Lifestyle

#HọNóiLà: Nguyễn Thuỳ Dung (Ngày Ngày Viết Chữ): Học cách viết đúng trước rồi hẵng tính đến chuyện học cách viết hay

#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.

Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của một đất nước hay một dân tộc. Nó đảm bảo sự đa dạng văn hóa, là công cụ để bảo tồn và phát triển các di sản, và là phương tiện trao đổi giữa các nền văn hóa với nhau. Tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên tầm quan trọng của tiếng Việt cũng như làm thế nào để sử dụng tiếng Việt đúng dường như vẫn chưa được nhiều sự quan tâm.

Có không ít ý kiến cho rằng, chỉ những người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa như viết lách, dịch thuật, hoặc nghiên cứu chuyên ngành thì mới cần hiểu biết về tiếng Việt. Nhận định này không sai, nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Chúng ta có thể không trực tiếp làm việc cùng con chữ, nhưng chúng ta vẫn cần biết viết đúng chính tả, biết từ nào dùng trong trường hợp nào, biết cách trình bày sao cho gãy gọn, sắp xếp câu từ sao cho hợp lý để người khác hiểu điều mình muốn truyền tải.

Vấn đề nan giải tiếp theo là đi đâu và tìm ai có thể giúp trả lời những thắc mắc về tiếng Việt. Cách đây vài năm, những “địa chỉ” tin cậy để tìm hiểu về tiếng Việt còn khá ít và khó tiếp cận, đặc biệt với những người không làm công việc liên quan mật thiết đến chữ nghĩa. Trong những ngày tháng “lang thang” như thế, The Millennials tình cờ biết đến một fanpage chỉ chuyên nói về tiếng Việt – Ngày ngày viết chữ.

Hồi ấy, cứ đúng 11:28 trưa mỗi ngày, Ngày ngày viết chữ đăng lên một bài. Có khi nhẹ nhàng giải nghĩa từ, có khi ôn tồn phân biệt từ đồng âm, có khi lại thủ thỉ nguồn gốc chữ nghĩa. Càng biết thêm hiểu rõ nhiều điều, càng thấy yêu thêm thứ tiếng mình sử dụng mỗi ngày. Giải nghĩa cặn kẽ, văn phong gọn gàng, hình ảnh tinh giản, tất cả tạo cho độc giả ấn tượng mình đang trong một cuộc trò chuyện gần gũi, thoải mái với bạn bè về tiếng Việt.

Nhiều người thắc mắc không biết “người đứng sau” Ngày ngày viết chữ là ai. Trong hình dung của The Millennials, đó hẳn là một ông chú trung tuổi với cặp kính dày, phong thái từ tốn chậm rãi, xung quanh lúc nào bảng lảng khói thuốc… cho đến khi được gặp gỡ admin Ngày ngày viết chữ bằng xương bằng thịt ngoài đời thật.

Chị Nguyễn Thuỳ Dung – Sáng lập Ngày ngày viết chữ

Người phía sau Ngày ngày viết chữ đúng là có phong thái từ tốn, nhẹ nhàng. Thế nhưng đó không phải ông chú hút thuốc nào mà là một cô gái 9X đời đầu. Quê ở Bến Tre, hiện Thuỳ Dung đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài quãng thời gian 5 năm gắn bó với Ngày ngày viết chữ, chị Thuỳ Dung từng làm việc trong lĩnh vực báo chí và marketing. Bên cạnh đó, chị còn là dịch giả, tác giả với những đầu sách đã xuất bản: Từ vay hay dùng (2019), Đừng vì vẻ ngoài mà lướt qua nhau (2020), Chữ xưa còn một chút này (2021), và gần đây nhất là quyển sách về kỹ năng viết, Hôm nay phải mở mang (2021).

1/ Cơ duyên nào để chị lập fanpage Ngày ngày viết chữ? Những công việc liên quan đến fanpage có tốn nhiều thời gian của chị không?

Chuyện lập fanpage Ngày ngày viết chữ giống như là chuyện đến lúc làm thì phải làm thôi, cũng không hẳn là một cơ duyên.

Từ nhỏ đến lớn, mình khá là nhạy với chữ nghĩa. Không hẳn là nhạy hơn so với người khác, mà là trong số những việc mình có thể làm thì việc liên quan đến chữ nghĩa là việc mình có thể làm tốt nhất. Do đó, ngay từ thời học phổ thông, mình đã xác định sẽ đi theo con đường chữ nghĩa. Tuy nhiên, phải làm gì với chữ nghĩa mà trước hết là để sống được thì mình cũng không quá rõ ràng.

Lúc thi đại học thì nghĩ chắc là thi báo chí đi, học báo xong đi làm báo, công việc ổn định. Thời cấp ba của mình không có hướng nghiệp, internet cũng không phát triển, mình còn ở vùng sâu vùng xa, nên chỉ biết có hai nghề liên quan chữ nghĩa là làm nhà văn và làm nhà báo. Hồi đó, mình thấy làm nhà báo chắc dễ kiếm sống hơn nhà văn, nên chọn học báo chí. Học xong rồi cũng làm báo, làm truyền thông, làm freelance copywriter này kia, nhưng nói chung không có thành tựu gì hết trơn.

Đến tháng 9 năm 2016, mình thấy là nên lập một cái blog để tập hợp tất cả bài báo, bài PR này nọ mà mình viết rải rác, để sau này tiện bề xem lại. Mình đặt tên blog là Ngày ngày viết chữ, tên blog cũng là việc mình làm.

Trong các nội dung mình chia sẻ trên blog thì có một vài bài liên quan giải thích chữ nghĩa chút chút. Những bài đó được quan tâm hơn, còn những bài báo bài PR kia thì không ai thèm đọc (đương nhiên rồi, cũng không phải là thông tin mới lạ gì, chỉ mang tính lưu trữ cho bản thân mình thôi). Mà chính mình cũng thấy hứng thú với chuyện tìm tòi chữ nghĩa, từ này có nghĩa gì, chữ kia từ đâu ra,… Cho nên mình trộm nghĩ, hay là tập trung tìm hiểu chữ nghĩa rồi chia sẻ với mọi người nhỉ? Và Ngày ngày viết chữ của bây giờ đã sinh ra như thế.

Thỉnh thoảng, mình được nghe người này người kia nói chắc là admin Ngày ngày viết chữ phải trăn trở với tiếng Việt lắm mới làm một page chuyên về chữ nghĩa tiếng Việt như vậy. Nhưng mà, không có thần kỳ như vậy đâu. Mình nghĩ, chuyện mình tạo ra Ngày ngày viết chữ cũng giống như việc hình thành một cơn mưa vậy. Hơi nước ngưng tụ, đủ nặng thì rơi xuống thành mưa. Nhiều năm học hành và làm việc liên quan đến chữ nghĩa, tích tụ dần dần rồi rơi ra một trang Ngày ngày viết chữ.

Còn việc mất thời gian hay không thì có đó. Khá nhiều. Nhưng không sao, vì hiện giờ Ngày ngày viết chữ là công việc, là trách nhiệm của mình nên mất thời gian là chuyện hẳn nhiên luôn rồi.

2/ Điều gì giữ chị lại với Ngày ngày viết chữ?

Chắc là bạn đọc đó. Điều mình yêu thích nhất khi làm Ngày ngày viết chữ là có cơ hội gặp gỡ rất nhiều anh chị, nhiều bạn, nhiều em thích viết và yêu tiếng Việt. Thông qua Ngày ngày viết chữ, mình giúp được nhiều bạn rèn giũa, uốn nắn câu chữ, giúp các bạn học viết và làm nghề viết tốt hơn. Nhiều bạn bảo với mình là “những chuyện này nếu không nhờ Ngày ngày viết chữ thì em cũng không biết nhờ ai”. Mình nghĩ đó là lý do thứ nhất khiến mình tiếp tục.

Lý do thứ hai là tiếng Việt rất thú vị. Càng tìm hiểu càng bị cuốn hút nên mãi vẫn không muốn ngừng.

3/ Được biết chị từng làm báo chí và marketing. Vì sao hiện tại chị chọn tập trung vào Ngày ngày viết chữ và viết sách?

Tính mình hơi ngại xông pha, làm báo hay làm marketing đều không được “máu lửa” cho lắm ấy. Cứ thấy bản thân rụt rè và muốn được “chơi hệ mình ên” nên thấy làm nghề mà không tiến lên được.

Khi làm Ngày ngày viết chữ cũng như khi làm tác giả, tuy là mình vẫn phải tiếp xúc nhiều người, nhưng chỉ tiếp xúc trong chừng mực nhất định và mình hoàn toàn có thể giữ cho bản thân thoải mái trong không gian riêng tư của mình.

4/ Làm công việc liên quan đến ngôn ngữ, liệu chị có bị “lậm” hay bị mắc bệnh nghề nghiệp nào không (ví dụ chú ý đến biển hiệu, lời thoại phim,…)?

Chuyện này đương nhiên không tránh khỏi. Lúc đọc truyện mà thấy tác giả, dịch giả dùng từ hoặc đặt câu sai thì mình bứt rứt lắm. Mình biết là đảm bảo chỉn chu từng câu từng chữ trong cả tác phẩm cũng không dễ dàng gì, chính mình còn không dám tự nhận mình luôn luôn đúng mà. Thế nhưng, tâm lý vẫn không tránh khỏi cảm giác bứt rứt vì những chỗ sai sót kia. (Vậy nên, lúc phát hiện sai sót của bản thân, khỏi phải nói là mình có bao nhiêu bứt rứt, mà đúng hơn là cắn rứt.)

Bù lại, lúc đọc truyện hay xem phim mà bắt gặp câu từ hay, chuẩn mực thì mình hạnh phúc lắm ấy. Một kiểu hạnh phúc muốn lập tức tìm người san sẻ ngay vì thấy tiếng Việt kỳ diệu quá, phải lan toả sự kỳ diệu này ngay mới được!

5/ Theo chị, tình yêu tiếng Việt nên được nuôi dưỡng như thế nào và chúng ta nên học tiếng Việt như thế nào?

Nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo có một câu nói mà mình rất tâm đắc, “… một người làm ngôn ngữ học hay làm phiên dịch chuyên nghiệp phải luôn nhớ rõ hằng ngày mình và đồng bào mình nói năng như thế nào”.

Mở rộng ra, câu này có thể nói là bất kỳ ai, nếu có quan tâm tiếng Việt và muốn viết tốt, trước hết “phải luôn nhớ rõ hằng ngày mình và đồng bào mình nói năng như thế nào”.

Mình nghĩ đó là điểm xuất phát trước hết. Chúng ta nên lắng nghe cách nói năng của người bình dân và học hỏi cách nói của họ, vận dụng cách nói đơn giản, dung dị, rõ ràng đó vào trong bài viết. Những gì hoa mỹ, khoa trương nếu có cũng chỉ nên để lại về sau, điểm xuất phát bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng nói của đồng bào. Đó có thể là những câu tục ngữ, những lời ca dao, những bản dân ca, những câu hò, những điệu lý, những khúc hát ru,… Tiếng Việt mộc mạc và hồn hậu nhất nằm trong đó cả.

6/ Qua thời gian và sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, tiếng Việt đã biến đổi khá nhiều, trong đó có không ít trường hợp dù biết dùng sai nhưng cái sai đó lại quá phổ biến, ví dụ những từ như “cứu cánh”, hoặc “cọc” (nói về tính tình, theo ngôn ngữ giới trẻ) thay vì “cộc”. Đối với việc này cũng có nhiều luồng ý kiến và cách phản ứng khác nhau, có người quan niệm “sai nhiều thành đúng”, có người lại nhất nhất phải sửa cái sai. Ý kiến của chị như thế nào?

Kỳ thực, đối với ngôn ngữ, chuyện “sai nhiều thì thành đúng” là chuyện không thể chối cãi. Có rất nhiều từ trong quá khứ dùng khác, ngày nay người ta dùng khác và vì cái nghĩa, cách nói, cách viết ngày nay quá phổ biến nên cách dùng trong quá khứ không còn phù hợp nữa. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, mình trộm nghĩ, “sai nhiều thì thành đúng” không nên được lấy làm tiêu chí để phát triển của một ngôn ngữ. Gì thì gì, chúng ta vẫn nên ưu tiên cái đúng, nhất là đối với người làm nghề viết.

Trong cuốn Hôm nay phải mở mang vừa phát hành hồi tháng 11/2021, mình cũng có bàn về vấn đề này. Mình cho rằng, là một người viết, chúng ta không nên dựa vào lập luận “sai nhiều thì thành đúng” rồi cứ thế dùng sai vô tội vạ, dùng sai bất chấp. Chúng ta thường tự hào “tiếng Việt giàu và đẹp”, nhưng tự thân tiếng Việt không thể giàu và đẹp được. Nó chỉ giàu và đẹp khi chúng ta có ý thức làm giàu và làm đẹp cho nó. Và trách nhiệm làm giàu và làm đẹp cho tiếng Việt, chắc chắn không phải là trách nhiệm của bác sĩ, của kỹ sư, của công nhân, của nông dân, mà trước hết, đó là trách nhiệm của những người cầm bút. Công chúng bình dân dễ dàng chấp nhận cách viết “súp cua” vì các quán ăn, các nhà hàng đều viết như thế. Điều đó không có gì đáng trách bởi vì công chúng bình dân không có chuyên môn chữ nghĩa. Nhưng người viết thì khác. Chúng ta buộc phải có chuyên môn trong lĩnh vực của mình. Nếu chúng ta cứ lập luận “nhưng nếu em viết xúp cua thì mọi người bảo em viết sai, nên em cứ viết súp cua theo số đông cho khoẻ” thì chúng ta chẳng qua chỉ là một người viết bất lực, một người viết không dám uốn nắn lỗi sai, một người viết buông cờ đầu hàng ngay trên lãnh địa của mình.

Hôm nay phải mở mang – Tựa sách của Ngày ngày viết chữ dành cho những người học viết là làm nghề viết

Có nhiều bạn đọc chia sẻ với mình họ cực kỳ tâm đắc đoạn này. Và mình cũng thấy rằng, gần đây có nhiều từ ngữ đã được uốn nắn để dùng cho đúng hơn. Ví dụ, “đều như vắt tranh” (trước hay dùng là “đều như vắt chanh”), “vô hình trung” (trước hay dùng “vô hình chung”),… Cho nên, thật ra mình vẫn luôn tin tưởng, chỉ cần chúng ta có lòng, tiếng Việt của mình vẫn sẽ luôn giàu và đẹp.

Lại nói, những trường hợp sai đã quá phổ biến (được ghi nhận trong từ điển, sử dụng trong văn chương, báo chí, trong các văn bản hành chính, trong các sách giáo khoa, giáo trình và các sách tạm gọi là “chính thống” khác) thì thôi, chuyện không thay đổi được chúng ta cũng không cần phải quá xoắn xuýt làm gì. Chuyện quan trọng lúc này không phải là cứng nhắc “gò” về cách dùng cũ (vốn đã quá mờ nhạt), chuyện quan trọng lúc này là chúng ta phải ý thức được rằng, mọi sự vô tình hay hữu ý viết sai, dùng sai đều có thể dẫn đến những hậu quả khó lòng vãn hồi.

Vậy nên, với những “sự đã rồi” thì thôi, nhưng những gì gìn giữ được, uốn nắn được, chúng ta nên dốc lòng gìn giữ, dốc sức uốn nắn.

7/ Nhân nhắc đến Hôm nay phải mở mang, trong năm 2021 chị đã ra mắt hai cuốn sách về tiếng Việt và kỹ năng viết là Chữ xưa còn một chút này (tháng 4/2021) và Hôm nay phải mở mang (tháng 11/2021). Cả hai đều được độc giả nhiệt tình đón nhận. Chị có thể chia sẻ một chút về cảm giác của mình trước sự thành công của hai cuốn sách không?

Hôm nay phải mở mang (11/2021) và Chữ xưa còn một chút này (4/2021)

Trước khi hai cuốn sách phát hành, mình thấy khá lo. Vì mình không thể nào biết trước được độc giả có đón nhận sách của mình không, nhỡ mà sách ế quá thì ngại với đơn vị làm sách lắm. Cho nên thấy hai cuốn sách được ủng hộ như vậy, thực sự thì mình rất mừng, cũng rất biết ơn bạn đọc.

Hầu hết phản hồi của bạn đọc đều tích cực. Cuốn Chữ xưa được đánh giá là thú vị, giúp hiểu thêm về tiếng Việt còn cuốn Mở mang được đánh giá là cực kỳ bổ ích, đọc xong áp dụng được ngay. Nói chung, mình cũng không dám mong gì nhiều, chỉ hy vọng sách ít nhiều hữu ích với bạn đọc, đọc xong thấy “mở mang” thêm chút, vậy là mình mãn nguyện rồi.

Một độc giả gửi thư tay phản hồi sau khi đọc Hôm nay phải mở mang

8/ Từ Hán Việt là một lớp từ đặc biệt và chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tiếng Việt. Song lại có kha khá người bài xích lớp từ ngữ này vì cho rằng việc sử dụng từ Hán Việt là “không có tinh thần dân tộc”. Ý kiến của chị về vai trò cũng như thái độ chúng ta nên có đối với lớp từ ngữ này?

Về cơ bản thì từ Hán Việt là một trong các kết quả của quá trình giao lưu văn hoá và tiếp xúc ngôn ngữ giữa người Việt và người Hán (người Trung Hoa nói chung). Tiếng Việt đã tiếp nhận và Việt hoá một số lượng rất lớn các từ ngữ gốc Hán để làm giàu thêm tiếng nói của dân tộc mình. Vậy nên, sử dụng từ Hán Việt không phải là “không có tinh thần dân tộc” mà quan trọng là mình sử dụng như thế nào thôi.

Ông cha ta đã tiếp nhận, Việt hoá và sử dụng bao đời nay một cách nhuần nhị, khéo léo trong biết bao áng văn thơ, trong cả những lời ca dao, câu chuyện cổ tích. Nếu mình sử dụng tốt, thì từ Hán Việt sẽ giúp câu chữ của mình gia tăng nét tinh tế, sắc thái trang trọng, uyên bác. Nếu mình lạm dụng thì có thể dẫn đến câu chữ trúc trắc, nặng nề, khó hiểu. Nói hay viết, suy cho cùng cũng đều dùng để các bên thấu hiểu nhau. Do đó, dùng từ đặt câu như thế nào cho phù hợp để các bên thấu hiểu dễ dàng mới là quan trọng.

Một người thầy của mình từng dạy, “cái đúng nhất là cái phù hợp nhất”. Mình nghĩ, bất kể là từ Hán Việt hay “thuần Việt”, dùng phù hợp là được, không có cái gì gọi là có hay không có “tinh thần dân tộc” ở đây.

9/ Vài năm trở lại đây, việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ đã trở thành xu hướng của giới trẻ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Rất nhiều dự án, cộng đồng trong các mảng này đã ra đời và hoạt động tích cực. Bên cạnh những cá nhân, tổ chức thật sự tâm huyết, mong muốn mang văn hóa và ngôn ngữ Việt đến gần hơn với mọi người, có không ít người chỉ lợi dụng xu hướng, thông qua đó truyền đạt những thông tin, kiến thức không chính xác vì nhiều mục đích khác nhau. Theo chị, làm thế nào để độc giả có thể chọn lọc, tránh rơi vào những “bẫy” thông tin như thế này?

Thật ra thì, đọc cái gì cũng vậy, chúng ta nên lưu ý là đọc để có thông tin chứ không phải đọc để tin, nhất là trong thời buổi thừa mứa thông tin như hiện nay, cái gì đúng, cái gì sai khó nói lắm. Ngay cả những cá nhân, tổ chức thật sự tâm huyết cũng chưa chắc là sẽ luôn luôn đúng mà.

Vậy nên, khi tiếp nhận thông tin, chúng ta đừng vội tin ngay, mà nên dừng lại ngẫm nghĩ, tìm hiểu thêm chút đỉnh đã. Thường thì đọc bài viết xong mình còn đọc bình luận nữa, để xem có ý kiến phản biện nào không. Rồi mình ngẫm nghĩ thêm, tham khảo ý kiến thầy cô hoặc các anh chị có nền tảng liên quan, sau đó mình chắt lọc, cái gì thấy phù hợp thì theo, không phù hợp thì bỏ qua.

Với cả, để cho chắc, chúng ta nên tìm đọc các sách và các nguồn tài liệu khả tín (như bài báo khoa học chẳng hạn), chứ mạng xã hội vàng thau lẫn lộn, suy cho cùng thì cũng không thể đòi hỏi quá nhiều, chúng ta nên tự nhắc mình phải biết gạn đục khơi trong.

10/ Một điều chị muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ đã và đang muốn theo đuổi sự nghiệp liên quan đến chữ nghĩa?

Mình chỉ xin nhắn gửi một điều giản dị thế này: Hãy học cách viết đúng trước, sau đó hẵng tính đến chuyện học cách viết hay. Thường thì chúng ta luôn bị áp lực là phải viết sao cho hay, viết sao cho hấp dẫn, cho “viral”, nhưng gượm đã, căn bản nhất vẫn luôn là viết sao cho đúng.

Chúng ta hình dung thế này, nếu sự nghiệp viết lách của mình là một cái cây, thì kỹ năng viết sao cho đúng là phần gốc rễ, kỹ năng viết sao cho hay là phần cành lá hoa quả. Rễ có sâu, gốc có vững thì cây mới vươn cành ra lá, đơm hoa kết quả được. Do đó, hãy cứ tập dùng từ cho đúng nghĩa, viết câu cho đúng cú pháp, diễn đạt cho mạch lạc, rõ ràng, sáng sủa trước cái đã, rồi sau đó mới nghĩ tới chơi chữ hoặc là phá cách này kia. Có như vậy thì cái cây của mình mới khoẻ mạnh tốt tươi được.

(Ảnh: NVCC)

Cảm ơn chị Thuỳ Dung đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn với The Millennials.
Chúc chị nhiều sức khỏe, niềm vui, có thêm nhiều chữ hay để tiếp tục ngày ngày viết chữ!

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Làm gì khi bị ghét?

Không ai trên đời hoàn hảo đến mức không có lấy 1 "anti-fan" cả. Thế…

13 giờ ago

Làm sao để ra quyết định đúng đắn trong tình huống “nước sôi, lửa bỏng”?

Nếu đã từng hoặc đang ở trong tình huống cấp bách mà cần phải ra…

1 ngày ago

22 sự thật “đắng lòng” về cuộc đời sẽ khiến bạn phải ngẫm lại

Hãy để The Millennials Life làm người chỉ đường trong cuộc đời của bạn với…

2 ngày ago

Đời sống thường nhật qua lăng kính triển lãm “The Story Teller” của DAOS501

Triển lãm tranh "The Story Teller"  là “cuốn nhật ký” nghệ thuật ghi lại những…

3 ngày ago

#BócRượu: Rượu trắng – nghi lễ trưởng thành “ngầm” của các bé trai Việt Nam

Chẳng biết từ bao giờ, cốc rượu trắng tinh khiết đã trở thành một phần…

4 ngày ago

Ưu và nhược điểm của việc làm bạn trước khi là người yêu của nhau

Có nên khôn ngoan khi 2 người làm bạn với nhau trước khi bắt đầu…

5 ngày ago