Làm phim chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng dễ đi, nay làm phim độc lập không có “người đỡ đầu” lại còn gian nan, khốn khó hơn nhiều lần. Nhiều nhà làm phim đã giữa đường gãy gánh khi không nuôi đủ ý chí và đam mê cho bộ môn nghệ thuật đầy mạo hiểm này.
Song, với nhiệt huyết và ước mơ chân thành từ các nhà làm phim độc lập suốt nhiều năm qua, tại thời điểm hiện nay, dòng phim độc lập Việt Nam đã được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế, thậm chí trình chiếu tại rạp nước ngoài. Song song với những thành tựu đầy tự hào đó, dòng phim trước giờ bị mặc định trong nước là “khó phát hành” đã có nhiều chuyển sắc tích cực khi có nhiều bộ phim độc lập Việt Nam được đông đảo phía khán giả đón nhận.
Như đạo diễn bộ phim độc lập Bạn cùng phòng Nguyễn Lê Hoàng Việt từng chia sẻ, “Làm phim không giống như vẽ tranh hay ca hát, chỉ cần một hai người, làm phim luôn cần tập thể cùng thực hiện.”
Nếu đạo diễn của một bộ phim độc lập đã khẳng định, quá trình làm nên một bộ phim luôn cần một tập thể liên kết, câu hỏi khiến nhiều người phải thốt lên trong tò mò: Thế phim độc lập thì độc lập với cái gì?
Theo cuốn Thuật ngữ điện ảnh – truyền hình (Vũ Xuân Quang, Trần Thanh Tùng biên soạn) của Hội Điện ảnh Việt Nam xuất bản năm 2009, cũng đã có những định nghĩa về dòng phim này được đúc kết trên góc nhìn nhận phim độc lập ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Xét về yếu tố mỹ học điện ảnh, thì trước đây, người ta gọi dòng phim độc lập với cái tên “phim tác giả” – nhưng từ này rất mơ hồ và khó hình dung bởi không có phim nào là khuyết danh cả. Cũng có lúc gọi phim độc lập được xem là “phim vị nghệ thuật” (art film) – bởi đạo diễn có thể tự do trong việc sáng tạo nhân vật, nội dung, truyền tải đến người xem những quan điểm nghệ thuật thuần khiết của mình. Nếu nhấn mạnh vào tính độc lập trong tư duy sáng tạo, thường người ta sẽ đánh đồng khái niệm phim độc lập với “phim tiên phong” (Avant-garde films) – là dòng phim nằm ngoài nền công nghiệp điện ảnh và thách thức những phim tự sự có tính thương mại.
Gần đây nhất, người ta gọi dòng phim này là phim độc lập là tương đối sát nghĩa, bởi tính phim bộc lộ rõ tính độc lập về nội dung, tư tưởng, về tiêu chí nghệ thuật, và cả về vấn đề tài chính. Các nhà làm phim độc lập có thể được bảo trợ tài chính đủ để thực hiện các tác phẩm của mình, nhưng chưa bao giờ họ dám hứa hẹn sẽ có một chỗ đỡ đầu chắc chắn cho “đứa con tinh thần” của mình.
Vì là độc lập “luôn phần” nhà sản xuất, đa số các bộ phim độc lập sẽ mắc phải tình trạng khó khăn khi không có chỗ phát hành. Khi đó, họ, hoặc chọn con đường phát hành phim qua video, DVD, trên truyền hình hay internet, hoặc tìm đến các liên hoan phim để tranh giải, để chào bán phim cho các hãng phát hành.
Đa số những bộ phim độc lập, vì nhiều lý do khác nhau, cũng như những tìm tòi, thể nghiệm mới về nghệ thuật của nó, chưa đến được với công chúng rộng rãi, nhưng sự ghi nhận từ những LHP uy tín, đã giúp cho các đạo diễn có được sự hỗ trợ cho những bộ phim dài hơn hơn.
Năm 2015, bộ phim Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di trở thành phim Việt Nam đầu tiên nhận đề cử giải thưởng Gấu vàng tại LHP quốc tế Berlin (Đức). Phim đã được Memento Films – một nhà phát hành phim nghệ thuật hàng đầu nước Pháp – mua bản quyền và trở thành bộ phim Việt đầu tiên được phát hành thương mại tại 400 rạp ở 30 thành phố nước Pháp trong suốt 3 tháng. Không những thế, phim còn được phát hành thương mại tại các quốc gia khác như Ba Lan và Đài Loan. Tuy nhiên, đến giờ, Cha và con và… vẫn chưa được chính thức công chiếu ở các cụm rạp trong nước mà chỉ được ra mắt trong khuôn khổ một vài sự kiện hoặc chiếu độc quyền trực tuyến.
Bên cạnh đó, có thể kể đến Phạm Ngọc Lân với Thành phố khác và mới đây là Một khu đất tốt được vào vòng dự thi của LHP Berlin – một trong ba LHP lớn nhất thế giới. Phạm Thiên Ân – xuất thân không phải chuyên ngành điện ảnh, nhưng phim ngắn Bên trong vỏ kén vàng đã giành giải thưởng cao nhất trong hạng mục Illy của LHP lớn nhất thế giới, Cannes. Phạm Quang Trung có phim Người Kiến đã giành giải thưởng phim ngắn hay nhất tại Seashorts Film Festival ở Malaysia dành cho các nước Đông Nam Á.
Nếu chỉ đánh giá điện ảnh Việt dựa trên các bộ phim thương mại (mainstream) chiếu rạp có doanh thu cao, trong khi ở Việt Nam hoàn toàn không có hệ thống rạp chiếu riêng cho dòng phim độc lập thì không phải là quá phiến diện hay sao. Bởi ở các nước phương Tây, phim độc lập (bao gồm cả phim ngắn, phim tài liệu…) tách biệt khỏi dòng phim đại chúng – tức dòng phim thương mại, nên ở Mỹ và châu Âu, các bộ phim độc lập thường được chiếu trong những rạp riêng dành cho một bộ phận khán giả.
Với một thế hệ đạo diễn tài năng mới đang thành hình, đáng tiếc là trong tất cả những thành công, những ghi nhận mà họ có được lại không có dấu ấn của bất kì sự hỗ trợ chủ động nào từ các nhà đầu tư ở Việt Nam.
Đạo diễn Trần Phương Thảo – tác giả của bộ phim tài liệu Đi tìm Phong – cho biết, khó khăn khiến các nhà làm phim độc lập nản lòng nhất chính là hành trình đưa phim đến với khán giả. Hoàn thành vào năm 2015, đạo diễn Phương Thảo đã phải tham gia hàng chục LHP quốc tế, với hy vọng có giải thì các nhà phát hành trong nước sẽ đỡ e ngại và cân nhắc việc phát hành phim. Đi tìm Phong đã giành về cho mình một số giải thưởng danh giá, nhận được đánh giá cao của các nhà phê bình. Đến năm 2018, Đi tìm Phong mới được trình chiếu tại Việt Nam.
Tháng 9 năm 2019, bộ phim độc lập Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi của đạo diễn Chung Chí Công tuy nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả bởi nội dung mới lạ và gần gũi, doanh thu phim sau 1 ngày công chiếu vẫn không đủ chỉ tiêu giúp phim tiếp tục trụ được ngoài rạp. Đạo diễn phim đã phải viết tâm thư về việc tại sao anh tha thiết muốn làm bộ phim này, và mong các bạn trẻ sẽ đến rạp ủng hộ để bộ phim vẫn có mặt tại các rạp chiếu trước khi bị cắt suất. Cuối cùng, nhờ sự “tiếp sức” của khán giả trẻ mà phim đã thu được khoảng 3,2 tỉ đồng trước khi rời rạp.
Tương tự, ê kíp các phim như Nhắm mắt thấy mùa hè (đạo diễn Cao Thúy Nhi), Song Lang (đạo diễn Leon Quang Lê) hay Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) cũng đã trải qua bao gian truân để có thể hoàn thành bộ phim mơ ước của mình.
Với nhiệt huyết và đam mê chân thành từ các ê-kíp làm phim độc lập suốt nhiều năm qua, tại thời điểm hiện nay, không thể không nhìn nhận những thành tựu mà dòng phim này đã gặt hái ở thị trường phim trong và ngoài nước. Sự nổi lên của những đạo diễn tài năng theo đuổi dòng phim độc lập đã nhận được sự ghi nhận rộng rãi của thế giới, góp phần không nhỏ trong công cuộc đưa điện ảnh Việt hội nhập với bạn bè quốc tế, nâng tầm chất lượng và khẳng định sức trẻ tài cao của mình.
Như đạo diễn điện ảnh Síu Phạm, người Việt ở Thụy Sĩ nói: “Tôi có một nhận xét rất tích cực, tôi rất yêu tất cả các bạn trẻ đang chật vật làm phim, đang khó khăn nhưng vẫn cố gắng làm phim. Những nhà làm phim độc lập rất tốt vì đưa ra một cái nhìn mới lạ. Đó là những câu chuyện của bây giờ.”
Trong vài năm trở lại đây, phía khán giả tại Việt Nam cũng có nhiều chuyển sắc tích cực khi dành nhiều sự ưu ái hơn cho dòng phim độc lập. Bằng chứng là trong “Bảng thăm dò bộ phim nào sẽ khiến bạn chờ ra rạp xem sắp tới” của trang Box Office Vietnam, phim Ròm – một bộ phim độc lập của đạo diễn Trần Thanh Huy, đạt số phiếu cao nhất, bỏ xa vị trí thứ 2 là bộ phim Tiệc trăng máu quy tụ toàn ngôi sao do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn.
Từ khi lên ý tưởng đến lúc gần công chiếu, Ròm mất 8 năm và 27 bản dựng khác nhau. Khi phim có được giấy phép chiếu rạp tại Việt Nam, đạo diễn Trần Thanh Huy xúc động: “Tôi đã trải qua một chặng đường dài cảm xúc với Ròm, từ điểm đáy đến đỉnh cao châu Á, nhưng cảm giác nôn nao chờ đợi khán giả quê nhà đón nhận bộ phim vẫn rất khác.”
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng từng chia sẻ, “Tài năng của họ (đạo diễn làm phim độc lập) không chỉ đưa được phim Việt Nam, tiếng nói Việt Nam đến rất nhiều khu vực trên thế giới. Họ cũng bằng tài năng để chứng minh sự xứng đáng để nhận được những khoản tiền đầu tư để làm những cuốn phim dài đầu tiên.”
Những người làm phim độc lập, ở đâu cũng vậy, thường gặp phải rất nhiều gian nan trên con đường tìm kiếm kinh phí làm phim của mình. Vì thế, nếu nhận được sự giúp đỡ từ các nhà đầu tư hay của nhà nước, các tài năng ấy sẽ có khả năng phát triển rất tốt. Ở Hà Nội có TPD là Trung tâm hỗ trợ tài năng trẻ được thành lập từ năm 2002 và được xem là tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo các khóa học ngắn hạn về điện ảnh. TPD tự hào xây dựng được cộng đồng làm phim lớn nhất Việt Nam, với hàng năm chương trình tài trợ làm phim qui mô lớn, và lễ trao giải Búp sen vàng cùng các workshop ngắn hạn hỗ trợ các tài năng trẻ.
Bắt đầu với khóa học “Chúng ta làm phim” tại trung tâm TPD, đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt là có những thành tích đáng tự hào trong sự nghiệp làm phim của mình.
“Tôi làm những phim ngắn đầu tiên trong lớp của TPD, làm quen với những bạn bè cùng sở thích và nhiệt huyết, khám phá ngôn ngữ điện ảnh qua việc xem phim ở thư viện TPD, đọc sách báo, trao đổi thường xuyên và làm phim đều đặn theo khóa học,” Hoàng Việt chia sẻ về những trải nghiệm tại trung tâm.
Sau một thời gian theo học tại TPD cùng những kinh nghiệm tích lũy qua nhiều bộ phim trải nghiệm, năm 2015, phim ngắn Hạt cam và con mèo vàng không tuổi của anh đã vượt qua 100 phim ngắn của các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Đức… để giành giải thưởng Tài năng châu Á tại LHP Asia Express được tổ chức thường niên tại Hungary. Không lâu sau đó, năm 2017 phim ngắn Bạn cùng phòng của Việt cũng đã nhận giải thưởng đặc biệt của Dự án phim HANIFF tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ IV.
Bên cạnh TDP thì nhà sản xuất, diễn viên Hồng Ánh cũng là người hết mình hỗ trợ cho các đạo diễn trẻ “được làm ra bộ phim đủ đầy ý đồ nghệ thuật của mình” như Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy, hoặc làm nhà phát hành cho phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong… Những cái tên như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Bảo Nguyễn, Hàm Trần – các nhà đồng sáng lập Hãng phim EAST, cũng đang có nhiều kế hoạch tìm kiếm, nuôi dưỡng các tài năng mới của điện ảnh Việt. Họ mong muốn có thể hỗ trợ phát triển và sản xuất những dự án phim táo bạo, có tầm nhìn từ các đạo diễn trẻ – như đã làm với Ròm của Trần Thanh Huy.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…