Fashion

Son đỏ – sự thách thức giới tính và định kiến xã hội của phụ nữ

Dù bạn có 1 hay 100 thỏi son thì son đỏ vẫn là màu son cơ bản và dễ dùng nhất mà bất cứ cô gái nào cũng nên đầu tư.

Son đỏ mang một giá trị biểu tượng khác hẳn son màu hồng, màu nude, hay màu đào. Trong bộ phim Why I wore lipstick to my masectomy, nhân vật chính đã giải thích lý do cô chọn đánh đôi môi đỏ rực ngày thực hiện ca phẫu thuật: “Tôi yêu son đỏ, vì nó thể hiện một sự lựa chọn. Một đôi môi đỏ đòi hỏi sự tự tin. Bạn dám đứng ra thách thức thế giới chú ý đến mình, thì bạn cũng dám sống sao cho trọn lời thách thức đó. Tôi cảm thấy những người phụ nữ tô son đỏ đều có giá trị hơn và đều mạnh mẽ hơn tôi rất nhiều.”

Ngày nay, son đỏ được xem là biểu tượng của sự mạnh mẽ và tự tin khẳng định mình. Thế nhưng ngày xưa cánh môi mọng đỏ luôn nằm trong top đầu danh sách những điều cấm kỵ. Đã có thời, nếu một cô gái tô son đỏ ra đường thì chẳng khác nào đang đang thông báo cho làng trên xóm dưới rằng “Nhìn đi, tôi là một con điếm.”

Trong phim Mad Men, nhân vật Ken Cosgrove đã “đùa” rằng “son môi được tạo ra để mô phỏng người phụ nữ mỗi khi cô ta được cánh đàn ông “chiều chuộng”.” Một cô gái tô son hồng nhằm ám chỉ rằng cô ấy (và cô bạn bé nhỏ) available cho những mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Còn một cô gái tô son đỏ? Đó chắc chắn là một người phụ nữ đang cực kỳ hứng tình và sẽ không ngần ngại lao ngay vào người đàn ông nào có thể!

Science fact: Khi đang “vào mood”, cơ quan sinh dục sẽ trở nên sẫm màu hơn do lượng máu dồn về nơi ấy nhiều hơn.

Son đỏ – biểu tượng của địa vị, quyền lực

Tư tưởng sặc mùi phân biệt giới tính trên lý giải vì sao trong hầu hết chiều dài lịch sử, người ta tin vào sự tồn tại của mối liên hệ giữa son đỏ với sự phóng đãng của người phụ nữ, mặc kệ sự thật rằng màu son đỏ đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử loài người, và trong một thời gian dài nó được sử dụng như một cách để thể hiện vị thế xã hội cũng như quyền lực không chỉ của phụ nữ mà của cả đàn ông.

Phần nắp của bình canopic trong khu mộ Tutankhamun – vị pharaoh thuộc Vương triều thứ 18 của Ai Cập. Phần tượng được tạo hình trên nắp bình cho thấy lối phục sức “môi đỏ” đã xuất hiện từ thời xa xưa.
Tượng bán thân Nữ hoàng Nefertiti với đôi môi đỏ (Bảo tàng Neues, Berlin)
Cleopatra – pharaoh cuối cùng của Ai Cập

Cleopatra cũng là một người có nhiều tranh ảnh và tượng bán thân thể hiện bà trong màu môi đỏ. Tuy nhiên, do cuộc đời bà gắn liền với sự sụp đổ của đế chế Ai Cập cổ đại cùng “scandal tình ái” Ceasar – Cleopatra – Anthony, mà không ít người cho rằng màu son đỏ của bà, ngoài là đại diện cho quyền lực thì còn là dấu hiệu của sự lẳng lơ, đồi trụy, và phản trắc.

Son đỏ – biểu tượng của Satan

Cho đến thời kỳ Trung cổ với sự phát triển của Thiên Chúa giáo thì những đôi môi đỏ càng bị chỉ trích mạnh mẽ hơn, đặc biệt ở Anh quốc. Niềm tin phổ biến lúc bấy giờ chính là Phụ nữ cần phải đoan trang, kín đáo. Một đôi môi đỏ khiến phụ nữ nổi bật, thu hút, quyến rũ hơn, và đó chính xác là những gì cô ấy không nên trở thành. Hơn nữa, việc tô vẽ mặt mũi được xem là một hành vi thách thức Chúa, vì đã gián tiếp chối bỏ thân thể tự nhiên do Ngài ban cho. 

Tuy nhiên, thái độ bài trừ việc trang điểm nói chung và son môi đỏ nói riêng không làm trang điểm biến mất hoàn toàn. Ngay cả ở Anh, phụ nữ vẫn “được phép” sử dụng những màu sắc nhẹ nhàng và tươi tắn (như hồng phớt hoặc hồng ánh đỏ) để tô điểm. 

Các quốc gia khác tại châu Âu cũng không mặn mà lắm với ý tưởng “sùng đạo không dùng son môi”. Tại Ý những năm 1200, son môi vẫn là công cụ quan trọng để phân định các giai cấp xã hội. Phụ nữ thượng lưu dùng son màu hồng tươi, trong khi những người nghèo hoặc thuộc các tầng lớp thấp hơn sẽ dùng sắc đỏ sậm.

Thế nên, cũng không quá ngạc nhiên khi vào thế kỷ 16, Nữ hoàng Elizabeth I đã làm mọi người “sốc tới óc” khi bà chọn màu đỏ để tô điểm cho đôi môi của mình.

Vào những năm 1770, Nghị viện Anh thông qua đạo luật cho phép người chồng hủy bỏ hôn nhân nếu phát hiện vợ mình từng trang điểm trước khi cưới. Đồng thời, một người phụ nữ có thể bị buộc tội cố tình rù quến một người đàn ông bằng cách sử dụng mỹ phẩm, và bị xử tử bởi “trò phù thủy” này.

Đến những năm 1800, sau khi Nữ hoàng Victoria cho rằng việc sử dụng mỹ phẩm là một hành vi xúc phạm thì người ta lại càng ít trang điểm đi.

Son đỏ – biểu tượng của nổi loạn

Đến những năm 1880, trong thời điểm nhiều phụ nữ vẫn e ngại với việc trang điểm bằng bất cứ thứ mỹ phẩm nào, diễn viên người Pháp Sarah Bernhardt đã gây xôn xao cho công chúng khi xuất hiện với làn môi đỏ. Bà gọi thỏi son yêu thích của mình là stylo d’amor (ngòi bút tình yêu). Bernhardt chính thức “thách thức” định kiến son đỏ hạ thấp giá trị của phụ nữ, và quyết tâm đem sắc đỏ nồng nàn quyến rũ trở lại.

Sarah Bernhardt đã làm những điều phụ nữ thời đó không làm: tô son đỏ, bỏ corset (áo nịt), cải nam trang trên sân khấu (một trong những vai diễn nổi tiếng nhất của bà là vai Hamlet trong vở kịch cùng tên).
Nhưng không phải ai cũng nghĩ “như thế là ngầu”. Lola Montez, một trong những người có sức ảnh hưởng thời điểm đó đã lên tiếng cảnh báo rằng những người phụ nữ tô son môi nên dè chừng một “sự tàn hại được tiên đoán trước”.

Son đỏ – cuộc cách mạng đỏ thắm

Năm 1910, Elizabeth Arden khai trương Red Door Salon trên Đại lộ Năm (thành phố New York). Phụ nữ chỉ vừa được công nhận quyền nắm giữ tài sản hợp pháp vài thập kỷ trước, nên thời điểm đó, hiếm người phụ nữ nào được giao vai trò quản lý, chứ đừng nói đến việc mở cửa hàng kinh doanh.

Hai năm sau, cuộc biểu tình đòi công nhận quyền bỏ phiếu của phụ nữ diễn ra. Nhân dịp này, Arden đã tạo ra một màu đỏ mang tên Red Door Red và trao những thỏi son tận tay những người phụ nữ tham gia diễu hành, với hy vọng biến sắc đỏ rực thành biểu tượng của hy vọng, sức mạnh, quyền lực, và sự tương trợ

Cùng với sức lan tỏa của các buổi biểu tình, son đỏ nhanh chóng được xem là đại diện cho sự giải phóng của phụ nữ, không phải về tình dục, mà là về quyền tự do xã hội. 

Thập niên 1920, những cô gái theo xu hướng flappers sử dụng son đỏ đậm để trang điểm. Son đỏ “mạnh mẽ” đến nỗi New York gần như cấm son môi một lần nữa vì sợ phụ nữ có thể dùng nó để đầu độc đàn ông.

Từ chỗ là đại diện cho tính phóng đãng và nổi loạn, son đỏ đã thành biểu tượng của cả một thế hệ phụ nữ Mỹ.

Son đỏ – biểu tượng của độc lập, tự tin

Trong những thập kỷ sau đó, các nữ diễn viên Hollywood đã đưa son đỏ trở nên phổ biến với kiểu đánh son “trái tim”, tạo một khuôn môi đỏ thắm xinh xắn, lúc nào cũng chúm chím như đang sắp sửa gửi đi một nụ hôn.

Họ nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng. Những người phụ nữ khác ngồi trước TV đều mong muốn mô phỏng thần thái tự tin của những minh tinh màn bạc. Họ bắt đầu mua son môi, cắt tóc bob, diện váy ngắn, vẽ mắt khói, tỉa lông mày. 

Những thay đổi này là một tuyên bố đanh thép về sự độc lập và thái độ xem thường tất cả những quy chuẩn xã hội áp đặt lên phụ nữ.

Son đỏ – liệu pháp cứu rỗi tâm hồn

Tác dụng tâm lý của son môi như một chất làm thúc đẩy tinh thần đã được nghiên cứu trong một lý thuyết kinh tế được gọi là Hiệu ứng Son môi (The Lipstick Effect). Nghiên cứu cho thấy trong những thời kỳ khó khăn, phụ nữ có xu hướng xem son môi là một món hàng xa xỉ, thay vì lựa chọn những món xa xỉ khác có giá cao hơn. 

Sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, doanh số son môi của Estee Lauder tăng vọt. Điều này cũng xảy ra trong Thế chiến thứ Hai, thời kỳ phụ nữ trở thành lao động chính trong các công xưởng và nhà máy. Trong suốt lịch sử, phụ nữ đã phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng nhiều người đã có thể tìm thấy niềm an ủi nhỏ nhoi (và đầy quyền lực) chỉ với một thỏi son đỏ giản đơn.

Kết

Mỗi năm, mỗi mùa đều có một màu son mới thịnh hành. Tuy nhiên, son đỏ vẫn giữ vị trí độc tôn. Màu đỏ, mặc dù trông rực rỡ, nhưng lại là màu sắc dễ dùng nhất vì bạn có thể kết hợp đôi môi đỏ với hầu như đủ thể loại quần áo trên đời. 

Son đỏ mất khoảng 4500 năm để được xã hội chấp nhận. Không chỉ vậy, nó còn là biểu tượng của nữ tính, của sức mạnh, của sự độc lập và tự tin, của cái tôi đôi lúc bất chấp để khẳng định giá trị của mình. Tất nhiên bạn có thể không thực sự “cần” son đỏ để trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng lịch sử đằng sau cánh môi đỏ mọng là một tuyên bố vững chắc cách phụ nữ đối mặt với những khó khăn: kiên cường, can đảm và không mất lòng tin vào sức mạnh của mình.

Mi Nguyen

Recent Posts

Đối với founder Gạo Nâu, người mới sẽ luôn có “miếng bánh” của mình trong ngành nhiếp ảnh

Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…

1 ngày ago

#Thoáng: Có 2 loại ham muốn tình dục. Bạn thuộc sắc thái nào?

Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…

2 ngày ago

Nét hội hoạ trừu tượng trong triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của hoạ sĩ Trần Vĩnh Thịnh

"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…

3 ngày ago

Đàn ông và phụ nữ, ai sẽ là người vượt qua nỗi đau chia tay nhanh hơn?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…

4 ngày ago

7 kiểu người khó ưa, ai ở gần cũng mệt mỏi

Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…

5 ngày ago

8 tính năng cải thiện hiệu suất trên iPhone mà bạn nên dùng

Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…

6 ngày ago