Rising Vietnam

Phan Việt Thắng – Founder của The Suits House: quan điểm tự do tài chính là do mỗi người tạo ra cho mình

Từng đứng trên cương vị là một MC của các chương trình và sự kiện lớn nhỏ; giờ đây, doanh nhân Phan Việt Thắng đang điều hành The Suits House – một thương hiệu suit nam cao cấp “made in Vietnam” 100%. Nhưng hiếm ai biết được rằng, để đạt đến được mức thu nhập mà bản thân cho là “đủ”; anh ấy đã phải vượt qua cột mốc quan trọng khiến bản thân thay đổi cách nhìn nhận của mình về cách tiêu, xài và đầu tư tiền bạc.

Trong tập đầu tiên của podcast Extra Money do Rising Vietnam sản xuất, founder của The Suits House, anh Phan Việt Thắng đã ngồi lại cùng với host Trọng Hiền để chia sẻ những trải nghiệm của mình trong hơn 10 năm tự lập tại đất Sài Thành. Những điều anh rút ra được từ thời còn làm MC cho đến khi kinh doanh đầu tư, cũng như quan điểm về tài chính của anh đã thay đổi như thế nào qua những cột mốc cuộc đời.

Đầu tư cho nhu cầu thiết yếu lúc còn trẻ đến giáo dục sau khi khởi nghiệp

Ở đầu mỗi số của Extra Money, các khách mời đến với chương trình sẽ được chuẩn bị trước một bảng biểu để điền vào, bao gồm những nhu cầu khác nhau trong cuộc sống, tượng trưng cho 6 chiếc lọ tài chính: nhu cầu thiết yếu, hưởng thụ cuộc sống, giáo dục, tiết kiệm dài hạn, tự do tài chính và cuối cùng là cho đi. 

Theo đó, kết quả của anh Phan Việt Thắng cho thấy trong quá khứ, anh dành ½ thu nhập của mình cho nhu cầu thiết yếu; thế nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này lại dàn trải đều cho 6 chiếc lọ của mình, với nhu cầu giáo dục nhỉnh hơn chút xíu với 5%. Điều này cũng khá tương đồng với câu trả lời của anh ở đầu tập, khi anh nói giờ đây anh thích đi học hơn là đi làm; hay lĩnh vực mà anh đặc biệt quan tâm gần đây đó là chính sách thuế, đầu tư công và thương mại – những chủ đề kinh doanh mang nặng tính lý thuyết.

Phan Việt Thắng – Founder của The Suits House

Giải thích về sự thay đổi rõ rệt này, anh Phan Việt Thắng cho rằng, bởi vì quá trình khởi nghiệp The Suits House của anh cùng vợ bắt đầu từ rất sớm, bản thân vẫn chưa đủ vững chắc về kiến thức để có thể điều hành doanh nghiệp một cách trơn tru được; cộng thêm với sự ngạo mạn của tuổi trẻ, anh đã bắt đầu đầu tư và mở thêm nhiều công ty khác, chỉ để so đo với bè bạn.

Nhưng có một sai lầm anh Phan Việt Thắng nhận ra được từ việc “để tiền ở sai chỗ“: “Một là nguồn lực mình không có nhiều. Thứ hai là kiến thức mình không có nhiều. Cái thứ ba là thời gian cho từng khoảng đó nó cũng không có. Thành ra là như anh nói đó là mình ‘mất nhiều hơn được’.

Thì sau 30, anh nghĩ là ‘À, mình phải có cái chiến lược nó dài hạn hơn!’ Nghĩa là khi em có một số tiền và số tiền đó dành cho chuyện nhu yếu phẩm trước 30 là điều dễ hiểu, nó cũng đã xong rồi. Thì sau 30 là thời gian mà mà anh dành cho gia đình cũng như chính bản thân anh.

Nhưng giờ đây, câu nói ‘dành thời gian cho chính bản thân anh‘ sẽ mang nghĩa khác với trước đây đối với anh Phan Việt Thắng: “Một là dành thời gian để hiểu mình.Thứ 2 là dành dành tiền bạc cho những cái gì mà mình trước đây không được học. Cái thứ 3 là dành cái chi phí về tài chính để cho mình được trải nghiệm những cái thứ mà vốn dĩ mình nên trải nghiệm từ sớm hơn.

Nguyên cớ để anh Phan Việt Thắng giải nghệ MC và chuyển sang kinh doanh thời trang

Trong cuộc đời của một người đàn ông, hay ít nhất là đối với những người trẻ sẽ trải qua những lựa chọn quan trọng: “Một là chọn cái nghề. Hai là chọn vợ. Ba là chọn cái lẽ để mình sống.” Còn với anh Phan Việt Thắng, mặc dù với công việc dẫn dắt chương trình thuận lợi đã giúp anh tìm được nửa kia của đời mình khi còn trẻ, thì chàng trai 22 tuổi lúc ấy vẫn nuôi cho mình một tham vọng lớn hơn:

Hai vợ chồng anh thủ thỉ với nhau rằng, bây giờ phải có được nhà, phải có được xe tại Hồ Chí Minh, thì mới xin gia đình cưới được. Anh mới tính là, nếu như mỗi tháng anh làm MC mà được 20 triệu ở thời điểm đó, thì phải khoảng chừng hơn chục năm mới mua được nhà và xe. Nên anh mới nghĩ chuyện là mình sẽ phải làm một cái điều gì đó khác biệt, để mà mình có cái thu nhập tốt hơn

Lấy cảm hứng từ những bạn trẻ kiếm tiền trực tiếp (MMO – Make Money Online: bao hàm các phương pháp kinh doanh như tiếp thị liên kết, dropshipping, freelancing, làm trên các sàn e-commerce), anh Phan Việt Thắng đã bắt đầu rẽ hướng sang đầu tư khởi nghiệp để kinh doanh: “Khi có vài triệu đô trong tài khoản. Mình mới nghĩ: ‘Vậy thì phải hơn 10 năm nữa mới có nhà có xe Sài Gòn’. Như vậy, mình phải làm gì đó khác hơn.”

Đó cũng là lý do anh Phan Việt Thắng và vợ mình chọn mở cửa hàng tiền thân của The Suits House, bắt đầu dấn thân vào kinh doanh thời trang: “Thời điểm đó anh bị một vấn đề nữa. Khi là MC trẻ, thì không có tiền mua suit; mà không thể nào mình cứ 1-2 bộ giặt đi giặt hoài được. Thế nên nếu mở một cửa tiệm bán vest lỡ như trường hợp bán không được, thì mình mặc mặc luôn”, anh cười.

Thực ra, nếu nhìn kỹ lại, lựa chọn kinh doanh một mặt hàng nằm ở phân khúc tầm trung và cao cấp của The Suits House, có vẻ đây lại là lựa chọn khôn ngoan. Bởi vì, người kinh doanh có thể lựa chọn chiến lược sản xuất sản phẩm ít và không ồ ạt, trong khi vẫn có thể đảm bảo lợi nhuận cao: “Đồ thường dễ bán hơn, nhưng mà vest thì mỗi một bộ có biên lợi nhuận lớn hơn. Vậy thì câu chuyện là mình có quyền bán ít sản phẩm nhưng mà cái lợi nhuận dự kiến mình vẫn còn, thế cho nên anh chọn vest.” 

Cột mốc quan trọng nhất khiến founder của The Suits House phải thay đổi thói quen đầu tư

Quay trở lại với 6 chiếc lọ tài chính ở thời điểm hiện tại, với lọ giáo dục có phần nhỉnh hơn những lọ khác; anh Phan Việt Thắng chia sẻ về khoảng thời gian nhận được tin về tình trạng thể chất của đứa con mới sinh của gia đình, chính là cột mốc quan trọng thay đổi mối quan hệ giữa anh với tiền bạc kiếm được:

Anh như biến từ người mộng mơ kiếm tiền thành một người thực tế vậy. Bác sĩ mới nói anh là: ‘Một là phải chuẩn bị tinh thần, hai là ngay thời điểm này thì phải cho nằm phòng NICU’. Thì chi phí nằm trong phòng đó nhiều ngày có thể lên đến hàng trăm triệu. Anh mới chợt nghĩ là, thời điểm con mình nằm đây; nhưng đến lúc nào đó thì cái người nằm trong phòng này nó có thể là bố mình, là mẹ mình khi về già hoặc là bất cứ người nào mình yêu thương.

Anh Phan Việt Thắng mới kể tiếp rằng, nếu không có số tiền lớn trong tay, con anh có thể biến mất khỏi cõi đời này bất cứ lúc nào. Chính vì thế, ngay tại thời điểm đó, mình phải có đủ nguồn lực để có thể giúp đỡ, yêu thương họ, và mong muốn họ sống sót khỏi căn bệnh; vì chỉ dành tâm hay lời nói cho người đó không còn đủ nữa:

Là đàn ông, cái thứ mà giá trị nhất của mình, là để cho những người xung quanh được nương tựa vào mình. Thời đại này là thời đại mà nếu không có tiền thì không có làm được gì nhiều hết và không đáng kể. Thì lúc đó, anh bắt đầu nghĩ về cái chuyện là làm cái gì thì cũng phải sinh ra hiệu quả về mặt tài chính hơn.” 

Cách hiểu của từ “Extra Money” theo anh Phan Việt Thắng

Một nội dung khác của podcast Extra Money nằm ở việc không chỉ khách mời đưa ra những phương pháp của kiếm, giữ hay đầu tư tiền ở đâu; mà còn có cách nào để ta có thể kiếm thêm được những tờ polime đầy màu sắc này không. Qua cuộc trò chuyện với anh Phan Việt Thắng, ta cảm nhận được anh là một người thận trọng khi liên quan đến chuyện tài chính. Từ cách vận hành doanh nghiệp cũng như quản lý tiền bạc trong gia đình, tất cả đều xoay quanh chữ “đủ” và “đề phòng” đối với chàng doanh nhân.

Đối với anh Phan Việt Thắng, việc đi làm thêm ở đây không chỉ gói gọn trong tiền bạc: “Cái chuyện mà anh đi làm hơn mỗi ngày thì anh không có mong cầu để mà anh có thêm tiền. Cái mà anh đang mong cầu là thông qua những cái việc anh làm mà xã hội công nhận, và khi người ta trả tiền cho những gì anh làm; thì đồng nghĩa với chuyện là người ta công nhận những gì anh trao cho xã hội.

Như vậy, có nghĩa là nó sẽ khác với những con người chỉ hướng mắt vào lợi nhuận và bỏ qua những điều khác. Anh Phan Việt Thắng giải thích thêm: “Nhưng mà thông qua cái việc là anh đi đào tạo, anh làm thêm công ty, anh trò chuyện và giúp đỡ nhân sự; thì anh cũng kiếm được tiền, mà nó chậm, nhưng nó cũng là kiếm được tiền. Cái ‘Extra’ ở đây là dựa trên cái thêm gì anh mang cho xã hội, chứ không phải là trọng số hoá nó.” 

Vậy, với anh Phan Việt Thắng viễn cảnh “tự do tài chính” thì sao?

Anh Phan Việt Thắng cũng trao đổi thêm với host Trọng Hiền về cụm từ “tự do tài chính” đang xuất hiện trong giới trẻ gần đây. Nhiều cuốn sách được viết từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực mà bạn có thể từng thấy, sẽ đi từ việc tính mức thu nhập của mình qua những phép toán; hay mặc định luôn một mức cố định làm mốc điểm mà mọi người cần phải hướng tới, nếu muốn tự gọi mình là “dư giả”.

Để xem thêm thông tin chi tiết về câu chuyện từ anh Phan Việt Thắng, các bạn có thể theo dõi podcast Extra Money dưới đây; hiện đã phát sóng trên trang Youtube của Rising Vietnam.

Suy nghĩ của chàng doanh nhân lại khác. Anh Phan Việt Thắng cho rằng, một khi ta không còn bận tâm, không còn trói buộc vào tiền mỗi khi mở mắt dậy, thì như thế ta đã “tự do tài chính” rồi. Nếu để nói rộng ra, thì ta chỉ có thể được cho là không cần lo lắng về tiền bạc, nếu ta cảm thấy vậy, chứ không phải do những con số quyết định. Ví dụ như, nếu ta chỉ cần 30.000 VND để ăn sáng và những bữa còn lại có thể “hít khí trời” mà vẫn hạnh phúc, thì như thế là ta đã tự do rồi.

Đó có thể là một tư duy ngược đối với nhiều người, nhưng điều này cũng biến nó thành một tư duy tài chính rất riêng; ta còn có thể còn gọi nó như là một lọ tài chính “độc bản” của anh Phan Việt Thắng, founder The Suits House: “Anh đã có quan điểm là anh không sống cho người khác xem. Mà khi sống vậy, thì mình được quyền tự do trong việc kiếm tiền, tự do việc mình tiêu tiền, và tự do trong hành trình kiếm tiền của mình như thế nào.

“Bình tĩnh kiếm tiền. Còn không, thì hãy bình tĩnh giữ tiền.”

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay tại Việt Nam, thì việc kiếm tiền hay không đã là một điều rất khó đối với nhiều người, huống chi là tăng thu nhập thêm. Thấu hiểu được điều đó, anh Phan Việt Thắng chỉ muốn gửi gắm đến các bạn trẻ rằng, chúng ta hãy luôn tiếp tục thức dậy và cố gắng đạt được thu nhập vừa đủ với mình; còn nếu không, đừng nên tiêu xài quá mức. Bởi vì biết đâu, “mình tính không bằng trời tính” thì sao.

Anh mong các bạn bạn là hãy bình tĩnh kiếm tiền. Còn nếu trong năm nay mà không bình tĩnh kiếm tiền được, thì hãy bình tĩnh giữ tiền giữ tiền”, founder của The Suits House chia sẻ.

Dao Thomas

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

11 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago