Lifestyle

#Nghĩ: Quan hệ ký tác – mối quan hệ không danh tính giữa một người và vạn người

Tôi yêu họ, nhưng họ có khi còn không biết đến sự tồn tại của tôi.” Nghe có vẻ giống lời thoại trong một bộ phim về một tình cảm không được hồi đáp. Tuy nhiên, đây lại là cách nói sơ qua về những mối quan hệ ký tác, khi người được “nhắc đến” không biết rằng họ và “người nói” đang ở trong một mối quan hệ.

Thuật ngữ “giao tiếp ký tác” và “mối quan hệ ký tác” được tạo ra bởi nhà nhân chủng học Donald Horton và nhà xã hội học R. Richard Wohl vào năm 1956. Thuật ngữ này được dùng để đề cập đến trường hợp mà một người có cảm giác họ biết rõ và tin rằng bản thân đang ở trong mối quan hệ với những đối tượng mà họ chưa từng gặp cũng như chưa từng nói chuyện cùng.

Quan hệ ký tác – Minh họa: Irene Rinaldi

Chúng ta có thể thấy thuật ngữ quan hệ ký tác thường được dùng để mô tả cảm giác của người hâm mộ đối với người nổi tiếng. Sau một thời gian yêu thích người nổi tiếng, fan thường cho rằng giữa họ và đối tượng đấy có một sự thân mật nhất định. Thời điểm mà con người ta dành thời gian để theo dõi các bộ phim, gameshows, bài phỏng vấn và đời sống cá nhân của thần tượng rồi từ đó chia sẻ với bạn bè hoặc viết các bài phân tích chính là khi ta có một mối quan hệ ký tác.

Dù đó không phải mối quan hệ tình cảm lãng mạn song những người ở trong mối quan hệ ký tác tin rằng giữa cả hai đã là bạn bè và thần tượng đấy là người đáng tin. Điều này dẫn tới trường hợp họ bắt chước lại phong cách hay lối sống của những người nổi tiếng này. Càng dành nhiều thời gian cho thần tượng, ta càng tin rằng mình có một mối quan hệ sâu sắc, gắn bó với họ.

Tuy nhiên, kể từ khi mạng xã hội có thể khiến người ta dễ dàng nổi tiếng, đối tượng nhận được sự hâm mộ không chỉ dừng lại ở những cá nhân trong showbiz. Những người là bloggers và influencers thường chia sẻ đời sống của họ và có cách nói chuyện gần gũi hơn với khán giả. Điều này khiến ta có cảm giác như thể đang được nói chuyện một-đối-một với họ, và từ đó thêm tăng mức độ hảo cảm với người mà ta đang theo dõi.

Quan hệ ký tác – Minh họa: Minkyung

3 giai đoạn của các mối quan hệ ký tác

Academics Giles và Maltby (2006) đưa ra ba cấp độ khác nhau cho mối quan hệ ký tác đặc biệt này:

Cấp độ đầu tiên: Giải trí và Xã hội.
Hầu hết chúng ta đều ở trong mối quan hệ ngoài xã hội ở một thời điểm nào đó. Trong giai đoạn này, bạn sẽ tìm thấy niềm vui từ người nổi tiếng. Tuy nhiên giữa cả hai không hề có một tiếp xúc thực tế nào. Họ sẽ chỉ xuất hiện trong những cuộc trò chuyện giữa bạn với bạn bè và người quen trong đời thực.

Cấp độ thứ hai: Cá nhân.
Cấp độ này xuất hiện thường xuyên hơn ở những bạn trẻ. Họ cảm thấy bản thân có mối liên kết mạnh mẽ với ngôi sao mà mình yêu thích, đồng thời có sự quan tâm hơn tới đời sống cá nhân và thị hiếu của thần tượng. Ta có thể liên hệ hành vi này chặt chẽ nhất với “văn hóa hâm mộ”, khi sự yêu thích đã trở thành một phần trong lối sống và không thể nào lay chuyển.

Cấp độ thứ ba: Vượt ngưỡng, Đi quá xa giới hạn.
Một vài hành vi thường thấy ở cấp độ này là theo dõi, xâm phạm tự do cá nhân hoặc ảo tưởng rằng người nổi tiếng sẽ hồi đáp lại tình cảm của mình .

Quan hệ ký tác – Minh họa: Minkyung

Giai đoạn một và hai không quá nguy hiểm. Quan trọng nhất là trong thời điểm này, ta hiểu rõ sự liên kết của mình và thần tượng không bao giờ có thể thay thế các mối quan hệ chính thống trong đời thực.

Ngược lại với hai giai đoạn trên, giai đoạn ba thường để lại những ám ảnh thái quá cho chính cộng đồng người hâm mộ và người nổi tiếng. Một vài ví dụ điển hình của việc yêu thích quá mức có thể kể đến như:

  • Một fan của Taylor Swift đã bị bắt sau nhiều lần cố gắng đột nhập vào nhà của nữ ca sĩ trên phố Franklin. Trước đấy, người này cũng đã bị bắt vì tội theo dõi cô nàng vào năm 2019.
  • Nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc phải chịu cảnh bị quấy rầy bởi “sasaeng”. Fan cuồng đứng đợi ở ngoài ký túc xá, đuổi theo xe taxi gây tai nạn, đồng thời liên tục gọi điện vào số điện thoại của thần tượng khi họ đang tương tác với nguời hâm mộ trên Instagram live,…

Quan hệ ký tác – trong đời sống

Văn hoá Fandom và mối quan hệ giữa người theo dõi các câu chuyện của hoàng gia Anh chính là ví dụ rõ ràng nhất cho mối quan hệ ký tác.

Chúng ta thường băn khoăn rằng, tại sao người ta lại quan tâm đến lùm xùm của Meghan Markle và cung điện Buckingham đến thế? Đó là là bởi chúng ta đã vô tình rơi vào mối quan hệ ký tác mà không hề nhận ra.

Tiến sĩ Frank Farley, giáo sư, nhà tâm lý học tại Đại học Temple và là cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho biết: “Con người là những động vật xã hội. Chúng ta thường sống một phần cuộc đời của mình thông qua các nhân vật được truyền thông chú ý, những người nổi tiếng, v.v..” Câu chuyện của Hoàng gia Anh phần nào khắc hoạ bức tranh về sự hạnh phúc, hào nhoáng, giàu có mà nhân loại hằng mong muốn.

Quan hệ ký tác – Ảnh: Getty Images

Ở một khía cạnh khác, câu chuyện về Hoàng gia gắn liền với ký ức của chúng ta. Đó có thể là những bộ phim cổ tích về công chúa Disney và hoàng tử mà mỗi người từng theo dõi từ thời thơ ấu. Ngay từ khi là một đứa trẻ, chúng ta đã được dạy về sự dũng cảm, hy sinh, thành thật và chủ nghĩa anh hùng thông qua các câu chuyện cổ tích và bộ phim hoạt hình của Hollywood. Chưa kể đến, Hoàng gia Anh có thể coi là một sợi dây kết nối giữa lịch sử và hiện tại. Biểu tượng về một ngai vàng và những lâu đài chính là nơi người ta nuôi dưỡng lòng tự hào, xây dựng danh tính quốc gia nhờ những câu chuyện hấp dẫn.

Đặc biệt, mối quan hệ ký tác cho phép con người ta tạm thời thoát ly khỏi thực tại. Theo Arianne Chernock, phó giáo sư lịch sử Anh hiện đại tại Đại học Boston, nói với HuffPost: “Chủ nghĩa thoát ly hiện thực có thể là một trong những lý do khiến các câu chuyện Hoàng gia ngày càng được chú ý.” Năm 2018, trong khi người Mỹ đang ngày một mất niềm tin và bi quan về tình hình chính trị trong nước thì đám cưới giữa Hoàng tử Harry với Markle, tin tức về việc Thái tử William và phu nhân Kate Middleton một lần nữa mang thai đã trở thành làn gió mát thổi vào tâm trí nhiều người. Những sự kiện đó đã giúp người dân Mĩ phân tâm trước những vấn đề căng thẳng đang diễn ra trong nước.

Quan hệ ký tác – Ảnh: Max Mumby / Getty Images

Việc nhìn thấy một cặp vợ chồng hạnh phúc, những đứa trẻ sắp được chào đời đã mang đến suy nghĩ tươi sáng, cảm xúc tích cực cho người theo dõi.

So sánh với văn hóa thần tượng, chúng ta có thể dễ dàng thấy mối quan hệ ký tác thường xuất hiện nhiều hơn ở những người trẻ.  Văn hóa thần tượng của Việt Nam và Trung Quốc (hoặc các nước Châu Á nói chung như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…) thường có khá nhiều điểm chung. Đây là những quốc gia mà nền kinh tế đang tăng trưởng chóng mặt, chủ nghĩa tiêu dùng tăng cao, khoảng cách giữa giàu nghèo tách biệt dẫn tới một nhóm người trong xã hội sẽ dư thừa về cả của cải lẫn thời gian. Điều này tạo cơ hội thuận tiện hơn cho sự phát triển của văn hoá thần tượng khi giới trẻ có điều kiện để lựa chọn cách theo đuổi sở thích, niềm vui riêng. 

Quan hệ ký tác – Ảnh: Sưu tầm

Thanh niên châu Á chính là lớp người đang đứng giữa sự giao thoa của văn hoá toàn cầu cũng như sự thoát ly của những tư tưởng truyền thống. Việc quan sát, theo đuổi thần tượng giúp cho người trẻ có thể gắn bó, hình thành một cộng đồng thân thiết với nhau – điều mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu khi con người đang ngày càng mất kết nối, đồng thời đối diện với rất nhiều áp lực của xã hội và dần mất đi  hứng thú với cuộc sống. Với nhiều người, việc xem thần tượng là mục tiêu sống có thể phù phiếm và ngốc nghếch, song, với giới trẻ, khi thuộc về một fandom có tính cộng đồng cao, họ có thể chia sẻ những suy nghĩ cá nhân, chung sức chiến đấu vì thần tượng cũng như tạm thời thoát ly khỏi những căng thẳng thường nhật. 

Một vài người giải thích rằng mối quan hệ ký tác có thể coi như một cách để bù đắp hoặc quên đi những thiếu hụt của bản thân. Chẳng hạn như khi ý thức về danh tính cá nhân (personal identity) của bản thân họ kém hay họ không thành công với các mối quan hệ trong đời thực. Một mối quan hệ ký tác cho phép người đó thoát ly khỏi thực tế, tìm kiếm sự thỏa mãn mà họ không có được trong hiện thực.

Tuy nhiên, như đã trình bày, mối quan hệ ký tác có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực ở giai đoạn một, hai song sẽ gây ra những tác động không tốt cho cá nhân và xã hội nếu phát triển sang giai đoạn ba – khi người ta bị ám ảnh hoặc trở nên mất tỉnh táo trong quá trình theo đuổi thần tượng. Việc trở thành những fan cuồng, hiếu chiến đến độ sẵn sàng theo dõi, sử dụng bạo lực với những người bất đồng ý kiến hoặc bỏ bê chuyện học hành, gia đình là ví dụ điển hinh cho việc mối quan hệ kí tác đã đi quá giới hạn.

Quan hệ ký tác – Minh họa: Hao Hao

Làm thế nào để biết bạn đang trong mối quan hệ với ai đó không biết đến mình?

Chỉ bạn mới có thể biết liệu mình có đang ở trong mối quan hệ ký tác hay không. Tuy nhiên, việc tự hỏi bản thân những câu hỏi đánh giá mức độ thân mật mà bạn cảm nhận với người nổi tiếng có thể giúp ta biết rằng liệu các hành vi đó có đang cận kề ranh giới không lành mạnh.

  • Bạn có thường xuyên kiểm tra hồ sơ mạng xã hội của một người nổi tiếng không?
  • Bạn có cảm giác như bạn và người ấy là tri kỷ?
  • Bạn có cảm thấy mình tin tưởng được người này không?
  • Bạn có bao giờ cảm thấy mình hiểu người này một cách vô cùng sâu sắc?
  • Bạn có tốn nhiều tiền để mua hàng hóa hay sản phẩm mà họ giới thiệu?
  • Bạn có dành phần lớn thời gian trên mạng để theo dõi các trang tin tức, hay cộng đồng cập nhật về người này?
  • Bạn có hay nghĩ rằng nếu bạn và họ gặp nhau, tình cảm của bạn sẽ được hồi đáp?
  • Bạn có bao giờ cố gắng gặp họ?
  • Bạn có “tôn thờ” họ không?
  • Bạn thấy rằng tình cảm dành cho họ còn lớn mạnh hơn cảm xúc dành cho những người bạn biết ngoài đời thực?
  • Bạn có thay đổi các khía cạnh của mình để bắt chước họ?
  • Bạn có cảm thấy như thể họ đang nói chuyện với riêng bạn?
  • Bạn có bao giờ bỏ mặc những mối quan hệ ngoài đời thực để ưu tiên việc trở thành “người hâm mộ” của người này?

Tất cả chúng ta đều từng, hoặc đang yêu mến một ngôi sao điện ảnh, ca sĩ,… Tuy nhiên, chỉ khi nào tình cảm này gây ảnh hưởng tới đời sống thực, khiến ta có những hành vi nguy hiểm thì nó mới thực sự là vấn đề. Chúng ta nghĩ mình biết Youtuber đó, hay hiểu về các thành viên trong ban nhạc yêu thích, nhưng hãy nhớ rằng bạn chắc chắn sẽ không bao giờ có thể biết rõ một người chỉ nhờ quá trình quan sát họ qua chiếc màn hình điện thoại. 

Theo Metro

Có thể bạn quan tâm:
“Đu” idol thường sẽ tốn bao nhiêu tiền?
Khởi đầu tuyệt đẹp của 5 chuyện tình Hoàng gia Anh
Từ Á sang Âu, từ Thái sang Anh – Tại sao chúng ta thích “hóng” các câu chuyện Hoàng gia?

Van Nguyen

Recent Posts

14 điều nhỏ nhặt khiến cánh đàn ông bị hấp dẫn bởi nữ giới

Những điều nhỏ nhặt mà nữ giới thường hay làm hoặc có sẵn trong thâm…

3 giờ ago

Những loại cocktail nên gọi cho lần đầu vào bar (Phần 1): 7 thức uống kinh điển

Đôi khi, những thức uống mà ta quen miệng gọi mỗi lần vào một quán…

1 ngày ago

10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn

Trong đây là 10 nghịch lý để thách thức cách suy nghĩ thông thường của…

2 ngày ago

6 phong cách kiến trúc Pháp phổ biến ở Việt Nam

Sự hiện diện của thực dân Pháp không chỉ giới hạn ở chính trị, mà…

3 ngày ago

5 dấu hiệu cho thấy bạn và tổ chức đang làm việc kém hiệu quả

Sau đây là những "sát thủ" thường đe doạ đến năng suất của một tổ…

4 ngày ago

Triển lãm mỹ thuật của hoạ sĩ Trương Hán Minh (Kể Chuyện Nghìn Năm): Thiên nhiên Việt Nam tái hiện qua những bức thuỷ mặc

Những tác phẩm của Trương Hán Minh, như là lời tự tình với cội nguồn văn…

5 ngày ago