Thoạt đầu ai cũng nghĩ Ratatouille là một cuốn phim hoạt hình dành cho trẻ con. Nhưng càng xem bạn sẽ càng nhận ra những triết lý sâu sắc ẩn bên trong nó.
Mâu thuẫn tâm lý của chú chuột Remy, trải suốt chiều dài cuốn phim, là những mâu thuẫn rất nhân sinh. Sống trong một thế giới “thuộc về kẻ thù” nhưng cậu lại đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp mà bản thân thấy được ở loài người. Remy khao khát tạo nên sự thay đổi, không chấp nhận số phận của loài chuột như lời bố cậu hằng khuyên ngăn.
Niềm tin đó, khao khát đó hơn một lần đẩy Remy vào nguy hiểm, khiến cậu phải buồn bã, xấu hổ và hoài nghi chính bản thân mình.
Remy không phải là “thánh” mà cũng có những lúc cậu ích kỷ và xấu tính. Như khi vừa bỏ chạy vừa cười sung sướng vì lừa được Luigini giải thoát cậu khỏi hũ thủy tinh.
Hay khi kéo toàn bộ gia đình chuột của mình vào ăn trộm thực phẩm ở trong bếp để trả đũa sự “vô ơn” của Luigini.
Nhưng Remy đã luôn chân thật ở hai điều, đó là sự gắn bó với gia đình và tình yêu dành cho việc nấu nướng.
Sự chân thành đó đã thuyết phục được người cha khó tính, và cũng hàn gắn mối quan hệ khăng khít giữa Remy với những người bạn loài người của cậu.
Cả cuốn phim Ratatouille xoay quanh mối quan hệ giữa vật với vật, giữa vật với người và giữa người với người. Một cuốn phim nhẹ nhàng với cái kết “đẹp” đúng tinh thần của phim hoạt hình. Nhưng lý do thực sự khiến nó được ca ngợi nhiều đến vậy, là bởi vì những bài học sâu sắc liên quan tới việc nấu ăn.
Lần đầu tiên leo lên mái nhà bằng kính nhìn vào bên trong căn bếp Gusteau, Remy đã có dịp ôn lại bài học về “kitchen brigade” của Georges Auguste Escoffier. Cậu rành rọt chỉ ra ai là Bếp trưởng, ai là Bếp phó, ai là Saucier… trong số những người đang làm việc bên dưới.
Nhưng khi tới Luigini thì Remy lại có một nhận định sai lầm: “Anh ta chẳng là ai cả”. Bởi theo Remy thì một người chỉ làm công việc dọn dẹp, lau sàn, đổ rác sẽ không có danh phận ở trong bếp.
Nghe vậy, linh hồn của đầu bếp quá cố Auguste Gusteau nhẹ nhàng đáp: “Có chứ. Cậu ấy cũng là một phần của căn bếp.” Và như để minh chứng cho lời ông nói, ở bên dưới, Luigini khi đi ngang qua nồi súp đang nấu bèn lén nêm lại nó theo ý mình.
Khỏi phải nói là mùi vị món súp dở như thế nào!
Thay vì tạo ra một tình huống để Luigini ra tay “cân team”, qua đó làm bật lên thông điệp mỗi cá nhân đều đóng một vai trò quan trọng ở trong bếp, thì hoạt cảnh mà Luigini gây ra lại minh chứng cho lời Gusteau nói theo một cách dí dỏm mà vẫn không kém phần sâu sắc.
Bởi vì mỗi người trong bếp đều bận rộn với công việc của mình, khó mà lúc nào cũng để mắt được tới người khác. Nên…
Nếu anh không ý thức được trách nhiệm và giới hạn của mình, thì hành động ngẫu hứng vốn chỉ nhằm thỏa mãn cá nhân của anh có thể gây ra những tai họa khôn lường ảnh hưởng tới không chỉ một vài đồng nghiệp mà đôi khi là cả căn bếp.
Có không dưới 4 lần trong Ratatouille, các nhân vật nói về chuyện “ăn trộm thức ăn”. Ngay cả với một người chưa từng làm bếp như Luigini cũng biết nói với Remy câu này: “Đừng có ăn trộm [thực phẩm]. Tao sẽ mua một ít gia vị, được chứ?”
“Ăn trộm” là một vấn đề thuộc về đạo đức, và ăn trộm bất kể thứ gì, dù chỉ là một mẩu đồ ăn nho nhỏ, cũng là lấy đi những thứ không thuộc về mình, những thứ mình không xứng đáng được hưởng. Hãy nhớ lại rằng Ratatouille là một cuốn phim hoạt hình. Lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà nghiêm khắc này sẽ có ích biết bao với những khán giả nhí.
Phần còn lại của câu nói: “Đầu bếp tạo ra đồ ăn” thậm chí còn tuyệt vời hơn. Nó chính là tuyên ngôn, là niềm tự hào của người đầu bếp, những người có khả năng “hô biến” nguyên liệu thô thành món ăn tươi ngon, hoàn chỉnh. Và nó cũng đồng thời là sứ mệnh cao cả của người đầu bếp: làm no bụng những người đang đói, khiến họ hạnh phúc.
Và có hai cách để làm được điều ấy, Colette đã bật mí cho Luigini: một là tự trồng, hai là mua chuộc những người trồng ra chúng.
Đó không phải là một lời nói giỡn. Nếu đã từng xem cuốn phim tài liệu về “thánh sushi” Jiro, bạn sẽ bắt gặp chi tiết đời thật tương tự, khi con trai của Jiro “bồi dưỡng” nhà cung cấp nguyên liệu ở phía sau xe chở hàng của ông.
Colette trong phim cũng được ưu ái rất nhiều phân cảnh giảng dạy cho Luigini về tác phong làm việc gọn gàng, sạch sẽ và năng suất của một đầu bếp. Những điều đó hoàn toàn chính xác và chắc chắn là bài học quý giá cho bất cứ ai đang tò mò về công việc ở bên trong một căn bếp chuyên nghiệp.
“Những luật lệ được viết ra để ngăn không cho phụ nữ bước chân vào thế giới [đầu bếp] này.”
Khi Luigini vừa mới được cho phép nấu ăn, cậu đã định “lấy le” với Colette. Ngay lập tức, nữ đầu bếp này quăng dao dằn mặt cậu. Mặc dù vậy, những lời Colette nói ở trên không phải là vô lý: đầu bếp đã từng là một nghề được mặc định chỉ dành riêng cho nam giới.
Để có thể chen chân vào và khẳng định được vị trí trong một môi trường khắc nghiệt như thế, bản lĩnh của Colette dĩ nhiên không vừa. Bằng vào kinh nghiệm của mình, tôi đoán chừng nếu cô không phải Junior Sous Chef thì cũng là Chef de Partie.
Đó là một chi tiết mang tính biểu tượng bởi nhiều lẽ.
Thứ nhất, nó khẳng định sự ủng hộ của Ratatouille dành cho nữ giới ở trong bếp.
Thứ hai, nó (qua tiếng nói của Colette) phê phán tư duy trọng nam khinh nữ, khẳng định rằng điều này đã lỗi thời trong thế giới hiện đại.
Và cuối cùng, nó một lần nữa củng cố thông điệp xuyên suốt của cuốn phim:
Tất cả những gì bạn cần, chỉ là tình yêu dành cho đồ ăn. Tuy nhiên…
Chỉ những người dũng cảm mới có thể trở thành đầu bếp tuyệt vời.
Chi tiết này tôi gần như đã bỏ quên, cho tới lần gần đây khi xem lại Ratatouille cùng bạn gái mình và cô ấy phá lên cười ở cảnh Remy dùng một giọt nước để rửa tay.
Đoàn làm phim rõ ràng không chỉ lấy một phân cảnh đó để tạo tiếng cười. Đội quân chuột sau này khi kéo vào phụ giúp Remy ở trong bếp thậm chí còn được “khử khuẩn” bằng máy rửa chén!
Các bậc phụ huynh chắc chắn sẽ phải cảm ơn Pixar nếu như con em mình tự giác rửa tay hơn sau khi xem phim. Còn các bạn làm bếp, cũng đừng quên vấn đề vệ sinh cá nhân nhé!
Skinner rõ ràng là một nhân vật phản diện trong Ratatouille. Nhưng sự cao ngạo, đố kỵ, tham lam của gã trong mắt tôi không đáng kinh tởm bằng việc sử dụng hình ảnh đầu bếp Auguste Gusteau quá cố trong các chiến dịch thương mại liên quan tới đồ ăn đông lạnh, đóng hộp, hâm lại bằng microwave và đồ ăn nhanh.
Gã thậm chí không hề xấu hổ khi định nghĩa corndog là “một loại xúc xích rẻ tiền tẩm bột rồi nướng kỹ” và hối thúc trợ lý của mình mau chóng ra mắt dòng sản phẩm này.
Khi Luigini trở thành chủ sở hữu của nhà hàng Gusteau, Pixar cũng không quên cho các đầu bếp của nhà hàng được một phen hả hê khi châm lửa đốt trụi đống thức ăn rác và những tấm biển quảng cáo đáng phỉ nhổ ấy.
Luigini không biết nấu ăn. Trên phương diện đầu bếp, tôi đánh giá cậu dưới cả mức trung bình. Vì sao?
Dù Remy giúp Luigini nấu ăn, nhưng cậu vẫn là người trực tiếp cắt thái, nấu nướng. Nếu là một người làm bếp sáng dạ, cậu sẽ ghi nhớ được những nguyên liệu, cách thức và trình tự mà Remy đã dùng. Nếu là một thanh niên ham học hỏi, cậu sẽ tranh thủ thời gian rảnh để ghi chép lại những gì đã học được từ Remy.
Nhưng rồi hai nhân vật xảy ra xung đột, Luigini không còn Remy ở bên nữa. Lúc này, khi nhân viên bếp hỏi về công thức những món cậu đã làm thì Luigini cứng họng. Điều đó chứng tỏ cậu không hề có năng khiếu lẫn tình yêu đối với việc nấu ăn.
Phải nói là Pixar đã xây dựng tính cách nhân vật rất cẩn thận và hợp lý, đưa Luigini trong hoàn cảnh ấy tới với quyết định “chuyển nghề” chạy bàn, để rồi đóng đinh ở vị trí mới này cho tới cuối phim.
Từ đó ta cũng có thể rút ra được bài học, rằng…
Sự may mắn, và đặc biệt là sự dối trá, không giúp bạn tồn tại được ở trong bếp. Chỉ có thực lực mới đảm bảo được điều đó mà thôi.
Tôi rất ghét việc người ta đặt tên tiếng Việt cho cuốn phim này là “Chú chuột đầu bếp”. Một cụm từ trần trụi, dù không sai khi dựa trên nội dung của cuốn phim, nhưng hoàn toàn làm mất đi tính biểu tượng và ẩn dụ của cái tên gốc.
Ratatouille là một món rau củ hầm dân dã, “tầm thường” đã xuất hiện ở Pháp từ cuối thế kỷ 18. Nhưng đó lại là món ăn mà Remy lựa chọn để đáp ứng đòi hỏi của nhà phê bình ẩm thực Anton Ego (“một sự phối hợp nhuần nhuyễn, gọn gàng, tươi mới”).
Bất chấp sự hoài nghi của không chỉ Colette mà cả Skinner và Ego, món ăn tầm thường này đã hoàn toàn đánh bại mọi cảm xúc của nhà phê bình ẩm thực khó tính. Khoảnh khắc đưa nó vào miệng, ông như được vụt trở về là một đứa bé nước mắt nước mũi tèm lem. Và mẹ ông, với món Ratatouille chất phác hiền hậu của bà, đã là niềm an ủi, mang nụ cười trở lại trên môi của cậu bé.
Sử dụng Ratatouille làm cái tên cho cuốn phim hoạt hình được tôn vinh là xuất sắc nhất trong lịch sử Pixar. Sử dụng món ăn Ratatouille làm “vũ khí” đánh bại Anton Ego, cây viết khó tính đã từng “hủy diệt” đầu bếp vĩ đại Auguste Gusteau. Sử dụng một món ăn thôn quê, với thành phần nguyên liệu khiêm nhường, cách chế biến đơn giản làm biểu tượng cho cuốn phim, để truyền đi một thông điệp thật rõ ràng:
Món ăn ngon là món ăn có khả năng đưa người ta trở về với những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời.
Đoạn phim dưới đây, trích từ Ratatouille là một ví dụ tuyệt vời cho quan điểm này và rất đáng để những ai đang đặt mục tiêu trở thành Bếp trưởng trong tương lai tham khảo.
Theo Đầu Bếp
Có thể bạn quan tâm:
#HọNóiLà: Nghe đầu bếp Culinary Frank nói về định kiến học thức, sự kiểu cách và vấn đề giết mổ động vật
#HọNóiLà: Cùng bếp trưởng Nghiêm Minh Đức bàn về định kiến: “Phụ nữ có thể nấu ăn, nhưng đàn ông mới là đầu bếp”
#Thư Từ Bếp: Từ A-Z, những gì tôi biết để trở thành một đầu bếp tốt
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…