Người Lớn Đi Làm

WorkHoursLove: Nguyễn Hoàng Trung – Khi khởi nghiệp, sự khiêm tốn và tư duy cầu tiến là yếu tố quyết định mình có thể đi xa đến đâu

#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai

Trong hành trình khởi nghiệp, khiêm tốn và cầu tiến là những đặc tính tư duy quan trọng cần có để có thể đi xa trên con đường này.

Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong buổi trò chuyện giữa anh Bùi Quang Tinh Tú – Chief Growth Officer của JobHopin cùng anh Nguyễn Hoàng Trung – CEO Loship. Hãy cùng lắng nghe buổi trò chuyện để biết thêm về góc nhìn của một startup, cách để phát triển doanh nghiệp vươn xa như Loship hiện tại cũng như những khó khăn và thất bại mà Trung Nguyễn đã trải qua.

Đôi nét về khách mời

– Co-Founder & CEO Loship
– Dẫn dắt Loship đi từ zero to hero, gọi vốn thành công hàng chục triệu USD từ nhiều quỹ danh tiếng như BAce Capital, Sun Hung Kai & Co., MetaPlanet Holdings, Golden Gate Ventures,…
– Trước khi thành lập Loship, nhận được học bổng toàn phần và theo học tại KAIST (Korea Advanced Institute of Science and Technology) – Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc. 
– Năm 2017, nhận đề cử trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam, sau đó tiếp tục được vinh danh tại 30 Under 30 của Forbes châu Á. 


Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast Building and Cultivating a Resilient Mindset

Anh Trung Nguyễn có thể giới thiệu thêm về bản thân, động lực sáng lập cũng như những gì mà Loship đang hướng đến?

Mình là Trung, sinh năm 1992, là founder kiêm CEO của Loship.

Trước đây, khi còn học ở nước ngoài, mình để ý thấy thời điểm đó Việt Nam chưa có nhiều công ty công nghệ. Vậy tại sao không thử làm một cái gì đó chuyên về ứng dụng hoặc website? Động lực của mình là khi về Việt Nam, mình muốn ăn đủ thứ nhưng không biết ăn gì, thế nên mình làm luôn một công ty để giải quyết vấn đề này.

Công ty đầu tiên đó của Trung tên là Lozi. Khi mới làm, mình không có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ. Mình mắc sai lầm khá nhiều. Một trong số đó là cứ cho rằng ý tưởng của mình đúng để rồi không chịu làm việc với những người giỏi hơn, không thể mài giũa tư duy chiến lược.

Sau một thời gian, mình nhận ra rằng khi công ty phát triển, nó có thể phát triển không giống như những gì mình muốn ban đầu. Một khi đã nhận đầu tư thì mọi thứ bắt đầu vào giai đoạn thực thi, không còn đơn thuần là ý tưởng nữa. Điều cần thiết là phát triển công ty theo hướng thỏa mãn được nhiều người dùng hơn nữa. Hành trình với Lozi giúp mình học được rất nhiều thứ.

Tháng 12/2017, mình bắt tay vào thực hiện Loship. Công việc hiện tại của mình là CEO, chịu trách nhiệm điều hành tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp bao gồm lên chiến lược, marketing, gọi vốn đầu tư, quản lý công nghệ, phát triển sản phẩm, tài chính, thu hút nhân lực,… 

Trong suốt quá trình phát triển bản thân, trải qua nhiều thăng trầm với 2 công ty, anh nhận thấy đâu là những thay đổi trong tư duy của mình?

Đến thời điểm hiện tại, điều chưa bao giờ thay đổi chính là tham vọng. Trước đây cũng vậy, giờ cũng vậy, và mình nghĩ 10 năm nữa cũng sẽ như vậy. Ngoài ra, mình cũng là một người thích sự cạnh tranh. Chưa bao giờ mình ngại hay sợ vấn đề này. Với mình, chỉ những nơi có sự cạnh tranh mới có thể tạo ra một vùng trời đủ rộng lớn, thỏa mãn được chí hướng và tham vọng của mình.

Suốt 10 năm đi làm, rồi 7-8 năm làm startup, mình nghĩ sự thay đổi lớn nhất ở mình là tính khiêm tốn và cầu tiến. Trong quá trình làm việc, chúng ta đối mặt với rất nhiều những feedback, những sự so sánh, hay những lời nói khó nghe. Nếu cứ để chúng trong suy nghĩ thì bản thân sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi những thứ người ta nói mà mình không bao giờ muốn nghe.

Tư duy cầu tiến đối với những bạn làm ở môi trường startup rất quan trọng. Nó giúp mình nhận ra mình chưa bao giờ hoàn thiện cả. Thường mình thấy tâm lý chung của những bạn mới làm startup khá là bảo thủ, đặc biệt khi người dùng không có trải nghiệm tốt với những tính năng mới mình làm ra. Nhưng nếu không lắng nghe, không thay đổi, thì chúng ta sẽ bị chính người dùng quay lưng mà thôi.

Trong quá trình phát triển doanh nghiệp, mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng. Anh có thể chia sẻ về những khó khăn lớn nhất từng gặp phải và cách anh vượt qua chúng?

Thiếu tiền và nợ lương là vấn đề mà đa số các startup đều gặp phải. Nó dẫn đến chuyện mình phải học cách chia sẻ trung thực về công ty với đồng nghiệp – những người kề vai sát cánh cùng mình. Với tư cách là CEO, mình phải bằng mọi giá chịu trách nhiệm trở thành nguồn tin đầu tiên, đảm bảo các bạn luôn được nghe tin chính thống từ người đứng đầu chứ không phải lời đồn.

Khó khăn tiếp nữa là chuyện đi vay để có thể trả lương cho các bạn trong công ty. Nhưng khi đi như vậy, mình cũng phải chắc chắn rằng có nguồn tiền mới để trả hay không. Lời khuyên dành cho các bạn startup đó là hãy học cách giữ mối quan hệ tốt với nhà đầu tư của mình, xem họ là những người bạn thay vì chỉ là những người bỏ tiền vào công ty. Thường xuyên nói chuyện, cập nhật tình hình công ty để họ biết bạn đang phát triển thế nào, phát triển đến đâu. Trường hợp có tình huống xấu xảy đến, bạn sẽ còn người bên cạnh để hỗ trợ.

Còn với những bạn đang đi làm hoặc đang có dự định startup, hãy giữ mối quan hệ tốt với tất cả những người sếp trước đây, với đối tác, khách hàng, những người mình đã từng làm việc chung. Vì rất có thể bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của họ trong tương lai.

Chúng ta dễ hiểu sai và đánh đồng “cầu tiến” với “luôn luôn phải suy nghĩ tích cực”. Ở góc độ CEO, thì người CEO lúc nào cũng cần vui vẻ, cởi mở, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ và luôn thử những điều mới để có thể tạo động lực cho mọi người. Là một CEO, anh có nhận xét thế nào về cách nghĩ này?  

Quan điểm cá nhân của mình thế này: Cho dù bạn đứng đầu cả công ty hay chỉ là một team, đã là thuyền trưởng thì nỗi buồn sẽ là của riêng mình, còn niềm vui sẽ dành cho tất cả mọi người. 

Nếu có khó khăn hay nỗi buồn thì đó là chuyện một mình Trung sẽ chịu. Nếu có thành công hay niềm vui, mình muốn tất cả những người đã góp sức có thể tận hưởng thành quả. Trách nhiệm khi điều hành và quản lý một tổ chức với 450 nhân sự là làm sao để cho mọi người cảm thấy vui vẻ khi làm ở đây.

Trong công việc, mình luôn muốn bản thân là chốt chặn cuối cùng để giải quyết vấn đề cho mọi người. Trong tâm thế là một người làm lãnh đạo, mình phải xác định thành công là của cả team và nếu muốn thành công lớn thì phải chấp nhận cô đơn. 

Mỗi người đều có riêng cho mình 1 lộ trình cá nhân, tư duy cầu tiến là một trong những điều quan trọng trong công việc, đặc biệt đối với những người trẻ đang trong quá trình lập nghiệp. Cầu tiến nghĩa là xác định bản thân luôn trong tâm thế học hỏi, luôn tìm tòi khám phá những cái mới, và không sợ sai. Từ những sai lầm, chúng ta mới học được cách giải thích vì sao mình lại sai và rút ra kinh nghiệm cho những lần sau. Đó là cách chúng ta trưởng thành qua những lần mắc lỗi.

Anh có thể chia sẻ cách cân bằng giữa việc sẵn sàng muốn thử những điều mới lạ và việc tiếp tục duy trì những điều đang diễn ra, hạn chế thay đổi để tránh rủi ro? 

Mình là người rất yêu thích rủi ro vì “liều ăn nhiều” mà. Rủi ro không đồng nghĩa với 100% thất bại. Bên cạnh rủi ro còn đi kèm cả cơ hội, rủi ro và cơ hội luôn song hành cùng nhau. 

Với tư cách là một CEO, mình lúc nào cũng sẵn sàng tạo ra cơ hội để các bạn nhân viên được thử những điều mình muốn. Khi bọn mình nhìn vào các rủi ro và các cơ hội, mình sẽ xác định được đâu là cơ hội phù hợp với tầm nhìn của Loship. Từ đó mình sẽ thử nghiệm nó nhiều lần với một mức budget (ngân sách) cơ bản (tầm 5% so với budget tháng).

Sau khi dùng hết ngân sách đã định, mình sẽ kiểm tra xem kết quả đã đạt được như mong đợi hay chưa. Nếu đạt được kết quả như mong đợi rồi, bước tiếp theo sẽ tăng ngân sách cao hơn và tiếp tục thực thi, còn nếu chưa đạt kết quả như kỳ vọng thì ta có thể dừng việc thực thi lại.

6. Một số thói quen mà anh có để giữ cho tư duy cầu tiến của mình luôn sắc bén?

Đứng trước một vấn đề chưa có câu trả lời, việc đầu tiên mình làm sẽ là tìm hiểu xem các công ty lớn trên thế giới đang làm gì để giải quyết vấn đề và học hỏi theo họ. Việc này giúp mình có thể vươn ra để đạt đến tiêu chuẩn của những cái tên lớn trên thương trường. 

Bên cạnh đó, hãy follow những người mà mình muốn đi theo, những người mà mình muốn hướng theo mỗi ngày.

Trong số những nhà lãnh đạo trên thế giới đâu là người truyền cảm hứng khiến anh cảm thấy học hỏi được nhiều nhất?

Những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng của Trung đó là Steve Jobs, Elon Musk và Jeff Bezos. Khi tìm hiểu về Elon Musk, mình cảm thấy thích những con người thú vị và có ý tưởng điên rồ như Musk. 

Còn về Jeff Bezos, có rất nhiều câu chuyện về lối tư duy ám ảnh khách hàng mà mình ấn tượng. Không ít lần mình gặp trường hợp khách hàng nói một ý, ông chủ nói một ý, nhân viên nói một ý, vậy chúng ta cần nghe theo ai. Khi mình càng tìm hiểu về Jeff Bezos thì mình càng nhận ra được nhiều điều thú vị. 

Đầu tiên, hãy luôn cho rằng khách hàng là đúng, sau đó thì đi vào tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi của vấn đề, vì chung quy mọi thứ chúng ta làm ra đều là để đi phục vụ khách hàng, nếu không vì khách hàng, ta sẽ rất khó trong việc có thể thấu hiểu và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Làm sao để khách hàng trở thành người dùng đáng tin cậy (Reliable Customer) khi sử dụng những dịch vụ đáng tin cậy (Reliable Service) và khi đó chúng ta sẽ trở thành những đối tác đáng tin cậy (Reliable Partner). Hãy phát triển những chiến lược lâu dài, đừng vì những mối quan hệ ngắn hạn mà bỏ qua những mối quan hệ dài hạn.

Cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Trung vì buổi trò chuyện này!

Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai

VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

6 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

24 giờ ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago