Book

Nhà văn Ploy: “Thái độ hay trình độ cần phải được cân bằng, không thể dùng cái nào lấn át cái nào”

Trong tập phát sóng lần này, podcast Khui Chuyện đã mời đến một vị khách mời vô cùng đặc biệt đó là nhà văn Ploy. Chị đã chắp bút viết rất nhiều những mẩu chuyện từng là thanh xuân của rất nhiều độc giả trẻ. Nhà văn Ploy đã có dịp chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cũng như trải nghiệm thú vị của chị nơi đất Thái cùng mối liên kết của chị với đất nước xinh đẹp này.

TRONG TIẾNG THÁI, “PLOY” CÓ NGHĨA LÀ VIÊN NGỌC

Chị lấy bút danh là Ploy khi viết văn và đó cũng là tên tiếng Thái của chị. Ngoài việc viết văn, viết báo thì chị chia sẻ bản thân còn có một nghề nghiệp mà ít ai ngờ đến: một nhân viên ngân hàng. Chia sẻ thêm về việc mời chị Ploy đến với Khui Chuyện, host Cát Ngọc đã khá lo lắng vì chương trình còn quá mới, nhưng thật may mắn khi chị đã đồng ý xuất hiện trong podcast.

2 NĂM GẦN ĐÂY, CHỊ CHUYỂN DẦN CÔNG VIỆC SANG MỘT LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

Chia sẻ thêm về thông tin này, nhà văn Ploy cho biết mình vẫn thỉnh thoảng nhận viết một vài bài báo, nhưng nghiêng về chủ đề tài chính nhiều hơn. Còn về viết văn thì cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của chị là Hai Người Ngồi Bên Nhau được xuất bản vào năm 2020 – 2021. Trong khoảng thời gian đó, nhà văn Ploy cũng có tham gia dịch thuật 2 cuốn tiểu thuyết từ tiếng Thái sang tiếng Việt. Một cuốn là truyện đam mỹ từ năm 2021, còn cuốn mới nhất đó là tập 1 của tác phẩm Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh

Nhà văn Ploy trong podcast Khui Chuyện cùng host Cát Ngọc

MỐI DUYÊN ĐẾN VỚI THÁI LAN VÀ VIỆC HỌC NGÔN NGỮ THÁI

Ấn tượng của Ploy khi du lịch tại Thái Lan đó là mỗi một thành phố thì sẽ được xây dựng bên cạnh một dòng sông, nguồn nước đã đem đến sự phát triển trong cuộc sống và văn hóa người dân nơi đây. Trong một lần đi thuyền trên sông Chao Phraya, chị được khám phá lịch sử văn hóa của chùa chiền, của người hoa, xuôi dọc theo dòng sông là những sự phát triển hiện đại mới của Bangkok. 

Nhà văn Ploy chia sẻ rằng mối duyên với Thái Lan đến từ khoảng thời gian học đại học ở Bangkok. Sau khi tốt nghiệp thì chị Ploy có quay trở lại Việt Nam một thời gian và sau đó lại tiếp tục qua Thái để làm việc. Chị tiết lộ khi học bên Thái thì lúc đầu chị Ploy cũng không biết gì về tiếng Thái cả, hoàn toàn chỉ học bằng tiếng Anh. Cho đến khi tốt nghiệp rồi cũng chưa biết tiếng Thái như thế nào cả, chỉ biết một vài từ để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.

Sau này khi đi làm, có cơ hội được tiếp xúc với những đồng nghiệp là người Thái, lúc này chị cảm thấy hằng ngày bản thân đều phải giao tiếp và để hiểu hay thẩm thấu về một văn hóa của đất nước nào đó thì mình phải hiểu tiếng của họ. Đó cũng là lý do tại sao chị quyết định đi học tiếng Thái. Nhà văn Ploy học cùng bạn gia sư riêng và việc học cũng khá thú vị khi chị học tiếng Thái trên nền tảng của tiếng Anh và tiếng Trung vì đã thông thạo 2 ngôn ngữ kia trước rồi.

Được hỏi về sự khó khăn khi học tiếng Thái, nhà văn Ploy chia sẻ việc học tiếng Thái cũng không khó lắm. Chị Ploy thực tế đã có thể nói chuyện cơ bản nhưng về từ vựng thì chưa đủ ở mức chuyên sâu. Thời gian đầu việc viết chữ tiếng Thái khá là khó khăn vì kiểu chữ và chính tả khá là khó. Nhưng cái gì cũng qua luyện tập thì mình sẽ quen.

Sau đó chị định hướng mình chỉ cần học ở mức đọc và hiểu trước chứ không quá đặt nặng việc phải viết chính xác. Học những gì mình cần, phù hợp với mục đích sử dụng khiến mọi chuyện nhẹ nhàng hơn. Có một điều khá thú vị là vì cách học này nên Ploy đọc khá trôi chảy tiếng Thái, thậm chí có thể dịch được tiểu thuyết, nhưng bảng chữ cái tiếng Thái thì lại ít nhớ hơn. 

KHÔNG ĐỂ TÂM ĐẾN NHỮNG THẮC MẮC CỦA NGƯỜI NGOÀI

Host Cát Ngọc cũng có chia sẻ về việc bị nhiều người nói ra nói vào về vấn đề học tiếng Thái. Có nhiều người rất thắc mắc rằng là tại sao lại quyết định học tiếng Thái, trong khi có thể chọn học những ngôn ngữ khác của những nước phát triển hơn. Tương tự như trường hợp của host Cát Ngọc, nhà văn Ploy cũng đã được hỏi thăm khá nhiều khi bản thân quyết định du học tại Thái Lan.

Chị chia sẻ lúc đó chị không thực sự để tâm lắm về việc mọi người sẽ nghĩ như thế nào về mình hay về con đường học vấn của mình. Bởi vì chị đã có những sự nghiên cứu riêng của bản thân mình và Bangkok lúc đó cũng là một địa điểm nổi tiếng thế giới, một thành phố đã rất là phát triển rồi. “Chị cảm thấy ở mỗi nơi, nó đều có những nét văn hóa rất là đặc trưng khác nhau.” đó là lý do làm chị muốn đến, muốn sinh sống, tìm hiểu và cảm nhận những nét khác biệt trong nền văn hóa. 

NHÀ VĂN PLOY CHIA SẺ VỀ HƯỚNG ĐI MỚI TRONG NGHỀ NGHIỆP

Nhà văn Ploy chỉ làm đúng công việc với ngành chị học trong khoảng thời gian 2 năm sau khi tốt nghiệp. Sau đó chị quyết định rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, nhưng thật sự đối với những ngành mang tính chuyên sâu hơn như bác sĩ, khoa học kỹ thuật thì có thể khó thay đổi, nhưng những ngành truyền thông, kinh tế có sự liên kết chặt chẽ với nhau. 

Những kiến thức Ploy học ở đại học cung cấp cho chị về khung sườn và khi được tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống, chị phát hiện những điều khiến mình muốn học để phát triển sự nghiệp của bản thân. Bằng đại học và chương trình ở đại học sẽ cho mình những nền tảng, còn việc học tập là chuyện lâu dài, thời đại ngày nay phát triển, kiến thức dễ tiếp cận hơn thì khả năng tự học, sẵn sàng re-learn và un-learn từ bỏ hết những cái cũ để học những cái mới đối với Ploy là điều rất quan trọng. 

Sau khi tốt nghiệp, chị trở về Việt Nam và làm cho một công ty truyền thông hơn một năm. Khi cơ hội đến, chị tham gia phỏng vấn cho một công ty ô tô của Mỹ, trải qua khá nhiều vòng phỏng vấn và cuối cùng chính thức làm việc tại Thái Lan. Đó là môi trường làm việc đa quốc gia, các đồng nghiệp đến từ nhiều đất nước khác nhau Trung Quốc, Indo, Philippines và Mỹ…

Sự đa văn hóa lúc đó không còn là rào cản nữa, mọi người cởi mở nên có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Khi giao tiếp thì đa phần sẽ nói chuyện bằng tiếng Anh, nhưng vì văn phòng tại Thái nên người Thái cũng rất đông. Lúc đó Ploy cũng nhận định sự khác biệt văn hóa sẽ cho mình những góc nhìn mới về nhiều nền văn hóa.

Những chia sẻ về công việc và đam mê của nhà văn Ploy

CƠ HỘI VIỆC LÀM TẠI THÁI VÀ VĂN HOÁ CÔNG SỞ NƠI ĐÂY

Đối với những bạn trẻ Việt Nam mong muốn học tập và làm việc tại Thái Lan, các bạn luôn có những băn khoăn về sự cạnh tranh trong công việc với những người bản địa Thái, các bạn không biết có cơ hội cạnh tranh lại hay không… Nhà Ploy chia sẻ rằng nếu như một người nước ngoài muốn tìm kiếm một cơ hội để làm việc tại Thái thì họ cần cạnh tranh với người bản địa là điều tất nhiên.

Người bản địa về ngôn ngữ hay văn hóa thì họ có lợi thế hơn mình, họ xây dựng những mối quan hệ cũng dễ hơn. Đôi khi về luật pháp cũng có những quy định cụ thể về số lượng người nước ngoài được phép làm việc tại một công ty nào đó vì liên quan đến rất nhiều giấy tờ cần thiết. Và đó cũng là rào cản trong công việc mà một người Việt cần chú ý khi tìm kiếm việc làm tại Thái, ít nhất bạn cần đáp ứng được những tiêu chuẩn về mặt giấy tờ pháp lý. 

Cơ hội làm việc tại Thái 10 năm trước thì có thể ít người Việt, nhưng hiện nay thì cộng đồng người Việt đã được mở rộng hơn. Vẫn có những công ty đa quốc gia tại Thái họ cần người Việt để phục vụ cho những công việc liên quan đến thị trường Việt Nam. 

Khi làm việc tại Thái nhà văn Ploy chưa bao giờ thấy đồng nghiệp người Thái ngủ trưa. Host Cát Ngọc cũng đồng tình với điều này vì có dịp đi xuống một nhà máy ở Long An cùng các bạn người Thái Lan, mọi người đã rất ngạc nhiên và có phần “hoảng hốt” khi thấy người Việt Nam có văn hóa ngủ trưa. Thường người Thái sau khi ăn trưa, họ sẽ ngồi chơi game, bấm máy tính làm việc tiếp đến chiều. 

Văn hóa văn phòng ở Thái có một điểm đó là họ ăn vặt khá là nhiều, như một số đồng nghiệp chị Ploy thì tầm 9 – 10 giờ sáng đã có bánh trái ăn vặt, đến chiều họ lại ăn vặt tiếp và tầm 4 – 5h chiều mà buồn miệng quá thì lại đi mua đồ ăn vặt tiếp. Câu cửa miệng của người Thái khi gặp nhau là “Ăn cơm chưa?”, khi người Thái muốn xây dựng mối quan hệ, họ chỉ toàn rủ nhau… ăn. 

TRỞ VỀ VIỆT NAM, BÉN DUYÊN VỚI NGÀNH NGÂN HÀNG

Lý do chị Ploy chia sẻ, khi quyết định chuyển sang lĩnh vực tài chính ngân hàng là do chị thấy được chị có nhiều không gian để sáng tạo hơn. Chị nói rằng tài chính là thứ đi xuyên suốt cuộc đời mỗi người và chủ đề về tài chính, sức khỏe lúc nào cũng được quan tâm. Chính vì vậy lĩnh vực này có rất nhiều những câu chuyện để kể. 

Đến với lĩnh vực tài chính ở độ tuổi gần 30

Nhà văn Ploy làm trong ngành ngân hàng khi gần 30 tuổi nhưng nhờ những kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức từ các công việc cũ đã giúp chị nhanh chóng hòa hợp và có niềm vui riêng khi chuyển hướng sang công việc mới này. Độ tuổi chị chuyển việc cũng không quá muộn mà cũng không quá sớm để bắt đầu lại một cái gì đó, với Ploy thì điều này cũng rất bình thường, chỉ là chị tìm ra được chân ái hơi trễ một chút thôi. 

Bạn bè xung quanh chị Ploy luôn đặt ra những cái giới hạn về tuổi và tự áp lực mình. Họ có quá nhiều cái trách nhiệm để thau đổi hay thử những cái mới. Theo nhà văn Ploy, con người vẫn nên có sự trải nghiệm mới và hãy để cho bản thân tò mò như một đứa trẻ, tiếp tục học tập suốt đời để có những những trải nghiệm khác nhau.

Điều cần ở môt ứng viên tiềm năng

Để tuyển dụng một nhân sự chất lượng, có nhiều yếu tố cần xét đến, ví dụ như: trình độ học vấn, ngoại ngữ hay thậm chí hoạt động ngoại khóa để đánh giá xem ứng viên đó có năng nổ hay không. Theo Ploy thì thời thế bây giờ đã khác, thời chị thì tiếng Anh khi đó là một điểm cộng, có bằng Ielts 8.0 thời đó là rất là khó. Còn bây giờ thì đã khác, tiếng Anh là thứ cần có và muốn đi làm thì phải ở một trình độ cao cấp và biết thêm một ngôn ngữ khác là một điểm cộng.

Tiếng Anh thôi là chưa đủ, phải có thêm ngôn ngữ khác, phải biết những kỹ năng khác nhau để khi làm việc chung với những người khác mình biết cách đối đáp. Bảng điểm nên tốt một chút thì mới tự tin đi ứng tuyển, bảng điểm 8 và 9 đôi khi không có sự khác biệt lớn. Đôi khi những bạn ứng viên có bảng điểm 8 và có cả sự chủ động trong các công việc part time, thì nó lại là điều mà các nhà tuyển dụng mong đợi.

Thái độ hay trình độ, điều nào là cần thiết?

Thỉnh thoảng vẫn có những thảo luận về chủ đề này. Theo nhà văn Ploy thì thái độ và trình độ cần phải được cân bằng, không có cái nào có thể lấn át đi cái nào: “Ví dụ như một nhân viên mà thái độ cực kì tốt, mà trình độ không được như mình mong muốn và cố gắng nâng cao hoài nhưng không được thì sẽ rất mệt. Nhưng mình cũng không nỡ nặng lời vì thái độ bạn đó quá tốt.” Còn nếu ở trong một tập thể, dù trình độ bạn có giỏi đến mấy bạn cũng không phải là một ngôi sao duy nhất trên bầu trời này. 

Những mối quan hệ trong công việc

Làm báo mang lại cho Ploy rất nhiều những mối quan hệ và đến bây giờ những mối quan hệ đó vẫn giúp đỡ được chị trong công việc. Những mối quan hệ với nhiều người ở những ngành khác nhau là tài sản lớn nhất trong đời mà nghề báo đem đến cho chị. Theo chị, làm báo cho mình biết cách diễn giải và nói cho người ta hiểu ý mình và khả năng này cũng rất quan trọng trong bất kì một ngành nghề nào.

Khi chị Ploy bắt đầu làm trong mảng tài chính, có thêm những mối quan hệ khác thì câu chuyện chị viết cũng chân thực và đa dạng hơn, ví dụ như ngành nghề của nhân vật trong câu chuyện. Thời điểm 10 năm trước, nhân vật của chị làm quảng cáo, còn bây giờ khi đã sang một lĩnh vực khác thì nhân vật lại có ngành nghề làm trong quỹ đầu tư chẳng hạn.

TÂM SỰ VỀ ĐAM MÊ CỦA NHÀ VĂN PLOY

Ploy nhớ lại khoảng thời gian chị viết báo cho tạp chí Hoa Học Trò, khi đó chị đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan. Khả năng viết lách của chị được học từ trường đại học qua môn Creative Writing (Viết sáng tạo). Trong quá trình thực hành, Ploy nhận ra trước giờ cái gì cũng đã thử viết rồi, nhưng chỉ có viết truyện là chưa nên đã thử sức. Ban đầu chị viết cho vui và cũng chỉ là viết những mẩu chuyện nhỏ, đa phần lấy từ những câu chuyện được kể lại và thêm thắt vào.

Nhà văn Ploy chia sẻ rằng chị rất thích Bangkok ở thời điểm đó, vì vậy quyết định lấy Bangkok làm bối cảnh cho những câu chuyện của mình và đây cũng luôn là bối cảnh khiến chị tò mò, hứng thú: “Chị đem sự tò mò của mình ở thành phố đấy để truyền tải được vào câu chuyện.” 

Khoảng thời gian đó chị cũng nhận ra sự tự tin đến mức kiêu ngạo của mình. Trước đây khi viết thì chị không bao giờ để ý đến những ý kiến của bạn đọc, viết báo thì vô cùng tự tin vì đã nghiên cứu rất kỹ nhưng kể từ khi viết truyện nghiêm túc thì chị có thói quen kiểm tra những hộp thư của độc giả hơn. Cũng may phản hồi chị nhận được khá tích cực, mọi người rất thích.

Đam mê là một từ rất hay, nhưng nhà văn Ploy nói rằng: “Bạn không thể cứ ngồi yên một chỗ mà nói đó là đam mê được, bạn có chắc điều đó không?”. Có rất nhiều bạn cảm thấy bế tắc xong bỏ dở khi theo đuổi sở thích nào đó, hoặc bạn làm một điều gì đó và bỏ dở thì làm sao có thể gọi đó là đam mê được. Phải làm điều gì đó trong suốt khoảng thời gian dài, bạn mới thực sự nhận ra được đam mê của bạn là gì.

Một người bạn của nhà văn Ploy đã nói một câu mà chị cảm thấy nó rất đúng :“Đam mê là một thứ, sau khi bạn đóng một project này lại, thì bạn mở ra một project thứ hai, dù khác topic nhưng cũng là một project và bạn vẫn cảm thấy hào hứng như ngày đầu.” thì đó mới thực sự là một đam mê chân chính. Và Ploy cũng phát hiện ra rằng một người có thể có rất nhiều đam mê, quan trọng là bạn có dũng cảm để thực hiện cái đam mê đó của mình hay chưa thôi. 

Muốn đi làm thì phải biết là làm gì và làm cho ai và họ cần gì. Chỉ khi biết được mình muốn gì thì mình mới vạch ra được con đường đúng đắn nhất cho mình. Và bạn cũng cần phải có cái nền tảng để bản thân thực hiện được mục tiêu mình muốn trong tương lai. 

Nhà Văn Ploy | Khui chuyện EP9
TML Editor

Recent Posts

9 địa điểm cho các tín đồ nhạc Rock tại Sài Gòn

Nếu đang tìm một không gian Rock 'n' Roll để đắm mình trong những giai…

10 giờ ago

Triển lãm “Tằm” của Kén Lab: Sự bình dị của dương gian qua tranh lụa

Sự kiện trưng bày tác phẩm lần thứ hai của nhóm những hoạ sĩ "vẽ…

1 ngày ago

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

2 ngày ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

3 ngày ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

4 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

4 ngày ago