Cine

Thu Cúc đi kiện – Hành trình đi tìm lẽ phải của chị phụ nữ nông thôn Củng Lợi

Thu Cúc đi kiện không phải là bộ phim đầu tiên Củng Lợi hợp tác cùng Trương Nghệ Mưu. Trước đó, cô đã từng xuất hiện trong Cao lương đỏ (1987), Cúc Đậu (1990), và Đèn lồng đỏ treo cao (1991). Cô là Mưu nữ lang đầu tiên, cũng là nàng thơ nổi tiếng nhất của ông cho đến hiện tại. Nhiều người tin rằng không ai hợp và thể hiện được chất phim của Trương Nghệ Mưu được như Củng Lợi.

Mỗi nhân vật cô từng thể hiện đều mang đến những dấu ấn hết sức đặc trưng. Cô gái quê Cửu Nhi không sợ trời không sợ đất; mợ trẻ xưởng nhuộm vải Cúc Đậu căng tràn nhựa sống; cô sinh viên Tùng Liên trong sáng buộc phải chấp nhận số phận vợ lẽ; chị nông dân Thu Cúc ngây ngô thô kệch, ngang bướng không ai bằng. Ngoại trừ lần trở thành bà Tư nhà họ Trần trong Đèn lồng đỏ treo cao và lúc làm Hoàng hậu trong Hoàng kim giáp, còn thì đa số trong những phim hợp tác với Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi đều thủ vai gái quê.

Cao lương đỏ
Cúc Đậu
Đèn lồng đỏ treo cao

‘Gái quê’ Củng Lợi mà đứng hàng hai, có lẽ không ai dám nhận thứ nhất. Và trong số tất cả những vai diễn phụ nữ nông thôn từng đảm nhận, vai Thu Cúc có lẽ là vai diễn đòi hỏi sự hy sinh nhiều nhất. Chị Cúc (xin phép gọi vậy cho thân mật) trong Thu Cúc đi kiện không đẹp. À không hẳn, chị vẫn đẹp, nhưng so với Cửu Nhi hay Cúc Đậu, phần đẹp của Thu Cúc lại chẳng át nổi cái cục mịch, quê mùa, thô kệch toát lên từ khuôn mặt, quần áo, lời nói, dáng đi.

Để hóa thân vào vai diễn này, Củng Lợi đã dành 2 tháng về sống ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Thiểm Tây. Cô làm việc và sinh hoạt như một người nông dân thực thụ. Củng Lợi gội đầu bằng xà phòng giặt quần áo, để mặt mộc mấy tháng trời để có được mái tóc xơ xác, rối bù và làn da đầy vết nám. Sự xả thân của cô dành cho vai diễn này đến nay vẫn được nhắc nhớ như một hình mẫu tiêu biểu cho tinh thần hy sinh vì nghề nghiệp.

Kinh qua nhiều vai diễn khác nhau, thế nhưng điểm chung dễ nhận thấy nhất ở tất cả các nhân vật Củng Lợi từng thể hiện, đó là tính quyết liệt, dấn thân, đã làm gì cũng làm cho đến nơi đến chốn. Bảo chị Cúc là người dám đấu tranh cũng phải, mà nói cô ngang bướng cũng chẳng sai. Thu Cúc đi kiện là một bộ phim hết sức dễ xem, dễ hiểu, vì nội dung không có gì lắt léo cũng chẳng có chỗ nào đánh đố khán giả. Thu Cúc đi kiện kể về câu chuyện đi kiện của chị nông dân Thu Cúc!

(Chỗ này lạc đề nói qua về tên phim. Tên tiếng Việt là Thu Cúc đi kiện, tên gốc là 秋菊打官司 [Qiū Jú dǎ guān sī – Thu Cúc đả quan ty], và tên tiếng Anh là The Story of Qiu Ju – Chuyện của Thu Cúc. Vẫn biết việc tìm kiếm một cái tên trong ngôn ngữ khác sao cho tương đồng với ý nghĩa cái tên trong ngôn ngữ gốc là một chuyện không dễ, nhưng cách gọi tên này vẫn khiến người ta thất vọng không ít. Phần tên tiếng Anh vừa không ăn nhập gì với tên gốc, vừa làm cho ấn tượng ban đầu với bộ phim trở nên… xa vời và hời hợt. Chuyện của Thu Cúc, mà là chuyện gì?)

Thu Cúc đi kiện bắt đầu bằng cảnh đường phố đông đúc người qua lại, xôn xao tiếng nói cười. Tiếng hí kịch văng vẳng làm người ta dễ liên tưởng đến cảnh 2–3h chiều xách radio ra cửa, loay hoay vặn núm dò đài rồi yên vị ngắm đường phố với tiếng nhạc rè rè rẹt rẹt bên tai. Ngắm người mãi 2 phút thì nhân vật chính mới chịu xuất hiện… một cách vô cùng mờ nhạt. Không nhạc hiệu đón bước, không ai né ra nhường đường. Nếu không nhờ cái áo bông đỏ và tấm khăn xanh choàng đầu thì có lẽ chẳng nhìn ra nhân vật chính của chúng ta mất. ‘Người đàn bà đẹp Trung Hoa’ Củng Lợi hoàn toàn chìm khuất dưới dáng dấp chị phụ nữ nông thôn quê kệch, xù xì, nặng nề với bụng bầu to tướng.

Ì ạch, lặt lè, chị Cúc cùng cô em dâu đang ‘thồ’ anh chồng đi khám bệnh. Sau trận cãi vã vặt, anh bị trưởng làng cho một cái đá vào hạ bộ. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu cú đá ấy không đáp ngay vào ‘chỗ hiểm’ của đàn ông còn chú trưởng làng sau đó biết đường mà xin lỗi gia đình anh chị. Nếu đã quen với những bộ phim nhịp điệu nhanh, có lẽ bạn sẽ bị buồn ngủ với Thu Cúc đi kiện, vì tình tiết phim không có cao trào, mọi thứ cứ thế đều đều diễn ra. Chuyện phim tương ứng với tựa đề. Xuyên suốt bộ phim là những lần chị Cúc đi đưa đơn khiếu nại, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất mà chị có thể đi.

Bộ phim này được xem là một trong những tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội xuất sắc nhất mà Trương Nghệ Mưu từng thực hiện. Vì sao chị Cúc đi kiện không mỏi mệt thế? À, các ông quan chức câu kết thông đồng, lại cả hệ thống giấy tờ quan liêu nên người ta mặc kệ dân đen, phải chứ?

Không, không phải như thế. Không ai làm ngơ, cũng không ai cố tình hãm hại gì nhà chị. Người ta vẫn thụ lý vụ việc, vẫn giải quyết, vẫn phân xử, thậm chí không ngại mua việc vào thân còn đem lòng chỉ dẫn giúp đỡ chị tận tình. Thế nhưng chị Cúc vẫn ‘bám dai như đỉa’, vẫn lỳ lợm thưa gửi hết chỗ này đến chỗ kia. Trưởng làng bực mình ‘Con mụ đã cắn rồi là nhất quyết không nhả.’, chồng đâm mệt mỏi ‘Người khác sẽ cho rằng nhà ta khác thường.’, ngay cả người trước đây từng giúp cũng lắc đầu ‘hờn lẫy’ ‘Tôi chỉ giỏi đi tìm bò chứ chẳng xử lý nổi việc cho cô.’ Chị ơi, tội tình gì chị làm thế?

Trong tất cả những lần đi khiếu nại từ xã lên thị xã, rồi đến thành phố, cuối cùng đem hẳn ra tòa án các cấp, chị Cúc chỉ theo đuổi một điều duy nhất, vì muốn lẽ phải được thực thi. Thứ công lý mà chị đi tìm không phải hành động ăn miếng trả miếng đá lại ngay chỗ ấy của trưởng làng cho dù chính miệng ông ta thách thức; cái lẽ phải mà chị đi kiếm cũng không phải là 200 hay 250 tệ tiền bồi thường nhằm mục đích hòa giải. Chị không khiếu nại vì muốn ăn thua đủ, vì muốn được đền bù, hay vì muốn ông trưởng làng phải trả giá. Cái chị cần là một lần cư xử đúng đắn, vì đơn giản với chị, ‘Làm sai thì nhận lỗi xin lỗi’ là chuyện hiển nhiên thôi.

Ngặt nỗi, trưởng làng thà chịu mất tiền, chứ không chịu mất mặt. Ở chức vụ như ông, với cá tính như ông, việc phải muối mặt nhân sai với một người thấp kém hơn mình về địa vị là một hành động tự hạ thấp bản thân quá đáng lắm. ‘Đưa tiền rồi không phải là xong hay sao?’ mà chị Cúc lại muốn cái thân trưởng làng còn phải đàng hoàng nhận lỗi! Ông tức hồng hộc ‘Tại sao phải lên tận cấp trên để bôi nhọ thanh danh tôi? Tại sao không dàn xếp cho xong tại đây, ngay bây giờ?’ Ông tức thế cũng dễ hiểu. Trong cái nhìn của ông, của chú cán bộ xã, của ông giám đốc Công an thành phố, của bác chủ nhà trọ, của anh luật sư mà chị Cúc thuê để đưa sự việc ra tòa, thì chuyện bồi thường thuốc men và thiệt hại thu nhập do không thể lao động đã là xứng đáng lắm rồi, đúng đắn lắm rồi. Cái chị nhà quê kia còn muốn gì nữa?

Thu Cúc không muốn gì ngoài một lời xin lỗi. Ở đây, cái lẽ phải chị Cúc cần, cái công lý chị bỏ công bỏ của tìm kiếm thuộc về phạm trù đạo đức, còn lẽ phải mà Văn phòng Công an các cấp và cả Tòa án có thể đem cho chị, lại nghiêng về phạm trù xã hội và luật pháp nhiều hơn. Đạo đức là thứ vừa dễ lại vừa khó làm. Rõ ràng, nói một câu xin lỗi thì chẳng chết ai, nó đơn giản và ít tốn kém hơn việc bồi thường (hoặc nặng nề hơn là vào tù ra khám). Thế nhưng nó khó ở chỗ, nếu người ta đã không muốn nhận lỗi thì chẳng có cái quái gì có thể bắt người ta xin lỗi được.

Đây là lúc pháp luật ra tay. Đạo đức là cần thiết, nhưng đạo đức là không đủ. Chúng ta đâu thể đơn giản làm mọi điều mình muốn bất chấp nó gây tổn hại thế nào, rồi sau đó chỉ cần thả lại một câu xin lỗi nhẹ nhàng là được. Pháp luật mất thời gian suy nghĩ, soạn thảo, và ban hành một bộ sưu tập các hình thức trừng phạt khác nhau tương ứng với những sai phạm khác nhau từ nhẹ đến nặng. Vậy là kẻ có lỗi thì bị phạt, người bị làm lỗi thì nhận đền bù. Nhưng xong rồi, người ta vẫn ấm ức nhau, vẫn ganh ghét nhau, vẫn tự hỏi ‘Sao đứa kia bị phạt ít thế?’, ‘Sao chỉ có tôi là phải chịu đựng thế?’, ‘Tôi cần được bù đắp nhiều hơn thế này.’, vân vân và vân vân. Chúng ta không hài lòng, chẳng ai hài lòng, nhưng chúng ta phải công nhận rằng pháp luật tuy không thể làm vui lòng tất cả mọi người nhưng chí ít cũng giúp đưa ra dấu chấm hết cần thiết cho sự việc, ngăn chặn những xung đột tiềm tàng khác xảy ra.

Trở lại với chị nông dân Thu Cúc, chị không cần pháp luật can thiệp, chị chỉ cần một lời xin lỗi tự nguyện và chân thành là xong (phải chân thành nhé, không chân thành cũng không tính đâu). Chị Cúc ‘lành’, nhưng chị cũng cố chấp lắm. Mặc cho bản thân chịu bao nhiêu ấm ức, đến cả chồng cũng quay ra trách móc, nhưng chị vẫn quyết tâm làm đến cùng để cái lẽ phải đáng xảy ra được xảy ra. Vậy nên chị mới đi lắm nơi thế!

Cuối cùng, cái lẽ phải chị tìm kiếm có xảy ra không? Không. Nó không xảy ra, hay nói đúng hơn là nó được thế chỗ bằng một sự đền bù – không phải đền bù cưỡng bức như 200 tệ tiền thuốc men, đây là một hành động đền bù tự nguyện (dù ông trưởng làng vẫn còn hờn mát đấy nhé!). Nhà chị nông dân Thu Cúc lập tức quên ngay cái nạn trước đây, chẳng cần ai xin lỗi xin lầm, vì giờ đây, gia đình chị lại thành ra người chịu ơn người ta. Hóa ra đằng sau vẻ cứng đầu phiền phức, chị Cúc lại hồn hậu và chân thật đến thế, ‘Trưởng làng thật sự giúp chúng ta, khi về phải sang cảm ơn ông ấy ngay.’ Chị hiền lành và ‘gương mẫu’ dễ sợ, đòi hỏi người cư xử đàng hoàng với mình thế nào, thì đến lượt mình, cũng cư xử đàng hoàng lại với người thế ấy.

Chị Cúc không hãm hại gì trưởng làng, chị chỉ muốn ông nhận lỗi với gia đình chị. Chị từ chối cả việc gây phiền phức đến người khác, vì mục tiêu cuối cùng và duy nhất của chị chỉ là lời xin lỗi của ông ấy mà thôi. Thế nên, lúc biết trưởng làng phải trả giá cho hành động đã gây ra, chị Cúc kinh hoảng lắm – có lẽ cũng chẳng khác gì chuyện tự nhiên ai đó đến báo với chị rằng chị vừa mới giết xong một người. Một bộ phim không dài, một câu chuyện đơn điệu, cùng một cái kết… hơi hụt hẫng. Chị Cúc nhanh nhanh chóng chóng chạy theo trưởng làng, bỏ dở cả ngày đầy tháng của đứa con trai đầu lòng. Chị thảng thốt, thất thần, dõi mắt theo chiếc xe đang chạy về phía xa. Chị đi tìm lời xin lỗi, thế nhưng bây giờ chị không cần nữa, lại còn chưa kịp báo ơn người ta cơ mà!

Không biết với tính cách quyết liệt, ngang bướng của mình, Thu Cúc có lại tiếp tục lội suối trèo đèo đi khắp mọi nơi để ‘đem’ bằng được ông trưởng làng về nhà không. Thôi thì cứ để người xem tự đoán tự suy vậy.

Xem thêm:
5 bộ phim cổ trang, võ hiệp Trung Quốc nổi bật 2021
Vì sao xã hội lại ám ảnh với sự bất tử trong phim ảnh?
Điểm qua 8 phim kinh dị ra mắt vào cuối năm nay
Dune là gì? Tại sao tác phẩm này lại là tượng đài của hàng loạt phim khoa học viễn tưởng?

Mi Nguyen

Recent Posts

14 điều nhỏ nhặt khiến cánh đàn ông bị hấp dẫn bởi nữ giới

Những điều nhỏ nhặt mà nữ giới thường hay làm hoặc có sẵn trong thâm…

5 giờ ago

Những loại cocktail nên gọi cho lần đầu vào bar (Phần 1): 7 thức uống kinh điển

Đôi khi, những thức uống mà ta quen miệng gọi mỗi lần vào một quán…

1 ngày ago

10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn

Trong đây là 10 nghịch lý để thách thức cách suy nghĩ thông thường của…

2 ngày ago

6 phong cách kiến trúc Pháp phổ biến ở Việt Nam

Sự hiện diện của thực dân Pháp không chỉ giới hạn ở chính trị, mà…

3 ngày ago

5 dấu hiệu cho thấy bạn và tổ chức đang làm việc kém hiệu quả

Sau đây là những "sát thủ" thường đe doạ đến năng suất của một tổ…

4 ngày ago

Triển lãm mỹ thuật của hoạ sĩ Trương Hán Minh (Kể Chuyện Nghìn Năm): Thiên nhiên Việt Nam tái hiện qua những bức thuỷ mặc

Những tác phẩm của Trương Hán Minh, như là lời tự tình với cội nguồn văn…

5 ngày ago