Rising Vietnam

Founder của Antiantiart – Phương Vũ chia sẻ 3 kỹ năng cần có của một người lãnh đạo

Bất cứ cá nhân nào đang hoạt động trong ngành sáng tạo và hội hoạ đều không thể không biết đến cái tên Antiantiart – một đơn vị chế tác có tiếng tại thủ đô Hà Thành. Mặc dù bạn có thể không biết đến những con người đứng đằng sau này là ai, nhưng chắc chắn bạn đã biết đến những sản phẩm video của họ: Nấu Ăn Cho Em của Đen Vâu, Hit Me Up của Binz, Call Me của Wren Evans, Hoa Xuân Ca, hay mới đây là MV Đừng Làm Nó Phức Tạp của tlinh.

Người đạo diễn đứng đằng sau những nội dung sáng tạo đó là Phương Vũ, làm một chàng trai có cá tính riêng của mình, nếu không muốn nói là có phần dị biệt và dám thách thức mọi quy chuẩn và giới hạn. Chính những tính cách này của anh bạn sinh năm 1995, đã thổi hồn vào những sản phẩm độc đáo và mới lạ. Từ những chiếc cúp giải thưởng, những bài báo khen ngợi, đến sự công nhận trực tiếp từ CEO Apple Tim Cook; Phương Vũ và những đồng đội trong Antiantiart không ngừng sáng tạo cho các sản phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ.

Trong tập mới nhất của podcast Trẻ Người Nonstop do Rising Vietnam sản xuất, Phương Vũ đã có những lời chia sẻ dí dỏm nhưng cũng đầy sâu sắc về quá trình anh bén duyên với công việc đạo diễn và ngành sáng tạo nói chung; cũng như những bài học mà anh chàng rút ra được khi là người thuyền trưởng trong những dự án của Antiantiart hay quản lý nhân sự với thương hiệu quần áo Nirvana Streetwear.

Sự hỗn loạn từ thuở niên thiếu đã đưa Phương Vũ đến con đường sáng tạo

Nếu để gói gọn lại quá trình trước khi dấn thân vào con đường nghệ thuật, thì tuổi trẻ của Phương Vũ đầy sự nổi loạn một phần bởi hoàn cảnh đưa đẩy. Dành 3 năm cấp ba của mình ở một ngôi trường cho những học sinh cá biệt, có thể mọi người sẽ có cái nhìn khác về anh, nhưng Phương Vũ lại cho rằng đây là khoảng thời gian vui vẻ nhất của mình, đa phần bởi vì sự hoà hợp trong tính cách lúc đấy với môi trường xung quanh:

Đấy là một trong những nơi duy nhất mà tớ thấy tớ có những người bạn thực sự. Những anh em ở đó đều kiểu rất ‘xã hội’, nhưng mà họ khá là thật. Những thứ mà có thể khó để nói ra thì họ cũng nói một cách rất tự nhiên, thẳng thắn. Đấy là khoảng thời gian mà tớ có những người bạn thực sự và tớ rất là vui vì có những trải nghiệm như vậy.””

Nhưng đến một lúc nào đó, Phương Vũ bắt đầu thay đổi góc nhìn của mình về cuộc đời và bắt đầu ép mình đi vào khuôn khổ. Việc thi đỗ để nhận được tấm bằng tốt nghiệp và vào trường đại học, có thể chỉ là một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời của nhiều người; thế nhưng, đó như là một “dấu tem” xác nhận cho những cố gắng đã bỏ ra, từ một con người nổi loạn, dị biệt, và thiếu định hướng lúc bấy giờ như Phương Vũ: “Nó như kiểu là một chứng minh cho bản thân của mình”, anh nói.

Khi lên đại học, cuộc đời của Phương Vũ vẫn không hề bằng phẳng như anh chàng nghĩ. Sau khi phải học thêm 1 năm nữa tại trường, anh bắt đầu cảm thấy chán nản với trường và ngành học của mình. Vì thế Phương Vũ bắt đầu rẽ hướng vào trường đại học Sân Khấu Điện Ảnh, anh chàng giải thích thêm về quyết định này của mình:

Thứ nhất thì như mình nói là mình bị ‘đúp’. Còn thứ 2, nó là một trong những việc mà tớ được công nhận – đó là chụp ảnh. Tớ cảm thấy đó là một công việc mà tớ tạo được giá trị. Khi quyết định thi vào trường, tớ đã học rất là nhiều. Hồi đó nhớ là, phải chụp đến hơn 210 mấy cuộn và dán những cuộn đó vào trong nhiều cuốn sách rồi để đầy trên kệ, và chưa kể những điều mà mình tự học bằng iPhone ấy”, Phương Vũ nói.

Với tâm lý chuẩn bị của mình, anh chàng Phương Vũ bắt đầu luyện tập thêm và nhận những công việc bên ngoài để thành thạo kỹ năng chụp hình; dần dần, anh bắt đầu hình thành khả năng biên tập cũng như tư duy về hình ảnh. Từ những trải nghiệm va chạm bên ngoài xã hội, đã giúp anh đậu được vào ngôi trường danh giá.

Thế nhưng đối với Phương Vũ, việc có được chỗ đứng trong trường Sân Khấu Điện Ảnh chỉ là một phần trong hành trình theo đuổi ngành sáng tạo của anh. Anh chàng còn đề cập đến công việc thứ 2 của mình, đó là bán quần áo. Việc chụp ảnh và thời trang đã luôn song hành và ngày càng tạo nên hướng đi rõ ràng trong sự nghiệp của anh. Có lẽ bài học ở đây là: trong hành trình tìm hiểu bản thân, mình hãy cứ thử làm. Khi đó, mình sẽ định hình dần được mong muốn trong thâm tâm và tìm ra được một con đường đúng đắn.

Phương Vũ chia sẻ rằng: “Quy cho cùng thì tớ đi làm nhiếp ảnh hay là phát triển thương hiệu quần áo cá nhân thì đơn giản là bởi vì tớ muốn tạo ra một cái giá trị gì đấy cho những người xung quanh và cho mình. Và bởi vì tớ mang lại được cái giá trị đấy nên tớ cứ đi tiếp thôi.

Những bài học về kỹ năng của một người thuyền trưởng từ founder của Antiantiart Nirvana Streetwear

Với cương vị là founder của 2 doanh nghiệp, lịch trình trong một ngày của Phương Vũ sẽ không hề cố định: “Có những ngày mà bọn tớ kiểu không làm gì cả và có những ngày mà bọn tớ làm rất nhiều.” Thế nên, để có thể cân bằng được sự thay đổi chóng mặt của các đầu việc là một đạo diễn và Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu thời trang; theo Phương Vũ yếu tố quản lý thời gian là rất quan trọng, không chỉ cho chính bản thân mà còn cho những người xung quanh/nhân sự của mình nữa.

Trong bộ phận sản xuất nội dung nói riêng và ngành sáng tạo nói chung, ta luôn sẽ nhìn thấy hình ảnh của những con người luôn than thở bị “deadline dí” hay việc khách hàng không đồng ý với sản phẩm hoàn chỉnh và phải làm lại, hoặc những bản nháp “final” chất đầy trên máy tính – đó chính là thực tại tại nhiều agency trong ngành này ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, đối với Antiantiart, anh Phương Vũ đã phải có tư duy để đối phó với những trường hợp khi mà thời gian là một thứ xa xỉ:

Phương Vũ chia sẻ cách xử lý thời gian phù hợp với nguồn nhân lực mình có: “Ví dụ như kiểu từ khâu tiền kỳ thì bọn tớ đã phải tính được là hậu kỳ trong cái timing tổng nó sẽ làm thế nào rồi. Tức là một cái ý tưởng nó phải liên quan trực tiếp đến cái việc sản xuất, chứ nó không chỉ đơn giản là một ý tưởng không. Ngay khi mà viết cái treatment đấy, thì ta sẽ hiểu là cái treatment này process thế nào; và nếu mà trong team mình không có đủ những người đấy, thì mình phải có thêm ai để làm hoàn thành trong khoảng thời gian đề ra.

Chướng ngại tiếp theo của một người khi là thuyền trưởng của một doanh nghiệp, đó chính là cách làm sao để tu luyện kỹ năng lãnh đạo của mình một cách bài bản. Từ kinh nghiệm của mình, founder của Antiantiart Nirvana Streetwear khi đó đã đề ra 3 yếu tố của một người leader giỏi, đó là sự hi sinh, biết lắng nghe, và kỹ năng làm việc nhóm.

Một người lãnh đạo phải chịu thiệt về mình”, anh Phương Vũ đã chốt lại như vậy. Nhưng vì sao một người lãnh đạo lại cần phải hi sinh? 

Để xem thêm thông tin chi tiết về câu chuyện từ Phương Vũ, các bạn có thể theo dõi podcast Trẻ Người Nonstop tại đây; hiện đã phát sóng trên trang Youtube của Rising Vietnam.

Khi làm ở bất cứ một công ty trẻ nào hay là làm việc với nhóm trẻ nào; thì những lúc mới khởi đầu sẽ chả bao giờ có một cái tỷ lệ lãi nào ok cả, hay là chả bao giờ có sự công bằng nào cho tất cả mọi người cả. Chỉ đơn giản là muốn những người anh em đấy có một tương lai chắc chắn hơn thì mình phải hy sinh đi một chút. Để mọi người xung quanh cảm thấy an toàn khi mà đi cùng mình”, anh nói tiếp.

Kỹ năng lắng nghe nhân sự của mình cũng là một kỹ năng quan trọng khác mà Phương Vũ đề cập tới. Bởi vì, một người lãnh đạo thật sự dành thời gian để trò chuyện với họ, người đó có thể hiểu được tình hình thật sự của đội nhóm đó sẽ như thế nào. Ngoài ra, việc lắng nghe cũng là cách để nhân viên có thể bày tỏ nguyện vọng của mình cho người lãnh đạo đó, để họ có thể điều hướng đi đến con đường khác và phù hợp hơn:

Trong cái ngành sáng tạo thì người ta đến với mình không phải chỉ bởi vì là mình đang làm những cái sản phẩm giỏi, mà họ muốn có một cái tương lai nó rõ ràng hơn và có niềm tự hào nhiều hơn khi mà làm việc; chứ không phải chỉ kiểu đến làm công ăn lương. Nên là mình cũng phải lắng nghe họ đang thực sự muốn cái gì, tương lai họ đang đi đến đâu”, Phương Vũ chia sẻ. 

Vậy còn kỹ năng làm việc nhóm thì sẽ như thế nào? Founder của Antiantiart Nirvana Streetwear nói rằng: “Có rất là nhiều tính chất của những dự án khác nhau. Mỗi dự án đều phục vụ cho một kiểu khách hàng khác nhau, hay là một cái đề bài khác nhau. Nên là workflow là điều phải đề ra, nhưng mà nó cũng là thứ luôn thay đổi và ứng biến ở trong mỗi team khi mà mình làm việc; và để cả core value (cốt lõi) của team tồn tại.” 

Thông thường, một trong những phần của việc cải thiện kỹ năng lãnh đạo, đó là giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ. Ở gần cuối tập, host Hoàng Thu Thảo đã đặt ra giả định rằng liệu ta có thể dung hòa cái tôi của một người leader với một đội nhóm với cá tính mạnh mẽ hay không. Với câu hỏi đó đối với Phương Vũ, anh cho rằng nó sẽ tuỳ vào trong trường hợp và mức độ nghiêm trọng của vấn đề:

Nếu mà nó thực sự ảnh hưởng đến cái bộ máy chung thì lúc đấy mình mới xử lý. Bởi vì lúc nào trong cuộc sống nó chả có âm và dương, thì phải có cả những cái xung đột và những cái không xung đột; đó là chuyện bình thường. Có những thứ mà nó dù có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nó không ảnh hưởng đến thì cứ để nó tiêu cực cũng chả sao.”

Dao Thomas

Recent Posts

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

19 giờ ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

20 giờ ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

5 ngày ago