Thebe Magugu là nhà thiết kế thời trang gốc Phi đầu tiên chiến thắng giải thưởng thiết kế danh giá LVMH Prize for Young Fashion Designers (Giải thưởng LVMH dành cho các Nhà Thiết kế Thời trang trẻ tuổi). Ngày bé, khi gia đình vừa có truyền hình vệ tinh, thứ đầu tiên Magugu được xem chính là BST những chiếc váy satin màu đá quý của Louis Vuitton trên kênh FashionTV. Bộ sưu tập này được thực hiện bởi nhà thiết kế Marc Jacobs. Anh cho hay, “Lúc đó, tôi biết mình muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang.”
Mẹ Magugu ủng hộ quyết định của con bằng mọi giá, nhưng tình hình tài chính của gia đình không cho phép anh đi học tại các trường như Central Saint Martins hay Parsons. Vậy nên Magugu quyết định chuyển đến Johannesburg, đăng ký vào ngành thời trang tại LISOF. Sau một quãng thời gian làm việc tại bộ phận thời trang ở Woolworths – thương hiệu bán lẻ lớn nhất nước – anh quyết định tự thành lập thương hiệu của riêng mình. “Tôi không có đủ tiền để trả tiền thuê nhà, và gần như không thể làm mọi thứ. Nhưng tôi biết mình hạnh phúc khi được thiết kế thời trang.”
Niềm hạnh phúc và đam mê ấy đã giúp anh phát triển thương hiệu của mình – với phần lớn BST mang đậm dấu ấn lịch sử Nam Phi cũng như những nghi lễ gắn liền với di sản bộ tộc của anh. Năm 2017, Magugu được Tuần lễ Thời trang Nam Phi“phát hiện” và giành một suất trình diễn trong sự kiện với sự tài trợ đầy hào phóng đến từ chính Woolworths. Sang 2019, anh tiếp tục chiến thắng tại International Fashion Showcase – chương trình cố vấn cho các nhà thiết kế trẻ toàn cầu và cho họ cơ hội trình diễn tại Tuần lễ Thời trang London.
Vào tháng 9 vừa qua, Magugu đã quay lại studio làm việc và chuẩn bị ra mắt trang thương mại điện tử của mình.
Emma Chopova và Laure Lowena, 29 tuổi, đều có những phong cách thiết kế vô cùng đặc biệt. Thông thường, họ lấy cảm hứng từ các bộ quần áo truyền thống và phối chúng với trang phục của một môn thể thể thao bất kỳ. Ý tưởng này bắt nguồn vào năm 2017 khi họ sử dụng tạp dề tartan – một loại tạp dề truyền thống của người Bulgaria và kết hợp với thời trang leo núi của những năm 1980. Bộ sưu tập này được nhà bán lẻ online MatchesFashion để mắt tới, và nhanh chóng bán hết chỉ trong một ngày.
Trong những chuyến về thăm Bulgaria, Chopova bị ấn tượng bởi các bộ trang phục của quê hương. Cô kể lại, “Hàng năm, chúng tôi sẽ đến các cửa hàng đồ cổ chỉ để mua những chiếc tạp dề vintage này mà thôi.”
Cặp đôi này cùng ra mắt thương hiệu ngay khi mới tốt nghiệp, với nguồn vốn được lấy từ các giải thưởng thiết kế mà mình đã tham gia (H&M, Samsung, L’Oréal, OTB). Mặc dù vòng cuối của Giải thưởng LVMH 2020 bị hoãn lại do dịch bệnh, số tiền thưởng nhận được (300,000 euro chia cho top 8) vẫn giúp họ phát triển BST Xuân-Hè 2021. Cảm hứng của bộ sưu tập này là thời trang Romania và môn trượt patin đối kháng. “Chúng tôi rất thích quần áo của người Romania, vì chúng vừa cổ điển nhưng vẫn hiện đại: mạnh mẽ, với âm hưởng phương Tây và lại còn mang tính secondhand.” Chopova nói thêm, “Và môn trượt patin đối kháng thì lại mang đậm tính nữ. Kết hợp với nhau thật quá tuyệt vời.”
Một trung tâm tái chế thường không phải nơi để ta tìm kiếm cảm hứng thời trang, nhưng với Priya Ahluwalia, 27 tuổi, chuyến đi đến Panipat, Ấn Độ – một thành phố nổi tiếng với việc sản xuất sợi từ quần áo bỏ đi – đã tạo dấu mốc cho thương hiệu thời trang nam của cô. “Khi thấy chúng ta đã bỏ đi quá nhiều quần áo mỗi năm, tôi biết rằng con người phải chú tâm vào việc sử dụng các nguyên liệu và quần áo tái chế hơn nữa.”
Ahluwalia có bằng đại học thời trang tại Đại học Westminster. Cô tập trung vào thời trang nam bởi lẽ, “đàn ông luôn mặc đi mặc lại một kiểu thời trang suốt 50 năm qua. Tôi thích ý tưởng đẩy xa giới hạn của họ và giúp họ thử nghiệm những phong cách thời trang mới.”
Thương hiệu thời trang của cô – cũng mang cái tên Ahluwalia – đã thành công trong việc truyền đạt thông điệp của mình. Bằng việc tái thiết kế các sản phẩm thể thao – trang phục thường được đàn ông sử dụng – cô đã đưa những chi tiết chắp vá, cùng hoa văn lấy cảm hứng từ Châu Phi, Nam Á lên một tầm cao mới. Mong muốn của Ahluwalia là giúp thị trường thời trang nam phát triển hơn. “Ý tưởng về thời trang của tôi hoàn toàn khác với suy nghĩ của người châu Âu. Ở đây, đàn ông thường mặc trang phục đơn giản hơn nam giới ở Ấn Độ hay Nigeria. Vậy nên khi lên kế hoạch thiết kế, tôi sử dụng mọi loại màu sắc có thể. Điều này chưa từng xảy ra ở Anh, nhưng tôi đang cố gắng hiện thực hóa nó. Thực sự đấy, người Anh cần làm cho mọi thứ tươi sáng lên.”
Theo W Magazine
Xem phần 1 tại đây
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…