Lifestyle

Quá khứ vốn sẵn hồng hay là mình tự vẽ?

Ngày xưa mới vui làm sao, hồi trước cái gì cũng đơn giản, ký ức là điều đẹp đẽ nhất,… vân vân và vân vân. Quá khứ lúc nào cũng tốt đẹp và dễ dàng hơn, đặc biệt khi chúng ta đang gặp khó khăn trong hiện tại. Tuy nhiên, có thật là những gì đã qua đều đẹp hơn những gì đang (hoặc sắp) xảy ra, hay đó chỉ là một trong những “trò lừa” của bộ não?

Vì sao quá khứ lúc nào cũng đẹp?

Ở góc độ khách quan, hiếm khi nào quá khứ lại thật sự tốt hơn hiện tại. Lối suy nghĩ này được các nhà tâm lý học mô tả là hiện tượng “hồi tưởng tươi hồng” – một dạng thiên kiến nhận thức. 

Sở dĩ hiện tượng này xuất hiện, là do khi nghĩ về quá khứ, chúng ta sẽ nhớ đến con người, sự kiện, địa điểm, và những thứ liên quan khác một cách trừu tượng. Và khi hình dung điều gì đó một cách trừu tượng thì khả năng cao chúng ta sẽ tập trung chú ý vào những thứ tích cực “chung chung” hơn là những chi tiết xấu xí cụ thể.

Ví dụ nhé, khi nhớ về lần gần nhất bạn và cả hội cùng đi chơi chung cách đây 4 năm, điều “làm bạn mỉm cười” sẽ là ký ức về những cuộc trò chuyện thú vị, những buổi tối đáng nhớ, những món ăn ngon lành cả đám được thưởng thức, cùng những bức ảnh nhí nhảnh đáng yêu – minh chứng của một tuổi trẻ làm hết sức chơi hết mình.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Bạn không nghĩ đến – hoặc chính xác hơn là não bộ không “nhắc” cho bạn nhớ – những phiền hà khó chịu khác cũng xảy ra trong chuyến đi đó. Có thể bạn sẽ không thể nhớ được rằng mình đã khó ngủ vì giường ở chỗ nghỉ không thoải mái, hoặc số tiền bạn đánh rơi vì “quẩy” nhiệt tình quá, đó là chưa kể lý do thật sự của “buổi tối đáng nhớ” phía trên – khi cả đám phải bỏ cả kế hoạch ban đầu để nháo nhào đi tìm chiếc điện thoại bỏ quên trên taxi của đứa bạn hậu đậu. 

Photo: Simply Jaders

Theo thời gian, những chi tiết và cảm xúc tiêu cực dần “trôi” ra khỏi trí nhớ của chúng ta, trong khi những thứ mang lại cảm giác tích cực vẫn còn đó. Đây là cơ chế hoạt động tự nhiên của não bộ, nhằm giúp chúng ta “vui” càng lâu càng tốt. Nếu điều này không xảy ra, liệu bạn có còn muốn lặp lại một hoạt động nào đó hoặc gặp lại ai đó trong tương lai, khi mỗi lần nhớ về họ là một lần khiến bạn rùng mình?

Những người có xu hướng ghi nhớ những trải nghiệm tiêu cực nhiều hơn trải nghiệm tích cực có khả năng cao đang phải chịu đựng một số vấn đề liên quan đến rối loạn tâm lý / tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm. Ngược lại cũng thế, nếu não bộ chúng ta “không chịu” loại bỏ đi những ký ức mang lại cảm xúc tiêu cực, thì nguy cơ chúng ta gặp rối loạn sẽ càng cao.

Đừng ở lại với quá khứ

Mặc dù là một dạng thiên kiến nhận thức nhưng “hồi tưởng tươi hồng” vẫn có một số lợi ích nhất định. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của chúng ta. Một ví dụ gần gũi và dễ nhận ra nhất là đối với các mối quan hệ. “Hồi tưởng tươi hồng” là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bạn cảm thấy không thể thoát ra, hoặc cứ tiếp tục đẩy bản thân vào những mối quan hệ độc hại.

Càng ở lại lâu trong một mối quan hệ hoặc một môi trường độc hại, thì bạn sẽ càng có xu hướng đề cao những kỷ niệm tốt đẹp hơn những ký ức tồi tệ, và dần dần không còn xem những hành vi độc hại của đối phương hoặc từ môi trường bạn đang sống là đáng báo động nữa. 

Kết

Những tháng ngày tươi đẹp nhất vẫn đang đợi ở trước mặt, chứ không phải nằm lại sau lưng bạn. Cho dù đó đúng là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất, thì nó cũng là hạnh phúc so với bạn-khi-ấy, chứ không phải bạn-trong-hiện-tại. Nghiên cứu thực hiện bởi những nhà khoa học Đại học California về sự lạc quan ở con người theo thời gian cho thấy những người ở độ tuổi 20 có mức độ lạc quan thấp nhất, tăng dần lên theo độ tuổi 30, 40, đạt đỉnh ở 50, sau đó giảm dần. Một nghiên cứu khác về sự hài lòng đối với cuộc sống, thực hiện tại các quốc gia Anglo-Saxon (Hoa Kỳ, Úc, Canada và Vương quốc Anh,…) cho thấy mức độ hài lòng có xu hướng cải thiện theo tuổi tác.

“Những ngày tháng tươi đẹp vẫn ở phía trước” không phải là một câu nói lừa gạt ai nữa. Khoa học đã chứng minh điều đó là sự thật. Ừ thì không có gì đảm bảo là nó sẽ tốt đẹp hơn, nhưng bạn vẫn còn thời gian và cơ hội để gia tăng khả năng xảy đến của chúng. 

Photo: Rubber Chicken Cards

Ngược lại, quá khứ là cái không thay đổi được, cũng không bao giờ có thể lặp lại được, cho dù nó có đẹp (hoặc là bạn nghĩ nó đẹp) đến đâu. Hoài cổ không sai, cũng không xấu, nhưng đừng quên hoài nghi những gì bạn cảm thấy, cũng đừng nên dùng quá khứ làm nơi trốn chạy mỗi lúc gặp khó khăn, vì sự thật thì quá khứ cũng có đẹp như bạn nghĩ đâu?

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

14 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago