Theo một nghiên cứu của Viện AARP, 64% người lao động báo cáo rằng họ đã từng phải trải qua sự phân biệt tuổi tác trong môi trường công sở. Điều này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trực tiếp tác động đến cá nhân rồi đến ngầm hiểu và mang tính thể chế. Rất nhiều các công ty hiện nay thường không ngần ngại tự quảng cáo mình là ‘trẻ và năng động’, điều đó cũng vô tình khiến các ứng viên lớn tuổi hơn ngầm hiểu rằng có thể những nơi như này không dành cho họ.
Nhưng tại sao mọi người lại quan trọng hoá việc phân biệt tuổi tác như vậy? Có lẽ mọi người thử tham khảo về những định kiến đã được hình thành và truyền tai nhau trong thị trường lao động hiện tại:
Tuy nhiên, mỗi giả định trên, cả về người lao động trẻ và lớn tuổi, đều không hoàn toàn đúng. Ngoài những định kiến vô căn cứ đó, thì nhiều tổ chức có thể đơn giản là không muốn đầu tư cơ hội nghề nghiệp và kinh tế vào những người mà họ tin rằng sẽ sớm nghỉ hưu trong tương lai gần; thay vào đó thích chọn ai đó có ‘tiềm năng phát triển’ lâu dài hơn.
Điều trên thường cũng là một ngộ nhận. Bởi theo báo cáo của tờ Harvard Business Review, chỉ khoảng 58% người thuộc thế hệ Millennials dự kiến sẽ rời bỏ công việc của họ trong vòng 3 năm hoặc ít hơn. Tuy con số này vượt phân nửa, nhưng cũng không quá đặc biệt bởi đây là một điều khá bình thường trong thị trường lao động ngày nay.
Trong khi đó một nghiên cứu riêng biệt khác đã ước tính rằng gần một nửa số lao động trẻ trên toàn thế giới dự kiến sẽ rời bỏ công việc của họ chỉ trong vòng năm tới. Chính vì thế, việc các công ty xem vấn đề giữ chân nhân viên là điều quan trọng, đến mức họ luôn nghĩ ra những cách mới để giữ lại những nhân viên giỏi nhất và sáng giá nhất của họ lâu hơn.
Thực sự không có bằng chứng nào cho thấy việc đầu tư vào lao động trẻ là một nước đi an toàn cả hoặc hoặc mang lại tiềm năng ROI (tỷ suất hoàn vốn) cao hơn so với việc đầu tư vào một lao động lớn tuổi. Như CEO của AARP Jo Ann Jenkins có nói: “Tôi không nghĩ rằng các nhà tuyển dụng cần phải xem người lao động lớn tuổi khác biệt nhiều so với người trẻ tuổi. Thực ra, người lao động lớn tuổi thường có xu hướng là luôn trung thành, tập trung cao độ và mang lại những kinh nghiệm độc đáo mà những người trẻ hơn không có.”
Như vậy, có thực sự là người trẻ được ưu tiên hơn trong công việc so với những người lớn tuổi không? Và liệu định kiến phân biệt tuổi tác có nên tiếp tục bị phân biệt ở công sở không? Hãy cùng thử tìm hiểu các thông tin dưới đây.
Phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc xảy ra khi một ứng viên hoặc nhân viên bị phân biệt đối xử vì tuổi tác của họ. Mặc dù định kiến phân biệt tuổi tác có thể ảnh hưởng đến cả người lao động trẻ và lớn tuổi, nhưng nó thường ảnh hưởng nhiều nhất đến những người trên 45 tuổi. Nó sẽ bao gồm từ việc từ chối ứng viên vì họ gần đến tuổi nghỉ hưu cho đến việc chuyển giao trách nhiệm của một nhân viên lớn tuổi cho một nhân viên trẻ hơn.
Phân biệt tuổi tác trong môi trường làm việc xuất phát từ những định kiến sai lầm về nhân viên lớn tuổi là chậm chạp, bảo thủ và thiếu kinh nghiệm về công nghệ. Nó có thể xuất hiện trong bất kỳ tình huống nào; từ mô tả công việc (như đã nói ở trên) đến lúc phỏng vấn và ở trong môi trường đó, cũng như các sự kiện tập thể (như team-building).
Phân biệt đối xử với nhân viên vì tuổi tác của họ không chỉ không công bằng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc đó. Khi một tổ chức từ chối cơ hội cho ai đó chỉ vì tuổi tác của họ, họ chính là người đang củng cố những định kiến tiêu cực và có thể khiến làm mất đi 1 nhân viên tuyệt vời.
Phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc luôn bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm về khả năng và sự tận tâm từ độ tuổi người lao động. Nhưng thực ra, các tổ chức sẽ có nhiều lợi ích khi tuyển dụng và giữ chân nhân viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Dưới đây là một số lợi thế chính của việc có được nhân viên lớn tuổi.
Trong khi nhân sự trẻ có thể cởi mở hơn với các con đường sự nghiệp khác nhau, người lao động lớn tuổi thường đã định hình được sự nghiệp mà mình muốn dành phần còn lại để đi làm. Theo một cuộc khảo sát năm 2019, thì thế hệ 5x và 6x có khoảng 12 công việc từ 18 đến 52 tuổi; tuy nhiên, gần một nửa số công việc này đã được họ thực hiện trước tuổi 25. Điều đó cho thấy, khi người lao động càng có tuổi đời lớn, họ có xu hướng cam kết ở lại với cùng một công ty.
Nhiều người lao động lớn tuổi đã dành hàng thập kỷ để xây dựng kinh nghiệm và kỹ năng liên quan đến ngành của họ. Tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn cao có thể nâng cao doanh nghiệp của tổ chức và thậm chí giúp cải thiện kỹ năng của những người lao động ít kinh nghiệm hơn. Hơn nữa, người lao động lớn tuổi thường đóng vai trò là người cố vấn tại nơi làm việc.
Ngoài ra người trẻ có thể tích lũy kinh nghiệm từ những người làm việc lâu năm hơn mình, tận dụng được mạng lưới khách hàng và liên hệ có thể hữu ích cho doanh nghiệp từ họ. Ví dụ, nếu bạn điều hành một công ty tiếp thị, tuyển dụng một nhân viên có kết nối với các khách hàng tiềm năng có thể mang lại lợi ích trong tương lai cho công ty.
Cũng giống như chủng tộc, giới tính, tôn giáo và xu hướng tính dục; thì tuổi tác là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một đội ngũ đa dạng. Chính sự đa dạng tại nơi làm việc đã được chứng minh sẽ dẫn đến tổ chức có sự sáng tạo cao hơn, cùng với sự gắn kết của nhân viên và năng suất.
Duy trì một nơi làm việc đa dạng cũng khuyến khích mang đến nhiều quan điểm khác nhau, dẫn đến các quyết định tốt hơn và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Ví dụ, quan điểm của một người 60 tuổi có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc mà một nhân viên trẻ có thể không có. Việc có nhiều quan điểm khác nhau trong văn phòng sẽ làm tăng tiềm năng đổi mới và thành công cho tổ chức đó.
Việc tạo ra những định kiến về con người dựa trên độ tuổi gần như là bản năng của chúng ta và được tích luỹ từ nhiều trải nghiệm. Nếu ai đó ở độ tuổi 20 thì họ chắc hẳn là thành thạo về công nghệ, luôn giữ gìn vóc dáng, và luôn sẵn sàng thay đổi môi trường công việc thường xuyên để tìm kiếm những ý nghĩa. Trong khi đó, những người ở độ tuổi 60 và 70 chắc hẳn mức độ quan tâm đến công việc sẽ được chia sẻ cho những mối bận tâm khác trong đời sống của họ.
Đây là những ngộ nhận dễ hiểu, vì đâu đó phần lớn nó cũng đúng với thực tế. Nhưng liệu những giả định này có thể hoàn toàn áp dụng với mọi người không? Hay nó chỉ đang khiến chúng ta bỏ qua những điểm tương đồng quan trọng hơn?
Trong cuộc sống ngày nay, cùng với những thay đổi công nghệ sâu sắc, đã phá vỡ cái thứ được gọi là 3 giai đoạn truyền thống của một đời người: học tập toàn thời gian, làm việc toàn thời gian, và sau đó nghỉ hưu đến cuối đời. Thay vào đó, thế giới tư bản đang phân nhỏ những giai đoạn này và hoà quyện nó vào từng độ tuổi khác nhau; một cuộc sống đa giai đoạn kết hợp giữa giáo dục, khám phá và học hỏi; hay khi bạn làm việc trong các công ty, làm việc tự do và những khoảng thời gian thất nghiệp.
Sự đa dạng của những giai đoạn này và trình tự khác nhau sẽ dẫn đến sự đa dạng lớn hơn trong các nhóm tuổi, đồng thời cung cấp cơ hội cho các độ tuổi khác nhau tham gia vào các hoạt động tương tự. Nói theo cách khác, công việc và trải nghiệm sẽ đến với từng người khác nhau, không phân biệt tuổi tác. Chính vì thế những định kiến như sự phân biệt tuổi tác trong công sở sẽ ngày càng trở nên lỗi thời.
Trong một cuộc khảo sát hơn 10,000 người của trang báo Harvard Business Review (HBR), trang tạp chí nguyệt san này đã nhận thấy rằng kết quả của những người được khảo sát trái ngược hoàn toàn với các định kiến sẵn có. Vậy những ý kiến được bác bỏ đó là gì?
Đối với câu hỏi: Liệu những người khảo sát có cảm thấy các kỹ năng và kiến thức của mình đã đạt đến đỉnh cao chưa, và liệu gần đây họ có đầu tư vào kỹ năng của mình hay không; thì kết quả khá là bất ngờ khi:
Sau tuổi 30, nhiều người lo ngại về kỹ năng của mình đang không bắt kịp với yêu cầu công việc luôn thay đổi. Trên thực tế là, những người ở độ tuổi này (và lớn hơn) vẫn còn đang trau dồi kỹ năng của mình. Điều thú vị là tỉ lệ trong độ tuổi 18-30 là 91%; trong khi đó, ở độ tuổi 31-45 là 72%. Nhưng sau tuổi 45, gần 60% số người cho biết rằng họ vẫn đang tích cực dành thời gian cho việc này. Như vậy có thể thấy, phần lớn mọi người vẫn duy trì kỹ năng và điều này ít giảm theo tuổi tác.
Đây là một thái độ quan trọng mà công ty muốn ở các nhân viên của mình, đặc biệt khi ngày càng nhiều người có xu hướng kéo dài thời gian làm việc của họ. Điều đáng chú ý trong cuộc khảo sát này là, bất kể tuổi tác, sự hạnh phúc trong công việc của đại đa số luôn ở mức 50%. Ngoài ra, sự bất mãn hay chán nản cũng hiện diện ở mọi lứa tuổi.
Sự năng động của một người là yếu tố quan trọng để có một cuộc sống lâu dài và năng suất. Ngộ nhận ở đây là chỉ người trẻ mới thật sự dành thời gian cho chuyện này. Tuy nhiên, khảo sát của HBR phát hiện rằng người lớn tuổi cũng dành thời gian để tập luyện vì sức khỏe. Khoảng một nửa số người dưới 45 tuổi đang tích cực cố gắng giữ dáng, và tỷ lệ này liên tục tăng theo độ tuổi và đạt đỉnh 71% ở những người trên 70.
Một trong những lý do các công ty thường ưa thích người trẻ hơn người già, là giả định rằng với tuổi tác sẽ đi kèm với sự kiệt sức trong công việc và do đó làm giảm năng suất. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nhiều người dưới 45 tuổi (43%) cho biết họ dễ cảm thấy kiệt sức hơn so với những người trên 45 tuổi (35%), và những người ít chán nản trong công việc nhất là những người trên 60 tuổi.
Có một định kiến trong xã hội là: khi con người già đi, họ muốn sống chậm lại và mong chờ đến lúc nghỉ hưu. Nhưng điều này không hề đúng. Trong khi hơn một nửa số người từ 46-60 tuổi muốn sống chậm lại, thì chỉ có 39% số người trên 60 tuổi và dưới 20% số người trên 70 tuổi nói ngược lại.
Thuật ngữ ‘gap year’ thường để chỉ cho những cô cậu học sinh cấp 3 sau khi tốt nghiệp muốn khám phá thế giới để tìm điều mình đam mê là gì, trước khi bước vào xã hội tư bản. Nhưng tại sao chúng ta lại chỉ cho rằng mỗi người trẻ muốn dành thời gian để khám phá và học hỏi thêm về bản thân và thế giới? Báo cáo của HBR cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào về độ tuổi, trong sự hào hứng về việc khám phá các ‘con đường đời’ khác ở nhiều người.
6 giả định mà chúng ta đã khám phá ở trên chỉ là những khía cạnh của một vấn đề lớn hơn nhiều. Khi các tổ chức tin rằng người lao động lớn tuổi sẽ đầu tư ít hơn vào nghiệp vụ, ít hào hứng với công việc của họ và mong muốn khám phá cơ hội mới; đó là còn chưa kể họ đang trên đà suy giảm thể chất và kiệt sức. Chính những tổ chức đó sẽ đưa ra quyết định sai lầm về việc lựa chọn, thăng tiến và trao cơ hội phát triển cho ai, và nhân viên nào sẽ nghỉ hưu.
Đương nhiên mỗi tuổi tác tại nơi làm việc sẽ có tính cách và thế giới quan cũng như bản năng tự nhiên khác nhau. Tuy nhiên, những định kiến quen thuộc đối với việc phân biệt tuổi tác trong công sở, sẽ làm lu mờ điểm khác biệt của mỗi cá nhân.
Hơn nữa, nó sẽ khiến mọi người xao nhãng về những điều khác mà ta cần phải tập trung: đó là nỗ lực của mỗi người trong công việc để đạt được sự nghiệp thành công và viên mãn. Còn đối với các tổ chức, ta nên ủng hộ bài trừ sự phân biệt tuổi tác và bắt đầu hướng đến gây dựng môi trường không phân biệt nhân viên dựa trên độ tuổi của họ.
Thời gian làm việc của mỗi người trong xã hội hiện đại ngày càng kéo dài hơn, cho nên bất kể tuổi tác ta nên luôn tự đặt ra câu hỏi về những giả định và định kiến vô căn cứ của bản thân và về người khác. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tạo ra những nơi làm việc không phân biệt tuổi tác và mọi người được chấp nhận vì chính bản thân họ.
Xem thêm:
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…