Lifestyle

#Nghĩ: Phản ứng khác biệt của những tính cách khác nhau trước đại dịch

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 đã gây ra hơn 3,9 triệu cái chết trên toàn thế giới. Nhiều ngành nghề và nền kinh tế lớn đang và sẽ lâm vào tình trạng suy sụp. Trên phương diện cá nhân, con người phải đối mặt với những thách thức không hề đơn giản – vừa cố gắng duy trì giãn cách / cách ly theo đúng tinh thần trách nhiệm vừa giữ cho mình không rơi vào trạng thái bị cô lập về tinh thần.  

Ừ thì… ít nhất chúng ta cũng không đơn độc trong cuộc chiến này, còn nhiều người nữa cũng đang cùng hội cùng thuyền với ta, đúng không nhỉ?

Sự thật thì không phải tất cả chúng ta đều ngồi trên cùng một chiếc thuyền đâu. Phong tỏa / cách ly do dịch bệnh là chuyện gây ảnh hưởng, thế nhưng chúng ta đã quên mất sự khác biệt trong tính cách sẽ khiến mỗi người có một cách nhìn nhận và phản ứng khác nhau trước thay đổi lịch sử này.

Ảnh: Creative Market

Người thiên hướng ngoại và thiên hướng nội

Lấy anh A làm ví dụ nào. Sau 2 ngày làm việc tại nhà, A vô cùng háo hức chờ đến thứ 6 để được thử một buổi ‘chill online’ với đồng nghiệp qua Zoom. Nhưng A nhanh chóng thất vọng, vì ngồi trước laptop uống bia tất nhiên không thể nào giống với ra quán kề vai bá cổ bạn bè. 

A tự hỏi không biết mình sẽ phải làm gì nếu tình trạng này kéo dài, đặc biệt là trong trường hợp làm việc tại nhà có khả năng sẽ trở thành một xu thế mới trong thế giới hậu đại dịch. Tối đến, A gọi cho ông bạn thân B, than rằng, “Có khi chưa chết vì virus tớ đã chết vì bị ‘nhốt’ rồi!”

Dù thân thiết nhưng B dường như không thể hiểu được tâm trạng hay lý do nào khiến A lại lo lắng quá mức về việc ở nhà. B chẳng thấy chuyện đó có gì nghiêm trọng. Ngược lại, cậu còn thấy vô cùng biết ơn những trận giãn cách như thế này – nó cho B lý do tuyệt vời để được ở nhà, tránh xa xã hội ồn ào, thư thái tận hưởng những buổi tối tĩnh lặng một mình.

A và B là điển hình cho 2 kiểu tính cách: thiên hướng ngoại và thiên hướng nội. Trong khi người hướng ngoại sẽ thấy vô cùng khó khăn khi không thể đi đâu và không thể gặp gỡ tương tác với ai khác trong thời gian dài, thì người hướng nội lại không thấy đó là vấn đề gì quá to tát.

Phản ứng khác biệt của những kẻ khác nhau

Sự khác biệt giữa tính cách thiên hướng ngoại và thiên hướng nội được hình thành từ những giai đoạn đầu đời và duy trì tương đối ổn định trong suốt quá trình phát triển sau này. Chúng có ảnh hưởng đến kiểu môi trường mà chúng ta tìm kiếm, cũng như cách chúng ta phản ứng với những kiểu môi trường đó.

Trong một nghiên cứu công bố vào 2019, những người hướng nội và hướng ngoại được yêu cầu dành ra một tuần tham gia vào các tình huống đòi hỏi thể hiện những hành vi thiên hướng ngoại điển hình, như trò chuyện nhiều, tương tác xã hội liên tục,…

Trong khi những người thiên hướng ngoại báo cáo họ đã đạt được hàng loạt lợi ích sau một tuần (tâm trạng được cải thiện, cảm giác được là chính mình,…) thì người thiên hướng nội cho biết họ không thu được ích lợi gì cụ thể, ngược lại chỉ thấy mệt mỏi và cáu kỉnh hơn.

Tình trạng giãn cách hiện tại có thể xem như phiên bản đảo ngược của thí nghiệm trên, khi những người thiên hướng ngoại buộc phải ở trong một môi trường được thiết kế không phù hợp với đặc điểm tính cách của mình, đối mặt với những nguy cơ về suy giảm sức khỏe tinh thần trong thời gian dài.

Ngược lại, những người thiên hướng nội có xu hướng ít cảm thấy được thúc đẩy bởi những trải nghiệm tương tác xã hội. Họ cũng ít có nhu cầu trải nghiệm cảm giác vui vẻ, hứng khởi. Điều này khiến người thiên hướng nội vô tình có ‘sự chuẩn bị’ tốt hơn với tình trạng ‘ngồi không’ hiện tại.

Ảnh: HBR

Nghiên cứu sâu hơn

Các khía cạnh khác trong tính cách con người cũng có thể định hình cách ta nhìn nhận và phản ứng với trạng thái bị cô lập. Thử xem xét 4 đặc điểm còn lại trong mô hình tính cách 5 yếu tố (thang tính cách Big Five), theo một số chuyên gia nhận xét:

– Những người có năng lực tổ chức cao, ít bị phân tâm, hoặc dễ thích nghi, sẽ dễ dàng hơn trong việc thiết lập và tuân thủ lịch trình hàng ngày.

– Những người có sự dễ chịu cao, có xu hướng lịch sự, thể hiện lòng trắc ẩn và tính hợp tác sẽ dễ dàng vượt qua những khúc mắc có thể xảy đến trong việc dành nhiều thời gian ở nhà với các thành viên gia đình hay bạn cùng nhà.

– Những người có tinh thần cởi mở với trải nghiệm, có xu hướng hiếu kỳ và giàu tưởng tượng sẽ dễ đắm mình vào những trang sách, bài nhạc, cũng như bất kỳ giải pháp sáng tạo nào khác trước sự buồn tẻ của phong tỏa.

– Những người có tâm lý bất ổn cao, dễ lâm vào tình trạng căng thẳng và sinh ra các cảm xúc tiêu cực sẽ có nguy cơ bị lo lắng và trầm cảm cao nhất trong thời điểm đầy thách thức này.

Dĩ nhiên, tất cả những điều trên chỉ là khát quát chung chung mà thôi. Những người hướng nội không tránh khỏi sự cô đơn, và những ai sở hữu tính cách dễ bị tổn thương có thể phát triển mạnh mẽ với những nguồn lực và hỗ trợ xã hội phù hợp. 

Đời sống ‘con nhộng’

Đối với một số người, việc phải ở trong nhà vì phong tỏa / giãn cách có lẽ cũng tương tự như khi phải làm việc trên trạm không gian hay trong một cơ sở nghiên cứu ở Nam Cực. 

Vậy chúng ta có thể rút ra bài học nào từ nghiên cứu tính cách ở những môi trường khắc nghiệt này? Nghiên cứu đó cho thấy những người ổn định về mặt cảm xúc, tự lực và tự chủ, hướng đến mục tiêu, thân thiện, kiên nhẫn và cởi mở có xu hướng ứng phó tốt hơn trong điều kiện cô lập khắc nghiệt. 

Đặc biệt, người ta đã nhận thấy rằng “những người hướng nội hòa đồng – tức những người có thể tận hưởng nhưng không quá cần tương tác xã hội – dường như rất phù hợp với kiểu sống ‘con nhộng’”

Để có thể quản lý tốt nhất khu vực xung quanh và “những cái kén” của mình, có lẽ chúng ta nên lưu ý đến một vài phẩm chất được liệt kê phía trên, bao gồm: bình tĩnh và có tổ chức, quyết đoán nhưng kiên nhẫn, tự lực nhưng vẫn gắn kết với mọi người.

Ảnh: fivethirtyeight

Trạng thái cô đơn và thời gian một mình

Đại dịch COVID-19 được mô tả như là “đại dịch cô đơn”, song như thế dường như hơi ‘làm quá’. Như đã đề cập thì tình trạng này đối với nhiều người có thể là một cơn mưa, nhưng với những người khác thì nó lại là một bầu trời rực sáng.

Cân bằng với cái được gọi là dịch bệnh cô đơn chính là nghiên cứu về “sự cô độc”, những cảm xúc tiêu cực mà nhiều người trải nghiệm do không có đủ thời gian ở một mình. Như Anthony Storr từng viết trong quyển sách mang tên Solitude: A Return to the Self (tạm dịch: Cô độc: Hành trình về với chính mình), “cô độc cũng là liệu pháp điều trị như hỗ trợ về mặt cảm xúc,” và khả năng ở một mình cũng là một dạng trưởng thành về cảm xúc cũng như khả năng hình thành sự gắn kết gần gũi.

Tất nhiên, một vài người trong giai đoạn đóng cửa đang phải đối mặt với những thách thức to lớn mà chẳng có gì liên quan đến tính cách của họ. Nhiều người mất công ăn việc làm và phải đối mặt với khó khăn kinh tế. Một vài người thì hoàn toàn cô lập với bên ngoài trong khi những người khác lại đang cùng chung mái nhà với những người thân yêu. Ngay cả khi như vậy, phản ứng của chúng ta trước những thách thức này không chỉ phản ánh tình cảnh khó khăn của ta mà còn cả bản thân chúng ta nữa.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

22 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago