Rising Vietnam

Tư duy “sử dụng nguồn lực” của anh Phạm Minh Tiến từ Ngân hàng số Timo

Trong tập thứ 4 của chương trình podcast Extra Money do Rising Vietnam và Dreamage sản xuất. Chúng ta đã được gặp gỡ một khách mời mà có mối quan hệ không thể nào mật thiết hơn với những tờ polime này – đó chính là anh Phạm Minh Tiến, Phó Chủ tịch phụ trách Tăng Trưởng & Tiếp thị tại Ngân hàng số Timo.

Mặc dù mở đầu câu chuyện với câu đùa rằng bản thân anh có “góc nhìn thú vị về cuộc sống nghèo khó của người đi làm ở Sài Gòn”; thế nhưng sau cuộc nói chuyện với host Trọng Hiền, ta có thể thấy anh Phạm Minh Tiến có cá tính khác hẳn so với những người làm việc trong ngành tài chính. 

Với sự đam mê sâu sắc về việc quản lý tài chính cá nhân, anh Phạm Minh Tiến còn truyền đạt những quan điểm độc đáo như “tiêu tiền để kiếm được nhiều tiền hơn”, hay “sử dụng nguồn lực của người khác”. Vậy chiến lược quản lý tài chính mới mẻ này được hiểu như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong chương trình Extra Money tập dưới đây nhé.

Những chiếc lọ tài chính nào mà anh Phạm Minh Tiến xem là quan trọng nhất?

Cũng như với những khách mời khác, anh Phạm Minh Tiến đã điền trước bảng khảo sát về những chiếc lọ tài chính của mình để xem dòng tiền sẽ đi vào mục nào nhiều nhất. Khác với các khách mời mà chúng ta đã gặp, anh Phạm Minh Tiến không chia đều thu nhập của mình vào 6 lọ nhu chương trình đã định. Thay vào đó, anh chỉ tập chung vào 4 mục chính: “nhu cầu thiết yếu”, “hưởng thụ cuộc sống”, “giáo dục” và “tiết kiệm dài hạn”. 

Đặc biệt trong bảng khảo sát này, host Trọng Hiền khá ngạc nhiên khi thấy có một chiếc lọ tài chính, hoàn toàn không hiện diện trong đời sống (cả trong quá khứ lẫn hiện tại) của anh Phạm Minh Tiến, đó là chiếc lọ “cho đi”.  Anh Phạm Minh Tiến nói rằng nó nằm trong “chi phí đam mê” của mình và nó đem lại hạnh phúc cho bản thân anh.

Nhưng ở trong quá khứ, anh Phạm Minh Tiến chỉ tập chung vào tiết kiệm dài hạn là chủ yếu, còn lại anh sẽ chia gần đều cho 2 lọ “nhu cầu thiết yếu” và “hưởng thụ cuộc sống”. Điều đáng nói ở đây là, vì sao anh lại đi ngược lại với số đông khi một số chiếc lọ có thể xem là khá cần thiết hơn. Nhưng anh Phạm Minh Tiến đã chia sẻ như sau:

Anh nghĩ khi nói về chi tiêu trên đời này, thì có 3 loại người. Một loại người, là họ chi tiêu để tiết kiệm nhiều nhất có thể. Một loại, là họ chi tiêu để họ tận hưởng nhiều nhất có thể. Và cuối cùng là họ chi tiêu để họ có thể kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Ở Việt Nam thì loại người thứ 3 không phổ biến lắm; bởi vì ít người nhìn tiền tiêu dưới góc độ số tiền đó cũng là một dạng đầu tư.” 

Và anh Phạm Minh Tiến tự nhận mình là kiểu người tiêu tiền lai giữa dạng số 2 và 3. Có thể thấy, khác với tư duy một chiều và trắng đen của nhiều người khi nghĩ đến số tiền mình chi ra, anh Phạm Minh Tiến có góc nhìn đa chiều về nó. Thay vì ta có thể xem số tiền chi tiêu đấy của mình chỉ nằm trong một mục, ta có thể nhìn nhận và áp nhiều nhãn mác khác lên cùng một số tiền đã bỏ ra.

Ví dụ, một con số 2 triệu VND để chi cho một bữa ăn tối có thể là quá nhiều đối với phần đông thu nhập người Việt; thế nhưng, nếu đi cùng với một đối tác làm ăn, thì ta có thể gọi nó thành nhiều cái tên khác nhau: tiền đầu tư kinh doanh, tiền networking, và đương nhiên là cả tiền tận hưởng nữa.

Về cơ bản thì một đồng tiền chi ra, mà nó phục vụ được cho càng nhiều lợi ích; thì ta nói rằng về mặt đầu tư, đồng tiền ấy đang càng có lãi cao. Nhưng ta phải luôn luôn ý thức được rằng là ta đang tiêu tiền cho mục đích gì”, anh Phạm Minh Tiến nói.

Cái nhìn độc lạ về cách quản lý tài chính cho bản thân

Bắt đầu vào năm 24 tuổi, anh Phạm Minh Tiến bắt đầu thử sức mình với nghề copywriting. Trong khoảng thời gian này, anh bắt đầu hình thành thói quen đưa bài viết của mình cho người khác để kiểm tra. Việc làm điều này theo như chia sẻ từ anh là rất tốn tiền; nhưng nhờ vào những lần chi tiêu như vậy, anh nhận thấy chuyên môn của bản thân ngày càng cao, rồi từ đó thu nhập của mình lên rất nhanh. Anh Phạm Minh Tiến mới ngộ ra một điều rằng: “Ta có thể tiêu tiền để kiếm được rất nhiều tiền.

Nhưng một điều kiện đó là ta phải tiêu vào đúng thứ; hay như anh Phạm Minh Tiến nói: “Một chuyến đi Đà Lạt chữa lành 2 triệu, không giúp em giàu hơn.” Nhưng nếu giả dụ ta nhờ một người thành thạo về quay phim và trả tiền họ để dạy, điều đó có nghĩa chính mình đang tự làm giàu bản thân. Anh Phạm Minh Tiến gọi cụm từ bao hàm cho toàn bộ ý nghĩa này là “sử dụng nguồn lực của người khác”.

Thế nhưng nếu ta đặt trường hợp vào một bạn sinh viên “chân ướt, chân ráo” ở thành phố mới, thì mục tiêu hợp lý nhất đó là kiếm tiền và chi tiêu vào nhu cầu thiết yếu hoặc hưởng thụ cuộc sống. Vậy nếu như với số tiền ít ỏi kiếm được, thì làm sao họ có thể đầu tư cho bản thân? Anh Phạm Minh Tiến cho hay, nếu con số đó của chúng ta dưới 10 triệu, thì mình cần gạt lọ tài chính “hưởng thụ cuộc sống” sang một bên:

Một bạn trẻ ra trường lương 8 triệu, bạn vẫn có khả năng dư được 1 triệu. Bạn ấy vẫn có thể cầm 1 triệu đấy đến gặp bạn quay phim như anh đã làm, rồi nếu như bạn ấy biết một người bạn khác làm copywriter thì có thể làm điều tương tự. Khi mà em viết tốt hơn, biết quay phim; thì đương nhiên là em có thể nhảy việc, hoặc có thể đảm nhận chức vụ cao hơn, lúc đó lương sẽ tăng hơn”, anh giải thích.

Anh Phạm Minh Tiến tin rằng, việc chúng ta dùng số tiền đó để tận hưởng bản thân, chữa lành sau những biến cố ngoài tầm kiểm soát của mình, sẽ không thực sự bền vững. Điều mà các bạn trẻ cần làm đó là tìm một hướng đi phù hợp và nhanh nhất với bản thân mình, để hướng đến tương lai không cần phải “lên Đà Lạt nữa”:

Anh nghĩ cái mà mọi người cần không phải để đi chữa lành, mà là một công việc tốt hơn, một vị sếp tốt hơn, một môi trường/đồng nghiệp tốt hơn. Về cơ bản là khi chúng ta có tất cả những điều đó, thì đâu có cần đi chữa lành nữa đúng không? Và anh luôn nghĩ đó là phải làm sao có được cái điều đó nó sớm, bởi vì cuộc đời này đâu có dài”, anh Phạm Minh Tiến chia sẻ.

Nhưng tận dụng nguồn lực như cách mà anh Phạm Minh Tiến nói cũng có thử thách và giới hạn của nó. Anh chia sẻ trong podcast Extra Money rằng, cách để tìm nguồn lực “đúng chỗ, đúng thời điểm” là cực kỳ khó khăn và cần thời gian để mài dũa. Chính vì thế, người trẻ nên bắt đầu tận dụng nó từ sớm; tập thực hành và rút kinh nghiệm càng sớm càng tốt:

Có người từng nói với anh một câu mà anh rất thích, đó là: ‘Nếu em định khởi nghiệp, thì nhất định phải luyện kỹ năng thuê người.’ Bởi vì bản chất khởi nghiệp là ta bắt đầu thuê nhân viên, nếu không biết cách thuê người và sử dụng nguồn lực từ người khác, thì làm sao ta khởi nghiệp được? Trên đời này, cách luyện nào chăng nữa thì cũng phải trải qua đau thương cả, trải qua sớm thì học bổ sớm.”

Khi tư duy “sử dụng nguồn lực của người khác” không hiệu quả…

Để xem thêm thông tin chi tiết về câu chuyện từ anh Phạm Minh Tiến, các bạn có thể theo dõi podcast Extra Money tại đây; hiện đã phát sóng trên trang Youtube của Rising Vietnam.

Còn một mặt khác nữa, đó là câu nói “có những vấn đề không giải quyết được bằng tiền”. Sẽ có đâu đó trong cuộc đời của chúng ta, việc thuyết phục một ai đó để dạy cho thứ mà mình mong muốn, sẽ không được chấp nhận. Anh Phạm Minh Tiến cũng hiểu được điều này, bởi vì chính anh cũng đã có nhiều lần bị từ chối trong quá khứ; hoặc có thể không tìm kiếm được thứ mà mình đang cần, mặc dù đã huy động tất cả nguồn lực có thể:

Như anh đã nói đấy, dùng tiền để sử dụng nguồn lực xung quanh là một kỹ năng mà, sẽ phải có lúc thất bại. Anh cũng đã từng thất bại đến mức không còn cách nào khác. Trên đời này, suy cho cùng thì để giải quyết vấn đề đôi khi chúng ta cần có thời gian, có tư duy, có thái độ của bản thân, và nguồn lực về mặt tài chính.”

Phó Chủ tịch phụ trách Tăng Trưởng & Tiếp thị tại Ngân hàng số Timo chia sẻ thêm: “Sẽ có rất nhiều vấn đề mà tình cảm mới giải quyết được, thời gian mới giải quyết được, thái độ hay sự ăn may mới giải quyết được. Chúng ta chỉ đơn giản là dùng tiền để có thêm thời gian, học được thái độ đúng đắn, và trở thành một người tốt hơn, từ đó trở thành một người sống ổn hơn thôi.

Anh Phạm Minh Tiến khi đó mới ngộ nhận ra một điều rằng là, một người giàu có sẽ không hề liên quan đến tài sản, mà nó sẽ đến từ phẩm chất, cái thái độ, cái tài năng, cái suy nghĩ của người đó nữa. Khi ta đầu tư vào bản thân, nghĩa là ta dùng tiền để đầu tư vào tất cả các khía cạnh ở trên để bản thân trở nên tốt hơn. Và nếu chưa có tất cả những điều đó, thì ta có thể học tập và rèn luyện; khi đó, tiền sẽ là công cụ giúp ta đến đích nhanh hơn.

Dao Thomas

Recent Posts

Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương đưa người xem vào “Cõi An Thường” qua các bức hoạ sơn mài

Triển lãm của Nguyễn Hoài Hương là lời khẳng định cho sự nỗ lực trong…

2 giờ ago

Xem chỉ tay: Từ góc nhìn khoa học và cách bói đúng

Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…

1 ngày ago

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

2 ngày ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

4 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

4 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

5 ngày ago