Kotaro Lives Alone (Kotaro Sống Một Mình) là loạt anime được Netflix chuyển thể từ bộ manga Kotaro wa Hitorigurashi của tác giả Tsumura Mami. Câu chuyện bắt đầu với anh chàng Karino Shin, một tác giả manga chật vật vì sự nghiệp không thành công. Karino hầu như không ra khỏi căn hộ. Anh sống dựa vào số tiền ít ỏi từ một số giải thưởng manga đạt được trước đây. Mọi chuyện dần thay đổi khi một ngày nọ, Karino nhận được quà ra mắt của hàng xóm mới – một cậu bé 4 tuổi.
Karino bối rối, không hiểu sao đứa bé này lại sống một mình như thế. Ban đầu, anh cảm thấy nó có chút phiền phức, nhưng dù hành xử trưởng thành đến đâu thì Sato Kotaro – tên chú nhóc hàng xóm – vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Qua 10 tập phim, câu chuyện về đứa bé kỳ lạ Kotaro dần được hé lộ.
Trẻ con, nhất là một đứa trẻ 4 tuổi, là những con-người-bé-nhỏ chưa có khả năng tự chăm lo cho bản thân. Việc các em hay làm (và nên làm) là hiếu động, trong sáng, vô tư, và yên tâm sống trong sự bảo bọc của những người yêu thương. Thế nhưng chú bé “hàng xóm mới” này hoàn toàn ngược lại.
Sato Kotaro, 4 tuổi, sống một mình trong căn hộ 202 khu chung cư Shimizu, tự mình làm lấy tất cả mọi việc: chào hỏi hàng xóm, mua sắm, nấu ăn, làm cơm mang đi học, đến trường, về nhà, ra công viên chơi, đi đến nhà tắm công cộng – tất cả đều không cần người lớn bên cạnh. Cách nói chuyện và suy nghĩ của Kotaro cũng có phần… kì cục so với lứa tuổi vì nhóc bắt chước “idol” trong bộ phim hoạt hình yêu thích của mình – một lãnh chúa thời phong kiến.
So với những đứa trẻ đồng trang lứa, Kotaro hệt như một người lớn mắc kẹt trong thân hình trẻ con. Ngay từ khi mới chuyển đến, nhóc Kotaro đã khiến mọi người cùng khu nhà chú ý. Mỗi tập phim là một hành trình nho nhỏ khám phá quá khứ đau buồn của nhóc Kotaro cùng với sự cảm thông và tình yêu thương mà những người hàng xóm mới dành cho cậu.
Kotaro không sinh ra là một “thiên tài” trong lốt trẻ con. Quá khứ thiếu vắng tình thương yêu và sự chăm sóc buộc nhóc Kotaro phải trở thành một đứa-trẻ-kỳ-quặc. Nhóc chưa biết chữ nhưng đặt báo mỗi ngày vì muốn “nhờ” người giao báo trông chừng giúp mình. Nhóc làm rất nhiều món ăn vì tin rằng đồ ăn là những người bạn. Nhóc cho 4 quả bóng bay “đóng giả” làm gia đình mình. Nhóc để bạn ném bóng vào mặt vì mỗi quả bóng như một lời nói, nếu né tránh lời nói của người khác, chẳng phải họ sẽ buồn sao?
Kỳ thực, Sato Kotaro vẫn là một đứa bé. Nhóc đáng yêu, ngoan ngoãn, hồn nhiên như những đứa trẻ 4 tuổi khác. Chỉ là nhóc không có cha mẹ để được yêu thương, chăm sóc. Hình ảnh mẹ Kotaro hiện ra mờ nhạt qua hồi ức của nhóc. Bố Kotaro lại là một người đàn ông bạo lực, thường xuyên đánh đập và bỏ bê cậu trong quá khứ. Nhóc từng đói đến mức phải ăn cả khăn giấy và cỏ. Nhóc cũng bị ám ảnh bởi việc phải giữ mình luôn sạch sẽ vì trước đây có thời gian dài không được ai tắm rửa. Nhóc thích chụp ảnh nhưng cũng sợ chụp ảnh vì lo lắng rằng bố sẽ tìm ra mình.
Trong hoàn cảnh không còn người thân bên cạnh, lẽ dĩ nhiên Kotaro bắt buộc phải trưởng thành sớm để có thể tự chăm lo cho bản thân. Nhưng điều đáng buồn hơn nữa, đó là trong tâm trí non nớt của mình, nhóc Kotaro cho rằng mình cần phải mạnh mẽ hơn nữa, tự lập hơn nữa, làm người khác vui lòng hơn nữa, thì bố mẹ mới lại xem mình là bảo vật mà thương yêu, quan tâm, lo lắng.
May mắn là khi biết được câu chuyện của Kotaro, những người hàng xóm xung quanh lại càng quan tâm Kotaro, để nhóc đón nhận tình yêu thương và sự chỉ bảo mà một đứa bé 4 tuổi như nhóc hiển nhiên được hưởng. Nhờ tấm lòng của họ, cuộc sống của nhóc Kotaro dần trở nên ổn định hơn. Không những thế, hành trình học cách quan tâm và yêu thương một đứa bé cũng giúp những người lớn trong phim dần giải quyết được những vấn đề của riêng mình.
Sato Kotaro là một nhân vật hư cấu. Thế nhưng ngoài kia, có biết bao nhiêu những cô bé cậu bé trải qua hoàn cảnh tương tự, nếu không muốn nói là tệ hơn nhóc Kotaro. Kotaro Sống Một Mình hoàn toàn không phải một bộ phim dễ xem. Thế nhưng tin chắc một khi đã bắt đầu, bạn sẽ không tài nào dừng lại. Phim đưa thông điệp nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa về việc yêu thương trẻ con, và quan trọng hơn cả là việc chữa lành cho “đứa trẻ” của riêng mỗi người.
Kotaro Sống Một Mình hiện đang có mặt trên Netflix.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…