#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại
Phong trào 4B “nghe giống như một vở kịch Hy Lạp“, Helen Coffey viết trên The Independent, “khi những người phụ nữ đoàn kết để kết thúc chiến tranh Peloponnese bằng cách đình công tình dục“, nhưng nó “vừa thực tế vừa đang diễn ra trong thế kỷ 21“.
Cũng trong tiểu thuyết gai góc Kim Ji Young, Born 1982 của Nam Joo xuất bản năm 2016, đã kể về những trải nghiệm hàng ngày của một người phụ nữ bình thường về nạn phân biệt giới tính, bất bình đẳng và sự xem thường phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc đương đại. Nó cũng là cuốn sách đã giúp khởi động cho Phong trào 4B tại đất nước này. Bởi vì, giống như nữ chính trong tác phẩm Nam Joo, phụ nữ Hàn Quốc cũng cảm thấy rằng họ đã chịu đựng quá đủ rồi.
Mệt mỏi với sự phân biệt giới tính đã tồn tại ở mọi ngóc ngách của xã hội, những người theo phong trào 4B không chỉ muốn nổi dậy chống lại chế độ gia trưởng mà còn mong tách biệt hoàn toàn khỏi nó.
Cũng như với tiểu thuyết của Nam Joo, phong trào 4B lấy cảm hứng từ chiến dịch “Escape The Corset” được hình thành ở nước này vào năm 2017. Chiến dịch nhờ những người tiên phong như Jeon Bora, người đã chụp ảnh những người phụ nữ cạo đầu như một hành động nổi loạn, và Summer Lee, người đã tự quay phim bản thân để mặt mộc và mặc quần áo rộng thùng thình, kiểu con trai.
Cả 2 hành động đều ghi lại những nỗ lực của phụ nữ Hàn Quốc trong việc thoát khỏi sự thống trị của nam giới và đã giúp thu hút một lượng lớn người theo dõi ngày càng tăng cho phong trào 4B.
Phong trào này được cho là bắt đầu tại Hàn Quốc vào năm 2019. Phong trào 4B dựa trên bốn nguyên tắc “không” cốt lõi: Bihon (không kết hôn dị tính), Bichulsan (không sinh con), Biyeonae (không hẹn hò) và Biseksuel (không quan hệ tình dục dị tính).
Điều này không có nghĩa là phụ nữ đấu tranh chống lại chế độ gia trưởng, mà là hoàn toàn tách biệt khỏi nó; nó trở thành một trong những trào lưu nữ quyền xuất phát từ một số phong trào trực tuyến trước đó, bao gồm “Phong trào Escape The Corset” như đã đề cập ở trên và phong trào #MeToo của Hàn Quốc.
Phong trào 4B nổi lên trong bối cảnh phụ nữ Hàn Quốc ngày càng nhận thức rõ hơn về sự bất công và áp lực từ xã hội gia trưởng. Mặc dù Hàn Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao quyền phụ nữ, nhưng nhiều bất công vẫn còn tồn tại; từ chênh lệch lương bổng, quấy rối tình dục đến các chuẩn mực xã hội áp đặt lên phụ nữ về hôn nhân và sinh con.
Những người ủng hộ phong trào này có thể kể đến là YouTuber Lina Bae, Baek Ha-Na và Jung Se-Young, khi họ đăng tải các cập nhật về mục tiêu và tiến trình của phong trào. “Sau khi nghiên cứu về nữ quyền và không kết hôn, tôi bắt đầu sống cuộc sống tập trung vào bản thân hơn“, Ha-Na nói, trong khi quyết định không kết hôn của Se-Young chịu ảnh hưởng từ việc chứng kiến cách mẹ và bà của cô bị đối xử như “người phụ thuộc” trong gia đình.
Phong trào 4B nhằm mục tiêu giải phóng phụ nữ khỏi những gông cùm của xã hội gia trưởng, cho phép họ có quyền lựa chọn cuộc sống mà họ mong muốn. Thay vì tuân theo các quy chuẩn truyền thống về hôn nhân và gia đình, những người tham gia phong trào 4B tìm kiếm sự tự do trong cuộc sống cá nhân, từ chối những mối quan hệ mà họ cho là không cân bằng và không tôn trọng phụ nữ.
Các cuộc biểu tình diễn ra trực tuyến trên các nền tảng và trực tiếp tại các thành phố trên khắp đất nước. Một cuộc biểu tình vì quyền phụ nữ năm 2018 ở Seoul kéo dài 33 giờ khi đoàn người toàn những phụ nữ nối liền nhau lên sân khấu để kể về trải nghiệm bị lạm dụng giới tính của mình.
Cũng theo cô Helen Coffey, lối sống này tuy “có vẻ cực đoan”, nhưng đều có lý do cả. Tỷ lệ bạo lực gia đình ở “xứ sở kim chi” này được phát hiện là 41,5% trong một cuộc khảo sát vào năm 2016, so với mức trung bình toàn cầu là 30%. Hơn nữa, khoảng cách lương theo giới tính của Hàn Quốc là lớn nhất trong các nước phát triển: phụ nữ kiếm được ít hơn nam giới 31%, gần gấp 3 lần mức trung bình 11,6% của các quốc gia tương đương. Cho nên, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào 4B là điều không tránh khỏi.
Phụ nữ ở Hàn Quốc “nói chung phải tuân theo kỳ vọng của cha mình và tuân thủ các tiêu chuẩn sắc đẹp nghiêm ngặt”, tờ The Cut cho biết. Theo quan điểm của những người theo phong trào 4B, đàn ông Hàn Quốc “về cơ bản là không thể cứu vãn”, và văn hóa Hàn Quốc “nói chung là cực kỳ gia trưởng, thường xuyên ‘thẳng thừng kỳ thị phụ nữ’.”
Làn sóng này đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở mặc tích cực, nhiều phụ nữ trẻ đã tìm thấy một con đường mới để sống tự do và độc lập, vượt ra khỏi những ràng buộc truyền thống. Tuy nhiên, sự lan rộng của phong trào 4B cũng gây ra những tranh luận sôi nổi về vai trò của phụ nữ trong xã hội, quyền tự do cá nhân và tương lai của hôn nhân tại Hàn Quốc.
Tổng thống đương nhiệm của nước này, Yoon Suk-Yeol, đã hứa sẽ đóng cửa Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, cơ quan hỗ trợ phụ nữ và nạn nhân tấn công tình dục, với cáo buộc rằng nó đối xử với đàn ông như “tội phạm tình dục“. Tháng 11 năm ngoái, truyền thông địa phương đưa tin rằng chính phủ của Suk-Yeol đã xóa bỏ các thuật ngữ “bình đẳng giới” và “thiểu số tình dục” khỏi sách giáo khoa.
Giống như bất kỳ phong trào xã hội nào khác, phong trào 4B cũng có những mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ của riêng mình, khi các thành viên bất đồng về việc liệu phụ nữ có thể kết bạn với đàn ông hay với những phụ nữ vẫn muốn hẹn hò với đàn ông và cả những phụ nữ cảm thấy hạnh phúc với những thiên chức thuộc về mình. Ngoài ra, còn có những lo ngại về việc phong trào loại trừ phụ nữ chuyển giới.
Đồng thời, đối với một phong trào được sinh ra từ sự phẫn nộ, có thách thức là điều gì sẽ xảy ra khi “sự tức giận dịu xuống hoặc khi những mối quan tâm khác trở nên ưu tiên”.
Phong trào 4B đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một bộ phận phụ nữ, nhưng cũng phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ những người bảo thủ. Nhiều người lo ngại rằng phong trào này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến cấu trúc xã hội và gia đình truyền thống. Tuy nhiên, phong trào 4B phần nào đã thúc đẩy các cuộc thảo luận sâu rộng về quyền của phụ nữ và tương lai của xã hội Hàn Quốc. Phong trào 4B có thể sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu các chính sách và lối sống bất bình đẳng tại Hàn Quốc vẫn tiếp diễn.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…