2020 là một năm kỳ lạ, đầy khó khăn vất vả, nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc khiến lòng người nở hoa. Cùng The Millennials điểm lại những câu chuyện ấm lòng trong năm nay nhé.
Chiến thắng của Parasite tại Oscar 2020 là tin vui không chỉ của riêng ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc mà còn cho cả châu Á. Tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho đã trở thành bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên đoạt giải Phim xuất sắc nhất và phim châu Á đầu tiên chiến thắng hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Bản thân Bong Joon-ho cũng đem về tượng vàng Oscar cho giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất – trở thành đạo diễn gốc Á thứ hai sau Lý An nhận vinh dự này.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác hại không nhỏ đến đời sống con người. Tuy nhiên, vô tình điều này lại đem đến những tác động tích cực cho môi trường tự nhiên. Cả thế giới “ở nhà”, các hoạt động sinh hoạt và sản xuất giảm xuống đáng kể. Chất lượng không khí được cải thiện tại nhiều thành phố lớn trên thế giới vốn trước giờ chịu cảnh khói bụi ô nhiễm.
Những con đường vắng người và xe cộ bỗng chốc thành “sân chơi” của động vật khắp nơi trên thế giới. Tâm lý căng như dây đàn thời gian đầu phong tỏa nhanh chóng dịu lại với những hình ảnh vô cùng đáng yêu thế này đây:
Nhưng tất nhiên không phải nuôi trên máy chơi thú ảo cầm tay chục năm về trước nữa. Tựa game Animal Crossing: New Horizons của Nintendo vừa ra mắt vào tháng 3 đã lập tức tạo nên cơn sốt, đặc biệt với đối tượng người dùng thế hệ millennials.
Mọi người mê mẩn Animal Crossing vì đây không chỉ là ứng dụng giải trí đơn thuần, mà nó còn mở ra một “thế giới ảo” – nơi những tâm hồn cô đơn và thiếu thốn giao tiếp xã hội vì cách ly có thể tương tác với nhau và thực hiện các hoạt động hệt như trong một xã hội thực thụ.
Theo nhận xét từ chuyên gia, các tựa game như Animal Crossing đã làm tốt vai trò “đánh lạc hướng” chúng ta khỏi những căng thẳng và lo lắng đời thực. Không những thế, nó còn cho chúng ta cơ hội để tạo ra trải nghiệm với người thân và bạn bè trong tình trạng phong tỏa do dịch bệnh.
Nếu có dịp đi ngang Khải Hoàn Môn Arc de Triomf tại Barcelona vào dịp cuối tuần, có thể bạn sẽ bắt gặp hình ảnh này:
Người trong ảnh là Adrià Ballester – anh chàng nhân viên sale thiết bị máy tính 26 tuổi người Barcelona – với “công việc” trò chuyện cùng người lạ. Ý tưởng này đến với Ballester vào khoảng 3 năm trước. Ballester đã có một ngày hết sức tồi tệ, và trong lúc đang thả bước dạo quanh để giải tỏa đầu óc, một người lạ đã đến chào hỏi và trò chuyện cùng anh. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này lập tức đã “nâng mood” của Ballester.
Nhận ra điều kỳ diệu khi được lắng nghe, Ballester quyết định làm việc tương tự. Anh cung cấp cho mọi người những cuộc trò chuyện miễn phí – nơi họ có thể thoải mái nói về bất cứ điều gì họ thích.
“Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta không gặp vấn đề gì khi muốn gửi tin nhắn cho một người bạn cách xa cả châu lục, nhưng lại rất khó khăn để bắt chuyện với những người sống ngay cạnh nhà.” Với chiến dịch Free Conversations, Ballester mong muốn cho mọi người một cơ hội để được lắng nghe, đồng thời giúp họ nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật trò chuyện.
“Đôi lúc tôi cảm giác mình như chuyên viên tư vấn tâm lý vậy,” Ballester chia sẻ. “Có những câu chuyện vui vẻ, tích cực, nhưng cũng có những câu chuyện đau lòng. Nhiều người đã tâm sự về những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời họ. Thậm chí, lần nọ có một người phụ nữ Lithuania kể tôi nghe về quãng thời gian bà ấy ở trong trại tập trung tại Nga. Bà ấy đã 70 tuổi rồi.”
Trong tình hình dịch bệnh năm nay, Ballester đã chuyển sang hình thức trò chuyện trực tuyến. Anh tạo trang randompenpals.com, với phần mô tả rằng “Chỉ chưa đến 10 giây là bạn đã tìm được cho mình một người bạn tâm tình lúc cách ly vì dịch.” Ngoài ra, Ballester còn có ý định phát triển ý tưởng này tại các thành phố lớn khác trên thế giới.
Với 1.864 cá thể hoang dã còn tồn tại, gấu trúc là loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên trong tương lai gần (phân loại sách đỏ Sẽ nguy cấp – Vulnerable). Gấu trúc đáp ứng khá tốt với môi trường nuôi nhốt tại sở thú và các khu bảo tồn. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với con người quá nhiều khiến một số chú gấu chẳng thèm… giao phối nữa.
Suốt 10 năm qua, các nhân viên tại Ocean Park (Hồng Kông) đã làm mọi cách để “dụ” nàng gấu Ying Ying và chàng gấu Le Le giao phối với nhau nhưng đều không thành công. Bất ngờ vào khoảng tháng Tư – 3 tháng sau khi sở thú đóng cửa vì dịch bệnh – cả hai đã chịu đến với nhau. Khoảnh khắc thân mật lịch sử đã được ghi lại trên video. Vào tháng 7, các nhân viên Ocean Park vô cùng vui mừng khi phát hiện nàng Ying Ying đã có biểu hiện mang thai.
Năm 2018, cá voi sát thủ Tahlequah (số hiệu J35) thành công sinh hạ một đứa con. Việc này không chỉ là tin vui cho đàn mà còn có ý nghĩa bảo tồn, vì đã rất lâu mới có một con cá voi sát thủ ra đời kể từ 2015.
Thế nhưng, cá voi con chỉ sống được khoảng 1,5h sau khi chào đời. J35 khi ấy không rời cá con đã chết, dùng mũi liên tục đẩy con theo đàn suốt 17 ngày qua quãng đường gần 1.600km.
Trong khi ấy, giới khoa học bắt đầu lo ngại. Mặc dù hành vi này không phải hiếm gặp, đặc biệt với những loài vật thông minh như cá voi sát thủ, nhưng đây là quãng thời gian “để tang” dài nhất từng được ghi nhận. Người ta lo lắng J35 rồi sẽ kiệt sức vì không thể săn đủ mồi mỗi ngày.
Tuy nhiên, vào tháng Chín vừa qua, bà mẹ đau buồn năm nào đã lại thành công sinh ra một em bé vô cùng khỏe mạnh – J57.
Vào tháng 10, giải Nobel Hòa bình 2020 đã được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP – World Food Programme) vì những nỗ lực của tổ chức này trong việc chống lại nạn đói, tạo điều kiện thúc đẩy hòa bình tại các khu vực xung đột, đồng thời ngăn chặn việc đem nạn đói ra làm yếu tố đe dọa trong chiến tranh.
WFP được thành lập vào năm 1962. ⅔ công việc của WFP diễn ra ở các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi người dân có nguy cơ thiếu dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với các nơi khác. Trong năm 2019, WFP đã huy động được 8 tỉ USD, hỗ trợ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia. Năm 2020 tiếp tục là một năm hoạt động không mệt mỏi của WFP khi đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu cần hỗ trợ lương thực gia tăng.
Đây là lần thứ 25 giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức thay vì một cá nhân. Bà Reiss-Andersen – Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, ngay cả khi không có dịch bệnh thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải thưởng vì những đóng góp to lớn của họ.
Vẫn chưa có quốc gia nào hoàn toàn đạt được bình đẳng giới nhưng ít ra phong trào này đã có những tiến triển rõ rệt năm qua.
Trong đó, có thể nhắc đến Đức với chiến dịch Strong for the Future nhằm mục đích giảm chênh lệch lương theo giới, thu hút nhiều nhân sự nữ giới tham gia vào vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp, các tổ chức dân sự và trên chính trường.
Trong khi đó, theo báo cáo được công bố vào tháng 10 của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women), tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội đã tăng gấp đôi trên toàn cầu, đạt 25% số ghế trong Quốc hội vào năm 2020.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 20 quốc gia mà người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ là phụ nữ.
Ngoài ra, các công bố của UN về sức khỏe phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, cũng cho thấy những cải thiện đáng kể. Nguy cơ tử vong mẹ (maternal death) đã giảm 38% trên toàn cầu trong khoảng thời gian 2000 – 2017, trong đó Nam Á là khu vực giảm nhiều nhất (59%).
Ghana, Indonesia, và Việt Nam là 3 trong số những quốc gia đang đẩy mạnh hoạt động xử lý rác thải nhựa. Cả 3 là thành viên của Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa (Global Plastics Action Partnership) – một chương trình thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.
Vào tháng Chín vừa qua, tại Hội nghị lần IV về Tác động Phát triển Bền vững của WEF, 3 nước nói trên đã cam kết giảm thiểu tiêu thụ nhựa trong thời gian tới.
Cụ thể, Indonesia cam kết đến 2025 sẽ giảm 70% mảnh vụn nhựa trong đại dương. Ghana cam kết sẽ giữ 100% nhựa trong vòng kinh tế tuần hoàn – nơi các sản phẩm nhựa được sử dụng, tái chế trong một vòng lặp khép kín, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Việt Nam cam kết cắt giảm 75% lượng rác thải nhựa đại dương cho đến năm 2030.
Ngày 16/6, đoạn video trích xuất từ camera an ninh của một gia đình tại xã Long An, huyện Long Thành ghi lại hình ảnh một cậu bé mặc đồng phục học sinh, lưng đeo ba lô, đạp xe đi trong cơn mưa chiều. Đến miệng cống, em dừng lại, dùng tay móc sạch rác rưởi, bùn đất đang lấp miệng cống để nước mưa có chỗ thoát, không ngập úng trên đường.
Cậu bé ấy là Phạm Trọng Đạt, hiện đang học tại trường THCS Long An. Khi biết mình trở thành “hiện tượng mạng” nhận vô số lời khen ngợi cho hành động đẹp đó, Đạt hồn nhiên cho biết, “Chiều hôm đó em móc được khoảng 10 cái miệng cống đầy rác. Em tiện tay làm sạch thôi. Trước đây, mỗi khi trời mưa mà thấy miệng cống nào bị tắc, em cũng thường dừng lại và làm như vậy.”
Ròm là tác phẩm đầu tay được thực hiện trong 8 năm của đạo diễn Trần Thanh Huy, xoay quanh cuộc sống mưu sinh của thằng nhóc cò đề trong một khu ổ chuột.
Phim đã nhận nhiều giải thưởng uy tín quốc tế tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), Liên hoan phim Fantasia (Canada). Tuy lận đận trong khâu sản xuất và phát hành tại quê nhà, 5 lần 7 lượt phải hoãn công chiếu do dịch bệnh, nhưng Ròm vẫn gây sự tò mò của khán giả Việt.
Sức hút của phim được chứng minh khi trước ngày công chiếu 25/9, phim đã đạt mức 16.000 vé bán ra chỉ sau 4 ngày, phá kỷ lục 10.000 vé cho suất chiếu sớm của Peninsula trước đó. Sau 3 ngày công chiếu, Ròm thu về 30 tỷ đồng, trở thành bộ phim có doanh thu mở màn cao nhất 2020. Con số này tiếp tục tăng lên thành 55 tỷ sau 10 ngày.
Những thành tích này là điều không phải phim độc lập Việt nào cũng có thể làm được. Thành công của Ròm là sự cổ vũ to lớn cho thị trường phim độc lập Việt nói riêng và điện ảnh Việt nói chung, đặc biệt trong tình hình nền công nghiệp này đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Mới đây, tại hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19 do Cục Điện ảnh tổ chức, các nhà rạp đã quyết tâm cùng ưu tiên phim Việt về số suất chiếu, tăng tỉ lệ ăn chia lên cao hơn và tăng cường quảng bá đến khán giả.
Cuối tháng Mười, trước thông tin bão số 8 sắp vào đất liền, chính quyền thành phố Hội An đã kêu gọi người dân đắp đê bảo vệ bờ biển. Trong đoàn người hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngoài dân địa phương, còn có những gương mặt hết sức lạ lẫm.
Hội An hiện có khoảng 1.200 người nước ngoài sinh sống và làm việc, trong số này có 300 gia đình chọn phố cổ làm nơi sinh sống lâu dài. Trước lời kêu gọi bảo vệ biển, họ đã không ngại tự nguyện góp công, cùng người dân địa phương xúc cát, đóng bao, đẩy xe rùa đắp đê bao ngăn sóng từ sáng đến tối.
Một tình nguyện viên người Úc cho biết, “Nếu không ra đây làm, chúng tôi cũng đi loanh quanh đâu đó tham quan, uống cà phê. Nhưng có lẽ việc đó sẽ không vui và không ý nghĩa bằng việc đắp đê ngăn sóng ở bờ biển như thế này.”
Một tình nguyện viên người Pháp khác chia sẻ, “2 năm qua, những ngày nắng ấm, tôi và bạn bè tôi đều xuống biển bơi. Bờ biển bị sạt lở, tôi sẽ không được bơi ở biển nữa. Tôi phải có trách nhiệm bảo vệ bãi biển này cùng với các bạn.”
Các bức ảnh giành giải thưởng trong Kiên cường Việt Nam – cuộc thi ảnh về những khoảnh khắc đáng nhớ của đất nước trong cuộc chiến chống đại dịch đã được trình chiếu trên màn hình lớn tại Quảng trường Thời đại ở Mỹ.
Cuộc thi này được tổ chức bởi Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) như một cách dùng nhiếp ảnh để kể và góp phần lan tỏa câu chuyện Việt Nam chống dịch với sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Ngủ ngon nhé con yêu, có ta ở đây rồi – Giải Nhất hạng mục ảnh chụp chuyên nghiệp của phóng viên TTXVN Lưu Trọng Đạt
Ảnh chụp ngày 19/6/2020 tại điểm tiếp đón công dân từ nước ngoài về nước thực hiện cách ly theo dõi COVID-19 thuộc Trung đoàn 814 – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình.
Ranh giới mong manh – Giải Nhất hạng mục ảnh chụp bằng điện thoại.
Trong ảnh là bé Gia Huy, đang phải chịu cách ly với gia đình do đại dịch.
Khoảnh khắc ra đời trong mùa dịch
Ảnh được chụp tại bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19 xuất hiện.
Bên cạnh các bức ảnh đạt giải còn là những hình ảnh mà chúng ta đã quen thuộc trong năm 2020, mặc dù không gắn liền với những kỷ niệm đẹp, nhưng chúng gợi nhắc một quãng thời gian đáng nhớ khi cả nước chung lòng vượt qua những thời điểm khó khăn của 2020.
(Ảnh: Vietnam Plus)
Những ngày cuối năm 2020, mọi người bàng hoàng khi biết tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời. Tang lễ của cố nghệ sĩ rất đông người đến viếng, từ bạn bè, đồng nghiệp, đến khán giả. Dưới làn mưa lất phất cuối năm của Sài Gòn, hàng nghìn người đã chạy nối theo chiếc xe chở linh cữu nghệ sĩ Chí Tài ra sân bay để chú về bên cạnh gia đình ở Mỹ.
Mặc dù câu chuyện cuối cùng này buồn nhiều hơn vui, nhưng The Millennials muốn dùng nó thay cho kết bài. Bạn thấy đó, 2020 nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, cả năm chỉ một màu xám u ám. Thế nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện dễ thương, những khoảnh khắc yên bình, những niềm vui dù nhỏ nhoi nhưng cũng đủ để thắp sáng một ngày buồn bã. Bức ảnh này cũng thế, dù buồn nhưng lại thật đẹp.
2020 sắp kết thúc, chúng ta đã có thể chính thức khép lại hành trình xám xịt đầy khó khăn vất vả để cùng nhau chờ đón một năm mới rực rỡ sắc vàng của hy vọng và niềm vui.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…