Culture

#LocalZine: Xe đạp – Những chiếc xe chở nặng ký ức ngày xưa

#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?” 

Xe đạp là một trong những phương tiện di chuyển quen thuộc của người Việt. Xe cùng mẹ ra chợ, theo cha đi làm, đưa con đến trường. Biết bao tình yêu học trò đã theo vòng quay bánh xe đạp mà trải qua năm tháng thanh xuân tươi đẹp. Ngày nay đủ loại xe máy xe điện ra đời nên xe đạp bị “thất sủng” vậy thôi, chứ hồi xưa nhà ai có xe đạp là sang lắm chứ chẳng đùa. 

Chiếc xe đạp theo chân người Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ 19, nhưng sức phổ biến của nó trong đời sống người dân Việt chỉ thật sự thể hiện sau đó vài thập niên. Rất khó để nói chính xác ai là người Việt đầu tiên sử dụng xe đạp. Nhưng nếu nói về sở hữu, thì vua Thành Thái được xem là người đầu tiên. Theo các tài liệu cũ, Ngài Ngự hay dùng xe để đi dạo Hoàng thành lúc rảnh rỗi.

Ảnh minh họa Hoàng đế An Nam (tức vua Thành Thái) cùng “xế iu” trên báo L’Illustration số ngày 22/1/1898
Ảnh: hinhanhvietnam

Đến khoảng cuối thế kỷ 19, xe đạp đã bắt đầu xuất hiện nhiều trên đường phố, tuy nhiên chỉ phổ biến với người Pháp và những người Việt làm cho sở Tây. Thời đó nhà giàu thì sắm xe bốn bánh, “thường thường” thì ra phố gọi xe kéo, còn không chỉ có nước cuốc bộ. Dần dà, xe đạp trở nên phổ biến hơn do người ta nhận ra tính tiện ích của nó: đạp xe thì nhanh hơn đi bộ, vừa chở người được vừa chở hàng được, rẻ hơn và không cồng kềnh như xe hơi.

Xe đạp thời mới vào Việt Nam
Ảnh: anhxua

Tuy nhiên, nói rẻ là rẻ hơn xe hơi thôi chứ giá một chiếc xe đạp khi ấy vẫn đắt so với mức sống trung bình. Khoảng cuối thập niên 40, một chiếc xe Peugeot có giá 27 đồng, đắt hơn gần 5 lần giá một tạ gạo. Thế nên ngoài là phương tiện di chuyển, xe đạp còn là công cụ phân biệt giai cấp trong xã hội. Xe mua xong có cả giấy chứng nhận sở hữu, không khác gì ngày nay chúng ta đi đăng ký xe máy hay ôtô.

Một chiếc xe đạp trị giá gần bằng cả gia tài. Nhiều gia đình tích góp để mua một chiếc xe rồi các thành viên trong nhà luân phiên thay nhau dùng.

Xe Peugeot khi đó với mấy cô cậu thanh niên mới lớn là một thứ đồ trang sức siêu sang, chỉ ai “cool” lắm mới sở hữu được. Chàng trai nào cưỡi xe đạp thì tự động… đẹp trai hơn hẳn. Còn cô gái nào được người yêu đem Peugeot đến đón đi chơi thì lập tức “có giá” ngút trời.

Xe Peugeot “cá vàng”, 1 trong 4 bảo bối tán gái ngày xưa: “Một yêu anh có Seiko / Hai yêu anh có Peugeot cá vàng / Ba yêu anh có téc gang / Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô / …”

Đến những năm 80, xe đạp đã trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu của người Thủ đô.

Hà Nội thập niên 60
Ngã tư Bà Triệu – Tràng Tiền (Hà Nội) thập niên 80
Một chiếc xe chở cả nhà (Hà Nội, 1980)
Ảnh: John Ramsden

Còn ở trong Nam, cụ thể là ở Sài Gòn, kể từ thập niên 40 trở đi, người mua xe đạp không phải kê khai lý lịch, không cần mua bảo hiểm. Xe mua rồi cũng không cần đăng ký hay làm biển số. Người ta chỉ cần một tờ giấy mua bán hoặc giấy mua bán viết tay, có chính quyền địa phương thị thực là đủ. Giá cả cũng phù hợp túi tiền hơn. Đến thập niên 50, xe đạp hầu như “thống trị” đường phố Sài Gòn.

Cùng với sự phổ biến của xe đạp thì xích lô cũng xuất hiện và phát triển theo (Sài Gòn, 1948)
Một bãi giữ xe ở Sài Gòn khoảng cuối thập niên 50
Ảnh: Life Magazine

Xe đạp hầu như trở thành đôi chân của con người. Việc di chuyển bằng xe kéo, xe ngựa giảm dần. Nhà giàu hay nghèo ít nhất cũng có một chiếc xe đạp. Người dân mọi giới tính, độ tuổi, ngành nghề… ai cũng biết chạy xe. Đặc biệt, phương tiện này phổ biến trong giới học sinh-sinh viên. Các trường trung học, trường nữ như Marie Curie, trường nam như Taberd, Chasseloup Laubat hầu như học sinh đều dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển đến trường và về nhà.

Hình ảnh một đôi nam nữ trên đường phố Sài Gòn thập niên 50
Ảnh: Life Magazine

Một số nhãn hiệu xe đạp quen thuộc của người Việt Nam

Xe Thống Nhất

Xe đạp Thống Nhất xuất hiện trong ký ức của nhiều người là một sản phẩm vô cùng chất lượng, không thua kém gì xe Peugeot của Pháp. Một chiếc xe Thống Nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam những năm tháng đó.

Xe đạp Thống Nhất trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nhà máy được thành lập năm 1960 thì tới năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Quyết định là vậy nhưng một năm, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.

Xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, là niềm mơ ước của hàng triệu người. Cũng như Peugeot, ai sở hữu một chiếc xe Thống Nhất thì đều đẹp trai xinh gái hẳn ra.

Xe Phượng Hoàng

“Siêu xe” khác không thể không nhắc đến, chính là xe đạp Phượng Hoàng. Thời kỳ trước năm 1980, nếu tính bằng thóc, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng chắc bằng cả một năm thu hoạch nông sản của một gia đình nông dân. Chỉ có ai “trâm anh thế phiệt” lắm mới vi vu Phượng Hoàng trên phố.

Một chiếc xe Phượng Hoàng đời đầu. Mẫu xe Phượng Hoàng hiện nay vẫn được sản xuất tại Trung Quốc, tuy nhiên số lượng xe nhập về Việt Nam rất hạn chế.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, lượng hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam nhỏ giọt, để mua xe Phượng Hoàng không phải là dễ, thậm chí người dân phải bỏ ra vài cây vàng mới có thể mua được chúng. Đến những năm 1990, xe đạp Nhật khuynh đảo thị trường, khiến xe Phượng Hoàng lùi sâu vào dĩ vãng.

Xe mini Nhật

Cùng với Honda Cub và Honda Dream, xe mini Nhật trở thành một phương tiện giao thông mang tính biểu tượng vào những năm 80 – 90 thế kỷ trước và kéo dài cho đến những năm 2000.

Xe đạp mini Nhật thực chất là một mẫu xe nữ do công ty Maruishi sản xuất. Đây là công ty sản xuất xe đạp nổi tiếng trên thế giới với lịch sử phát triển hơn 130 năm. Xuất hiện trên thị trường từ những năm 1950 rồi sau phổ biến ra khắp châu Á, xe mini Nhật còn được gọi với cái tên “xe đạp mama” (xe đạp mẹ chở con).

Vào những năm 90, để mua được một chiếc mini Nhật mới keng đập hộp, khách hàng phải bỏ ra từ 1,5 đến 2 triệu đồng, tương đương với nửa cây vàng thời bấy giờ.

Tới những năm 2000, giá xe máy bắt đầu giảm nên nhiều người bỏ xe đạp sử dụng xe máy đi làm. Xe mini Nhật cũng bị cạnh tranh bởi các dòng xe đạp địa hình, xe đạp cào cào nên thị phần giảm đi nhanh chóng.

Đường phố đông đúc hơn, thời tiết nóng bức hơn, không khí ô nhiễm hơn, biết bao nhiêu lý do khiến xe đạp dần dần”thất sủng” giữa xã hội hiện đại ưa chuộng sự nhanh chóng, tiện lợi. Xe đạp bây giờ trở thành một công cụ thể thao hơn là một phương tiện di chuyển. Ngày nay cần đi đâu, chỉ leo lên xe máy phóng vù một phát là đến nơi, mấy ai còn đủ kiên nhẫn (và đủ thời giờ) guồng chân đạp xe nữa. Xe đạp không còn ở thời hoàng kim, tuy nhiên vẫn còn sống hoài trong ký ức người Việt.

Mi Nguyen

Recent Posts

Đối với founder Gạo Nâu, người mới sẽ luôn có “miếng bánh” của mình trong ngành nhiếp ảnh

Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…

21 giờ ago

#Thoáng: Có 2 loại ham muốn tình dục. Bạn thuộc sắc thái nào?

Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…

1 ngày ago

Nét hội hoạ trừu tượng trong triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của hoạ sĩ Trần Vĩnh Thịnh

"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…

3 ngày ago

Đàn ông và phụ nữ, ai sẽ là người vượt qua nỗi đau chia tay nhanh hơn?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…

3 ngày ago

7 kiểu người khó ưa, ai ở gần cũng mệt mỏi

Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…

5 ngày ago

8 tính năng cải thiện hiệu suất trên iPhone mà bạn nên dùng

Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…

6 ngày ago