Chỉ trong vài phút đầu của Promising Young Woman (Cô gái trẻ hứa hẹn), khán giả được chứng kiến cảnh gã đàn ông đang cố gắng xâm hại Cassie – nữ chính của phim.
Và gần như ngay lúc ngón tay gã ta lần mò vào bên trong, Cassie lập tức “tỉnh rượu”. Từ vị trí con mồi, cô nhanh chóng biến hình thành kẻ đi săn.
Gã trai cố gắng lấp liếm, bảo rằng hắn ta là một chàng trai tốt, rằng hắn “cảm thấy sự liên kết giữa cả hai”.
“Có liên kết à? OK, thế tôi làm nghề gì?”
Hắn ta bắt đầu lúng túng.
“Tôi bao nhiêu tuổi? Tôi sống ở thành phố này bao lâu rồi?”
“Sở thích của tôi là gì? Tên tôi là gì?”
Tên cô ấy là Cassie. Gần 30 tuổi. Làm nghề pha chế. Sở thích của cô là dùng chính bản thân mình để dụ dỗ những tên “thợ săn” nhằm biến họ thành con mồi.
Tuy nhiên, đến hết bộ phim, khán giả chẳng biết gì nhiều hơn nữa về Cassie, cũng như về Nina – bạn thân, đồng thời là nguyên nhân để Cassie trở thành kẻ săn mồi.
#MeToo cùng sự ra đời của hàng loạt nền tảng, dự án hỗ trợ nạn nhân của quấy rối và lạm dụng tình dục đã thay đổi cách nhìn của xã hội về bạo lực tình dục. Thay vì lên án, chúng ta đã biết cách nhìn nhận vào trải nghiệm của nạn nhân. Trong bối cảnh này, những bộ phim rape-revenge như Promising Young Woman sẽ càng phù hợp hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, đáng tiếc mọi chuyện lại không như thế. Một trong những điều đáng tiếc, không chỉ của riêng bộ phim do Emerald Fennell đạo diễn và viết kịch bản mà của đa số những bộ phim thể loại rape-revenge, là chúng (có lẽ vô tình) đã biến nạn nhân thành những người-trả-thù xinh đẹp, sexy, nhưng lại gần như vô cảm. Nàng quyết tâm tự tay giành lấy công lý, trả thù kẻ đã làm hại mình. Cái giá phải trả ở đây là con người, thậm chí cả cuộc đời nàng.
Bản thân việc bị cưỡng hiếp ít nhiều biến nạn nhân thành một thứ “đồ vật”. Họ bị tước hết quyền lực, không chỉ cơ thể mà cảm nhận của họ về chính bản thân mình cũng bị xâm hại. Khi thể hiện lại trải nghiệm bị cưỡng hiếp trên phim ảnh, thay vì tập trung vào phần rape, vào nạn nhân và cách họ đối mặt với chấn thương tâm lý, các bộ phim lại tập trung vào phần revenge – khi hoặc là sẽ có một người khác nhân danh nạn nhân để trả thù, hoặc chính nhân vật sẽ là người làm việc ấy, với sự mạnh mẽ và cơn cuồng nộ khó tin.
Có thể do điểm yếu của phim chiếu rạp là vấn đề thời lượng. Khó có thể tái hiện đầy đủ mọi thứ trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Về điểm này, các series truyền hình như I May Destroy You và Big Little Lies có vẻ làm tốt hơn khi nhân vật có nhiều không gian và thời gian hơn để phát triển.
Promising Young Woman là một bộ phim lên án những kẻ chuyên đi “săn” phụ nữ, đồng thời những người có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Thế nhưng, mặc dù khẳng định rằng “bị cưỡng hiếp là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mọi phụ nữ”, phim lại để chính nhân vật của mình đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Okay, nàng làm thế để trả thù. Nhưng để trả thù, nàng chấp nhận để kẻ khác lần mò vào cơ thể mình.
Điều này gợi nhớ đến Jennifer – nhân vật trong I Spit on Your Grave. Đây là một bộ phim khác thuộc thể loại rape-revenge, ra mắt năm 1978 – thời kỳ dòng phim này đang cực kỳ thịnh hành. Jennifer cũng “dùng” chính bản thân mình để quyến rũ, dụ dỗ, và trả thù hai kẻ tấn công mình. Trong phần tiếp theo của bộ phim này, mang tên I Spit on Your Grave: Deja Vu, nhân vật Jennifer đã trả lời trong bối cảnh một cuộc phỏng vấn trên radio rằng: “Lợi thế duy nhất tôi có thể tùy nghi sử dụng chính là sức hấp dẫn tình dục của chính mình. Tôi đã dùng nó để lôi kéo và lừa được họ.”
Đó cũng là cách mà Christy – con gái của Jennifer – đã thực hiện để trả thù vụ hiếp dâm tàn bạo mà cô là nạn nhân. Cả hai bộ phim này đều có những màn cưỡng hiếp tập thể (cũng như màn trả thù đẫm máu sau đó). Cả hai bộ phim này đều có những cảnh quay dài về việc những người đàn ông (và trong Deja Vu thì có cả phụ nữ) sỉ nhục, gây thương tích, và xâm hại nạn nhân.
Nhưng cả hai đều không cho khán giả biết làm thế nào mà những người phụ nữ gặp nạn trong phim có thể biến đổi từ một người hoàn toàn bất lực không thể chống trả những kẻ đang làm hại mình thành một con người “đầy sức mạnh” với đôi mắt lạnh lùng, không ngại xuống tay tàn bạo với hung thủ.
Trong The Perfection (2018), hai nhân vật nữ chính là Charlotte và Lizzie đã thành công phân thây kẻ đã làm hại hai người từ ngày còn bé. Nhưng để làm được điều ấy, cả hai đều ít nhiều hy sinh đi nhân tính của mình. Trong Revenge (2017), Jen dễ dàng hạ gục ba gã đàn ông đã làm hại cô. Ngầu, nhưng đạo diễn Coralie Fargeat đã để Jen biến chuyển từ một cô nàng tóc vàng nóng bỏng – một fantasy của đàn ông – sang một cô gái mạnh mẽ cá tính mặc quần short cực ngắn – cũng một fantasy khác của đàn ông.
Không phim nào trong số các ví dụ kể trên thực sự quan tâm đến hậu quả của cưỡng hiếp. Nhân vật có thể khóc, nhưng không ai cần sự an ủi từ người thân yêu. Khán giả không thấy họ đến bệnh viện, tìm chuyên gia tâm lý, càng không thấy bất cứ ai phải trải qua những cơn trầm cảm hoặc những đợt hoảng loạn hậu sang chấn. Trải nghiệm bị cưỡng hiếp biến nạn nhân thành những người “tháo vát” hơn, máu lạnh hơn, sẵn sàng “thực thi công lý” mà không hề nghĩ đến việc bị trả thù.
Trong quyển sách Watching Rape, tác giả Sarah Projansky cho biết, phim rape-revenge có thể được chia ra 2 loại chính. Hoặc là phụ nữ đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, nhận ra luật pháp không đứng về phía mình, và quyết định tự mình thực thi công lý. Hoặc sẽ có một người khác nhân danh nạn nhân để trả thù, còn nạn nhân thực sự lúc này trở thành một nhân vật phụ, là nền, là động cơ thúc đẩy của phần revenge.
Những người nhân danh nạn nhân thường sẽ là nam giới, là chồng, là cha, là bạn trai, hoặc một người phụ nữ khác thân cận. Tội ác mà những người trả thù thực hiện, cho dù bạo lực và nói thẳng ra đều là hành vi phạm pháp, được khán giả dễ dàng bỏ qua vì lý do cao thượng của nó. Nhân vật người cha trong The Virgin Spring đã giết hại dã man ba tên thủ phạm hãm hiếp và lấy mạng con gái ông. Kịch bản này lặp lại trong The Last House on the Left – bộ phim được xem là khuôn mẫu cơ bản của các phim thể loại rape-revenge.
Trong các bộ phim rape-revenge kiểu này, hành động của nam chính / người đi trả thù là mạch chính của toàn bộ câu chuyện. Sự kiện “bị lạm dụng”, đôi khi là cái chết, của nạn nhân là thứ kích hoạt câu chuyện. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều bộ phim rape-revenge được nam giới đạo diễn, từ những phim làm qua loa đến những cái tên kinh điển được tôn sùng. Mô típ người tốt bị bắt buộc phải thực hiện chuyện xấu vì một động cơ cao thượng là một câu chuyện mà hầu hết đàn ông đều muốn kể, và muốn xem.
Black Christmas (2019) là một câu chuyện khác về cưỡng hiếp và trả thù. Mặc dù không mấy thành công về mặt thương mại và phê bình nhưng bộ phim của đạo diễn Sophia Takal đã khai thác thành công điều mà đa số các bộ phim thể loại rape-revenge bỏ quên: tâm lý của nạn nhân sau cưỡng hiếp. Riley – nhân vật chính – cuối cùng cũng thành công trả thù kẻ làm hại mình, nhưng cô không làm việc ấy với động cơ trả thù. Đó là hành động tự vệ chính đáng.
Những series truyền hình cũng mang lại cân bằng hơn cho chủ đề này. Mùa đầu tiên của Big Little Lies xoay quanh câu chuyện nhân vật chính dần hồi tưởng lại quá khứ bị tấn công tình dục khi cô lo ngại con trai mình bị ảnh hưởng bởi cha nó – kẻ đã hãm hại cô. Khi danh tính kẻ ấy sáng tỏ, cô nhận được sự bảo vệ và ủng hộ từ chính cộng đồng của mình.
Series I May Destroy You (2020) tập trung vào hậu quả của việc bị tấn công tình dục. Arabella và những người bạn của cô đều đang cố gắng để đối mặt với chấn thương tâm lý của họ. Cuối cùng, mặc dù đã có nhiều cơ hội để lừa gạt, dụ dỗ, và trả thù kẻ đã làm hại mình, nhưng Arabella chọn cách để mọi thứ qua đi. Cô vượt qua, và tiếp tục sống một cuộc đời của riêng mình.
Vì với cô, cũng như với đa số những nạn nhân đời thực của hiếp dâm, thì sống tốt là cách trả thù hoàn hảo nhất.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…