Muốn có câu trả lời đúng trên internet, đừng đặt câu hỏi, mà hãy đăng một câu trả lời sai.
Quy luật Cunningham (Cunningham’s Law)
Điều này nghe có vẻ kỳ quặc, thậm chí vô lý. Nhưng cứ thử xem xét một số ví dụ sau đây:
Ai đó quả quyết với bạn rằng: “Chắc chắn có người rắp tâm phá hoại chứ làm sao tàu Ever Given có thể tự nhiên mắc kẹt trên một cái kênh to đùng như thế!”. Bạn không tin có người “ngây ngô” đến vậy tồn tại trên đời, thế là bạn dành ra nửa tiếng đồng hồ để bảo cho họ biết rằng họ sai ở đâu.
Lướt mấy group Facebook, thấy có người bình luận “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau.” Thế là bạn “ngứa tay” vào thả comment chữa lỗi.
Nhiều phụ huynh mặc dù giao cho con làm việc nhà, nhưng khi thấy đứa con vụng về quá sức hoặc cứ liên tục làm đổ vỡ đồ đạc bèn giành lấy làm luôn, vừa làm vừa cằn nhằn “Đã kêu dọn lại còn bày thêm.”
Những ví dụ trên cho chúng ta thấy một điều, bộ não bị kích thích khi nó nghe thấy một câu nói chứa đựng thông tin sai, hoặc một câu hỏi / việc làm được thực hiện theo cách cực-kỳ-ngô-nghê. Nói cách khác, tâm trí của chúng ta có xu hướng sửa chữa mọi thứ.
Khi nhìn thấy một câu hỏi được đăng trên mạng, hoặc khi là một trong số rất nhiều người nhận một chuỗi email dài dòng rối rắm, bạn không có động cơ mạnh mẽ để phải trả lời câu hỏi hay giải quyết vấn đề đó. “Nhiều người khác cũng thấy câu này.”, “Ngoài mình ra còn cả đống người nữa cũng nhận email này.” Thế nên bất cứ ai cũng có thể trở thành người đưa ra câu trả lời.
Vậy nhưng một khi câu trả lời được đưa ra, và bạn biết chắc chắn rằng nó không chính xác, bạn sẽ bị thôi thúc để sửa chỗ sai đó. Thật tuyệt vời làm sao khi giờ đây chính bạn sẽ là người cứu rỗi cho kiến thức của nhân loại bằng sự hiểu biết của mình!
Tuyệt hơn nữa là không chỉ có bạn, mà nhiều người khác cũng bắt đầu nhận thấy sứ mệnh cao cả đó. Chỉ sau chừng 10 phút, chúng ta có được thật nhiều câu trả lời, có khi nhiều hơn cả mức cần thiết.
Dù bạn có ý thức được điều này hay không thì việc sửa cái sai của người khác còn mang lại cảm giác tự hài lòng vì thấy mình có điểm vượt trội hơn mọi người.
Photo: Oliver Sin
Xu hướng sửa chữa mọi thứ này vừa có lợi vừa có hại. Nó đã được biết đến và được khai thác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Người Pháp có câu “Prêcher le faux pour savoir le vrai” (Hãy rao giảng sự giả dối để biết được sự thật). FBI xếp nó danh sách những khuynh hướng có thể bị lợi dụng của con người. Ngay cả Sherlock Holmes cũng nhận thức được xu hướng này.
Người ta không thường cung cấp cho bạn thông tin. Họ thích “chỉnh” bạn hơn.
Sherlock Holmes (tập The Great Games, series Sherlock)
Xu hướng “sửa lưng” người khác được gọi chung là Quy luật Cunningham (Cunningham’s Law), ý chỉ việc hành vi của con người có thể bị ảnh hưởng dù cho họ có đang dở cuộc nói chuyện / thảo luận. Việc này xảy ra do chúng ta có khả năng ngừng việc đang làm chỉ với một nguồn xao nhãng nhỏ, hoặc với một dữ liệu gây mâu thuẫn.
Quy luật này được đặt tên theo Ward Cunningham. Ông là kỹ sư tin học, người tạo ra khái niệm và nền tảng wiki đầu tiên trên internet – WikiWikiWeb. Trang web cho phép các cộng tác viên (người dùng) biên tập và quản lý nội dung trên trang. WikiWikiWeb là tiền đề cho Wikipedia sau này.
“Muốn có câu trả lời đúng trên internet, đừng đặt câu hỏi, mà hãy đăng một câu trả lời sai.” được cho là câu nói của Ward Cunningham, do ông nói ra với Steven McGeady – cựu điều hành của Intel – vào đầu những năm 1980.
Mặc dù bản thân Ward Cunningham đã bác bỏ điều này, cũng như phản đối việc mọi người gọi nó là Quy luật Cunningham, nhưng không thể phủ nhận đây là một “bí quyết” khá hay ho có thể áp dụng vào nhiều khía cạnh đời sống.
Nếu bạn cần thông tin, online hay offline gì cũng thế, hãy điều chỉnh lại cách hỏi của mình, sao cho nó hàm chứa một ít thông tin sai lệch hoặc chưa hoàn toàn chính xác. Ví dụ, thay vì hỏi “Làm thế nào để quay video trên điện thoại hiệu X?”, bạn có thể thay thế bằng “Điện thoại hiệu X của tôi không quay video được. Tôi có nên đổi sang mẫu mới của hiệu Y không?”
Sau đó sẽ có người hướng dẫn cách quay video trên chiếc điện thoại hiệu X của bạn.
Ngoài ra, khi hoạt động trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt trong các hội, nhóm, hoặc diễn đàn, bạn có thể cân nhắc có 2 tài khoản. Một để đặt câu hỏi, cái kia dùng để trả lời… sai. Việc còn lại là chờ đọc bình luận “sửa lưng” từ người khác và chắt lọc lấy thông tin bạn cần.
Đặc biệt là với những ngành nghề sáng tạo. Cho dù có văn chương bay bướm, ý thơ lai láng đến đâu thì vẫn không tránh khỏi trường hợp một sáng thức dậy, bạn bỗng thấy mình cạn kiệt ý tưởng. Bạn thấy có lỗi với bản thân, với đồng nghiệp, với sếp, với khách hàng *chèn icon khóc*.
Hãy thử “chiêu” này xem sao: quẳng đại một cái gì đó ra cho mọi người xem và nhận xét. Bạn không có ý tưởng cũng được, cứ đưa mọi người xem bản draft “thảm hại” đó và nhờ họ cho feedback. Một bản phác thảo cần chỉnh sửa nhiều sẽ làm mọi người có động lực hơn trong việc nhận xét, góp ý, “mớm” ý tưởng cho bạn.
Nhưng nhớ là đừng lạm dụng cách này nhé. Chỉ “đề dành” cho những khi bạn thật sự bí và không có nhiều thời gian để nhẩn nha tìm cảm hứng thôi.
Nhìn chung thì Quy luật Cunningham cũng tương tự những gì triết gia nổi tiếng Socrates đã thử làm cách đây gần 2.500 năm: khiến nhiều người nổi đóa vì ông “dám” nghi ngờ sự hiểu biết của họ.
Chúng ta có thể không có ích, nhưng ta không muốn bị ai khác xem mình là “đồ ngu ngốc”.
Bạn có thể vận dụng Quy luật Cunningham trong việc thu hút sự chú ý và tương tác của người lạ hoặc người mới quen biết. Bằng cách đặt một câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn, hoặc nói một điều gì đó không chính xác, bạn sẽ thu hút sự chú ý của họ. Ngoài ra, bằng việc “tỏ vẻ” không biết nhiều về lĩnh vực mà đối phương am hiểu, bạn tạo cho họ cảm giác làm chủ cuộc trò chuyện, từ đó dần xây dựng sự tự tin và thoải mái nơi họ.
Điều cần ghi nhớ, tất nhiên (vẫn) là: đừng lạm dụng. Bí quyết này chỉ nên được dùng để phá vỡ rào cản ban đầu, giúp thúc đẩy tiến trình làm quen của đôi bên.
Tưởng tượng bạn đang trong một cuộc trò chuyện thế này:
– Bạn làm nghề gì đấy?
+ Mình làm thiết kế nội thất.
– Cụ thể là làm gì nhỉ?
+ À… kiểu như thiết kế không gian trong nhà.
Và cứ thế, cuộc trò chuyện tiếp tục bằng những “đoạn hội thoại” một câu như trên. Vừa nhàm chán vừa mất hứng nói chuyện!
Nhưng giờ, giả sử sau khi biết họ làm thiết kế nội thất rồi, bạn phản hồi rằng “À… tức là bạn design mấy thứ đồ dùng trong nhà đúng không?” thì khả năng cao đối phương sẽ nhanh chóng sửa “lỗi sai” này của bạn. Họ sẽ giải thích cho bạn thiết kế nội thất nghĩa là gì, đâu là những việc thường làm, đâu là những thứ nằm ngoài phạm vi nghề nghiệp,…
Tất cả những gì bạn cần làm là ngồi nghe, thi thoảng chêm vào một ít câu kiểu như “Nhưng như vậy có phải là…?” và cuộc nói chuyện này đã có sức sống hơn rất nhiều.
Điểm yếu của Quy luật Cunningham, là khi bạn lạm dụng nó, hoặc khi sử dụng không đúng chỗ đúng người, mọi thứ sẽ phản tác dụng.
Nếu cứ mãi dựa vào gợi ý của người khác, lâu dần bạn sẽ bị mọi người “né”, còn năng lực sáng tạo của bản thân cũng sẽ thui chột dần. Hoặc nếu bạn ra vẻ ngờ nghệch để “kích thích” người khác nói chuyện, họ có khả năng trở nên hung hăng và trịch thượng, xem bạn là “người dưới cơ”. Kết quả là mối quan hệ còn chưa kịp bắt đầu đã nhanh chóng kết thúc.
Công bằng mà nói thì đây là cái giá phải trả nếu bạn đã quyết định sử dụng các thủ thuật thao túng tâm lý. Thế nên, biết về Quy luật Cunningham là một chuyện, còn sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả lại là một chuyện khác.
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…