Cine

5 khoảnh khắc làm nên lịch sử của Lễ trao giải Oscar

Dường như điều gì cũng có thể xảy ra tại Oscar – Lễ trao giải danh giá nhất của điện ảnh Hoa Kỳ. Suốt lịch sử gần 100 năm, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu những bộ cánh thảm họa, những bài phát biểu truyền cảm hứng, những khoảnh khắc lắng đọng, hay thậm chí là những “nhầm nhọt” vô cùng khó xử. Sau đây là những khoảnh khắc từng gây xôn xao nhất của Oscar.

1940: Hattie McDaniel – người da màu đầu tiên đạt Oscar

Oscar lần thứ nhất diễn ra năm 1929, nhưng mãi đến 1940, một diễn viên da màu mới giành được tượng vàng. 

Hattie McDaniel với vai bà vú Mammy trong Cuốn theo chiều gió

Thế nhưng ngay cả khi trở thành người đạt danh hiệu Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn Mammy trong Cuốn theo chiều gió, Hattie McDaniel vẫn không tránh được sự thật phũ phàng của tình trạng phân biệt chủng tộc. Lễ trao giải năm 1940 diễn ra tại khách sạn The Ambassador – nơi có chính sách cấm người da màu bước chân vào (no-black policy). Đạo diễn của Cuốn theo chiều gió đã phải yêu cầu khách sạn để McDaniel được phép xuất hiện trong tòa nhà. Dẫu thế, cô cũng không được ngồi cùng bàn với ê-kip và bạn diễn mà phải xuống cuối khán phòng, tách hẳn ra với những khách mời da trắng khác.

McDaniel bắt đầu sự nghiệp điện ảnh từ năm 1932, với vai gia nô trong The Golden West. Thời điểm đó, diễn viên gốc Phi thường chỉ được đóng những vai như nô lệ hay giúp việc. Cô bị những hội nhóm hoạt động vì quyền lợi người da màu (NAACP) chỉ trích rằng đang góp phần duy trì định kiến bằng việc chấp nhận đóng những kiểu vai như thế trong hơn 40 bộ phim. McDaniel đáp trả đơn giản rằng, cô thà đóng vai người hầu trên màn ảnh còn hơn là làm một nô lệ ngoài đời. Hơn nữa, những nhân vật đầu bếp và giúp việc của McDaniel đều được cô biến tấu thành những người khá “ngổ ngáo” và có tư duy vô cùng độc lập, khác với khắc họa những người nô lệ quen phận cam chịu thông thường.

Trong phần phát biểu của mình, McDaniel chia sẻ, “Tôi thiết tha hy vọng rằng những đóng góp của tôi với tư cách một người da màu cho ngành công nghiệp phim ảnh sẽ luôn được ghi nhận.”
Ảnh: John Kobal Foundation/Getty Images

1964: Sidney Poitier – diễn viên da màu đầu tiên cho giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất

Trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 36, Sidney Poitier (Sir) đã trở thành diễn viên gốc Phi đầu tiên giành Oscar cho giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, với vai diễn một công nhân xây dựng trong Lilies of the Field (1963).

Sự nghiệp diễn xuất của Poitier bắt đầu từ sân khấu Broadway với vai diễn trong vở Lysistrata. Đến 1950, Poitier bắt đầu xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood và được xem như người mở đường cho những diễn viên lớp kế cận khi ông liên tục từ chối nhận những vai diễn người ta rập khuôn cho diễn viên da màu.

Sidney Poitier trong bộ phim To Sir, With Love (1967)

Khi được xướng tên là người chiến thắng danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, người trao giải cho ông là Anne Bancroft đã hôn nhẹ lên má Poitier để chúc mừng. Nụ hôn này bị những người theo chủ nghĩa bảo thủ và phân biệt xem là một cử chỉ xúc phạm, vì thời điểm đó hôn nhân dị chủng (interracial marriage) vẫn chưa được luật pháp công nhận. 

Poitier chia sẻ trong phần phát biểu, rằng giải thưởng này và thời khắc này là kết quả của một chặng đường rất dài.

Đồng thời với danh hiệu trên, Poitier còn trở thành nam diễn viên da màu đầu tiên trở thành ngôi sao phòng vé hàng đầu, được phong tước Hiệp sĩ năm 1974, trở thành Đại sứ Bahamas tại Nhật Bản (1997 – 2007). Năm 2002, ông nhận tượng vàng danh dự do Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Khoa học Hoa Kỳ (AMPAS) trao tặng, với lời đề: “Tặng Sidney Poitier để ghi nhận những thành tựu to lớn của ông với tư cách một nghệ sĩ và một con người”.

1973: Marlon Brando từ chối giải thưởng Oscar của mình

Nam diễn viên Marlon Brando là người đầu tiên biến lễ trao giải danh giá nhất Hollywood thành một sân khấu chính trị. Trước thềm Oscar lần thứ 45, Brando thông báo ông chính thức tẩy chay Oscar như một cách để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc ở Hollywood.

Marlon Brando nhận danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai ông trùm Vito Corleone trong Bố Già

Marlon Brando không đến tham dự Oscar. Thay vào đó, ông để Sacheen Littlefeather – diễn viên kiêm nhà hoạt động xã hội người Mỹ bản địa (Indian) – thay mặt mình. Khi tên của nam diễn viên chính xuất sắc nhất được xướng lên, Littlefeather bước lên sân khấu trong sự ngạc nhiên của không ít người, lịch sự từ chối nhận tượng vàng: “Tối nay, tôi là người đại diện của Marlon Brando. Ông ấy muốn tôi nói với mọi người rằng… ông ấy rất tiếc khi không thể chấp nhận giải thưởng cao quý này. Nguyên do của việc này là vì ông ấy phản đối cách ngành công nghiệp điện ảnh đang đối xử với người Mỹ bản địa.”    

Bài phát biểu của Sacheen Littlefeather chìm trong sự hỗn loạn của khán giả bên dưới. Có kẻ la ó, có người cổ vũ. Cô đã không thể đọc hết bức thư của Brando, cũng như đã bị Hollywood liệt vào blacklist sau sự việc này. Tuy nhiên, Littlefeather đã nhận được sự ủng hộ từ những nhà hoạt động xã hội khác và vẫn tiếp tục công việc đòi quyền lợi cho người da đỏ.

Về phần Marlon Brando, khi được hỏi về việc từ chối Oscar cho màn thể hiện xuất sắc trong Bố Già, ông cho biết không hề hối hận, mặc dù giải thưởng này khi ấy được xem như phao cứu sinh cho sự nghiệp đang trên đà đi xuống của Brando. Ông chia sẻ, “Để trẻ em có thể lớn lên trong thế giới này đã là một việc khó khăn. Khi những đứa bé da đỏ thấy người ta khắc họa đồng bào của chúng trên màn ảnh thế nào, tâm trí chúng sẽ tổn thương theo cách chúng ta chẳng thể hình dung nổi.”

Marlon Brando cảm thấy việc ông từ chối giải thưởng là một cơ hội tuyệt vời để 85 triệu con người được “nghe” một người Mỹ bản địa lên tiếng

1988: Cher và bộ trang phục được “dành riêng cho Lễ trao giải”

Cher là người luôn biết cách tạo sự chú ý. Vì thế vào năm 1986, khi vai diễn được cô đầu tư cực kỳ nghiêm túc trong Mask không nhận được đề cử nào, cô đã gây chú ý bằng cách khác. 

Cher và bộ trang phục trung-tâm-của-sự-chú-ý

Khi được hỏi về cảm hứng của cô cho bộ trang phục “trông như đồ diễn vũ trường”, Cher đã mỉa mai trả lời rằng, “À, như mọi người thấy đó, tôi đã đọc rất kỹ cẩm nang hướng dẫn ăn mặc sao cho phù hợp với Lễ trao giải, như thể một diễn viên nghiêm túc.” 

Cher trong Moonstruck

Hai năm sau đó, ở Lễ trao giải lần thứ 60 (1988), Cher lại một lần nữa gây sốc với chiếc váy xuyên thấu chỉ che vừa đủ những chỗ cần che. Thế nhưng lần này, trong bộ váy đặc biệt dành riêng cho Lễ trao giải, Cher đã đường hoàng bước lên sân khấu để nhận tượng Oscar cho danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong Moonstruck, đánh bại cả Meryl Streep năm đó.

Sau chiến thắng của mình, nữ ca sĩ đã thảo luận về bộ váy với các phóng viên ở hậu trường, “Bob [NTK của Cher] và tôi đã lên ý tưởng cho chiếc váy này trong một thời gian rồi. Nó đã được thay đổi khá nhiều lần. Tôi không hiểu phản ứng kỳ lạ mọi người dành cho bộ váy. Cá nhân tôi thấy nó rất hợp với những dịp thế này.” 

2015: Patricia Arquette và cơ hội lên tiếng về phân biệt giới ở Hollywood

Sau khi nhận Oscar với danh hiệu Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong Boyhood, Patricia Arquette đã dùng bài phát biểu của mình để đề cập đến một vấn đề nghiêm túc hơn.

Cô kêu gọi mọi người hãy chú ý đến vấn đề phân biệt giới trong ngành công nghiệp điện ảnh, mà cụ thể là khoảng cách tiền lương. “Tôi muốn gửi lời đến tất cả phụ nữ – những người đã sinh ra từng công dân trên đất nước này: Chúng ta đã đấu tranh cho quyền bình đẳng của mọi người. Đã đến lúc chúng ta đấu tranh cho chính mình. Hãy lên tiếng vì bình đẳng lương và tất cả mọi quyền khác mà phụ nữ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xứng đáng được hưởng.”

Bài phát biểu của Arquette đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt liệt từ những người khác trong Hội trường (Meryl Streep thậm chí đứng lên để vỗ tay khen ngợi), đồng thời làm dấy lên những cuộc tranh luận sau đó. Các hội nhóm vận động vì quyền bình đẳng hy vọng sự việc này sẽ thu hút được sự chú ý của công chúng và gây sức ép lên những nhà lập pháp. Trên thực tế, chênh lệch tiền lương giữa phụ nữ và đàn ông là 78% (có nghĩa với cùng một công việc, nếu đàn ông được trả 1 đô la thì phụ nữ chỉ nhận 78 xu) và khoảng cách này tăng dần theo độ tuổi. Đây không phải vấn đề riêng của ngành công nghiệp điện ảnh, mà còn xuất hiện ở những lĩnh vực khác nữa.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

23 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago