Đến với podcast Extra Money của Rising Vietnam, với sự dẫn dắt của host Trọng Hiền, anh Lê Duy Tường đã có những chia sẻ chân thật và gần gũi của mình về quá trình bắt đầu kiếm “miếng cơm manh áo” khi tuổi đời còn rất trẻ, thành tựu mà anh đã đạt được khi bắt thành lập agency Light On Media, cũng như những thời điểm “lên voi, xuống chó” của anh chàng 33 tuổi với tài chính cá nhân.
Với những hình ảnh hiện tại của Lê Duy Tường, mọi người cho rằng anh như thể đang sống trong nhung lụa và sự xa hoa, thế nhưng ít ai biết được rằng, anh đã phải qua những năm tháng từ khi còn rất trẻ phải đi “ra chợ với mẹ để bán lẩu bò, hay đứng lề đường để bán đồ ăn sáng“. Sinh ra trong một gia đình không có tiềm lực mạnh về tài chính, chính điều này đã khiến anh phải luôn phấn đấu kiếm tiền và luôn trong tư thế phòng thủ để giữ tiền.
Nhìn vào bảng khảo sát đã được điền trước đầu chương trình Extra Money, có thể thấy tư duy này của anh Lê Duy Tường vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Trong cả quá khứ và hiện tại, anh luôn đặt nhu cầu thiết yếu lên hàng đầu; nhưng sau khi đã đứng vững được trên đôi chân của mình, anh bắt đầu phân chia dòng tiền của mình nhiều hơn vào lọ tiết kiệm dài hạn. Hơn nữa, sau khi có thể tạm gọi là “dư dả”, anh đã cho đi một chút của mình cho những người yếu thế hơn.
Giải thích về sự thay đổi trong việc chi tiêu này, anh Lê Duy Tường chia sẻ rằng: “Hồi xưa anh không có tiền. Cái dòng tiền mình nó mỏng và cũng không có đủ dày, nên chỉ phục vụ được cho cái nhu cầu hơi thiết yếu hoặc mong muốn thưởng chút gì cho bản thân. Hồi đó anh còn không nghĩ là mình có cái khoản tiền nào dành cho từ thiện chứ huống gì đến đầu tư dài hạn là cái gì nữa! Nên anh sẽ tập trung vào nhu cầu để sống trước, rồi sau đó là mình hưởng thụ phần nào đó, rồi mới đầu tư cho học hành.”
Nhưng sau một khoảng thời gian dài, đặc biệt là khi thành lập agency Light On Media, những khoản chi tiêu về hưởng thụ cá nhân bắt đầu giảm đi và việc đầu tư sau này dần dần tăng lên. Anh Lê Duy Tường nói vui rằng là vì bản thân bận bịu với công việc, cho nên mới không có thời gian để “du hí” muôn nơi; nhưng thật ra, chính vì quá khứ nghèo khó đó đã khiến anh thay đổi về cách nhìn nhận của mình về tiền bạc:
“Cuộc đời anh nó khá là nhiều biến động. Anh lập nghiệp bằng tay trắng, gia đình có biến cố, và anh phải tìm cách thoát khỏi những chuyện đó rất là nhiều. Cho nên là anh luôn có một sự hồi hợp, về những biến cố nó có thể xảy ra trong cuộc đời. Anh luôn tin là cuộc đời mình có lên thì sẽ có xuống. Cho nên, anh luôn luôn phải dự trữ – gọi là có một cái ‘hầm trú ẩn’, để khi mà mình xuống thì mình không có chạm đáy”, anh nói.
Từ một cuộc gọi đến tòa soạn của báo Hoa Học Trò, cậu bé 15 tuổi Lê Duy Tường lúc đó đã đi từ cộng tác viên đến cây bút chủ lực của tạp chí. Gắn bó với tờ báo và ngành được gần thập kỷ năm, anh bắt đầu cảm thấy sự chững lại về sự phát triển của bản thân khi nguồn kinh tế bắt đầu thuyên giảm dần:
“Khi mà báo mạng online lên ngôi và nhận bút, cũng như là cái đời sống báo giấy nó bắt đầu suy thoái, sự cạnh tranh áp lực của ngành báo ngày càng căng. Thì với một đứa được bảo bọc kiểu như anh không có nhiều trải nghiệm về đời sống, và mình cảm thấy thực tế là thu nhập mình nó sụt giảm; lúc đó anh bắt đầu rẽ hướng tìm một hướng đi khác. Và cơ duyên làm quản lý nghệ sĩ bắt đầu như thế”, anh Lê Duy Tường chia sẻ.
2 năm sau đó, với 50 triệu trong tay, anh bắt đầu thành lập Light On Media. Nhưng bắt đầu lại từ một ngành mới lạ, giờ đây với một “đứa con” tinh thần của mình, anh Lê Duy Tường còn phải cân bằng dòng tiền và đầu tư của mình để như thế nào sao cho hợp lý và hiệu quả. Điều này hoàn toàn không hề dễ dàng đối với anh, bởi trong một năm đầu tiên sau khi thành lập, công ty đã bị “chết cứng” vì không kết nối được các mối làm ăn.
Để trang trải và giữ cho agency còn hoạt động, anh phải bắt đầu nhận những công việc tay trái: “Lúc đó anh chuyển qua làm copywriter. Anh vẫn nhớ lúc đó là khoảng 2 triệu một bài, thì cũng là cao đấy. Nhưng mà nói chung mình là tay mơ và freelance nên thường những cái job đó rất là gấp. Ví dụ anh nhớ có lần anh viết cho tập đoàn Unilever một cái series bài về hoa hậu khoảng 30 bài, nhưng mà chỉ cho 2 ngày thôi. Đó là cách anh sống sót!”
Nhưng làm một nghề như quản lý nghệ sĩ là một điều khó khăn đối với nhiều người. Đó là công việc còn mới trong thị trường Việt Nam khiến cho việc mở các khóa và lớp đào tạo hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay; công việc mà anh Lê Duy Tường đang đảm nhiệm còn cần sự tổng hòa của nhiều kiến thức về quy trình tài chính, cần có các mối quan hệ mật thiết với nhau để có thể hoạt động trơn tru. Tiếc thay, “chân ướt, chân ráo” mới vào nghề, founder của Light On Media không hề hay biết rằng mình phải động đến những vấn đề này.
“Trong một năm đó mình kiếm lại các mối quan hệ, tự trau dồi bản thân, tìm hiểu được cách vận hành của ngành agency Việt Nam. Mình biết rằng khách hàng họ cần gì và hợp đồng hay tất cả mọi thứ nó phải deal như thế nào. Hiểu là có thể xây dựng thương hiệu cho một người nghệ sĩ nó tốt hơn như thế nào, và khi nó hiệu quả thì job bắt đầu đổ về. Lúc đó anh tái khởi động lại chuyện mà anh quản lý nghệ sĩ toàn thời gian”, anh Lê Duy Tường nói.
Hiện tại đã bước sang năm thứ 7 vận hành Light On Media, thế nhưng để đi được quãng đường xa thế này không phải là dễ. Anh nhớ lại trong khoảng 3 năm đầu tiên của công ty mình diễn ra như thế này:
“3 năm đầu thì là mình ‘tự bơi’ và học. Tại 3 năm đầu là lần đầu tiên anh được đi đóng thuế, lần đầu tiên anh được quyết toán thuế, cũng là lần đầu tiên anh thấy được một báo cáo tài chính. Cũng khi đó anh hiểu được rằng cái dòng tiền của mình sẽ chảy như thế nào. Anh không học trường đại học nào về tài chính hết, nhưng mà trong 3 năm đó giúp anh có một cái kiến thức nền khá là tốt về tài chính, về dòng tiền hay là về cái vấn đề đầu tư của mình.”
Theo anh, một yếu tố khiến anh có thể quản lý chi tiêu cho cả công ty đó chính là sự minh bạch trong tài chính: “Hồi xưa mình cứ nghĩ dòng tiền công ty là của mình luôn, mình đứng tên mà. Cho nên mình hay phạm vào nó. Thành ra là khi mình mình chiết xuất về thuế, hay là mình bắt đầu tách ra để giải quyết những vấn đề, thì nó hay bị hụt/sai số rất là nhiều; thậm chí là mình không có lường trước được những rủi ro mà nó đụng phải.”
Anh Lê Duy Tường chia sẻ tiếp: “Đó là chuyện anh học được nhiều nhất trong 3 năm, anh tách bạch được và sắp xếp ngăn nắp dòng tiền của mình sẽ chạy theo hướng nào, để không chồng chéo lên nhau; qua đó anh giảm thiểu được cái sức ép về về kinh tế cũng như tâm lý cho bản thân.”
Và thế là đến năm thứ 4 của Light On Media, công ty bắt đầu đã khởi sắc. Anh Lê Duy Tường nhìn lại những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời mình, từ việc trả hết nợ cho gia đình, đến mua đất xây dựng ngôi nhà cho gia đình mình. Anh tự cảm nhận thấy rằng cái nghề này đã giúp đạt được những thành tựu khá là nhiều.
Nhưng để nói đến một dự án mà anh cảm thấy tâm đắc nhất khi đầu tư toàn lực vào nó và trở thành món sinh lời nhất cho agency, thì đó là công việc quản lý nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc:
“Anh nghĩ là chắc cột mốc rõ rệt nhất là lúc đó anh toàn tâm cho kế hoạch truyền thông, khi chị ấy tham gia ‘Running Man’. Anh nghĩ là khoảng đầu tư đó là một khoảng đầu tư đáng giá. Và với sức hút của chương trình, cộng với cái lượng media khủng khiếp từ công ty mình, thì 2 cái đó kết hợp lại tạo ra chân dung của một nghệ sĩ hạng A như bây giờ. Chị giờ đây gần như là cái trụ cột của công ty luôn.”
Ở gần cuối của chương trình, MC Trọng Hiền đã đặt câu hỏi cho anh Lê Duy Tường rằng: “Nếu để quay lại, thì liệu có một cái điều gì mà cần thay đổi trong cái việc tư duy xài tiền hay là tài chính thì anh sẽ muốn thay đổi gì?” Founder của Light On Media đã đề cập đến một chữ duy nhất: Gan
“Thật ra thì anh vẫn cảm thấy rằng mình có một điều đau đáu, đó là: anh làm nghề 17 năm, nó vẫn ok đó nhưng mà hơi chậm. Anh vẫn thấy có những người họ chỉ đi cái chặng đường 17 năm của anh trong vòng 5 năm. Lý do là vì có thể mình hơi bảo thủ, tức là anh dành tiền nhiều hơn và hơi sợ bước ra khỏi cái cái vòng an toàn của mình. Lo lắng là mình không đầu tư quá mạnh tay.”
Chỉ mới gần đây, anh Lê Duy Tường mới mở rộng mức biên độ đầu tư của mình sang các dự án và những doanh nghiệp khác. Nếu để nhìn lại, anh chỉ cảm thấy tiếc vì mình chưa làm điều đó sớm hơn; nhưng anh không hề hối hận, bởi vì như người đời nói: có chơi thì mới có tiền. Nhưng chơi ít thì cũng sẽ có lãi thôi, chỉ có điều là nó chậm hơn mức dự định của mình:
“Có thể chơi lớn thì cũng thất bại nhiều. Nên thôi, mình chỉ nghĩ là mình mạnh tay hơn một chút. Nhưng nếu mà không mạnh tay hơn được thì anh cũng tạm hài lòng tới bây giờ. Mình tiếc chứ mình không nghĩ là nó đúng hay sai. Tại vì hiện tại mình vẫn ổn, điều đó có nghĩa là mình vẫn đang đúng”, anh chốt lại.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…