Lifestyle

#HọNóiLà x #Thoáng: OCD và những trải nghiệm “giường chiếu” chưa bao giờ kể

#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.

Đã bao giờ bạn thắc mắc, một người mắc chứng OCD thì sẽ gặp những vấn đề gì trong chuyện “giường chiếu”?

Để giải đáp câu hỏi trên, The Millennials Life đã có cuộc trò chuyện với bạn Phan Nguyễn Thanh Trí – người “có thể tự hào nói rằng mình là một ‘kẻ sống sót’.”

Trí được chẩn đoán mắc chứng động kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu từ 2014. Sau đó nữa là sự xuất hiện của những hội chứng khác về tâm thần: PTSD – rối loạn căng thẳng sau sang chấn, bipolar – rối loạn lưỡng cực, BPD – rối loạn nhân cách ranh giới, và OCD – rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Hiện tại, hầu hết những hội chứng này đều trong trạng thái ổn định, được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, cuộc sống của Trí ít nhiều vẫn có những ảnh hưởng nhất định vì đa số những rối loạn này có tính chất lâu dài, đặc biệt là OCD.

1. Bạn biết mình bị OCD từ bao giờ?

Chính xác từ khi nào thì mình không rõ, có thể nó đã bắt đầu từ lâu nhưng biểu hiện không nặng, hơn nữa bản thân mình không “phòng bị” nên cũng không để ý. 

Có một quãng thời gian mình bắt đầu buộc dây giày. Mình cảm giác hai chiếc giày bên thì chật, bên thì rộng, nên mình phải chỉnh lại dây để hai bên được “đều” nhau. Cứ vậy, mỗi 5-6 phút mình lại cúi xuống buộc dây giày.

Một dấu hiệu khác là thời gian đó mình thay tấm dán màn hình điện thoại liên tục, tầm 30 tấm dán trong vòng 4 tháng. Mình cứ dán đi dán lại như thế. Tiền mua miếng dán màn hình có khi còn nhiều hơn cả tiền mua điện thoại.

Hiện tại, bệnh đã ổn định, mình “không thèm” dán màn hình nữa. Điện thoại cũng nát bấy luôn.

Thời gian ấy mình cũng đang trong quá trình chữa trị các bệnh khác. Như mình đã nói ấy, có thể trước đây rối loạn này đã xuất hiện rồi, nhưng các triệu chứng còn nhẹ và khó nhận biết. Cho đến lúc những bệnh kia nặng lên thì nó cũng phát triển theo. 

Khi nhận thấy những biểu hiện đó rồi, mình đi gặp và nói chuyện với bác sĩ. Sau đó mình được chẩn đoán mắc OCD. Lúc ấy là tầm 2017.

2. Từ khi biết bản thân bị bệnh, đã có lúc nào bạn thấy chán nản, muốn từ bỏ mọi thứ?

Mình tự thấy vô cùng may mắn vì rất rất hiếm khi cảm thấy muốn từ bỏ. Mỗi lần thấy chán nản, mình đều tìm cách bình tĩnh lại, tự nhủ với bản thân rằng “Ngày mai trời lại sáng”.

Mình hay tưởng tượng rằng bản thân đang trong một đường hầm, và cuối đường hầm bao giờ cũng có lối ra. Chỉ cần bước khỏi đường hầm đó, mình sẽ gặp một con đường cực kỳ đẹp, biển bên trái, núi bên phải, trên đầu là trời xanh.

Nếu từ bỏ bây giờ, mình sẽ không thể nào biết được con đường phía bên kia đẹp như thế nào. Thế nên mình cứ tự động viên rằng hãy cố thêm chút nữa, chút nữa, chút nữa. 

3. Những người xung quanh có biết về những rối loạn bạn mắc phải không? Phản ứng của họ thế nào?

Hầu hết người xung quanh đều biết về những vấn đề mình gặp phải, kể cả sếp. Khi mình quyết định duy trì kết nối với ai rồi thì mình đều sẽ chia sẻ với họ, để nếu người ta có muốn bỏ đi thì còn… kịp đi (cũng nhiều trường hợp rồi). Mình thấy vậy cũng tốt, không cần cố gắng phát triển mối quan hệ với những người không có tiềm năng ở cạnh lâu dài.

Còn về phản ứng… vì mình cũng đã “sàng lọc” từ đầu nên khi biết thì mọi người đều thông cảm, cũng không bàn thêm nhiều nếu không cần thiết. Tất nhiên vẫn sẽ có những người chọn không ở lại cạnh mình nữa. Nhưng họ cũng không gay gắt hay phản ứng tiêu cực, chỉ âm thầm đi thôi. Mình cũng không trách gì cả đâu.

4. Là một người có OCD cũng như nhiều rối loạn tâm thần, đâu là điều bạn không thích nghe từ người khác nhất?

Mình biết có những người có cái nhìn rất tiêu cực về các loại bệnh này. Cứ nghe tâm thần là lập tức nghĩ đến chuyện bị khùng bị điên, kiểu thế. Đúng là có nhiều trường hợp khi bị các rối loạn tâm thần, người bệnh trở nên toxic và tiêu cực hơn, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nhưng không phải ai bị bệnh cũng vậy.

Ngoài ra, nhiều người hay nói rằng những thứ này toàn là “tưởng tượng”. Nếu chứng minh được là nó có thật rồi thì họ lại quay sang bảo trách nhiệm nằm ở người bệnh, vì tự họ đã làm mình ra như vậy(?!). Đây là điều mình không thích nghe nhất.

5. Đâu là những điều nhiều người hay hiểu lầm nhất về OCD? Trước khi được chẩn đoán OCD, nếu nghe đến bệnh này thì bạn hình dung điều gì?

Có nhiều người hay đùa là bị OCD lắm, bình thường nếu khó chịu khi nhìn những tấm ảnh lệch lạc hoặc những thứ gì không hoàn hảo thì người lại bảo rằng “bị OCD rồi”

Mình thấy mọi người hay nhầm lẫn giữa rối loạn ám ảnh cưỡng chế và tính cách thích chỉn chu, ngăn nắp theo kiểu hơi “khó ở.” 

Trước đây mình cũng thế, cũng chỉ hình dung OCD là cảm giác khó chịu khi thấy cái gì đó… lệch lệch. Sau này mới biết cái “khó chịu” đó nó ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của mình như thế nào. 

6. Đời sống tình dục của bạn trước và sau khi bạn mắc bệnh đã thay đổi thế nào?

Đời sống tình dục thì có thay đổi kể từ khi bắt đầu uống thuốc điều trị. Đôi lúc nhu cầu của mình rất cao, lúc lại xuống thấp đến mức không còn muốn làm gì cả.

Có đợt mình không cảm thấy có nhu cầu quan hệ trong một năm trời. Lúc đó đang qua lại với một bạn này. Mọi thứ bình thường trừ chuyện mình và bạn ấy không làm tình – và may mắn là người ta vẫn chấp nhận chuyện đó.

Nói sao nhỉ… có thể chuyện mất hứng nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng giai đoạn đó với mình thật sự không có gì quá đặc biệt để nói. Có thể hình dung là giống giống mấy cặp vợ chồng già ấy.

Sau này thỉnh thoảng mình vẫn gặp tình trạng này. Ngoài chuyện nhu cầu lên xuống thì lâu lâu mình còn mất cảm giác, kiểu như đang làm thì bị tê, hết cảm thấy gì luôn.

7. Bạn có chia sẻ với đối tác của mình về việc mắc OCD?

Mình sẽ nói trước để đối tác biết về tình trạng của mình. Nếu họ hiểu thì họ sẽ tiếp tục mối quan hệ với mình. Còn không thì… thôi.

8. Một tình huống khó xử nhất mà bạn đã trải qua về chuyện giường chiếu?

Đúng là khó xử thật, kể lại cũng khó nữa. Có ba lần khó xử, và cũng khiến cảm xúc của mình bị ảnh hưởng.

Một lần là do mùi “chỗ đó” nồng quá. Và sau khi xong xuôi thì bạn ấy cứ thế mà mặc quần áo vào luôn, không tắm lại hay vệ sinh gì… Mình thấy rất khó chịu với việc ấy.

Lần thứ hai thì không liên quan đến mùi, nhưng liên quan đến vị.

Còn trường hợp thứ ba, thì không phải mùi, không phải vị, mà là ngực. Lần đó, mình để ý thấy hai bên ngực bạn ấy lệch size. Mình biết hầu hết mọi người ai cũng sẽ có bên to hơn và bên nhỏ hơn. Chênh lệch của bạn cũng không quá lớn, nhưng đủ gây chú ý với mình. 

Nói thật thì cảm xúc lúc ấy bị ảnh hưởng một ít. Ngay khi nhận ra điều đó, và cũng cảm nhận được rằng đầu óc sắp bị “kích hoạt” nên mình đã giải quyết “nhanh” bằng cách không nhìn vào đó nữa (đang… như thế nên cũng không nghĩ ra cách nào khác được).

9. Bạn có phải sắp xếp thời khóa biểu tình dục và tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình đó như khi nào khi gần gũi nửa kia, thời gian của cuộc ân ái diễn ra bao nhiêu phút,…?

Không đến nỗi như thế, nhưng mình sẽ có những “ritual” cần được thực hiện. Mình cần phải rửa tay và tắm sạch trước và sau khi làm tình. Ngoài ra, mình còn phải chọn hướng nằm cố định, cũng như chuyện mình sẽ nằm ở bên trái hay bên phải của đối tác.

Nếu không được làm thế, mình sẽ cảm giác vô cùng bứt rứt, khó chịu, từ đó ảnh hưởng đến không khí của lần ân ái. Tuy nhiên, nếu “lỡ” bị tuột cảm xúc, mình vẫn sẽ lựa chọn tiếp tục. Nếu đột ngột dừng lại hoặc tỏ ra khó chịu ngay lúc đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đối phương. Mình không muốn như vậy.

Vì với mình, như thế sẽ càng gây khó chịu hơn.

10. Một lời khuyên cho những bạn gặp vấn đề về tâm lý cũng đang tìm kiếm lời giải đáp cho chuyện giường chiếu của mình?

Nhiều người khi gặp phải vấn đề về tâm lý hay các rối loạn tâm thần sẽ cảm thấy nặng nề nếu phải nói ra, đặc biệt khi chuyện liên quan đến tình dục. Có thể họ sợ nói ra sẽ bị kỳ thị, hoặc “nói cũng không giải quyết được gì.”

Mặc dù chuyện chia sẻ không giúp thay đổi tình trạng của bản thân nhưng lại rút ra được khá nhiều giải pháp cho vấn đề. Thế nên, mình nghĩ là đừng ngại giao tiếp thẳng thắn với người yêu / đối tác. Có chia sẻ, trò chuyện thì mới đưa ra được giải pháp hợp lý nhất cho cả hai. Điều đó tốt hơn cho mối quan hệ về lâu dài. 

Thực hiện: Nghi To – Mi Nguyen

Xem thêm:
#HọNóiLà: Cùng Lưu Kim “Đét” chia sẻ về lời nhận xét kỳ cục nhất về ngoại hình
#HọNóiLà: Vănguard – Tập zine đầu tiên trao quyền cho cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam
#HọNóiLà: Her86m2 – “Điều tốt nhất một người vợ, người mẹ có thể làm đó là hãy luôn là chính mình”

TML Editor

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

17 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago