Hơn 11h trưa hè đầu tháng 6, trời nóng như đổ lửa, một tốp thợ hồ quần áo lấm lem, mồ hôi nhễ nhại dừng xe trước quán cơm số 47 Bùi Dương Lịch, quận Sơn Trà.
“Rửa mặt đi cho mát rồi vào ăn cơm mấy anh ơi. Trời nắng ni đi làm vất vả hỉ?”, lời một cô gái chào vọng ra từ trong bếp. Sau lời chào, chị nhanh nhẹn bới mấy dĩa cơm trắng đầy ắp, gắp từng món ăn xếp lên dĩa rồi đưa tận tay những thực khách của mình. Chị không quên dặn: “Mấy anh cứ tự nhiên nhé, ăn hết lại lấy thêm thức ăn và cơm, chắc bụng chiều mới có sức làm việc nặng.”
Ba người phụ nữ đã đứng ra thành lập và vận hành một quán cơm 0 đồng cho người lao động khó khăn tại Đà Nẵng. Đó là chị Quế Chi, chị Tường Vi và chị Đặng Thị Liên. Mỗi người một công việc, độ tuổi cũng khác nhau nhưng chính con tim yêu thương và mong muốn sẻ chia đã kết nối họ làm một để xây dựng nên bếp ăn 0 đồng ấm tình người.
Trong ba chị em, chị Quế Chi là đầu mối chuyên liên hệ các mạnh thường quân xin tài trợ, tính toán sổ sách, quản lý thu chi. Trên facebook của chị luôn đăng tải đầy đủ những thông tin các mạnh thường quân ủng hộ cho quán cơm 0 đồng.
Quế Chi chia sẻ, lúc mấy chị em dựng quán cơm này, nhiều người hảo tâm đã cùng góp của, góp sức cất nhà từ ủng hộ sắt, tôn, làm kèo, mái. Thợ hồ thì hỗ trợ công làm. Thế là một quán cơm 0 đồng được dựng lên từ chính sự hảo tâm của những người xung quanh.
Còn chị Vi và chị Liên là người trực tiếp đứng bếp. Suốt buổi trưa, trong bếp cơm lợp tôn tạm ngày hè, thực khách vẫn ra vào, cười nói vui vẻ. Để có một bữa cơm trưa đều đặn hàng ngày, các chị phải chuẩn bị từ 6 giờ sáng. Sau 10 giờ trưa là công việc của họ tất bật hẳn. Chị Vi cho biết, nấu cơm chay đôi khi khó hơn cơm mặn, từ nêm nếm gia vị, chọn nguyên liệu, chọn món phải làm sao cho thật đảm bảo để bà con dễ ăn hơn.
Cứ như thế mỗi buổi trưa hằng ngày có hàng chục suất ăn chan chứa yêu thương sẻ chia đến với những lao động thu nhập thấp. Hàng trăm sự giúp đỡ từ trong và ngoài nước gửi về. Người góp bao gạo, bó rau, người góp thời gian công sức… để có những suất cơm góp phần vơi bớt gánh nặng mưu sinh cho nhiều mảnh đời.
Hơn bốn năm qua, xe quần áo cũ với dòng chữ “tự chọn giá 0 đồng” của ông Tư Ẩn đã gắn bó với người lao động nghèo khu vực quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè (TP.HCM).
Đúng 7 giờ, ông Tư Ẩn (tên thật là Nguyễn Văn Tư, 80 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) sẽ có mặt tại góc đường Tôn Thất Thuyết, quận 4. Một lúc sau, bà con trong khu vực bắt đầu đến “sắm” đồ. Suốt hơn một tiếng, ông Tư bận rộn giới thiệu đợt đồ mới, tư vấn và giúp khách ướm thử để chọn ra bộ quần áo ưng ý, vừa vặn nhất.
Ông già râu tóc bạc phơ cười hiền hậu, lấy quần áo treo trên xe cho khách hàng lựa chọn và tế nhị chỉ dòng chữ “Quần áo tự chọn giá 0 đồng” khi họ hỏi giá. Những người lần đầu tiên mua hàng thường cảm thấy bỡ ngỡ xen lẫn vui mừng ra mặt.
Dừng ở đường Tôn Thất Thuyết đến 9 giờ, ông Tư lại điều khiển chiếc xe ba gác với đủ loại quần áo, giày dép vào các hẻm nhỏ, bởi theo lời ông nói, nhiều người bán vé số, thợ hồ, dân xóm trọ… không biết đến hoặc không có thời gian đi ra ngoài nên ông chạy xe đến tận nơi cho họ lấy quần áo.
Mười mấy năm trước, thấy bà con lao động xung quanh nghèo khó, tấm áo mặc cũng không lành lặn, ông Tư bắt xe khách xuống tận Châu Đốc, tỉnh An Giang mua quần áo cũ. Sau đó, ông cùng vợ là bà Lê Thị Bé (61 tuổi) đem quần áo cũ giặt sạch, phơi nắng thơm tho, rồi treo lên xe đạp, chở từ Nhà Bè qua quận 4 bán với giá 0 đồng.
Cứ đúng lịch trình rong ruổi hơn 50km mỗi ngày, buổi chiều, ông Tư lại xuống khu công nghiệp Long Hậu, huyện Nhà Bè. Có hôm, ông chạy xuống tận các khu công nghiệp ở tỉnh Long An, bán quần áo cho công nhân nghèo. Tận mắt thấy tấm áo cũ nhưng lành lặn, thơm tho của mình đến được tay người cần, dẫu phải đạp xe mấy chục cây số ông Tư vẫn thấy khỏe và vui. Chủ xe quần áo cũ tâm sự, giúp đỡ người khác là đam mê đặc biệt của ông. Về sau, nhiều người biết đến ông hơn, họ chủ động đến quyên góp quần áo. Một mạnh thường quân mua tặng ông chiếc xe ba gác điện.
“Từ ngày có xe mới, tôi mua thêm móc treo đồ lên cho thẳng thớm để bà con dễ dàng chọn lựa. Có người còn nói đùa rằng chọn áo quần ở xe tôi không khác gì mua đồ ở tiệm vì chiếc nào cũng sạch sẽ, thơm tho.”, ông Tư vui vẻ cho biết.
Ông Tư tâm niệm “của cho không bằng cách cho”. 2-3 giờ sáng mỗi ngày, ông thức dậy đem quần áo cũ đi giặt sạch, canh nắng vừa lên thì đem phơi. Bởi vậy, quần áo của ông cũ nhưng tinh tươm, thơm mùi nắng.
Không những chú trọng đến chất lượng quần áo gửi đến cho người nghèo, ông còn dụng tâm trong cách ứng xử. Dù bị mất giọng nói xau lần bệnh nặng cách đây hơn 10 năm, ông cũng ráng nói nhiều với bà con. “Tôi phải xởi lởi, vui vẻ, người nghèo đến mua quần áo sẽ không nghĩ ngợi nhiều. Nếu tôi không nói gì, sợ họ nghĩ tôi khó chịu, mang quần áo đi bố thí chứ không phải bán buôn”, ông Tư chia sẻ.
Muốn lan tỏa tình yêu sách, anh Nguyễn Thành Trung đã mở nhà sách Mia Bookhouse miễn phí với khoảng 1,000 đầu sách tiếng Anh.
Suốt quá trình phổ thông, học Đại học Bách khoa Hà Nội, học Kinh tế ở Đức và Australia, đi qua hơn 50 quốc gia, sách luôn là người bạn đồng hành với anh Trung. Sống nhiều năm ở nước ngoài, anh có cơ hội đến những nhà sách đẹp nhất thế giới, trong đó có nhà sách trong nhà thờ nổi tiếng tại Maastricht, Hà Lan.
Trở về Việt Nam, anh nhận thấy không có nhiều đầu sách tiếng Anh, giá đắt nên nhiều phụ huynh không có điều kiện mua cho con. Vì thế anh quyết tâm mở Mia Bookhouse, giúp trẻ em và người yêu sách có nơi để tiếp cận tri thức miễn phí. Sau 3-4 tháng chuẩn bị và đi thuê địa điểm, anh khai trương cơ sở đầu tiên tháng 1/2020 trên phố Kim Mã; 9 tháng sau mở thêm cơ sở ở phố Ngụy Như Kon Tum.
Mia Bookhouse có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Harry Potter, Kane & Abel, The Alchemist, Kite Runner… Những em bé hơn thì có thể lựa chọn các quyển của nhà xuất bản Usborne. Người yêu khoa học, thích tìm hiểu có thể đọc sách về khoa học, triết học, lịch sử, thiền hoặc sách tự học bằng tiếng Anh như Homo Sapien, The Art of Happiness, The Silk Road, Think & Grow Rich,…
“Nhà sách có gần 1,000 cuốn tiếng Anh và khoảng 1,000 cuốn tiếng Việt, mở cửa sáng thứ bảy, chủ nhật. Hàng tháng tôi vẫn mua thêm 5-10 cuốn từ các nhà sách trong nước”, anh Trung cho biết.
Gia tài sách của anh Trung được tích lũy qua nhiều năm, mua từ các chuyến đi nước ngoài. Để chọn được một cuốn, đặc biệt sách dành cho trẻ, anh Trung thường phải đọc qua để biết nội dung, sau đó xem cách viết có lôi cuốn, cách trình bày bắt mắt không. Sách cho trẻ cần thiết kế bắt mắt, dày dặn để chúng thoải mái lật giở mà không bị rách. Sách cũng không cần nhiều chữ mà minh họa cần ngộ nghĩnh và truyền thông điệp dễ hiểu.
Những cuốn chuyên sâu về nhiếp ảnh, động vật, vũ trụ, kinh tế hay có lượng xuất bản giới hạn thường đắt và khó mua. Anh Trung từng cất công mang cuốn The Hidden Life of Trees từ Thái Lan, hoặc lần anh cất công đến nhà sách lớn nhất châu Á, Kinokuniya, để mua cuốn về lịch sử loài rùa giá khoảng 2 triệu đồng.
Ngoài nhà sách, anh còn có trung tâm tiếng Anh cho trẻ em. Lợi nhuận từ trung tâm giúp anh duy trì hoạt động của nhà sách miễn phí. Anh đang dự định mở rộng nhà sách để nhiều người có cơ hội tiếp cận.
Tham khảo: Tuổi trẻ, Zing, VN Express
Xem thêm:
#84: Không chỉ là truyện tranh, mà còn là ký ức
Là người Việt, bạn có biết ý nghĩa trong tên của mỗi tỉnh, thành phố?
#HọNóiLà: Chuyện ly milo dầm miễn phí nhớ suốt đời
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…