Lifestyle

#Nghĩ: Người nhạy cảm với sự từ chối cũng là những người luôn khao khát được yêu thương

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Chẳng ai thích cảm giác bị chối bỏ – không kể đối phương là gia đình, bạn bè, người yêu, hay đồng nghiệp – mặc dù chúng ta không thể phủ nhận nó là một phần không tránh khỏi của cuộc sống. Một số người có thể dễ dàng tiếp nhận và vượt qua cảm giác này, nhưng một số người lại có phản ứng tâm lý (đôi khi cả thể chất) vô cùng mạnh mẽ khi đối diện với sự từ chối. 

Những người có độ nhạy cảm cao với sự từ chối thường cảm thấy sợ hãi và ác cảm với việc bị cự tuyệt / bị bỏ rơi đến mức cuộc sống riêng bị ảnh hưởng rất nhiều. Họ có xu hướng nghĩ rằng mọi người luôn sẵn sàng bỏ rơi mình. Vì luôn lo lắng về các ‘dấu hiệu’ hắt hủi từ người khác nên vô hình trung, họ lại cư xử theo cách khiến những người xung quanh càng muốn rời đi. Cuối cùng, họ vẫn là người chịu tổn thương trong vòng lặp ‘chết chóc’ này.

Bạn có phải là một người nhạy cảm với chuyện bị từ chối?

Người nhạy cảm với việc bị từ chối thường để tâm tìm kiếm những ‘dấu hiệu’ cho thấy họ lại sắp sửa bị cự tuyệt, đồng thời sẽ sinh ra phản ứng thái quá trước bằng chứng rằng ai đó không còn muốn ở cạnh họ nữa. Tuy nhiên, vì quá mẫn cảm nên thông thường những thứ gọi là ‘dấu hiệu’ này chỉ là kết quả của quá trình tưởng tượng, suy diễn, bóp méo lời nói và ý định của người khác. Vậy làm thế nào để biết bản thân có phải là một người nhạy cảm với sự từ chối hay không?

Phản ứng với biểu cảm khuôn mặt

Người nhạy cảm cao với sự từ chối thường ‘đọc nhầm’ hoặc phản ứng thái quá với những dạng biểu cảm khuôn mặt khác nhau. 

Một nghiên cứu công bố năm 2007 đã phát hiện rằng hoạt động não bộ ở những người nhạy cảm với từ chối có sự thay đổi khi họ nhìn thấy mặt của những người có vẻ như sắp sửa cự tuyệt họ. Cụ thể, những khuôn mặt này biểu lộ sự không đồng tình (disapproval). Không có nhiều thay đổi được ghi nhận khi những người nhạy cảm nhìn khuôn mặt giận dữ (anger) hay khinh bỉ (disgust).

Hoạt động cơ thể tăng cao

Khi người nhạy cảm cao đối mặt với nguy cơ bị từ chối, các hoạt động sinh lý trong cơ thể nói chung sẽ tăng so với những người không nhạy cảm. Đồng thời, họ tiếp tục cảnh giác cao độ với những dấu hiệu sắp tới, thậm chí có thể biểu hiện phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight) – còn gọi là phản ứng căng thẳng cấp tính. 

Ảnh: Jesse Meadows

Nhầm lẫn trong diễn giải hành vi

Nhạy cảm cao độ với sự từ chối sẽ dẫn đến việc bóp méo và diễn giải sai lệch hành động của người khác. Ví dụ như khi gửi tin nhắn cho một người bạn mà không có hồi đáp, người nhạy cảm cao có thể suy diễn rằng đây là dấu hiệu cho thấy họ “không còn quan trọng” và người kia “không còn muốn làm bạn nữa”; trong khi người không nhạy cảm hoặc sẽ không để ý đến chuyện nhận phản hồi, hoặc sẽ kết luận người kia đang không tiện trả lời ngay.

Thiên kiến chú ý

Nếu một người nhạy cảm với sự từ chối được 9/10 người đồng ý hẹn hò cùng, thì thứ mà họ quan tâm chỉ là trường hợp khước từ duy nhất còn lại mà thôi. Từ đó, họ sẽ dần cho rằng con đường tình ái tương lai quá trắc trở vì chẳng có ai thích mình cả.

Đây cũng là một trong những điều hay bắt gặp ở người nhạy cảm cao với sự từ chối – khuynh hướng chỉ quan tâm đến những lần bị khước từ hoặc những dấu hiệu cho thấy họ sắp nhận được câu trả lời là Không.

Nhạy cảm với các mối quan hệ

Người mẫn cảm với sự từ chối bị ám ảnh với tất cả các dạng từ chốicả trong thực tế lẫn trong giả định. Do đó, họ giữ cho mình trạng thái cảnh giác trước tâm trạng và thái độ của những người xung quanh, dẫn đến việc trở nên nhạy cảm thái quá với những vấn đề xảy ra trong mối quan hệ.

Họ không ngừng tìm kiếm những ‘bằng chứng’ cho thấy mọi người sẵn sàng bỏ rơi mình. Họ luôn thấy bị hắt hủi, cho dù đối phương có đảm bảo bao lần rằng họ là người tốt đến thế nào và luôn được yêu quý đến đâu.

Những người sợ bị bỏ rơi cũng là những người khao khát có được quan hệ thân thiết, gần gũi với mọi người. Thế nhưng chính nỗi sợ kia lại trở thành nguyên nhân khiến họ cảm thấy đơn côi và bị cô lập.

Một điểm cần lưu ý ở đây là một số người có thể chỉ nhạy cảm đối với những sự từ chối trong bối cảnh xã hội. Nếu sự khước từ này không diễn ra trong phạm vi các mối quan hệ và không để lại hậu quả với đời sống xã hội thì họ vẫn có khả năng tiếp nhận và giải quyết nó theo cách bình thường. Ví dụ, bạn có thể bị ám ảnh với chuyện bị bạn bè, đồng nghiệp,… ‘bo xì’ vì họ không thích mình, nhưng lại thấy hoàn toàn bình thường khi đơn xin việc online của mình bị từ chối.

Nguyên nhân nào gây ra nhạy cảm với sự từ chối?

Nhạy cảm với việc bị từ chối / bị bỏ rơi là kết quả từ sự kết hợp nhiều nhân tố khác nhau, từ yếu tố di truyền cho đến ảnh hưởng khách quan (phụ huynh nghiêm khắc, bị bắt nạt khi còn bé,…).

Tổn thương thuở nhỏ

Sớm phải trải nghiệm cảm giác bị khước từ, bị hắt hủi (cả về thể chất lẫn tinh thần) hoặc bị lạm dụng có thể khiến một người trở nên nhạy cảm với sự từ chối. Những trải nghiệm này có thể là gián tiếp hoặc trực tiếp – một đứa trẻ bị bỏ rơi hay một đứa trẻ lớn lên không có sự quan tâm của bố mẹ hoặc có bố mẹ quá cay nghiệt cũng có thể sinh ra nỗi sợ bị bỏ rơi trong những mối quan hệ khác sau này.

Những đứa trẻ bị chối bỏ còn có xu hướng hành xử bạo lực – các em trở nên giận dữ hơn khi nghĩ rằng mình có nguy cơ bị từ chối. Tương tự, nếu từng bị bắt nạt hay bị tẩy chay khi còn bé, chúng ta cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với sự từ chối khi lớn lên. Những thương tổn phải trải qua khi bị ai đó chối bỏ khiến ta nỗ lực tìm mọi cách tránh né những nguy cơ có thể khiến nỗi đau đó xuất hiện lần nữa.

Khiếm khuyết sinh học

Có nhận định cho rằng trạng thái nhạy cảm với sự từ chối xảy ra do một số khiếm khuyết nhất định về mặt sinh học – một bộ gene lỗi hoặc một nét tính cách đặc trưng. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trạng thái nhạy cảm này các đặc điểm / hội chứng như loạn thần kinh, sợ xã hội, tự trọng thấp, và các dạng gắn bó không an toàn (insecure attachment).

Tác động của chứng nhạy cảm với sự từ chối

Những người nhạy cảm với sự từ chối thường có trải nghiệm căng thẳng tâm lý cao nếu bị ai đó khước từ. Để xử lý cảm giác khó chịu này, họ có xu hướng hành xử hung hãn, tự cô lập, và tự gây tổn thương. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây xáo trộn cuộc sống khác.

Khao khát được yêu quý

Người nhạy cảm với sự từ chối có nhu cầu được người khác quý mến. Khi gặp phải sự khước từ, họ sẽ càng nỗ lực gấp nhiều lần để ‘giành lại’ sự quan tâm từ người kia. Từ đó, họ dễ trở nên những người luôn muốn làm hài lòng người khác.

Một nghiên cứu xuất bản trên tờ Journal of Personality and Social Psychology năm 2010 cho thấy những người đàn ông có độ nhạy cảm cao với việc bị từ chối đã cố gắng ‘chống lại’ tình trạng này bằng cách trở nên dễ mến. Họ không ngại chi tiêu nhiều hơn để được công nhận là thành viên của nhóm đã từ chối mình trước đây. Tương tự, nếu bị đánh giá tiêu cực trên các nền tảng ghép đôi (matching sites), những người đàn ông này sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn trong buổi hẹn hò chỉ để phụ nữ có thiện cảm với mình.

Những người nhạy cảm là nữ giới cũng có biểu hiện tương tự (hào phóng tài chính), nhưng chỉ khi họ bị từ chối bởi một đối tượng hẹn hò tiềm năng, đã từng chia sẻ những thông tin cá nhân với nhau trước đó.

Nhìn chung, người nhạy cảm với sự từ chối thường phản ứng bằng những biện pháp có thể bảo vệ mình khỏi nỗi đau. Điều không may là chúng lại thường phản tác dụng.

Ảnh: TED / Guy Winch

Khó khăn để kết nối

Nỗi sợ bị bỏ rơi không chỉ khiến người nhạy cảm với từ chối gặp khó khăn trong việc phát triển những mối quan hệ mới, mà nó còn góp phần phá hủy những mối quan hệ họ đang có

Những ‘dấu hiệu’ suy diễn và phản ứng thái quá trước hành động của người khác có thể dẫn đến việc những người từng yêu quý họ rất nhiều cũng không còn muốn ở cạnh họ nữa. Điều này càng làm tăng cảm giác bị bỏ rơi của người nhạy cảm.

Mặt khác, những người nhạy cảm với sự từ chối thường có xu hướng trốn tránh tất cả những tình huống, những mối quan hệ có nguy cơ lâm vào cảnh ‘một người ở lại một người ra đi’ – và thành thật mà nói thì mọi thể loại quan hệ trên đời này đều có nguy cơ như thế. Đến cuối cùng, họ chính là người đối diện với sự cô đơn tận cùng, cũng là nỗi sợ lớn nhất của mình.

Rắc rối trong tình cảm

Những người quá nhạy cảm với sự cự tuyệt xem lời từ chối như một thước đo về phẩm cách và giá trị con người mình – là bằng chứng cho việc họ có điểm gì đó ‘không chấp nhận được’.

Trong một mối quan hệ tình cảm, rất khó để có cảm giác an toàn nếu chúng ta cứ nơm nớp lo nghĩ về việc người kia sẽ đá mình bất cứ lúc nào. Những hành động vô tâm, những lời nói vô tình – dù nhỏ nhất – cũng đủ để họ nhận xét rằng người kia chẳng hề mặn mà, hoặc bản thân họ là một kẻ vô cùng tồi tệ không đáng được yêu thương.

Trẻ vị thành niên

Trạng thái nhạy cảm với sự từ chối thường xuất hiện khá sớm, từ những năm tháng vị thành niên. Theo nghiên cứu công bố trên tờ Children Maltreatment, các em gái nhạy cảm với việc bị bỏ rơi đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của ngược đãi, xâm hại, lạm dụng,… cao hơn. 

Các em cũng có xu hướng hành động cực đoan để duy trì mối quan hệ nếu cảm thấy không an tâm về mức độ cam kết của bạn trai, ngay cả khi biết rõ điều này có thể dẫn đến hệ quả không tốt. Cuối cùng, trẻ vị thành niên có độ nhạy cảm cao với sự từ chối thường cặp đôi với những đối tượng sẵn sàng bạo hành các em cả về thể xác lẫn tinh thần, chỉ vì các em chịu ‘khoan dung’ với những hành vi này để được tiếp tục bên nhau.

Người trưởng thành

Mối quan hệ tình cảm khi này cũng không mấy khác biệt, khác biệt có chăng chỉ là họ nhiều tuổi hơn mà thôi. Những người nhạy cảm với sự từ chối thường dễ suy diễn, bóp méo lời nói và hành động của đối tác, dẫn đến phản ứng ghen tuông vô lý. Bất cứ chuyện gì cũng có thể là dấu-hiệu-hiển-nhiên cho thấy “anh ấy / cô ấy không còn yêu mình nữa”.

Tuy nhiên, ở đây có sự khác biệt giữa hai giới. Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông cảm thấy cô đơn và mẫn cảm với sự từ chối nhiều hơn khi họ còn độc thân. Phụ nữ nhạy cảm thì không. Họ tiếp tục cảm thấy cô đơn và sợ bị bỏ rơi ngay khi đang trong mối quan hệ yêu đương, không khác gì lúc vẫn đang một mình.

Nhưng dù gì đi nữa, cả nam lẫn nữ nhạy cảm với sự từ chối đều gặp khó khăn trong việc tạo dựng một mối quan hệ lãng mạn thân mật – những nỗ lực của họ được dành cho việc tránh né xung đột và sự rời bỏ, thay vì để xích lại gần nhau và cùng nuôi dưỡng mối quan hệ này.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý

Bị bỏ rơi trực tiếp đánh động và đe dọa vào tâm lý của một người. Nó có thể để lại những hậu quả tâm lý nghiêm trọng.

Ngay cả khi ai đó không thực sự là một kẻ luôn bị từ chối, thì khi họ cảm thấy mình là một người thừa thãi, hay khi họ tin rằng mình là người bị bỏ rơi, sức khỏe tâm lý của họ cũng sẽ bị suy giảm.  

Mẫn cảm với việc bị bỏ rơi không phải là một căn bệnh tâm lý, nhưng nó thường có liên quan đến nhiều bệnh lý tâm thần khác nhau.

Một nghiên cứu đăng trên tờ Behaviour Research and Therapy vào năm 2010 chỉ ra rằng sự mẫn cảm này là một tác nhân gây nguy cơ dẫn đến trầm cảm, và còn khiến những triệu chứng hiện có trở nặng thêm.

Ít nhất là ở phụ nữ, nghiên cứu đã nhận định rằng việc chia tay cũng có khả năng gây ra trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy, triệu chứng trầm cảm  ở các cô gái tuổi sinh viên và mẫn cảm với việc bị bỏ rơi có xu hướng tăng cao hơn so với ở những người bình thường khác trong trường hợp bị bạn trai chia tay.  

Những nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng các cá nhân mẫn cảm với việc bị bỏ rơi thường có nguy cơ cao hơn về:  

  • Rối loạn nhân cách ranh giới
  • Mặc cảm ngoại hình
  • Cô đơn (thường góp phần tạo nên các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm)
  • Lo âu (thường thể hiện mạnh ở nam giới)

Sự mẫn cảm với việc bị bỏ rơi cũng là một tiêu chí để xác định bệnh án rối loạn nhân cách tránh né và ám ảnh xã hội.

Hơn thế nữa, một nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự mẫn cảm này với những ý nghĩ tự sát của các bệnh nhân tâm thần. Nhà nghiên cứu nhận định rằng những cá nhân có ý định tự sát thường cảm thấy họ là gánh nặng của người khác và không thuộc về thế giới này.

Ảnh: edgefoundation

Kết

Nếu bạn nghi ngờ rằng mình nhạy cảm với việc bị bỏ rơi, hãy chú ý đến những dấu hiệu và các vấn đề mà bạn gặp phải. Đây chính là bước đầu tiên trong việc tạo ra sự thay đổi. Ngoài ra, xây dựng những mối quan hệ thân thiết và lành mạnh hơn chính là cách để xóa bỏ nỗi cô đơn và cô lập. Nhưng để có thể làm thân với ai đó cũng cần rất nhiều can đảm, bởi vì mối quan hệ càng gắn bó sâu sắc, thì nỗi đau bạn phải chịu khi bị bỏ rơi lại càng thêm thống khổ.

Hãy tiếp nhận những sự trợ giúp, những phương án trị liệu cho các bệnh lý tâm thần mà bạn đang mắc phải, đây có thể là cách giúp làm giảm bớt sự nhạy cảm của bạn đối với việc bị bỏ rơi.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

9 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago