Show & Event

Triển lãm “Once Upon a Time in Indochine”: Sự tái hiện tỉ mỉ của Nam Kỳ Lục tỉnh xưa

Là một trong những chuỗi trưng bày thuộc dự án #WeSupportArt do De La Sól – Sun Life Flagship khởi xướng, ngày 12.12, tại De La Sól, Xưởng Phim Màu Hồng đã chính thức khai mạc triển lãm Once Upon a Time in Indochine, một sự kiện độc đáo tái hiện thế giới mỹ thuật của bộ phim Công Tử Bạc Liêu.

Kể từ năm 2023, De La Sól đã đều đặn tổ chức gần 15 triển lãm lớn nhỏ, góp phần đưa những tác phẩm nghệ thuật của nhiều nhóm họa sĩ trong nước và quốc tế đến gần hơn với giới trẻ và những người yêu cái đẹp.

Với mục tiêu chính là lan tỏa giá trị nghệ thuật nhân văn đến cộng đồng, dự án #WeSupportArt của De La Sól hi vọng sẽ trở thành sân chơi nơi các nghệ sĩ trẻ tự tin bứt phá và sáng tạo nên những tác phẩm độc bản, tạo ra tầm ảnh hưởng mới cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam.

Có thể xem là bộ phim Việt Nam được mong chờ nhất trong năm nay, Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng là tác phẩm lấy cảm hứng từ những giai thoại về cậu Ba Huy– nhân vật biểu tượng cho lối sống xa hoa và phóng túng trong lịch sử Nam Kỳ.

Ngoài quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng (từ Song Luân, Kaity Nguyễn, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Thanh Thủy,..), có lẽ phần nhìn của bộ phim chính kịch/hài này là điểm gây thu hút người xem nhất, khi thành công trong việc tái hiện lại xã hội nhộn nhịp của Nam Kỳ Lục tỉnh xưa. Chính vì thế, để giúp khán giả hiểu thêm về quy trình công phu tạo dựng nên bộ phim, đơn vị sản xuất Xưởng Phim Màu Hồng cùng De La Sól đã hợp tác đưa người xem đến triển lãm Once Upon a Time in Indochine.

Tổng quan triển lãm

Có thể nói, Once Upon a Time in Indochine là cầu nối giữa câu chuyện điện ảnh và các giá trị thiết kế mỹ thuật, đồng thời là một lời tri ân dành cho những người yêu phim ảnh và mỹ thuật.

Triển lãm dẫn dắt người xem qua hành trình sáng tạo của Công Tử Bạc Liêu, từ những ý tưởng ban đầu, nghiên cứu lịch sử, đến từng chi tiết trong thiết kế: Phục trang, bối cảnh, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh và cả hiệu ứng kỹ xảo. Không chỉ đơn thuần là trưng bày, Once Upon a Time in Indochine còn hé lộ những câu chuyện đằng sau hậu trường làm phim, tái hiện quá trình hơn 2 vạn giờ làm việc để tạo nên một tác phẩm dài gần 2 tiếng đồng hồ trên màn ảnh rộng.

Không gian của Once Upon a Time in Indochine được bài trí công phu dưới bàn tay giám tuyển của chị Tia-Thủy Nguyễn, người đã khéo léo biến các hiện vật thành những mảnh ghép kể chuyện, đưa khán giả bước vào thế giới xa hoa của công tử Ba Hơn (nhân vật lấy cảm hứng từ Ba Huy). Các hiện vật và đạo cụ không chỉ được sắp xếp theo nghiên cứu lịch sử mà còn tái hiện một cách sống động quá trình sáng tạo, giúp khán giả cảm nhận rõ nét tinh thần và không khí của bối cảnh Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ 20.

Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu một bộ phim ngắn được thực hiện bằng kỹ thuật hoạt hình tĩnh vật (stop motion), kế thừa tinh thần của Công Tử Bạc Liêu nhưng mang hơi thở hiện đại và cách thể hiện mới mẻ. Đây là lời mời gọi khán giả đến với những phương thức sáng tạo điện ảnh đầy cảm hứng và khơi dậy tình yêu dành cho môn nghệ thuật thứ bảy.

Một số tác phẩm nổi bật tại Once Upon a Time in Indochine

Một trong những hiện vật được trưng bày gây chú ý nhất tại triển lãm sắp đặt, đó chính là mô hình được dàn dựng lại để tái hiện đường phố Nam Kin tại Sài Gòn bấy giờ (trong bộ phim, đây bối cảnh chiếm nhiều thời lượng nhất; và cũng là nơi mà nhân vật Ba Hơn quản lý nhà băng của bố mình và ăn chơi tại Hí Trường Nam Kin).

Được biết, mô hình này được thực hiện sau khi hoàn tất quá trình quay phim, nhằm lưu giữ và tái hiện lại toàn bộ cấu trúc bối cảnh với độ chính xác cao, dựa trên thiết kế mặt bằng và mô phỏng 3D theo tỉ lệ thực tế.

Mô hình được dựng công phu bởi Windbay Studio trong vòng 4 tháng, với kích thước dài 120cm, rộng 80cm, cao 30cm. Đội ngũ sản xuất đã sử dụng các chất liệu như formex và nhựa in 3D để tạo nên từng chi tiết nhỏ nhất. Từ chậu cây, bàn ghế, bảng hiệu, xe cộ, cho đến hình ảnh biểu tượng của chiếc xe huyền thoại mà Ba Hơn lái, tất cả đều được tái hiện ở tỉ lệ 1:35, với độ chính xác và tỉ mỉ cao.

Đặc biệt, bối cảnh Nam Kin được dựng thực tế tầng 1 trên một bãi đất trống, trong khi tầng 2 được xử lý bằng kỹ xảo điện ảnh (VFX 3D). Việc tạo hình thủ công cây cối, cửa nhà, và sơn màu tạo hiệu ứng bề mặt (texture) giúp mang đến cảm giác chân thật như bối cảnh trong phim.

Từng công đoạn – từ dựng 3D, in ấn, ghép nối các chi tiết, sơn màu, tạo hiệu ứng bề mặt, cho đến lắp ráp lên sa bàn – đều được đội ngũ Windbay Studio thực hiện cẩn thận và chuyên tâm. Chỉ riêng phần cấu trúc của dãy phố cũng đã mất đến 2 tháng để hoàn thiện. Những chi tiết nhỏ nhất như tán cây, biển hiệu hay cửa sổ đều được chăm chút để khớp hoàn hảo với bối cảnh thực tế trong phim.

Góc phố Nam Kin được xây dựng một cách tỉ mỉ.

Thế nhưng, đó chưa là gì so với chiếc máy bay mà do cậu Ba Hơn bỏ tiền ra để sở hữu trong bộ phim. Tại triển lãm Once Upon a Time in Indochine, mô hình cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người thưởng lãm không kém. Đây là một trong những hiện vật độc đáo và giàu giá trị lịch sử nhất, khi nó mô phỏng lại chiếc Morane Saulnier L – chiếc máy bay tư nhân nổi tiếng từng thuộc về “Công tử Bạc Liêu” ngoài đời, Trần Trinh Huy.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, ông đã gây chấn động dư luận khi sở hữu chiếc máy bay Morane Saulnier – một trong những máy bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Đây không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là biểu tượng cho lối sống xa hoa của ông. Theo các tài liệu lịch sử, chiếc máy bay được mua với giá trị tương đương 100 kg vàng – một con số khổng lồ vào thời điểm đó.

Việc đưa biểu tượng này lên màn ảnh rộng trong bộ phim Công Tử Bạc Liêu là một trong những tham vọng lớn nhất của đạo diễn Lý Minh Thắng và nhà sản xuất Giang Hồ. Để hiện thực hóa ước mơ này, họ đã quyết định đầu tư thực hiện mô hình chiếc máy bay với kích thước thật, mang đến một diện mạo chân thực nhất cho khán giả.

Theo như chia sẻ, mô hình máy bay trên phim được chế tác trong vòng 4 tháng với kinh phí lên tới 500 triệu đồng. Từng chi tiết, từ ngoại thất đến nội thất, đều được thực hiện tỉ mỉ để tái hiện nguyên mẫu của dòng máy bay Morane Saulnier L, đồng thời điều chỉnh chất liệu để phù hợp với các cảnh quay.

Điểm đặc biệt của mô hình là dòng chữ An-Nam Thạnh-Vượng được thiết kế riêng trên thân máy bay, thể hiện khát vọng và tính cách hào hoa của nhân vật Ba Hơn. Ghế và nội thất bên trong được bọc da, góp phần làm nổi bật phong cách xa hoa gắn liền với cuộc sống của Công tử Bạc Liêu.

Sau khi “hoàn thành sứ mệnh” trên màn ảnh rộng, mô hình máy bay này đã được Xưởng Phim Màu Hồng trao tặng và hiện đang được trưng bày tại Nhà Công Tử Bạc Liêu (số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu). Còn tại triển lãm, đây là mô hình nhỏ hơn và được thực hiện bởi Nguyễn Anh Thao.

Mô hình thu nhỏ của chiếc Morane Saulnier L. Phía sau là bộ trang phục phi công của Ba Hơn và Cô Sáu mặc trong phim.

Đôi nét về đơn vị sản xuất

Trong suốt 5 năm qua, Xưởng Phim Màu Hồng đã tham gia vào hơn 11 dự án điện ảnh, đảm nhận nhiều khía cạnh từ tài trợ, sản xuất đến phân phối các bộ phim đa dạng.

Năm 2017, họ đồng sản xuất bộ phim Cô Ba Sài Gòn – một tác phẩm điện ảnh đạt nhiều giải thưởng (Phim truyện xuất sắc nhất tại Giải Cánh Diều Vàng, Giải Tác phẩm Sáng tạo xuất sắc tại Giải Ngôi Sao Xanh 2018 dành cho đội ngũ sáng tạo gồm Tia-Thủy Nguyễn, Nguyễn Minh Dương và Lê Đức Hiệp, Giải do Ban giám khảo bình chọn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20…).

Dựa trên những thành công trước đó, vào năm 2019, chị Tia-Thủy Nguyễn đã thành lập studio Xưởng Phim Màu Hồng dưới sự quản lý của công ty Thuy Design House mà đã xây dựng từ trước.

Chị Thủy cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và từ thiện địa phương. Chị chia sẻ rằng gia đình là nguồn động lực giúp chị có được sự sáng suốt để tận hưởng nghệ thuật, cuộc sống, gia đình, sự nghiệp và cả việc cống hiến cho xã hội. Tất cả trải nghiệm và đam mê của chị đã kết tinh trong bộ phim Sắc Đẹp Dối Trá – tác phẩm kể về hành trình tìm kiếm và khám phá bản thân của một người chuyển giới.

Tầm nhìn của Xưởng Phim Màu Hồng là chia sẻ và kể những câu chuyện phi thường, từ đó truyền cảm hứng đến khán giả và kết nối với cộng đồng. Hiện tại, đơn vị sản xuất đang hợp tác cùng các nhà biên kịch, đạo diễn và tài năng khác để thực hiện nhiều dự án phim truyện mới.

Một số thông tin về triển lãm Once Upon a Time in Indochine:

  • Địa điểm: Sun Life Flagship – De La Sól, Số 244, đường Pasteur, Quận 3.
  • Thời gian trưng bày: 12.12 – 25.12.2024
  • Giờ mở cửa: 9:00 – 21:00
  • Mở cửa tự do.

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

Dao Thomas

Recent Posts

#Thoáng: Những cuộc đình công tình dục nổi tiếng nhất thế giới

Trong lịch sử, các cuộc “đình công tình dục” đôi lúc lại trở thành công…

2 ngày ago

#Nghĩ: Một căn phòng bừa bộn nói lên điều gì về chủ nhân của nó?

Một căn phòng bừa bộn vừa là nguồn cảm hứng kích thích sáng tạo, cũng…

2 ngày ago

4 mẹo lập ngân sách tài chính nếu nguồn thu nhập không ổn định

Lập ngân sách tài chính mỗi tháng luôn là một công việc khó khăn. Điều…

3 ngày ago

“Sledging”: Khi cuối năm ta cũng không muốn “nhảy” khỏi mối quan hệ tình cảm

Gần đây, một xu hướng hẹn hò mới mang tên “sledging” đã nổi lên ở…

4 ngày ago

Bạn yêu điều gì trên đời này?

Trong tiếng Anh, những từ kết thúc với hậu tố "-phile" dùng để nói về…

5 ngày ago

#LocalZine: Hơn 100 năm lịch sử tiền giấy Việt Nam

Cùng nhìn lại sự hình thành và thay đổi diện mạo qua từng thời kỳ…

5 ngày ago