thứ tiếp theo bị ảnh hưởng vì giờ đây, chúng ta bắt buộc phải trò chuyện, họp hành, tranh luận qua text, email, video call, … chứ không thể mặt đối mặt. Nhưng liệu văn phòng có thật là “nơi chốn tuyệt vời cho những cuộc tương tác trực diện” hay không?
Trong bài The Truth about Open Offices (Harvard Business Review), chuyên gia nghiên cứu hành vi tổ chức Ethan Bernstein và đồng sáng lập của Humanyze, Ben Waber đã quan sát những tương tác diễn ra tại văn phòng của 2 công ty trong list Fortune 500 ở thời điểm trước và sau khi họ thực hiện chuyển đổi từ mô hình không gian làm việc khép kín (cubicle) sang không gian mở. Kết quả, lượng tương tác trực tiếp giảm 70%, trong khi tương tác điện tử lại tăng.
Lý giải điều này, Waber và Bernstein cho biết: “Thiết kế văn phòng không gian mở là mô hình khuyến khích các tương tác trực tiếp. Nhưng phần lớn nhân viên văn phòng không xem sự hiện diện của người khác là một cái cớ hợp lý để bắt đầu một cuộc trò chuyện bất kỳ. Họ không đánh đồng môi trường tự do tương tác trực tiếp với sự cho phép để thực hiện các tương tác đó.”
Một trong những lập luận phổ biến của những người không ủng hộ làm việc tại nhà, đó là work from home làm giảm tính gắn kết của tập thể nhân viên với nhau, ảnh hưởng đến cam kết công việc và lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều khảo sát đã chứng minh điều ngược lại: làm việc từ xa giúp tăng mức độ cam kết với công việc. Theo kết quả từ khảo sát năm 2020 của Catalyst thực hiện năm 2020 trên 7.487 nhân viên từ 14 quốc gia (Anh, Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Canada, …):
– So với những người không được làm việc tại nhà, mức độ cam kết với tổ chức của những nhân viên được phép lựa chọn work from home hoặc không cao hơn 68%,
– So với những nhân viên nữ có con nhỏ và không được làm việc từ xa, khả năng nghỉ việc của những người trong điều kiện tương tự nhưng được phép lựa chọn làm từ xa hoặc không ít hơn 32%.
Thực tế, không phải nơi chốn mà con người mới là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến mức độ cam kết với công việc và với doanh nghiệp của nhân viên. Nói cách khác, văn phòng không quan trọng bằng sếp và đồng nghiệp.
Nhân viên làm việc từ xa dễ đối mặt với cảm giác bị bỏ rơi hơn. Những người bắt đầu công việc mới ngay thời điểm đại dịch có thể chưa có cơ hội gặp mặt trực tiếp những người làm cùng mình bao giờ, nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể được khắc phục bằng những điều chỉnh thích hợp trong văn hóa doanh nghiệp nói chung và cách mọi người tương tác với nhau nói riêng, sao cho nhân viên có cảm giác mình được lắng nghe, biết được mình không phải người vô hình của tổ chức.
Năm 2013, Best Buy ra quyết định chấm dứt mô hình cho phép nhân viên làm việc từ xa tại bất cứ đâu, miễn sao hoàn thành công việc. Một trong những lý do được đưa ra là phong cách quản lý hands-off(*) “không thật sự là một phong cách lãnh đạo có hiệu quả”.
(*)hands-off: lãnh đạo bằng cách không can dự vào công việc cụ thể; cấp trên chịu trách nhiệm đề ra mục tiêu, định hướng chung, sau đó giao cho cấp dưới xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động, …; đối ngược với hands-on, khi cấp trên cũng tham gia vào quá trình xây dựng nội dung và giám sát việc thực hiện công việc.
Câu hỏi được đặt ra, “Nếu tôi không thể nhìn thấy nhân viên của mình đang làm việc, liệu họ có thật sự làm việc hay không?” Lo ngại về năng suất và hiệu suất lao động là một trong những lý do lớn khiến khá nhiều doanh nghiệp còn e dè với mô hình làm việc tại nhà. Nhưng một lần nữa, các kết quả khảo sát đã chứng minh điều ngược lại.
Trong khảo sát do Mercer thực hiện với khoảng 800 đơn vị sử dụng lao động, trong tình hình phần lớn các nhân viên của họ đều phải làm việc tại nhà, các doanh nghiệp cho biết năng suất lao động hoặc giữ nguyên (67%) hoặc tăng lên (27%) chứ không sụt giảm so với thời điểm trước đại dịch.
Không phủ nhận sự hiện diện của những thứ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của một người, như vấn đề liên quan đến sức khỏe, trách nhiệm chăm sóc thành viên trong gia đình, việc nhà, hoặc đôi khi chỉ là đường truyền internet kém. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn, việc quan trọng là xác định đúng nguyên nhân thì mới mong đưa ra biện pháp giải quyết hợp lý và triệt để. Ví dụ, khi hiệu suất làm việc suy giảm, cần xét xem đó là hệ quả của làm từ xa, của một hệ thống quản lý chưa kịp cập nhật để phù hợp với thay đổi, hay do thiếu sự hỗ trợ từ phía đơn vị sử dụng lao động, chứ không nên vội vã kết luận để rồi thẳng tay phủ nhận chuyện làm việc tại nhà.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Cách sử dụng thời gian hiệu quả trong những ngày làm việc tại nhà
7 cách làm việc tại nhà hiệu quả trong mùa dịch
Hóa giải “cơn ác mộng” làm việc cuối tuần với 5 giải pháp đơn giản
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…