Nội dung thi đấu tại Olympic Paris 2024 gồm 32 môn thể thao với tổng số 329 nội dung thi đấu khác nhau, ít hơn kỳ Olympic trước đó là Olympic Tokyo 2020 với 339 nội dung thi. Các cuộc thi được lên kế hoạch diễn ra tại Paris, Pháp và Tahiti, đảo lớn nhất của Polynesia thuộc Pháp.
Các sự kiện bao gồm đua ngựa tại Lâu đài Versailles, bóng chuyền bãi biển trước tháp Eiffel và đấu kiếm tại Grand Palais. Dự kiến sẽ có hàng triệu khán giả tham dự. Chính lễ khai mạc cũng đang tạo nên lịch sử Olympic. Lần đầu tiên, lễ khai mạc dự kiến sẽ diễn ra bên ngoài sân vận động. Một đoàn diễu hành các vận động viên sẽ đi thuyền trên sông Seine, con sông chảy qua nhiều khu phố của Paris.
Ngoài không khí của những cuộc thi, những vận động viên tài năng, bảng xếp hạng các quốc gia sở hữu nhiều huy chương… thì Olympic Paris 2024 còn nhận được sự quan tâm từ những sự kiện hài hước ngoài lề như: video về lễ khai mạc bị xoá, nhầm lẫn tên các quốc gia, cho đến chất lượng nước trong các bộ môn bơi lội bị nói là ô nhiễm….
Cứ bốn năm một lần, ngọn đuốc Olympic lịch sử được thắp sáng tại thành phố Olympia, Hy Lạp – nơi khai sinh Thế vận hội, và được trao cho một đội tại Athens, nơi bắt đầu hành trình của mình và đi khắp quốc gia đăng cai Thế vận hội.
Mục đích tượng trưng của ngọn lửa tại Olympic Paris 2024 là để tưởng nhớ những người đã tạo nên lịch sử nước Pháp, tôn vinh di sản thiên nhiên của đất nước, thể hiện sự sáng tạo và kiến thức tổ tiên của Pháp và chứng minh sức sống của thể thao và điền kinh địa phương. Sau khi đến Marseille vào ngày 8 tháng 5, ngọn đuốc đã được truyền qua các tỉnh phía nam và phía tây nước Pháp trước khi đi đến các lãnh thổ của Pháp trên toàn thế giới và quay trở lại Nice vào ngày 18 tháng 6.
Sau đó, ngọn đuốc đã đến thăm các vùng còn lại ở phía đông và giữa nước Pháp. Vào ngày 14 tháng 7, chuyến đi đến Paris, khởi động Đường chạy rước đuốc Olympic chính thức quanh thành phố. Tiếp tục đi qua các tỉnh khác của nước Pháp, ngọn đuốc cuối cùng quay trở lại điểm đến cuối cùng của mình ở Paris vào ngày 26 tháng 7 để khởi động Lễ khai mạc.
Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè, Lễ khai mạc sẽ không được tổ chức tại một sân vận động. Thay vào đó, Olympic Paris lần này sẽ khởi động lễ hội bằng một cuộc diễu hành bằng thuyền dọc theo sông Seine vào ngày 26 tháng 7.
Cây cầu Austerlitz kế bên Vườn bách thảo Paris (Jardin des Plantes) sẽ là điểm khởi hành của lễ khai mạc. 10.500 vận động viên, huấn luyện viên, lãnh đạo và nhân viên sẽ đi từ Cầu Austerlitz. Sau đó, trải qua hành trình khoảng 6km qua những điểm nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà Paris, Bảo tàng Louvre cũng như một số nhà thi đấu dùng cho Olympic như Esplanade des Invalides, Grand Palais. Sẽ kết thúc tại Cầu Iéna trước Tháp Eiffel tại Trocadéro.
Olympic Paris 2024 đánh dấu kỷ niệm 100 năm kể từ khi Pháp tổ chức một sự kiện thể thao đặc biệt mang tính lịch sử. Lần đầu tiên Thế vận hội được tổ chức tại đây là vào năm 1900, trùng với Triển lãm toàn cầu năm đó. Sau Chamonix 1924, Thế vận hội Mùa Đông được tổ chức lại ở Pháp vào năm 1968 tại Grenoble và năm 1992 tại Albertville. Olympic Paris lần này sẽ là lần thứ ba Thế vận hội Mùa Hè trở lại Paris.
Bên cạnh các môn thể thao truyền thống, Olympic Paris 2024 cũng chào đón sự xuất hiện của một số môn thể thao mới như breakdance, lướt sóng. Điều này không chỉ làm tăng sự đa dạng của kỳ Thế vận hội mà còn thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Breaking (hay Breakdance) có nguồn gốc từ Hoa Kỳ vào những năm 1970. Sau thành công vang dội với tư cách là môn thể thao biểu diễn tại Thế vận hội Olympic trẻ ở Buenos Aires năm 2018, Ủy ban Olympic đã chính thức đưa môn thể thao này vào trong nội dung tranh tài tại Thế vận hội Paris.
Cuộc thi sẽ được tổ chức tại Place de la Concorde, ngay bên ngoài Vườn Tuileries. Bao gồm hai nội dung – một dành cho nam và một dành cho nữ – 16 “B-Boys” và 16 “B-Girls” sẽ đối đầu (có thể là trên đầu) trong các trận chiến solo để giành huy chương vàng. Breaking sẽ gia nhập danh sách các môn thể thao mới được giới thiệu tại Tokyo vào năm 2020, bao gồm trượt ván, leo núi thể thao và lướt sóng.
Công ty Mondo của Ý sẽ cung cấp cho Thế vận hội Paris mùa hè này một đường đua màu tím tùy chỉnh, được chia thành hai màu đậm và nhạt. Màu tím nhạt dùng cho các nội dung điền kinh, khu vực thi đấu nhảy và ném; màu tím đậm là dùng cho các khu vực kỹ thuật khác ngoài đường đua.
Nhà sản xuất cho biết loại đường chạy này sẽ giúp các vận động viên thi đấu tốt hơn và thân thiện với môi trường hơn so với các đường chạy của Thế vận hội Olympic trước đây:“Màu sắc này làm giảm sự mất mát năng lượng cho các vận động viên và gửi năng lượng trở lại cho họ ở điểm vận động tốt nhất có thể. Hai sắc thái của màu tím cho phép độ tương phản tối đa khi chụp ảnh, ghi hình và nó sẽ làm nổi bật các vận động viên hơn.”
Sông Seine sẽ là nơi tổ chức nội dung bơi marathon và phần bơi của môn ba môn phối hợp tại Thế vận hội năm nay. Mặc dù từ năm 1923 đến gần đây, việc bơi lội đã bị cấm ở sông Seine do các vấn đề về chất lượng nước, và trong nhiều thập kỷ, sông đã quá độc hại đối với hầu hết các loài cá. Tuy nhiên ban tổ chức Olympic Paris đã nhiều lần đảm bảo với các vận động viên rằng nước sẽ đủ sạch để bơi trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Phryge – linh vật chính thức của Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024. Chúng được lấy cảm hứng từ những chiếc mũ Phrygian truyền thống, biểu tượng cuộc cách mạng Pháp. Các nhà tổ chức Olympic cho biết tên và thiết kế được chọn là biểu tượng của tự do và đại diện cho những nhân vật ẩn dụ của nước Pháp.
Gần đây, Phryge đã trở thành sản phẩm dưới dạng thú bông đang phổ biến đối với khách du lịch và cả người dân của nước chủ nhà. Có hai phiên bản Phryges đã được công bố, trong đó một bản dành cho Olympic và một bản dành cho Paralympics.
Năm nay, huy chương Olympic sẽ bao gồm một phần đặc biệt của lịch sử Paris. Thanh sắt từ tháp Eiffel đã được tạo thành hình lục giác – hình dạng hình học của nước Pháp.
Mỗi chiếc huy chương đều chứa đựng một phần nhỏ của Tháp Eiffel, kết hợp hài hòa với những đường nét hiện đại, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy ý nghĩa. Điều này không chỉ tôn vinh di sản văn hóa của nước Pháp mà còn thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong thiết kế.
Paris 2024 sẽ là kỳ Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử đạt được sự cân bằng về mặt giới tính trên sân thi đấu, với số lượng vận động viên nam và nữ tham gia sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này là ngang nhau. Trong số 10.500 vận động viên tham gia Thế vận hội, sẽ có 5.250 nam và 5.250 nữ.
Trong khi Paris là thành phố chủ nhà chính, các sự kiện sẽ được tổ chức tại 16 thành phố khác trên khắp nước Pháp. Tuy nhiên, cuộc thi lướt sóng sẽ là cuộc thi độc đáo nhất – diễn ra tại vùng lãnh thổ Tahiti của Pháp, trên con sóng Teahupo’o huyền thoại của Thái Bình Dương.
Nằm cách Paris 15.000km (9.320 dặm), địa điểm lướt sóng này sẽ phá vỡ kỷ lục về cuộc thi tranh huy chương xa nhất được tổ chức bên ngoài thành phố đăng cai Olympic. Nhưng những người tham gia sẽ vui vẻ bay nửa vòng trái đất để đắm mình vào một trong những con sóng ngoạn mục nhất hành tinh.
Video chính thức về lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã bị xóa khỏi tài khoản YouTube của Thế vận hội khi phản ứng dữ dội của người xem ngày càng tăng. Điều này được cho là vì phần trình diễn ở tiết mục drag show được lấy cảm hứng từ bức tranh mang tính biểu tượng của Leonardo da Vinci The Last Supper nhận về rất nhiều sự tranh cãi.
Đặc biệt những người theo đạo Cơ đốc cho rằng phân đoạn này đang cố tình chế nhạo đức tin của họ bằng những hình ảnh kệch cỡm, với hình ảnh một người đàn ông gần như khỏa thân được sơn màu xanh từ đầu đến chân được “phục vụ” trên một chiếc bánh, sau lưng là 17 vũ công, bao gồm trẻ em nhảy múa phản cảm. Cựu Tổng thống Donald Trump cũng gọi cảnh tượng này là “một sự ô nhục”.
C Spire, một công ty công nghệ và viễn thông có trụ sở tại Ridgeland, Mississippi là một trong những nhà tài trợ lớn của Olympic Paris 2024 cũng đã rất sốc khi chứng kiến đoạn video gây tranh cãi từ lễ khai mạc ngay sau đó đã quyết định rút khỏi việc tài trợ cho Thế vận hội.
“C Spire ủng hộ các vận động viên, những người đã làm việc chăm chỉ để trở thành một phần của Thế vận hội. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tham gia vào những lời chế nhạo xúc phạm và không thể chấp nhận được về Last Supper, đó là lý do tại sao chúng tôi rút quảng cáo khỏi Thế vận hội.”
Các nhà tổ chức Olympic Paris 2024 đã “xin lỗi sâu sắc” tới Hàn Quốc và 143 vận động viên nước này khi họ bị giới thiệu sai là người Triều Tiên tại lễ khai mạc trên dòng sông Seine. Cả thông báo bằng tiếng Pháp và tiếng Anh đều xác định sai Hàn Quốc thành Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Cổ động viên quốc tế cười cợt vì cho rằng Pháp đang cố tình trả đũa Hàn Quốc vì Thế vận hội mùa đông Pyeongchang năm 2018, Hàn Quốc cũng nhầm lẫn Quốc kỳ của Pháp thành Quốc kỳ của Nga.
Tuy nhiên có vẻ điều này đến từ khâu tổ chức của Olympic Paris 2024 hơn là ý định trả đũa vì sau đó Olympic Paris 2024 cũng sai sót khi VĐV Argentina bước ra thi đấu với hình ảnh lá cờ Trung Quốc sau lưng, loạt bảng tổng kết huy chương bị nhầm lẫn tên các quốc gia và thậm chí lá cờ Olympic trong lễ khai mạc cũng bị treo ngược…
Mặc dù Paris đã chi 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD) để cải thiện chất lượng nước ở sông Seine cho phần thi bơi ba môn phối hợp và sự kiện bơi marathon tại Olympic Paris 2024. Nhưng những lo ngại về độ sạch của sông nổi tiếng chạy qua trung tâm thành phố đã khiến cuộc thi ba môn phối hợp nam phải hoãn lại vì mưa thường khiến mức độ vi khuẩn ở sông Seine tăng cao. Thậm chí ngay cả thị trưởng Pháp, Paris Anne Hidalgo cũng tự mình bơi qua sông để chứng minh mức độ an toàn cho các VĐV.
Dù vậy một số những hình ảnh các VĐV nôn mửa nhanh chóng được mọi người truyền tải với tốc độ chóng mặt, cho rằng đâu là hậu quả khi bơi qua dòng sông ô nhiễm. Tuy nhiên điều này không đúng vì hầu hết rất nhiều trường hợp các VĐV trải qua tình trạng thi đấu xong nôn mửa là rất bình thường vì cơ thể họ hoạt động với cường độ cao trong một thời gian dài.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…