Một ngày như bao ngày bình thường khác, vào những ngày cuối năm 1994, những tiểu thương kinh doanh trên hè phố Hà Nội bắt gặp một hình ảnh khiến họ vô cùng tò mò: một người đàn ông Nhật, tay cầm chiếc máy ảnh phim, lang thang khắp 36 phố phường Hà Nội để ghi lại hình ảnh các cửa hàng nhỏ và cuộc sống thường nhật của người dân Việt Nam.
Những người dân đã gặp ông không thể ngờ rằng, 19 năm sau, người Nhật trẻ tuổi đó đã trở lại quốc gia Đông Nam Á này với tư cách Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Fukada Hiroshi. Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Fukada Hiroshi đảm nhiệm chức vụ này trong khoảng thời gian 2013-2016. Trước khi đến Việt Nam, ông được bổ nhiệm sang Senegal.
Những bức ảnh về thủ đô được Đại sứ ghi lại sử dụng một máy ảnh phim. Hà Nội những năm đầu thập niên 1990 hiện lên trong ảnh của Fukada thật bình yên – với những mái ngói lô xô, cửa hàng tạp hóa tràn ra vỉa hè, hàng ăn nằm bên phố nhỏ với dãy xe cub Nhật đời mới là tài sản lớn lúc bấy giờ, các nữ sinh với áo dài trắng thong dong đạp xe trên phố.
“Đến giờ, tôi vẫn rất trân trọng những bức ảnh quý này. Tôi ước ao gặp lại những người mà mình đã chụp ảnh lúc đó”, đại sứ Fukada Hiroshi mở lòng.
Đại sứ Fukada cho biết thêm, trong số những bức ảnh ông chụp ở phố cổ Hà Nội, có hai bức ảnh mà ông nhớ nhất. Đầu tiên là tấm ông chụp một cửa hiệu ảnh nằm sâu trong phố cổ, còn tấm thứ hai là về một cô bé Hà thành có “khuôn mặt thiên thần.”
Ngay khi trở lại Việt Nam, ông đã giấu thân phận Đại sứ, một mình lặn lội đi tìm cửa hiệu ảnh ngày xưa, nhưng thật tiếc là cửa hiệu này đã thay chủ mới.
“Tôi cho ông chủ mới của cửa hàng xem những bức ảnh này và nói những bức ảnh này được chụp cách đây 20 năm. Người chủ rất ngạc nhiên. Sau đó tôi hỏi cuộc sống của người chủ năm xưa thì người chủ hiện tại bảo họ đã đi nơi khác, đã lập gia đình và sinh con”, đại sứ Fukada nhớ lại.
Về bức ảnh thứ hai, đại sứ Fukada kể rằng khi ông đang đi dạo trên phố thì gặp một cô bé rất dễ thương với khuôn mặt xinh xẻo và đôi mắt to tròn, trong veo như một thiên thần. Ngay lập tức ông nghĩ rằng đây sẽ là một nhân vật cho khung hình của mình. Ông tặng cô bé một hộp kẹo sôcôla và đề nghị chụp ảnh kỷ niệm với gia đình cô bé. Gia đình rất vui vẻ và cô bé cũng có vẻ tự nhiên trước ống kính.
Với tư cách một nhà nhiếp ảnh chứ không phải là một nhà ngoại giao, ông Fukada nói rằng những khung hình người dân Việt Nam đang quây quần bên mâm cơm gia đình hoặc đang làm việc, đi lại trên phố với năng lượng tràn đầy luôn là chủ đề yêu thích của ông. 20 năm là khoảng thời gian dài của đời người. Khi đến Việt Nam lần đầu, ông Fukada Hiroshi đã cảm nhận rõ sự thân thiện của người Việt cũng như nhiệt huyết của người dân địa phương trong việc phát triển đất nước. Và trong lần quay lại mảnh đất này, cảm giác bồi hồi đó vẫn không thay đổi, đối với ông đó là một đặc điểm vô cùng đặc biệt.
Một số hình ảnh khác trong bộ ảnh của Đại sứ Fukada Hiroshi
Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…
Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…
"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…
Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…
Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…