Ngày nay, nhắc đến Disney, người ta dễ dàng nghĩ đến những cái tên mang lại hiệu ứng toàn cầu như Frozen (Nữ hoàng băng giá), Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc), Wreck-It Ralph (Ráp-phờ đập phá), hay gần đây hơn là những bộ phim live-action gây tranh cãi như Mulan và The Lion King. Tuy nhiên, từng có một Disney gần gũi hơn rất nhiều, một Disney với những bộ phim hoạt hình 2D vẽ tay, một Disney có nàng công chúa cưới chàng hoàng tử và cả hai sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
Mô típ công chúa-hoàng tử trong thời đại này đã thất sủng vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, bàn tiệc Disney thời kỳ đầu vẫn có nhiều lựa chọn chứ không chỉ có mỗi câu chuyện về công chúa hay hoàng tử. Ngoài Bạch Tuyết, Người đẹp ngủ trong rừng, Nàng tiên cá, chúng ta còn có chú nai Bambi, cậu bé người gỗ, chú voi tai to Dumbo,… những nhân vật đã trở thành một phần tuổi thơ của rất nhiều người.
Đa số khán giả yêu thích phim hoạt hình Disney với 3 lý do: mạch phim hấp dẫn, nhân vật đáng yêu, và chủ đề mang tính phổ quát cao. Thế nhưng, điều khiến những bộ phim kinh điển của Disney không những giữ vị trí quan trọng trong lòng người xem mà còn cả trong nền văn hóa đại chúng của thế kỷ trước chính là những ý nghĩa ẩn giấu đằng sau những nhân vật ngộ nghĩnh và những câu chuyện ngây ngô trẻ con. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra những điều mình đã bỏ sót trong những bộ phim hoạt hình Disney xem mòn từ ngày bé.
Trái với vẻ ngoài “trẻ nít ngây thơ”, những bộ phim kinh điển của Disney gửi gắm trong đó những hình ảnh mang tính biểu tượng và những khái niệm mang hơi hướng cổ mẫu(*), điều mà khán giả không tài nào nhận ra nếu không xem phim dưới con mắt của người lớn – những người đã trải nghiệm, đã vấp ngã, và trưởng thành.
(*) cổ mẫu (archetype): lĩnh vực thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa nhân học, dân tộc học, lịch sử, tâm lý học nghệ thuật và văn học, những chủ đề mang hơi hướng cổ mẫu (archetypal themes) là những thứ liên quan mật thiết đến quá trình trải nghiệm và trưởng thành của con người, như trở ngại, cái chết, thức tỉnh,…
Muốn khám phá ý nghĩa đằng sau những bộ phim kinh điển của Disney, trước tiên cần tìm hiểu khái niệm truyện cổ tích.
Truyện cổ tích thường là những câu chuyện ngắn, được xếp vào thể loại văn học dân gian. Không ai biết chính xác chúng xuất hiện từ lúc nào, chỉ biết những câu chuyện này đã tồn tại trong quãng thời gian rất dài, có khi lên đến hàng thế kỷ. Với tính chất truyền miệng đặc trưng của văn học dân gian, qua nhiều thời kỳ, truyện cổ tích càng mang màu sắc huyền diệu và “bí ẩn” bởi cùng một câu chuyện nhưng có thể có nhiều biến thể khác nhau.
Bên cạnh yếu tố hư cấu, truyện cổ tích vẫn bộc lộ sự liên hệ với đời sống hiện thực. Điều này thể hiện qua ngôn từ và nhân vật gần gũi, phù hợp thời đại; nội dung có tính tích cực, tươi sáng, tin vào sự công bằng và chân lý thiện thắng ác; chủ đề phản ánh cuộc sống thực và mang tính phổ quát. Đây là lý do thể loại văn học này có “tuổi đời” khá cao và được nhiều người ưa thích.
Cùng với sự phát triển của xã hội, truyện cổ tích không còn bị giới hạn bởi hình thức truyền miệng hay trong những ghi chép văn bản nữa. Với sự ra đời của điện ảnh vào cuối thế kỷ 19, những câu chuyện cổ tích dần được đưa lên màn ảnh, trong đó Walt Disney là một trong những cái tên tiên phong. Qua cây đũa phép của Nhà Chuột, truyện cổ tích dần trở thành một thể loại dành riêng cho trẻ em.
Những câu chuyện cổ tích quen thuộc được Disney gọt giũa cẩn thận, thay đổi một số nhân vật và chi tiết để phù hợp với đối tượng khán giả hãng đang nhắm đến. Tuy nhiên, vốn dĩ từ khi xuất hiện, truyện cổ tích là món ăn cho mọi đối tượng. Thế nên, đâu đó phía sau những khuôn hình vui tươi vẫn là những thông điệp, những bài học mang lại ý nghĩa và giá trị cho mọi người.
Bộ phim này có rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Hãy thử nhìn vào chân dung nhân vật chính của chúng ta: da trắng như tuyết – sự ngây thơ, môi đỏ như son – sự sống (trong tiếng Anh, hình ảnh này là “môi đỏ như máu”), tóc đen như gỗ mun – cái chết. Có rất nhiều hình ảnh để phân tích và những thông điệp khác nhau có thể được tìm thấy trong Bạch Tuyết và Bảy chú lùn. Trong đó, không thể không kể đến đoạn Bạch Tuyết bị lừa ăn quả táo độc.
Dưới lốt cải trang một bà lão hom hem, mụ Hoàng hậu độc ác tìm thấy Bạch Tuyết đang sống trong căn nhà của bảy chú lùn ở rừng sâu. Mụ ra sức thuyết phục Bạch Tuyết ăn quả táo đã tẩm độc. Về phần Bạch Tuyết, mặc dù đã được các chú lùn dặn dò cũng như biết không nên trò chuyện với người lạ, thế nhưng nàng công chúa bé nhỏ vẫn bị cám dỗ. Và cái giá nàng phải trả là chìm vào giấc ngủ sâu, mãi mãi không thể tỉnh dậy.
Phân đoạn này trong Bạch Tuyết và Bảy chú lùn có sự tương đồng rất lớn với câu chuyện của A-đam và Ê-và (Adam and Eve). Trong sách Sáng thế, Ê-và đã không chống lại được cám dỗ của Sa-tăng (Satan) – dưới lốt một con rắn. Không những ăn trái cấm, làm trái với lời dặn của Chúa, mà Ê-và còn đưa cho cả A-đam. Vừa ăn xong trái cấm, cả hai ý thức được mình đã phạm lỗi và xấu hổ vì sự trần truồng của mình. Kết quả, họ bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng, còn loài người thì đời đời mang tội.
Trong Kinh thánh, điều này tượng trưng cho sự ra đời của tội lỗi, cùng với đó là sự chết đi về mặt tâm linh khi những con người đầu tiên làm trái lời Chúa. Trái cấm là “phương tiện” dẫn đến cái chết tâm linh này – một ẩn dụ khi con người mất đi những trinh trắng trong tâm hồn để lần đầu tiếp xúc với cái ác và tội lỗi. Tương tự, trong Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, nàng Bạch Tuyết cũng rơi vào giấc ngủ tựa cái chết khi vừa cắn miếng táo đầu tiên. Trái táo tẩm độc là cách để sự ngây thơ trong sáng của nàng chết đi, nhường chỗ cho những nhận thức mới về những độc ác và tàn nhẫn của xã hội.
Cậu bé người gỗ mang cốt truyện “anh hùng” điển hình, xuất hiện trong nhiều câu chuyện thần thoại và văn học dân gian: từ con số 0, nhân vật chính lên đường đi phiêu lưu, đối mặt với gian khổ, chiến thắng mọi khó khăn, và cuối cùng được tái sinh dưới hình tượng “anh hùng” sau một quá trình dài chuyển đổi.
Trong phim, trên đường phiêu lưu, Pinocchio đã bị một chú cá voi nuốt vào bụng. Sau khi thoát được ra ngoài, mọi người ai cũng nghĩ cậu đã chết. Đúng lúc này, Cô Tiên Xanh xuất hiện, hóa phép biến Pinocchio từ một chú bé người gỗ thành một cậu bé người thật sự.
Trong những câu chuyện anh hùng, có một giai đoạn chuyển hóa mà nhân vật phải trải qua. Thông thường đây sẽ là mốc sinh-tử hoặc một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tách nhân vật khỏi những nhận thức trước đây của mình về bản thân và về thế giới. Thông qua việc “tìm lối thoát”, nhân vật sẽ trở thành con người khác với trước đây, và hình tượng này thông thường sẽ theo nhân vật cho đến khi câu chuyện kết thúc. Bạn biết tên của giai đoạn này là gì chứ? Nó được gọi là bụng cá voi (the belly of the whale).
Pinocchio đã chui vào bụng cá (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) để giải cứu cha mình và để có thể đi đến kết thúc của câu chuyện, khi cậu biến đổi từ một khúc gỗ thành một con người. Lý giải theo các quan điểm về phân tâm học, cơn khủng hoảng bụng cá ám chỉ cái chết và sự tái sinh của bản ngã.
Pinocchio ban đầu là một con rối. Cậu “sống” nhờ những yếu tố ngoại lực – sự điều khiển của những sợi dây. Là một người gỗ nên cậu không có não – ẩn dụ của việc tâm trí trong trạng thái chưa tỉnh thức – và dễ dàng khuất phục trước tội lỗi và cám dỗ, từ những thứ nhỏ nhặt như lời nói dối đến đủ trò ăn chơi sa đọa sau này.
Sau khi vào bụng cá, Pinocchio phải đối mặt với bóng tối. Đây lại là một ẩn dụ khác về việc có những lúc cảm xúc chúng ta gần chạm “đáy”, nhưng điều đó là cần thiết để tâm trí chúng ta có cơ hội tỉnh thức, để bản thân mỗi người được tái sinh mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, có khả năng nhận ra những gì trước giờ ta không nhìn thấy. Cũng như Pinocchio, từ việc là một con rối bị điều khiển đã trở thành một cậu bé thực thụ với những suy nghĩ và cảm xúc của con người.
Peter Pan là một câu chuyện kỳ ảo, khơi gợi trí tưởng tượng và những giấc mơ tuổi thơ của mọi người. Tuy nhiên, bầu trời đêm nước Anh và cảnh tượng không tưởng ở Neverland còn hàm chứa những ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Peter Pan là một cậu bé không lớn. Nói đúng hơn, cậu là một người từ chối trưởng thành. Cậu sống tại Neverland – thế giới không tưởng (utopia) dành riêng cho những đứa trẻ không muốn lớn lên. Nơi ấy không có trách nhiệm phải gánh vác, không có vấn đề để giải quyết, không có bất cứ sự phức tạp nào của thế giới “ngoài kia” – thế giới của người lớn – có thể chen chân vào. Neverland là vùng đất đại diện cho sự ngây thơ đơn giản của tuổi trẻ.
Từ chối việc trưởng thành và vĩnh viễn sống trong thế giới không tưởng của tuổi thơ nghe có vẻ là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng bạn ơi, nó sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Peter Pan thích Wendy (ai xem phim cũng thấy). Nhưng Wendy là người thật, cô bé phải lớn lên, còn Peter Pan sẽ mãi mãi là một đứa trẻ. Peter Pan không biết làm thế nào để giải thích cũng như để phát triển một mối quan hệ bạn bè bình thường với Wendy. Cậu trở nên bực bội, tức giận, và cuối cùng vẫn phải ở lại Neverland.
Tất cả những đứa trẻ lựa chọn con đường trưởng thành đều bắt buộc rời khỏi Neverland. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người xung quanh bạn đều lớn lên, đi những con đường khác, gặp gỡ những người mới, còn bạn thì mãi ở lại nơi bắt đầu?
Một biểu tượng khác trong Peter Pan cần nhắc đến, là hình ảnh con cá sấu – ẩn dụ của cái bẫy thời gian. Chú cá sấu trong phim đã nuốt nhầm một cái đồng hồ. Mỗi khi nó xuất hiện, các nhân vật đều nghe thanh âm tik-tok của kim đồng hồ đang điểm thời gian. Thuyền trưởng Hook sợ con cá sấu chết tiệt này. Nó đã ăn mất một phần tay của hắn.
Con cá sấu và cái đồng hồ trong bụng là hình ảnh ẩn dụ của thời gian. Hàm cá sấu – cái bẫy thời gian – rồi sẽ sớm “cắn” hết từng người trong chúng ta. Thuyền trưởng Hook đã bị thời gian “ăn” mất một phần thân thể. Hắn ta sợ thời gian, sợ cái ngày hắn nằm trọn trong bụng cá – ẩn dụ của cái chết.
Tuy nhiên, sự trưởng thành và cái chết là những điều vô cùng tất yếu, ai rồi cũng phải đối mặt. Chạy trốn nó liệu có ích gì?
Cũng như Cậu bé người gỗ, Người đẹp ngủ trong rừng đi theo mô-típ “giải cứu người đẹp” kinh điển: một cô gái đẹp gặp bị kẻ ác hoặc quái vật hãm hại, sau đó được giải cứu bởi một nhân vật hào hiệp và dũng cảm.
Chúng ta hãy tạm quên cốt truyện kinh điển này để nhìn vào một chi tiết khác: khung dệt vải. Ngày Aurora bé bỏng xinh đẹp được sinh ra, cô đã bị nguyền rủa rằng sẽ chết (à, Disney tất nhiên gọi đây là “giấc ngủ vĩnh hằng”) vào sinh nhật 16 tuổi bởi con thoi của khung dệt vải. Vua và Hoàng hậu đã cố gắng ngăn chặn điều này bằng cách ra lệnh đốt bỏ hết tất cả những khung dệt trong Vương quốc, đồng thời gửi Aurora cho các bà tiên nuôi dưỡng cho đến khi cô tròn 16 tuổi.
Kết quả thì sao? Vào sinh nhật 16 tuổi, công chúa vô tình tìm thấy một khung dệt vải (từ đâu mà ra thì ai cũng biết rồi), do tò mò nên cô chạm tay vào, bị con thoi nhọn chích phải, và chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Nhiệm vụ của khung dệt là biến đổi: từ chỉ / sợi thành những tấm vải. Khung dệt biến đổi thứ này sang thứ khác – ẩn dụ của quá trình trưởng thành và biến đổi từ trẻ con thành người lớn. Vì sao Aurora sẵn sàng sờ vào thứ sẽ gây ra cái chết của cô? Đơn giản, vì cô hoàn toàn không biết đó là gì. Từ khi sinh ra, cô chưa bao giờ nhìn thấy khung dệt vải. Hơn nữa, từ bé đến lớn, cô chỉ sống trong rừng, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Đổi lại là bạn, lần đầu bước chân vào một nơi lạ lẫm đầy những vật dụng gây tò mò, bạn có háo hức muốn chạm thử vào chúng không?
Hành động phá hủy tất cả những khung dệt cũng như gửi cô đến sống ở nơi “an toàn” thực chất gây hại cho Aurora nhiều hơn là bảo vệ cô (và thực tế đã chứng minh nó có hại đến mức nào). Aurora không có trải nghiệm, không có mối quan hệ, không có chút ý niệm gì về thế giới bên ngoài. Cô không thể chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Bánh xe quay một vòng nhưng không biến sợi thành vải được, thì nó “đành phải” làm một nhiệm vụ khác.
Thông điệp ở đây cũng có phần tương tự Peter Pan. Chúng ta không thể mãi là những đứa trẻ, cũng không thể sống một cuộc đời được che chắn và bảo vệ quá kỹ càng. Càng an toàn bao nhiêu, bạn sẽ càng dễ dàng bị cô lập với thế giới khi bắt buộc phải lớn lên bấy nhiêu. Như những nhân vật trên phim, điều tệ nhất có thể xảy ra cho bạn có lẽ là một thứ gì tương tự như giấc ngủ vĩnh hằng. Khác biệt duy nhất rằng trong đời thật, sẽ không có nụ hôn nào đủ sức hồi sinh chúng ta cả đâu.
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…